top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

3 trở lực khiến bạn giao tiếp không hiệu quả 



Nói đi nói lại, nói đến mòn cả lưỡi thì cuối cùng mọi vấn đề mà mình gặp phải khi làm việc với các bạn trẻ vẫn quay về là chuyện giao tiếp. Làm chung đội mà không trao đổi với nhau, không rõ ràng về thông tin và phân công công việc ai làm gì khi nào xong để còn brief đoạn tiếp theo cho người khác. Nhiều người lại còn không hiểu chuyện bản thân mình làm không xong, trễ deadline ảnh hưởng đến gì tới ai hay đến mục tiêu chung. Và khi đã xảy ra chuyện thì cách hành xử chung là im luôn, chờ tới khi bị dí tới thì đổ thừa, giải trình này nọ đủ thứ cho qua, dù kết quả vẫn cứ là zero. Ủa, nói chi nhiều vậy cho mất thời gian khi việc nó không chạy? Có lẽ một trong những tình huống khiến tôi nổi cơn nhiều nhất là thứ này, nói lòng vòng loanh quanh mà chẳng mang lại chút ảnh hưởng nào.


Như vậy, giao tiếp có vấn đề là vấn đề nằm ở đâu? Bản thân mình biết thì mới có thể tìm ra nút thắt để mà giải nó, chớ không lẽ mình thấy vấn đề mà cứ vậy làm hoài, cứ vậy để cho bản thân và đội nhóm lâm vô tình cảnh đó hoài? Giao tiếp không hiệu quả thì chả làm được việc gì khác, vì chẳng có việc gì mà không cần giao tiếp cả. Không nói, im im thì ai mà biết đường đâu mà lần. Cuộc sống hay sự nghiệp gì cũng thế. Nói thì người ta mới biết, chia sẻ thì người ta mới hiểu, trao đổi thì mới có cộng tác. Giờ ai đang bị lâm vào cảnh này, mà tôi chắc chắn là 80% người đang đi làm lâm vào tình cảnh này, thì đi tìm gỡ 3 nút thắt dưới đây thử xem nhé. 


Trở lực 1: Giả định 

Hỏi thì không hỏi, không biết thì không tìm, không hiểu thì không làm rõ, nhưng mà cứ em nghĩ, em cho là, em tưởng. Cái bệnh em nghĩ em tưởng này là căn bệnh thời đại kinh hoàng nhất của các bạn trẻ. Có người bệnh vì lười, không chủ động tìm hiểu. Có người bệnh vì thói qua loa, sao cũng được, kệ chắc là vậy thôi mà, có gì ghê gớm lắm đâu, có sai chắc cũng chẳng chết thằng Tây nào. Cái tính qua loa đó nó lậm vào người, làm gì cũng lơ mơ cho có, cho xong, thời gian còn để lướt tóp tóp hay chụp hình khoe FB. Có người thì thiếu kỹ năng sàn lọc thông tin, thiếu tư duy phản biện, vớ được cái gì nói đại cái đó, cũng chắc nó đến từ nguồn nào, đáng tin không, có căn cứ gì để xử lý không hay thật ra chỉ là tin vịt? Vậy mà cứ ôm mớ giả định đó làm như đúng rồi, xong quăng ra cho cả đám xông vào giải quyết. Ủa, vấn đề cần giải quyết là cách bạn đặt vấn đề đó chứ có vấn đề gì đâu? Chỉ vì một giả định ngây ngô, thiếu trách nhiệm nào đó mà rối cả đội hình.


Khi bản thân mình còn chưa có trách nhiệm với những gì mình chia sẻ, thì bạn nghĩ mình có trách nhiệm chưa với người khác, với cộng đồng? Riết rồi mình nói cái gì ra người ta cũng không tin thì giao tiếp kiểu gì? 


Bên cạnh đó, mỗi người chúng ta lại còn sinh ra và lớn lên dựa trên những trải nghiệm hình thành nên quan điểm và hệ niềm tin rất khác. Cùng một vấn đề, ví dụ ai đó tự tin công bố kết quả họ làm được, có người sẽ nghĩ đứa này ngạo mạn, kể công, người khác nghĩ wow sao giỏi quá, người khác lại nghĩ thằng này nổ, chuyện thường thôi mà làm quá chắc có âm mưu gì đây…. Cùng một hiện tượng, sự kiện, người khác nhau sẽ nhìn sự việc khác nhau dựa trên hệ giá trị cá nhân và đó chính là assumption - giả định, định kiến của bạn. Khi ta không đủ độ khách quan, không đủ mở để đón nhận mọi việc xảy ra và không phán xét nó thì ai củng có thể gán cho sự việc những chiếc nhãn xanh đỏ vàng khác nhau tuỳ theo định kiến của mình. Cuối cùng, cái gì là facts - thông tin thật, và thứ gì là cái bị bóp méo, thổi phồng, drama hoá, làm lớn chuyện? Có hay không có trong đó một sự thật mà ta cần công nhận, khi bỏ những mớ emo do con người trang trí thêm vào? Nếu ta không đủ bình tĩnh để nhận rõ bản chất của mọi việc thì, rất dễ rơi vào tình trạng vì ghét cái trò drama trong đó mà bỏ qua luôn sự thật cần ghi nhận. 


Trở lực 2: Cảm xúc

Ôi còn người, động vật xã hội và loài mù quáng vì cảm xúc. Chẳng biết vì sao mình nổi giận nhưng cứ phải đùng đùng la lối, chửi rủa, nói nặng nói nhẹ, quăng chén gõ mâm mới chịu. Một đứa đập chén thì một vạn đứa ở ngoài hô hoán gõ chiêng. Mớ còn lại thì chửi rủa phản đối. Cảm xúc bị thổi bùng. Lớp lớp chia phe, thay nhau đổ thêm dầu và thuốc độc vào. Chuyện ngỡ không có gì bỗng vươn vai thành con mãnh thú. Hả? Có cần phải vậy không? Nghe rất nực cười, nhưng đó lại là thứ ta đang biểu hiện hàng ngày, nghe người vầy nói vầy, thấy người nọ có hành động kia, nghe chuyện kể tam sao thất bản nhưng vẫn cứ rưới cảm xúc vô mà làm cho lớn chuyện. Thật tình với bản thân đi. Làm sao tránh được? Mình là người chứ có phải thánh đâu? Hỷ nộ ái ố là có đủ.


Có điều, emo thì nó hỏng chuyện. Có khi cái emo đó nó là người lái, còn bạn chỉ là chiếc xe. Nghe kỳ không? Mình mà chỉ là chiếc xe thôi, còn cảm xúc nó mới chính là ông chủ, lèo lái hành xử, biểu hiện và lựa chọn, quyết định của mình. Cảm xúc đó nó tự động, auto-pilot, tự tra dữ liệu từ kho dữ liệu quá khứ của bạn, thấy biểu đồ nào giống giống thì lấy đó làm nền rồi thiết kế hành động dựa theo đó. Ví dụ, bạn rất ghét những ai nói không rõ ý vì bạn đã từng gặp nạn, gặp khó khăn vì chuyện ai đó nói không rõ ý khiến bạn làm sai chẳng hạn. Trải nghiệm đó nó ghim đó, nó được đưa vào kho data. Sau này cứ đứa nào nói gì không rõ ý là ghét lắm, vì ngay lập tức mình nghĩ là nó đang hại mình. Trên thực tế, có khi người ta chỉ vì run, sợ nói trước đám đông, thiếu tự tin mà nói lắp bắp và không rõ ý. Cho nên, cảm xúc mà không được quản trị thì nó cũng tào lao lắm, điều khiển hành vi con người một cách rất vô minh. Nếu bản thân ta không hiểu và học cách quản trị cảm xúc thì, đời này chẳng cách nào giao tiếp hiệu quả được. 


Trở lực 3: Môi trường

Nói đi cũng phải nói lại, có khi áp lực giao tiếp không hiệu quả nó đến từ chính môi trường bạn đang vận hành. Tổ chức gì mà làm gì cũng không có kế hoạch, nước tới chân mới nhảy lambada thì mọi chuyện nó cứ rối tung rối nùi lên, làm sao mà giao tiếp nói chi tới hiệu quả? Khi chuyện nọ xọ chuyện kia, đổi ý xoành xoạch, dự án không ai quản trị, đường hướng tán loạn từ trên xuống dưới thì cả tập thể đó nó rối chứ không phải một cá nhân nào rối. Này là do lãnh đạo thiếu khả năng dẫn dắt, thiếu khả năng lập kế hoạch và quản trị. Nếu cứ để như vậy thì tập thể đó rối hoài, không có cách nào hiệu quả. 


Môi trường mà có drama hoài, ví dụ bị khách hàng phàn nàn hoài, toàn đi xử lý sự vụ không cũng chết. Khi sự việc xảy ra, nếu không nhìn rõ tận gốc và giải quyết vấn đề để nó không lặp lại nữa, thì đương nhiên chuyện xảy ra hoài, ngày càng nghiêm trọng và mức độ tổn hại càng ghê gớm. Cả tập thể nếu cứ nháo nhào đi xử lý sự vụ như thế, làm cách nào mà giao tiếp với chả hiệu quả? Cho nên, nếu nhìn thấy nút thắt đến từ môi trường thì ban lãnh đạo của tập thể đó nên bình tĩnh ngồi lại mà tìm cách hạn chế & cải tiến môi trường cho nó tốt hơn. 


Rồi giờ mình bình tĩnh ngồi xem lại đi ha, trong 3 cái trở lực này thì mình vướng vào cái thứ này, có khi là 2 hay cả 3. Nếu vậy thì từng chuyện từng chuyện mình gỡ. Trở lực 1 và 2 thì học quản trị bản thân và quản trị cảm xúc. 2 bài này tôi đều đã soạn cho bạn học free rồi đừng tìm cách đổ thừa em không có điều kiện. Còn nếu là trở lực 3 thì nên tâm sự với sếp trên để tìm cách gỡ với nhau. Không có gì là không thể nhưng cũng không có gì là có thể nếu bản thân mình không action. Cho nên, giao tiếp hiệu quả hay không là tuỳ bạn đó. 

2.254 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Commentaires


bottom of page