top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

4 VẤN ĐỀ CẦN NHÌN LẠI KHI TEAM CHƯA WORK…



Có lẽ không chương trình phát triển kỹ năng nào không chạm vào kỹ năng làm việc đội nhóm. Ai cũng biết, từ phòng nhân sự đến lãnh đạo các phòng ban, từ cấp cao đến cấp trung. Và công ty, tổ chức nào cũng lấy kỹ năng làm việc đội nhóm làm nền tảng cho sự thành công trong các chương trình, dự án nội bộ. Bản thân tôi, khi soạn các khoá học miễn phí cho cộng đồng, cũng đã soạn khoá Làm việc đội nhóm hiệu quả vì đương nhiên hiểu rằng kỹ năng này rất quan trọng. Vậy là, ai cũng hiểu, cũng biết, cũng từng học qua, cũng nói về nó như thể đó là điều hiển nhiên mình đã biết, không biết thì thật buồn cười. Nhưng thật tình thì có bao nhiêu người trong chúng ta đang làm việc đội nhóm tốt? 


Trong quá trình làm việc, tương tác với các bạn trẻ tại Việt Nam, tôi nhận thấy đây là kỹ năng cửa miệng, nói nghe cho sang, kiểu em biết rồi, nhưng hoàn toàn không được rèn luyện và ứng dụng vào thực tế. Không biết bao nhiêu lần tôi đã phải la làng lên, “Làm ơn đi, đừng có làm việc trong những chiếc buồng khoá kín nữa. Mở cửa ra giao tiếp, chia sẻ, brainstorm, tìm giải pháp cùng nhau để tối ưu hoá nguồn lực và tạo ra kết quả chung đi.” Nghe đó, nhưng rồi quên đó, vì tất cả đều nghĩ rằng mình đã học kỹ năng teamwork, nên đương nhiên mình hiểu rồi, còn chuyện không teamwork là lỗi của một ai đó khác. Nếu ai cũng nghĩ vậy, thì ai đang teamwork? Người này đổ thừa hay tin chắc là lỗi của người kia thì cuối cùng là lỗi của ai? Lại là lỗi hệ thống à?


Cho nên, chuyện xưa như quả đất, kỹ năng cũ sì đến mốc meo, nhưng nếu cho đến giờ phút này vẫn chưa xài được, chưa thành thói quen, chưa chảy trong huyết mạch và trở thành hành vi tự nhiên thì, đừng nói mình đã biết. Vậy, học rồi, hiểu rồi, tưởng biết rồi mà teamwork nó vẫn không work thì vấn đề nằm ở đâu?


Leadership - Khả năng lãnh đạo

Không có cái team nào, tập thể nào, cộng đồng nào tồn tại được nếu thiếu một người lãnh đạo, người lái thuyền, người định hướng và hô hào những cá nhân khác nhau gắn kết lại với nhau vì một mục tiêu chung. Người dẫn đầu và dẫn dắt dự án phải là người có khả năng lãnh đạo, tạo ảnh hưởng, hiểu và chia sẻ rõ ràng mục tiêu, kết quả mong muốn, định hướng triển khai, và là người có khả năng thúc đẩy, hỗ trợ, kết nối, giải quyết vấn đề, và không bao giờ khuất phục trước bất kỳ khó khăn thử thách nào. Dễ hiểu thôi, nếu bạn lãnh đạo đội nhóm mà bạn còn bỏ cuộc thì có đứa nào trong team nó kiên định cho được? Nếu bạn là người dẫn dắt mà gặp vấn đề, cả team bị stuck, nhưng bạn không biết cách giải quyết vấn đề thì cả dự án đó nó ì ạch hay vỡ trận đúng rồi. Vấn đề chưa bao giờ là bạn phải biết hết tất cả những thứ team biết. Ai trên đời này mà giỏi hết mọi thứ được. Nhưng ít ra người lãnh đạo phải có kỹ năng và phương pháp giải quyết vấn đề, và quan trọng là, không bao giờ khuất phục trước bất kỳ vấn đề nào. Không có cách này sẽ có cách khác. Giải cho đến khi nào xong thì thôi. Tâm thế đó chính là tâm thế người làm lãnh đạo đội nhóm. Bạn không như thế, thì dự án kiểu gì cũng sẽ fail thôi.


Cho nên, nếu dự án không chạy, thì trước hết là cần nhìn lại leadership - khả năng lãnh đạo của người dẫn dắt. 


Team structure - Cơ cấu đội ngũ 

Tại sao đánh cờ đúng con cờ nào phải nằm ở vị trí đó? Tại sao phải có con pháo con tốt con xe? Tại sao trong team phải có người này người nọ người kia? Họ đóng vai trò, vị trí gì trong tập thể đó? Mình cần họ có chuyên môn gì để bổ sung gì cho nhau? Họ có điểm mạnh gì có thể đóng góp cho dự án? Ai trong số họ là con xe con pháo? Ai trong số họ là con tốt con mã? Mình lập ra một cái team thì mọi vị trí, con người bổ sung vào team đó nó phải make sense. Mình phải biết tại sao họ ở đó. Họ phải biết tại sao họ ở đó? Khi họ là những mảnh ghép để tạo nên một bức tranh kỳ diệu thì bạn có A-team. Bằng không, một đám lố nhố không biết tại sao mình ở đây, giá trị mình ở đâu, vị trí mình thế nào trong cái team này thì bạn đang có một đội quân ô hợp, tá lả bùng binh, nhìn rất hùng hậu nhưng hoàn toàn vô dụng. Sorry chuyện này phải nói thẳng, vì thật ra đang có nhiều đội quân ô hợp như thế ở ngoài kia. Tôi hay chia sẻ rằng, tôi chỉ cần ít người nhưng tinh nhuệ, rất sợ đông người nhưng vô dụng. 


Cho nên, nếu dự án đang không chạy, thì chuyện thứ 2 cần nhìn lại là cấu trúc của team, xem đó là A-team chưa hay chỉ là một đội quân ô hợp, mạnh ai nấy làm lung tung, chẳng thứ nào vào thứ gì, nhìn rất bận rộn nhưng không có thứ nào đóng góp cho mục tiêu, hoặc đang tự mình hiểu sao làm vậy, làm theo ý mình chứ chẳng hiểu như thế nào là tốt cho dự án. 


Briefing - Khả năng chia sẻ thông tin

Đây có lẽ là kỹ năng ít được nhắc đến mặc dù nó quan trọng thuộc hàng bậc nhất cho sự thành công của một đội ngũ. Khi mỗi thành viên trong team còn không biết tại sao họ ở đây, mục tiêu chung cần hướng đến là gì, kết quả nhìn mặt mũi nó ra sao, nhiệm vụ và sự đóng góp của họ vào mục tiêu chung là gì, cụ thể là họ phải làm gì, khi nào xong, gặp vấn đề thì phải làm sao, vv, Nếu tất cả những thông tin cần thiết đó không được briefing rõ ràng, kỹ càng, chia sẻ rộng rãi đến từng thành viên thì bạn nghĩ mình sẽ có một đội thế nào? Lại là đội quân ô hợp, chẳng ai biết phải làm gì, đấm đá lung tung, chẳng việc gì ăn nhập việc chi, chẳng ai connect hay collab với ai, mọi thứ tung toé như nước đổ trên sàn, vậy thì làm sao đạt được kết quả, làm sao thấy mặt thành công? 


Cho nên, dù là dự án hay chương trình kiểu gì, lớn nhỏ ra sao, quan trọng nhất là cả đội phải được briefing rõ ràng, chi tiết, cụ thể, được hỏi và làm rõ tất cả thông tin trước khi họ bước vào trận chiến, bắt đầu hành trình cá nhân và đội nhóm của mình. 


Communication - Kỹ năng giao tiếp

Khỏi nói thì, ai cũng biết giao tiếp là quan trọng. Không ai nói gì, chia sẻ gì với ai thì coi như đội đó xong phim. Ai cũng biết thế, nhưng ai cũng nghĩ là chuyện cần giao tiếp là thuộc trách nhiệm của đứa bên cạnh, không phải của mình. Nếu nó không nói gì, không hỏi gì, không thắc mắc hay chia sẻ gì thì coi như mọi chuyện bình thường, không cần giao tiếp. Vậy rồi, có khi 2, 3 đứa làm một việc, nhưng không liên quan gì đến nhau. Có khi không ai làm việc cần làm cả, vì nghĩ đó là chuyện của đứa khác. Có khi cả dự án stuck, trễ hạn vì đứa này không xong liên luỵ đến đứa khác, nhưng chẳng ai nói với ai tiếng nào. Lỗi trễ hạn là lỗi của đứa kia, không liên quan tới mình. Còn đứa trễ hạn là vì nó bị stuck ở đâu đó, do ai đó không làm hay chia sẻ một thứ gì đó, thế là stuck thôi, mà stuck là cũng tại ai đó khác chứ không phải tại tui. Cái vòng lẩn quẩn của những thứ trôi lềnh bềnh, làng nhàng cứ thế tiếp diễn, và không phải lỗi của ai, vì luôn là lỗi của một ai đó khác.


Ủa rồi ai cũng im im hết, không ai nói với ai, chia sẻ và collab với ai hết thì đó là một mớ cơm nguội rã rời chứ team gì? Team gì mà không communicate với nhau để cho sự vô hiệu quả nó hoành hành, cho cả đám stress lên vì việc quá nhiều nhưng cuối cùng không có kết quả nào coi được? Cho nên, nói hoài nói mãi, chán lắm nhưng cứ phải nói, Communication - Communication - Communication, không bao giờ là đủ cả. Cứ phải chia sẻ, lên tiếng, đặt câu hỏi, giải quyết vấn đề cùng nhau nếu muốn đó là team. 


Vậy ha. Chuyện cũ sì của teamwork nhưng cũng là chuyện cũ sì của team không work. Nếu bạn đang ở đó thì lo mà xem lại, không thì tất cả mọi sự nỗ lực của cá nhân hay của đội ngũ đều toi, chẳng đi đến đâu, mất thời gian và nguồn lực vô ích. 


2.368 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page