Bữa tất niên Thư viện Ước mơ, mình có tâm sự với các bạn trong team tình nguyện viên cơ hữu của dự án là, trong khi đang điều trị bệnh năm 2023, mình rất thẳng thắn và nghiêm túc đặt câu hỏi cho bản thân, “Nếu ngày mai mình không còn trên cõi đời này nữa thì đâu là những việc mình sẽ làm thật quyết liệt ngày hôm nay để chuyển giao nền tảng vững vàng lại cho thế hệ tiếp nối?”.
Cuộc sống, mười chuyện thì hết 7, 8 chuyện bất như ý. Và không ai có thể ôm mãi những việc mình đang làm mà không nghĩ đến việc chuyển giao. Bên cạnh đó, cuộc sống là vô thường, và không ai biết trước chuyện gì sẽ xảy đến với mình ngày mai, hay ngay cả phần còn lại của ngày hôm nay. Chuyện này, trước nay mình vẫn lĩnh hội rõ ràng. Nhưng trên thực tế, khi phải trải qua sự kiện có sự co kéo của sự sống và cái chết thì con người mới thật sự hiểu rõ. À thì ra nó luôn ở đó, trong tâm trí mình, nhưng chưa bao giờ được xếp hàng vào thứ tự ưu tiên. Cho đến khi….
Cho đến khi mình phải thật sự nghiêm túc và đối diện, như nó có thể xảy ra ngay bây giờ, hay bất kỳ lúc nào trong một tương lai rất gần mà bản thân con người không bao giờ control được cả. Vậy là trong cuộc đối thoại cực kỳ thẳng thắn và nghiêm túc ấy, mình chỉ đặt xuống bàn 3 việc quan trọng nhất trong đời cần phải làm liền, làm nhanh, làm cho ra ngô ra khoai, xây dựng nền tảng vững chãi cho những người kế nhiệm. Đương nhiên, việc đầu tiên nghĩ đến thì phải là gia đình, và quan trọng nhất là con gái. Mặc dù bạn đã rất trưởng thành và tự lập, nhưng đâu đó về tinh thần vẫn cứ là trẻ con trong mắt của phụ huynh. Vậy thì, 2025 sẽ là năm bạn cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để đối diện với tất cả những vấn đề còn lại của nhân gian, từ cuộc sống, sự nghiệp, đến kế nghiệp. 29 Tết, hai mẹ con đi cà phê. Mình đề nghị bạn năm nay sẽ tham gia làm việc trong những cuộc quan trọng cùng mình, để học hỏi và trưởng thành hơn trong kinh doanh và đối nhân xử thế.
Thật ra, mình đã chuẩn bị cho bạn từ hồi 17 tuổi khi khuyến khích bạn startup, trải qua bao thăng trầm trong cái business nhỏ xíu của mình, lên bờ xuống ruộng 4 năm, khó đủ điều, chán nản và mệt mỏi đủ kiểu, nhưng cuối cùng business vẫn còn tồn tại, qua được cái đoạn thung lũng tử thần và dù ít dù nhiều vẫn mỗi ngày một phát triển lên. Chuyện đó, không có sách vở hay trường đại học nào dạy nổi. Nó là trải nghiệm cá nhân, là sự ngộ ra và rèn luyện cho mình vững vàng hơn sau mỗi lần vấp ngã, là nhúng tay vào bùn mới nhìn thấy hoa sen. Mình cũng rõ ràng với bạn rằng, cái bằng đại học không quá quan trọng. Vẫn cứ học, nhưng chọn các tín chỉ cần thiết để hỗ trợ mình giải quyết các vấn đề hiện tại của cái startup là ưu tiên. Còn lại, từ từ đăng ký học sau. 5-7 năm mới ra trường cũng được. Đời này và thời này cái sự học nó vô cùng phi truyền thống. Nếu cứ cắm đầu cắm mặt học như vẹt theo sách vở nhà trường thì không có cửa nào để thích nghi và phát triển với mọi sự thay đổi chóng mặt ở xung quanh. Thời bất định thì phải có cách học thích nghi với sự bất định nhanh nhất, hiệu quả nhất và uyển chuyển, linh hoạt nhất. Dù cách hướng dẫn học và trưởng thành của mình không có tiền lệ và không phải ai cũng đồng ý, nhưng sau 4 năm thì mình thấy bạn trưởng thành hơn rất nhiều những bạn trẻ đồng trang lứa hay thậm chí lớn hơn nhiều tuổi mà mình đã gặp trong hành trình công việc. 2025 - năm chuyển giao, mình nghĩ bạn cũng đã có nền tảng sẵn sàng của 4 năm qua để lĩnh hội những điều rất mới.
Xếp hàng ưu tiên số 2 là công ty cộng đồng Go Global. Sở dĩ gọi nó là công ty cộng đồng là vì mình không lập nó ra cho bản thân và chỉ để kiếm tiền. Làm business mà không kiếm tiền thì vứt đi, nhưng mục đích lớn hơn đằng sau đó của mình là thực hiện giấc mơ Việt Nam, xuất khẩu người Việt một cách có tri thức nhất, thành chuyên gia và doanh nhân toàn cầu. Bắt đầu từ các thế hệ Founder - nhà sáng lập của Go Global, mình chỉ xoay quanh vấn đề phát triển các bạn để hội nhập với tương lai và thế giới. Nói vậy, nghe đơn giản nhưng không dễ. Hơn 20 năm và với con số hơn 140 quốc gia thì đương nhiên cái trải nghiệm quốc tế của mình nó đủ để dẫn dắt, nhưng đôi khi rất thiếu kiên nhẫn để đợi chờ. Vì thế, mình sử dụng sách lược đưa vào thế đã rồi, nghĩa là OK hợp đồng ký rồi, đối tác ngồi trước mặt rồi, giờ thì lớn nhanh như Phù Đổng đi để mà còn ngồi chung mâm, làm chung dự án cùng đối tác khắp nơi trên thế giới. Đối với doanh nghiệp startup hay doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, thiếu đủ thứ, từ kiến thức và kỹ năng kinh doanh, kiến thức và kỹ năng xã hội, đến tất cả những điều vụn vặt nhất về cách tiếp cận và làm việc quốc tế một cách chuyên nghiệp. Rồi trường nào có thể dạy các bạn một cách customized - cá nhân hoá tất cả những thứ này? Làm gì có. Cho nên, cứ phải vừa làm Mentor, vừa làm coach, vừa làm bạn, làm đồng nghiệp và làm cả Mama. Khó phết! Nhưng khó, nên ít ai chịu làm hay chịu cực mà dấn thân vào, nếu thiếu đi trái tim lớn và giấc mơ đầy trăn trở.
Quay trở lại mô hình công ty cộng đồng, thật ra mình muốn tạo ra cộng đồng của những doanh nhân quốc tế với trái tim trong veo và tấm lòng nhân ái. Chớ nếu chỉ làm ra thật nhiều tiền cùng những cộng sự tào lao, rỗng tim và vô nhân cách thì sorry từ chối thẳng. No interest - không quan tâm và chẳng có chút ham muốn nào. Mình nuôi dưỡng cho các bạn lớn lên, để takeover - thay mặt mình tiếp tục là những người chủ tương lai của Go Global, cùng với những người mentor giỏi và đều có cổ phần trong công ty. Cuối cùng, có trái tim cho đi là tốt, nhưng một cộng đồng sẽ chẳng bao giờ bền vững nếu từng người không có lợi ích cá nhân. Cho nên, cộng đồng nuôi nhau, cùng lớn lên, cùng phát triển, cùng tạo ra những thành tích diệu kỳ cho bản thân và xã hội. Không hề dễ. Không tiền lệ. Nhưng mình cũng là người ít khi làm theo tiền lệ. Sau 3 năm miệt mài, hành trình cũng được công nhận bằng sự thật vươn ra thế giới của các brand, dù phía trước hãy còn là một chặng đường dài…. 2025 - năm chuyển giao, cũng sẽ là năm mình chọn ra những nhân tố hạt giống để coach thêm, kiểu đệ tử đóng cửa dạy, chuẩn bị nền tảng vững chắc cho đội ngũ kế thửa và tiếp nối.
Cuối cùng là khó nhất, đó là các dự án cộng đồng và xã hội. Trước giờ mình hay vác tù và, nên thứ gì ai nhờ cũng làm, cũng đụng vào, cũng hỗ trợ. Tuy nhiên, khi nguồn lực sức khoẻ và thời gian bắt đầu có hạn, thì lựa chọn duy nhất phải toàn tâm đương nhiên là dự án Thư viện Ước mơ. Trước nay, mình đã giao trọn dự án lại cho ban quản trị mới của dự án và chỉ tham gia khai trương thư viện mới hay hỗ trợ các chương trình mà dự án cần. Đây là dự án cực kỳ tâm huyết và mang tính di sản của mình, với giấc mơ giúp kiến tạo những thế hệ Việt Nam tử tế, công dân toàn cầu và sáng tạo. Làm gì có thứ gì nói hôm nay ngày mai nó sẽ thành. Thứ gì cũng cần sự đầu tư, tầm nhìn dài hạn và hành động quyết liệt để hiện thực hoá tầm nhìn đó. Nếu bắt đầu từ bây giờ, 20-30 năm sau Việt Nam sẽ khác. Có khi, mình sẽ không nhìn thấy được ngày đó. Nhưng mình có thể hình dung nó sẽ thế nào. Vậy là đủ. Giấc mơ mà. Cứ cắm đầu làm thôi, rồi nó sẽ hiển hiện một cách hết sức tự nhiên, khi những ngôi sao đã xếp thẳng hàng.
Vậy là sau cú knock-out năm 2023, mình xin team cho mình quay trở lại, hỗ trợ tái cấu trúc đội ngũ, xây dựng nền tảng vững chắc để dự án có thể phát triển bền vững trong tương lai, qua từng nhiệm kỳ lãnh đạo mới. Thư viện Ước mơ là doanh nghiệp xã hội, là dự án cộng đồng và đương nhiên nó thuộc về cộng đồng, không thuộc về bất kỳ cá nhân hay tên tuổi nào, kể cả bản thân mình. Muốn thế, nó phải dựa vào nền tảng và đội ngũ kế thừa, và cả hai đều cần được xây dựng và nâng cấp. Cái khó của Thư viện Ước mơ là nó cấu trúc và phát triển còn hơn cả một doanh nghiệp vừa thực thụ, nói dễ hiểu là quản trị và phát triển chuỗi, trong khi đó quỹ lương lại là 0 đồng, nghĩa là không ai trong hệ thống được nhận lương để vận hành dự án. Vận hành một công ty có chuỗi 290 thư viện tại 37 tỉnh thành đã khó. Quản trị và phát triển doanh nghiệp mà không có nhân sự nào lãnh lương thì còn khó gấp nhiều vạn lần. Làm sao để thu hút, kết nạp và phân công đúng chỗ đúng người, đủ khả năng và kỹ năng để quản lý? Làm sao để quản trị cam kết của những tình nguyện viên ngày ngày còn phải đi làm kiếm cơm và lo chuyện cá nhân? Làm sao để quản trị và vận hành nó một cách chuyên nghiệp trong khi chẳng ai được lãnh bất kỳ lợi lạc gì từ dự án? Làm sao để vận hành nó trong khi 100% tiền tài trợ của mạnh thường quân đều trả hết vào cho thư viện? Bài toán nó nhức đầu gấp tỷ lần quản trị 1 doanh nghiệp bình thường. Cho nên, thật ra nó rất cần những con người phi thường để làm chuyện bình thường. Nghe không là nổ não rồi. Làm bình thường thôi đã khó, huống chi là định hướng phát triển bền vững đồ này nọ.
Nhưng có mơ thì phải có hành động. Có triển khai thì phải có dấn thân. 2025 - năm chuyển giao là năm mình dồn hết lực vào hỗ trợ team xây dựng nền tảng vững bền, để dự án có thể đi mãi, đi hoài vào tương lai, đạt được những cột mốc hết hồn mà team đã đặt ra qua từng nhiệm kỳ và với những lãnh đạo dự án ngày càng trẻ hoá. Dễ hôn? Dễ như vui vẻ nhảy xuống vực sâu với niềm tin là mình sẽ bay lên, dù chẳng có một năng lực siêu nhiên nào làm bảo hiểm :-) Có điều, mình tin rằng vũ trụ vẫn dõi theo đâu đó, và luôn chạm tay vào hỗ trợ đây đó khi cần. Ít nhất, cộng đồng cực kỳ thương yêu và đồng hành. Có cộng đồng thì việc khó gì rồi cũng sẽ giải được thôi. Quan trọng là mình có bền lòng, team có bền lòng và cam kết. So far so good. Tái cấu trúc và xây dựng nền tảng mà. Có khi này lúc kia. Có người nhiệt tâm nhưng chưa đúng chỗ thì vẫn phải xếp bài lại cho đúng chỗ. Có cách làm cũ chưa hợp lý thì phải tạo ra cách làm mới, qui trình mới, vv. Cho nên, cũng như tái cấu trúc một doanh nghiệp thôi, vẫn phải cứ làm cho ra lẽ mặc dù nhân sự toàn là tình nguyện viên không có một đồng lương nào hết. Như vậy là dễ dữ chưa? Nhưng cần thì vẫn cứ phải làm, vì tin rằng vũ trụ và cộng đồng sẽ hiểu cho cái sự cần thiết này, vì sự bền vững của dự án này mà ủng hộ. Xong, thì đâu đó ngăn nắp, nền tảng vững vàng, các thế hệ kế nhiệm cũng vì vậy mà sẽ quản trị và phát triển dự án dễ dàng và bền vững hơn. 2025 - năm chuyển giao của Thư viện Ước mơ cho nhiều thế hệ trẻ tiếp nối, đã và đang diễn ra như thế.
Cứ như vậy, focus - sự tập trung rất nhất quán, là chuyển giao và chuyển giao để phát triển bền vững. Chuyện khác không màng. Ai giận vì mình thiếu tham gia này nọ như xưa cũng đành chịu và xin lỗi mà thôi. Đời người hữu hạn cũng chỉ làm được đến đó thôi. Tâm trong sáng là được. Dấn thân hết mình là đủ. Làm hết sức là OK. Sống đã đời là vẹn thành tâm nguyện. Còn lại, để cho trời đất tính toán và quyết định. Ở cũng được. Đi cũng không sao. Còn thở là còn cống hiến thôi, cho trọn vẹn một kiếp người.
Nguyễn Phi Vân
Mùng 2 Tết Ấy Tỵ
Comments