Đây là quyển sách nên đọc để hiểu về những nền tảng quan trọng mà bạn cần có trong thời đại mới, thời đại của AI, của robot, của kỷ nguyên số, của tương lai không thể quay lại với nền tảng analog nữa. Kỷ nguyên số mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng bắt con người ta phải đi học lại, tậu cho mình những kỹ năng mới, liên quan hơn với tương lai mới đó nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Đây là 20 kỹ năng quan trọng ai cũng cần để thành công trong kỷ nguyên số theo tác giả, cùng với lời bình và giải thích của tôi cũng như những chia sẻ nơi bạn có thể tìm tài liệu để tự học và trang bị thêm cho hành trình tương lai của cá nhân mình.
1. Digital literacy - Kỹ năng số
Trong môi trường làm việc số thì không thể thiếu kỹ năng số. Đây là chùm kỹ năng số ứng dụng trong việc học tập, làm việc, và lèo lái được cuộc sống hàng ngày với khả năng sử dụng các thiết bị, phần mềm, app một cách thông thạo, tự tin, và nhờ vậy mà có thể giao tiếp, cộng tác dễ dàng qua các nền tảng số, biết cách xử lý dữ liệu, hiểu biết về những công nghệ mới và giữ an toàn cho bản thân cũng như dữ liệu riêng trên không gian mạng.
Nhanh nhất là tìm đọc quyển sách Nym - Tôi của tương lai mà tôi đã xuất bản năm 2021. Quyển sách này tôi viết cho người không có nền tảng công nghệ, gần như là thư viện về kỹ năng số dành cho người bình thường. Link sách ở đây: https://saigonbooks.com.vn/shop/product/nym-toi-cua-tuong-lai-ban-thuong-kn0909-5291
2. Data literacy - Kiến thức về dữ liệu
Dữ liệu trong thế kỷ 21 là tài sản cực kỳ quan trọng của bất kỳ tổ chức nào. Do đó, bất kỳ công ty, tổ chức nào cũng sẽ cần nhân sự có hiểu biết về dữ liệu, là khả năng tiếp cận dữ liệu cần thiết, làm việc với dữ liệu một cách tự tin (bao gồm tạo ra/tổng hợp dữ liệu, giữ cho dữ liệu luôn update mới nhất, vv), tìm ra ý nghĩa từ dữ liệu, và cuối cùng là khả năng trình bày, phân tích dữ liệu để đưa ra góc nhìn, đề xuất hợp lý từ dữ liệu đó. Ngoài ra, khi tiếp cận dữ liệu, bạn cũng cần phải có khả năng chất vấn nguồn gốc, tính hợp lệ của dữ liệu thay vì chỉ biết nghe trình bày một cách mù quáng.
Tầm quan trọng của dữ liệu cũng được chia sẻ rất nhiều trong quyển sách "Nym - Tôi của tương lai".
3. Technical skills - Kỹ năng cứng
Kỹ năng cứng thật ra không có gì là mới. Đây chính là kỹ năng trong ngành nghề mà bạn đang theo đuổi. Nếu là kế toán thì cần các kỹ năng về ngành kế toán. Dù đang làm nghành nghề gì, điều kiện quan trọng nhất vẫn là thông thạo kỹ năng cần có trong nghề nghiệp của mình, không ngừng nâng cao, và quan trọng hơn nữa là giữ cho kỹ năng up-to-date (cập nhật mới nhất), đặc biệt với sự can thiệp của những công nghệ mới trong ngành.
4. Digital threat awareness - Hiểu biết về rủi ro số
Thế giới online từ lâu đã trở thành một phần trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, ở đâu có thế giới thì ở đó có nguy hiểm và rủi ro. Do đó, biết sử dụng không chưa đủ, bạn còn phải biết cách tự bảo vệ bản thân và tổ chức khỏi những kiểu lưu manh mạng như hacking, phishing (tấn công giả mạo), vi phạm dữ liệu cá nhân, bắt nạt trên không gian mạng, nghiện điện thoại và các nền tảng số, vv. Cho nên, ai cũng cần phải có kiến thức và học các công cụ để tự bảo vệ bản thân, gia đình và tổ chức.
Bạn có thể đọc thêm về kiến thức này trong quyển sách “Tôi, Tương lai & Thế giới” mà tôi đã xuất bản. Link tìm hiểu về sách ở đây: https://saigonbooks.com.vn/shop/product/toi-tuong-lai-va-the-gioi-kn0909-4836
5. Critical thinking - Tư duy phản biện
Trong thế kỷ của tin giả, tin lan tràn trên mạng xã hội, thông tin đầu vào quá nhiều từ quá nhiều nguồn thì, khả năng quan trọng nhất là làm sao giữ cho bản thân khách quan, phân tích vấn đề dựa trên bằng chứng, dữ liệu đúng, chính xác, đáng tin cậy thay vì để cho bản thân bị dẫn dắt bởi ý kiến cá nhân hay định kiến, thiên kiến, vv. Chỉ bằng cách như vậy thì quyết định đưa ra mới phù hợp và chính xác được. Do đó, tư duy phản biện hiện đang là một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu trong sự lộn xộn của thế giới hiện nay.
Kỹ năng này tôi đã chia sẻ rất nhiều bài, nhiều lần, thành một chương trong quyển sách “Tôi, Tương lai & Thế giới” và đã xây dựng thành khoá học miễn phí trên blog nguyenphivan.com. Link khoá học ở đây: https://www.nguyenphivan.com/challenge-page/b5da9564-b35d-4609-8f44-7e461e80df7f
6. Judgment and complex decision making - Đánh giá & đưa ra quyết định trong những tình huống phức tạp
Thế giới ngày càng vội vã, quá nhanh quá nguy hiểm, và dường như ép buộc chúng ta phải cuốn theo tốc độ đó. Vì vậy, và với dung lượng thông tin tràn ngập, thật giả lẫn lộn, con người rất dễ trở nên hàm hồ, chưa kịp hiểu đã cho là, đưa ra góc nhìn, ý kiến, quyết định một cách non xanh, thiếu tư duy, suy nghĩ cho thấu đáo. Trong thế giới hỗn tạp như thế này, kỹ năng quan trọng là phải nhìn xuyên qua được tất cả những đám sương mù thông tin, tìm ra dữ liệu và bằng chứng thật để đưa ra quyết định. Thế giới càng phức tạp, kỹ năng này càng quan trọng. Bằng không, bạn sẽ chỉ vội vã đưa ra những nhận định và quyết định sai. Đây cũng là lúc mà giá trị cốt lõi, niềm tin của cá nhân vào những điều đúng đắn trở nên cực kỳ quan trọng. Nếu thiếu đi nền tảng giá trị, con người dễ dàng bị cuốn theo ý kiến của đám đông, trở thành nạn nhân của sự thao túng tâm lý và góp phần vào sự độc ác, xấu xa lúc nào không biết.
Kỹ năng này bạn có thể học trong sách “Tôi, Tương lai & Thế giới”. Link đã cung cấp ở trên.
7. Emotional intelligence and empathy - Trí tuệ cảm xúc & khả năng thấu cảm
Dù AI có đang hot và tiến vào môi trường làm việc thì, con người vẫn cứ là lực lượng lao động chính yếu. Đã thế, thì mãi mãi sẽ vẫn còn quan hệ giữa người với người, vấn đề giữa người với người, từ đơn giản đến cực kỳ phức tạp. Do đó, lúc nào bạn cũng cần có trí tuệ cảm xúc và khả năng thấu cảm để có thể lèo lái hành trình sự nghiệp của mình một cách thuận lợi hơn. Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận thức, biểu hiện và kiểm soát cảm xúc của bản thân. Người có trí tuệ cảm xúc hiểu rằng cảm xúc của mình ảnh hưởng đến hành vi và đương nhiên vì thế mà tác động đến người xung quanh. Do đó, họ học cách quản trị cảm xúc một cách hiệu quả trong mọi tình huống. Thấu cảm - khả năng nhìn thế giới qua lăng kính của người khác là chìa khoá quan trọng để xây dựng trí tuệ cảm xúc.
Bạn có thể học thêm về Trí tuệ cảm xúc trong sách “Tôi, Tương lai & Thế giới” hoặc tại khoá học miễn phí trên blog nguyenphivan.com. Link khoá học: https://www.nguyenphivan.com/challenge-page/600a5d92-f21b-48e6-856e-35a8edb767fe
8. Creativity - Khả năng sáng tạo
Sáng tạo là khả năng biến ý tưởng mà mình tưởng tượng ra thành hiện thực. Đây hiện cũng đang là một trong những kỹ năng quan trọng và cần thiết nhất cho người đang đi làm. Với sự tham gia vào lực lượng lao động của máy móc, robot, công nghệ thì, giá trị của mỗi con người nằm ở khả năng sáng tạo chứ không còn là khả năng thực hiện công việc lập đi lập lại hàng ngày nữa. Thử thách mới mà mỗi chúng ta cần đối mặt là nhận dạng dạng vấn đề, suy nghĩ về những giải pháp sáng tạo nhất và cuối cùng là triển khai giải quyết vấn đề đó để mang lại nhiều giá trị hơn, để thay đổi cách làm cũ và tạo ra cách làm mới hiệu quả hơn. Ai thiếu đi khả năng này sẽ khó mà thăng tiến tại chỗ làm trong tương lai.
Bạn có thể học thêm về kỹ năng này trong sách “Tôi, Tương lai & Thế giới” và các bài viết trên blog Nguyen Phi Vân.
9. Collaboration and working in teams - Cộng tác và làm việc nhóm
Thời nào cũng vậy, và đặc biệt là thời này, khi không chỉ có người cộng tác với người mà còn là người cộng tác với máy, người từ nhiều quốc gia, vùng miền và văn hoá khác nhau thì, kỹ năng cộng tác và làm việc nhóm luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu. Dù hình thức cộng tác giờ có thể đã khác đi do làm việc từ xa, làm việc online, làm việc freelance thay vì full-time, vv, nhưng làm gì thì cũng cần phải cộng tác, và thế giới càng chuyển động theo nhiều thái cực thì khả năng cộng tác phải càng ngày càng giỏi hơn. Hơn nữa, thế kỷ 21 là thế kỷ của dự án. Một cá nhân có thể tham gia nhiều dự án, nhiều team khác nhau, không còn sống trong những ống dẫn tách biệt theo phòng ban nữa. Thế giới càng phức tạp, kỹ năng này càng quan trọng là như thế.
Bạn có thể học kỹ năng này miễn phí trên blog Nguyen Phi Van. Link khoá học: https://www.nguyenphivan.com/challenge-page/teamwork-effectiveness-lam-viec-doi-nhom-hieu-qua
10. Interpersonal communication - Giao tiếp giữa cá nhân với cá nhân
Này khỏi phải nói, luôn luôn là kỹ năng quan trọng trong thế giới loài người, trừ phi bạn không nghĩ mình không còn đang sống trong thế giới loài người nữa. Giao tiếp cá nhân bao gồm tất cả mọi loại hình giao tiếp, từ nói, viết, phi ngôn từ đến kỹ năng lắng nghe. Kỹ năng này cơ bản đến nỗi không có nó không biết sao mà làm việc được. Thế nhưng, số người thông thạo kỹ năng này lại không phải là số đông. Kỹ năng không tự nhiên mà có. Trường lớp có khi không dạy nên bạn cứ phải tự học thêm, không thì bạn sẽ có một hành trình làm việc cực kỳ gập ghềnh, do thiếu giao tiếp hay giao tiếp không đúng cách mà ra. Học cách tiếp cận khác nhau với những người khác nhau, với khán giả khác nhau là điều cực kỳ quan trọng. Bản thân mình cũng phải tạo phong thái giao tiếp riêng, phù hợp với tính cách và giá trị cá nhân nữa.
Bạn có thêm học thêm về kỹ năng này trong sách “Tôi, Tương lai & Thế giới” hoặc trong khoá học miễn phí EI @work - Trí tuệ cảm xúc cho người đi làm. Link khoá học: https://www.nguyenphivan.com/challenge-page/600a5d92-f21b-48e6-856e-35a8edb767fe
11. Working in gigs - Làm việc theo dự án
Ngữ cảnh tương lai là, con người sẽ bắt đầu trở thành free agents - nhân sự tự do, đặc biệt là những người có chuyên môn cao, giỏi, xuất sắc và có khả năng đóng góp cho nhiều dự án. Từ GenZ trở đi cách tham gia lao động sẽ ngày càng theo hướng này, tự do, linh hoạt, chọn tham gia dự án yêu thích, tự sở hữu và chịu trách nhiệm cho phần việc của mình, cho sự phát triển nghề nghiệp và chuyên môn của mình mà không dựa vào bất kỳ tổ chức, công ty nào. Từ khoá “Gig economy” - nền kinh tế dự án được sinh ra là vì thế. Sau này, cho dù bạn có tự do hay đi làm full-time thì mong muốn của tổ chức cũng sẽ giống nhau, bạn phải tự sở hữu, tự chịu trách nhiệm và hoàn thành phần đóng góp của mình chứ không còn chờ ai đi theo dõi, quản trị cá nhân bạn nữa. Không làm được thì bạn out. Không ai rảnh mà đi theo nhắc nhở, đôn đốc này nọ. Bạn đã sẵn sàng chưa?
Bạn có thể học kỹ năng làm việc dự án hiệu quả trong khoá học miễn phí “Làm việc đội nhóm hiệu quả” mà tôi đã soạn trên blog. Link khoá học đã cung cấp ở trên.
12. Adaptability and flexibility - Khả năng thích nghi & linh hoạt
Thế giới thay đổi nhanh như vậy thì môi trường làm việc nào có giữ nguyên. Nào là công nghệ mới, tự động hoá, phải phân tích thông tin và dữ liệu mới liên tục, hành vi khách hàng thay đổi liên tục, vv. Vậy có nghĩa là mỗi ngày qua đi ta sẽ phải đối diện với nhiều thứ mới, có thể làm thay đổi một phần hay hoàn toàn ý định, dự định, kế hoạch ban đầu. Cho nên, ai không đủ linh hoạt để thích nghi và thay đổi liên tục sẽ vô cùng khó khăn trong công việc. Đi làm cần phải giữ cho tư duy mở, luôn sẵn sàng thay đổi và học hỏi cái mới, sẵn sàng thích nghi với hoàn cảnh mới, tập trung vào cơ hội mới chứ không phải là khó khăn hay rào cản.
Bạn có thể học thêm về kỹ năng này trong sách “Tôi, Tương lai & Thế giới” và khoá học miễn phí “Agile Mindset - Tư duy linh hoạt” trên blog. Link khoá học: https://www.nguyenphivan.com/challenge-page/agile-mindset-tu-duy-linh-hoat
13. Cultural intelligence and diversity consciousness - Nhận thức về văn hoá & sự đa dạng văn hoá tại nơi làm việc
Thế giới đấu tranh ngày càng tích cực cho sự công bằng, trong đó có công bằng trong sự đa dạng văn hoá, tránh kỳ thị, định kiến về phân biệt chủng tộc, giai cấp, tuổi tác, giới tính, sự khuyết tật, vv. Trên thế giới, ngày càng có nhiều công ty, tổ chức đã đưa nhận thức này vào văn hoá doanh nghiệp. Do đó, để có thể lèo lái hành trình sự nghiệp của mình, bạn không thể không trang bị cho bản thân nhận thức về sự đa dạng văn hoá tại nơi làm việc. Từ khoá CQ - Cultural Intelligence (cultural quotient) - Trí tuệ văn hoá vì thế trở thành một điều kiện để đánh giá phẩm chất của một nhân sự khi tham gia vào tổ chức.
14. Ethical awareness - Nhận thức về đạo đức
Nếu hỏi AI hay robot có đạo đức không thì chắc không ai trả lời được, vì đạo đức nằm đằng sau màn hình, được lập trình bởi những người trẻ hiểu rất rõ về công nghệ nhưng chưa chắc hiểu rõ các tầng sâu lắng của đạo làm người. Do đó, thế giới đang phân làm 2 luồng, một bên chủ trương kiểm soát sự phát triển của công nghệ sao cho nó không tác động đến nhân quyền, không phân biệt chủng tộc, giới tính, văn hoá, vv. Một bên thì pro tech và cho rằng cứ cần phải phát triển chứ không nên tạo ra giới hạn. Ai cũng có lý lẽ của họ. Nhưng ví dụ như đưa case thiết kế gien của công nghệ CRISPR chẳng hạn, khả năng sửa đổi, điều chỉnh hệ gien để tạo ra những con người siêu việt đi, thì bạn nghĩ sao? Ta có nên tạo ra những con người siêu việt để tạo thành giai cấp siêu việt và giai cấp lỗi gien một cách truyền thống hay không? Tất cả những câu hỏi tương tự với sự phát triển của công nghệ ví dụ như từ AI và robot cần được đặt ra sẽ cũng tạo ra những “vấn đề” mà các tổ chức cần giải quyết. Do đó, nhận thức về đạo đức là khả năng cần có khi các tổ chức phải đối diện với những “vấn đề” này, vì chúng đã trở thành vấn đề nóng của cả thế giới.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về các “vấn đề” mang tính đạo đức toàn cầu do công nghệ tạo ra trong quyển sách “NYM - Tôi của tương lai”. Link tìm hiểu sách đã cung cấp ở trên.
15. Leadership skills - Kỹ năng lãnh đạo
Ngày xưa mình nghĩ, ai làm lãnh đạo thì cần kỹ năng lãnh đạo. Ngày nay, chắc phải nghĩ lại, vì ai cũng cần kỹ năng lãnh đạo. Sự dịch chuyển về cơ cấu tổ chức của các công ty để đáp ứng sự dịch chuyển về lao động toàn cầu đã dẫn đến cơ cấu tổ chức linh hoạt, sử dụng nhiều chuyên gia freelance, quản trị theo dự án, với cơ chế cộng tác toàn cầu, với nhiều nhân sự từ nhiều lĩnh vực và văn hoá khác nhau, cùng với cơ chế lao động có AI và robot tham gia nữa thì, con người cuối cùng ai cũng phải trở thành lãnh đạo nếu muốn lèo lái được công việc trong môi trường ngày càng đa dạng. Đầu tiên hết phải là lãnh đạo chính mình, chịu trách nhiệm và sở hữu công việc của mình, sau đó là đóng góp vào dự án chung với các team khác nhau. Bạn có thể không phải là trưởng phòng nhưng hoàn toàn có thể là lãnh đạo của một dự án. Vậy thì bạn lấy đâu ra kỹ năng lãnh đạo để quản trị team dự án của mình đây?
Cho nên, công việc của tương lai đòi hỏi ai cũng cần phải có kỹ năng lãnh đạo. Nó không còn là điều kiện cần cho chức vị nào đó nữa mà trở thành kỹ năng cần có cho tất cả mọi người có tham gia lao động.
Trong khoá học Làm việc đội nhóm hiệu quả miễn phí trên blog, tôi có soạn bài về kỹ năng lãnh đạo. Bạn có thể tìm học nhé. Link khoá học đã cung cấp ở trên.
16. Brand of “you” and networking - Xây dựng thương hiệu cá nhân & kỹ năng kết nối
Mà với cái cơ chế lao động của “Gig economy” - nền kinh tế freelance thì, ai cũng phải là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, và rồi ai cũng phải tham gia vào những dự án trong một hay nhiều tổ chức. Vậy thì bạn xây dựng hình ảnh chuyên gia của mình như thế nào? Nhất là khi biên giới vật lý không còn là vấn đề. Khi team có thể là những người khác lĩnh vực từ nhiều nước khác nhau cùng tham gia một dự án thì sao? Làm sao để từ bên kia bờ đại dương người ta cũng biết về bạn và mời bạn tham gia dự án? Kỹ năng xây dựng “brand” cá nhân, từ online đến offline trở thành kỹ năng quan trọng để bạn promote chính mình, tạo cơ hội cho bản thân tham gia vào nhiều dự án hay ho, xuyên lục địa.
Hơn nữa, khi vấn đề lao động không còn nằm chỉ ở chuyện đi tìm việc và làm full-time nữa thì, bạn tìm job, tìm dự án và cơ hội ở đâu ra nếu bản thân thiếu đi network - mạng lưới quan hệ có khả năng tạo ra cơ hội mới cho mình? Chính vì vậy, xây dựng thương hiệu cá nhân và sử dụng nó để kết nối, không những trong mà còn ngoài ngành, không những offline mà còn online, không những chỉ tại Việt Nam mà còn toàn cầu là nền tảng quan trọng để thành công trong tương lai.
17. Time management - Quản trị quỹ thời gian
Kỹ năng này thì nói hoài không cũ. Đi làm, đi học, làm full-time hay freelance, làm thuê hay làm chủ gì cũng phải học cách quản trị quỹ thời gian thì mới trở nên hiệu quả và xuất sắc được. Huống chi trong ngữ cảnh tương lai khi một người có thể tham gia nhiều dự án cùng một lúc thì làm sao bạn chắc chắn là mình deliver - tạo ra kết quả theo đúng thời gian và yêu cầu của từng dự án? Nếu không deliver được thì coi như xong phim, vì tương lai không ai đi theo dõi và đùn đẩy bạn nữa đâu. Không deliver thì out. Vậy thôi à. Bạn đã sẵn sàng cho điều đó chưa?
Bên cạnh đó, công nghệ ngày càng phát triển nhưng con người thì ngày càng ít thời gian và mất cân bằng, vì có bao nhiêu thời gian rảnh bị thế giới ảo nó giành giật hết rồi. Vậy thì bạn còn thời gian để chăm sóc bản thân, để balance giữa công việc và sức khoẻ tinh thần không? Ngoài kia, số người bị các căn bệnh rối loạn, trầm cảm ngày càng tăng cao, vì không còn tải nổi khối lượng drama, thông tin đa chiều, fake news tràn lan và những rủi ro bị xúc phạm online, vv. Kỹ năng quản trị quỹ thời gian giờ đây cần phải được nâng cấp vì thời gian ngày càng ít đi, mối quan tâm ngày càng nhiều hơn, và rủi ro ngày càng nghiêm trọng.
Tôi viết rất nhiều bài blog về quản trị quỹ thời gian trên blog Nguyen Phi Vân. Bạn có thể search Google bằng từ khoá “Quản trị quỹ thời gian” hay “Time management” để tìm đọc và học thêm nhé.
18. Curiosity and continuous learning - Tính hiếu kỳ và khả năng học hỏi liên tục
Trong thế giới mà ngày nào cũng có thứ mới, ngày nào cũng có thử thách mới, ngày nào cũng có thể là ngày trở về với day zero của một ngành nghề nào đó và cần phải học lại từ đầu thì, ai không có tính ham học hỏi, hiếu kỳ, và kỹ năng học cả đời thì chỉ có mọc rêu mà thôi. Cho nên, dù bạn bao nhiêu tuổi, làm tới chức vị gì, dù bạn tốt nghiệp trường nào và đang sống ở đâu cũng vậy hết, nếu muốn còn relevant - liên quan trong thế kỷ mới thì chỉ còn cách là mở đầu mở tim ra mà học, hàng ngày, hàng giờ, từ bất cứ ai và bất kỳ đâu. Nếu ở đó mày mặt này nọ thì thôi, sayonara và tiễn vào viện bảo tàng cho nó êm, vì ngoài kia không phải là thế giới cho những người cố chấp.
Tôi viết rất nhiều về đề tài “Học cả đời” trong sách “Tôi, Tương lai & Thế giới” cũng như nhiều bài trên blog và podcast Nguyễn Phi Vân. Bạn có thể tìm đọc để hiểu và rèn luyện thêm nhé.
19. Embracing and celebrating change - Thích nghi và thoải mái với thay đổi
Nãy giờ mình đã chia sẻ rất nhiều về sự thay đổi, hằng số duy nhất trong thế giới bất định và biến động. Khi thay đổi đã là hằng số và nó nhảy chồm chồm ra từ bất kỳ góc nào trong bất kỳ tổ chức gì mà bạn đang tham gia thì, không có cách nào mà bạn tránh nó được. Không tránh được thì chỉ còn một cách là đối diện với nó. Nếu muốn mọi người thay đổi theo thì phải học cách quản trị sự thay đổi. Còn nếu bản thân bị sự thay đổi nó tác động thì phải học cách lèo lái sự thay đổi cho nó xì-mút (smooth) - êm ả nhất trong hành trình của cá nhân mình. Đằng nào cũng phải học. Nếu còn chưa thích nghi và học cách làm bạn với thay đổi thì báo trước là, hành trình phía trước trong sự nghiệp sẽ cực kỳ gập ghềnh đấy nhé.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về khả năng này trong khoá học miễn phí “Xây dựng nội lực để thành công” trên blog. Link khoá học: https://www.nguyenphivan.com/challenge-page/goals-achievement-thanh-cong
20. Looking after yourself - Chăm sóc bản thân
Với bao nhiêu thứ đó đang xảy ra cùng một lúc trên thế giới, trong cuộc sống cá nhân thì, bạn nghĩ mình có kham nổi không? Hay sẽ gục ngã vì quá áp lực, quá nhiều thứ phải đối mặt, quá nhiều thứ phải học thêm, quá nhiều thay đổi phải thích nghi, vv? Cuối cùng, mình sinh ra là để làm gì nhỉ? Để sống một cuộc đời giá trị và hạnh phúc hay chỉ để cuống cuồng, nháo nhào chạy theo áp lực tới ngày check out khỏi hồng trần? Làm gì làm, câu hỏi cơ bản nhất của một đời người vẫn là ta sinh ra để làm gì, và ta có tận hưởng mọi thứ trên hành trình cuộc sống hay không? Nếu không thì có quá phí một đời người sau những màn đua chuột?
Vì vậy, thế giới ngoài kia càng hỗn loạn và thách thức thì thế giới trong này càng phải bình an, cả về thể chất lẫn tâm hồn. Chăm sóc bản thân là thế, là khả năng hiểu mình, hiểu mục đích sống và giá trị của mình, cân bằng giữa những lựa chọn để bình an giữa những bão giông. Đây có thể nói là nền tảng cực kỳ quan trọng để giữ bạn trong cuộc chơi, trong mọi chuyển động và biến động không ngờ của tương lai mới.
Tôi cùng chia sẻ rất nhiều về sức khoẻ tâm thần trong sách “Tôi, Tương lai & Thế giới” cũng như nhiều bài viết về sự trở về, học cách bình an trên blog. Bạn tìm để tham khảo nhé.
Nghe 20 kỹ năng dài như cái sớ táo quân nhưng thật ra trong đó có rất nhiều kỹ năng và khả năng là cơ bản và nền tảng mà thời nào cũng phải cần. Trong thời đại số thì có khi chúng trở nên quan trọng hơn hẳn vì tính nghiêm trọng của môi trường và hoàn cảnh. Do đó, đừng ngán ngẩm và bỏ cuộc. Trước hết là chuốt lại những kỹ năng sẵn có. Sau đó là lên kế hoạch học và rèn luyện từng kỹ năng mới trong năm 2024 chứ cũng không có gì phải cuống cuồng và lo lắng. Cứ học mỗi ngày một chút là được thôi mà. Ai đọc được tiếng Anh nữa thì nhớ tìm sách "Future Skills" này mà đọc nhé.
Comments