top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

5 NGUYÊN TẮC GIÚP BẠN LUÔN VỮNG VÀNG



Trường phái triết học Stoic thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên của người La Mã & Hy Lạp là trường phái triết học hướng dẫn cho con người hướng đến cảm xúc tích cực, loại bỏ những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống, giúp con người xây dựng tính cách và bản lĩnh để có thể đối diện với mọi sự bất định trong cuộc sống một cách vững vàng. Vì vậy, triết học và những lời dạy của trường phái này vẫn được lưu truyền và ứng dụng đến ngày hôm nay.

Trên thực tế, thế giới càng hiện đại, con người càng bị sao nhãng bởi sự quá tải về thông tin, và đa số thông tin được xả ra hàng ngày lại là những thông tin tiêu cực. Một cách hết sức tự nhiên, não người bắt tín hiệu thông tin tiêu cực rất nhạy, vì cấu trúc của não từ thời ăn lông ở lỗ vốn được thiết kế để bảo vệ con người khỏi những hiểm nguy khi phải tồn tại trong môi trướng thiên nhiên có nhiều mối nguy hiểm rình rập xung quanh. Khi đã quen nhạy tín hiệu tiêu cực và nguy hiểm rồi thì cho dù đã phát triển đến thời hiện đại như hôm nay, não vẫn giữ thói quen bắt tín hiệu tiêu cực trước, và cũng chính vì vậy, khi thông tin tiêu cực phát ra, luôn có lượng view, bình luận, tương tác cao hơn rất nhiều so với những thông tin hay ho hay tích cực. Hiểu được điều đó, con người sẽ hiểu bản năng vốn có của mình mà tìm cách hiệu chỉnh để giúp bản thân phát triển. Bằng không, nếu chỉ vận hành theo bản năng thì đương nhiên con người sẽ vẫn thích thú, quan tâm, hứng thú với những thứ tiêu cực nhiều hơn là tích cực.


Cũng chính vì vậy, khi thế giới càng kết nối, khi thông tin ngày càng quá tải với hàm lượng thông tin tiêu cực được xả ra để thu hút người đọc, để tăng view, tăng tương tác thì, sức khoẻ tinh thần của con người hiển nhiên ngày càng lao dốc. Càng ngày, tỷ lệ người mắc các bệnh rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm, vv ngày càng cao. Đáng lo ngại hơn nữa là tỷ lệ các bệnh tâm lý này lại đang tăng cao trong giới trẻ, làm ảnh hưởng đến khả năng học tập và phát triển bản thân. Vì vậy, dù ở trong hoàn cảnh hay môi trường thế nào, ai cũng nên học cách xây dựng tính cách & bản lĩnh vững vàng trước, để tự mình có thể đối diện với và giải quyết các vấn đề tiêu cực trong cuộc sống bằng năng lượng và tinh thần tích cực của chính bản thân mình. Khi và chỉ khi ta có thể tự mình đối mặt với thế giới bên ngoài một cách vững vàng, cuộc sống mới có thể bình an, vui vẻ và hạnh phúc. Sau đây, xin trích lại 5 nguyên tắc cơ bản và quan trọng của triết học Stoic cho các bạn tham khảo, hy vọng các bạn sẽ tìm được điểm tựa để trở nên vững vàng hơn.

Nguyên tắc 1: Chấp nhận những điều bạn không thể thay đổi

Trong đời, có những thứ bạn có thể ảnh hưởng và tác động, ví dụ như bạn có thể dậy sớm hơn, khởi hành sớm hơn, tránh đường đang kẹt xe chẳng hạn. Đồng thời, cũng có rất nhiều thứ trong đời bạn không có cách nào tác động, ví dụ như chiến tranh, thời tiết, sự thay đổi về chính sách của nhà nước, chuyến bay bị huỷ hay delay, người đời thay tâm đổi tính, vv. Nếu đã là thứ bạn không có cách nào, không thể làm gì để thay đổi hay ảnh hưởng được thì, dù cho tâm trạng của bạn có như thề nào đi chăng nữa, bực bội, nổi giận, buồn bã hay đau khổ, nó vẫn cứ xảy ra như thế. Chung qui là, bạn phản ứng ra sao không có miếng hiệu ứng gì đến chuyện đã hay đang xảy ra nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn.

Cho nên, việc bạn phản ứng thế nào chỉ ảnh hưởng tới bạn mà thôi, không liên quan gì tới ai hay sự việc nào cả. Nếu bạn nổi giận thì bạn tự mình hại mình, tự mình làm mình mệt, tự mình làm hao mòn cảm xúc và tinh thần của bản thân thôi. Ủa, mà sao mình tào lao vậy? Tại sao mình phải tự hại mình như thế chứ? Vì cuối cùng thì mọi việc nó vẫn thế thôi cho dù mình vui hay buồn, bình tĩnh hay nổi cơn. Vậy thì ai có chút hiểu biết về lẽ thường tình cũng hiểu là mình không việc gì phải làm chuyện chẳng mang lại chút tác động nào. Chi bằng, mình học cách chấp nhận nó, ừa thì nó xảy ra như thế đó, và mình không có cách nào tác động tới nó, ok mình sống với nó, đối diện nó, và xử lý các vấn đề ảnh hưởng của nó tới cuộc đời mình thôi là xong, không cần phải tốn hao cảm xúc làm chi cho nó mệt.


Khi học được cách bình tâm trước mọi sự xảy ra ở thế giới bên ngoài mà bản thân không ảnh hưởng được, học được cách chấp nhận & move on - bước qua & bước tới, bạn sẽ bình thản hơn, thong dong hơn, an yên, vững vàng hơn trong mọi hành trình. Và chính sự bình tâm của bạn sẽ giúp bạn đưa ra những lựa chọn và quyết định sáng suốt, thay vì rối bời trong cảm xúc tiêu cực, trong những cơn thịnh nộ không đáng làm mất cả trí khôn.

Nguyên tắc 2: Tập trung vào điều bản thân có thể tác động

Cái gì mình không thay đổi được, nằm ngoài tầm kiểm soát của mình thì mình chấp nhận. Nhưng thứ gì nằm trong khả năng kiểm soát và ảnh hưởng của mình thì mình không tha đâu nhé, mà sẽ quyết liệt và tập trung tác động tích cực và chủ động nhất có thể để nó luôn phát triển tốt hơn, xuất sắc hơn, đỉnh cao hơn. Thay vì bỏ thời gian đi like dạo, than phiền và bêu rếu chuyện không giúp gì được cho ai, sao không dành thời gian đó để làm chuyện có ích hơn cho bản thân, ví dụ như học kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng mới, tập tành thói quen tích cực mới, xây dựng những quan hệ bền vững, vv. Được vậy, là bạn đang tập trung vào việc phát triển chính mình, đầu tư cho nền tảng của mình. Đời này, có thứ đầu tư nào mà có lợi và có lãi bằng đầu tư cho bản thân đâu. Khi bạn đã vững vàng và bản lĩnh rồi thì trước sau gì bạn cũng thành công, bất chấp hoàn cảnh, bất chấp sự thay đổi của thế thời.


Cho nên, có khi bạn nên xem lại, có khi nào mình đang phí quá nhiều thời gian vào thứ mình không kiểm soát được và dành quá ít thời gian cho những thứ bản thân có thể tác động hay không? Nếu có thì có lẽ bạn nên điều chỉnh cách bản thân sử dụng quỹ thời gian, xem lại chế độ ưu tiên trong cuộc sống.


Nguyên tắc 3: Rèn luyện lòng biết ơn

Lại là con người & sự nhạy cảm với những thứ tiêu cực. Chuyện gì hay ho, vui vẻ, nhận lãnh thì hay quên. Chuyện gì mất mát, phiền phức, đau khổ thì bám víu vào, không những không quên mà còn nhắc đi nhắc lại cho đến khi nó trở nên nghiệt ngã tột cùng mới chịu. Khi bạn nuôi cảm xúc của mình bằng sự tiêu cực thì đương nhiên con quái vật tiêu cực nó sẽ ngày càng lớn lên, cho đến khi nó lớn hơn bạn, làm chủ và điều khiển bạn. Đó là khi bạn cảm giác bất lực, rối loạn, trầm cảm mà chẳng thể nào thoát ra, vì bản thân đã mất quyền quản trị cảm xúc của chính mình. Cho nên, mình phải học cách chiến đấu với cách vận hành bản năng này, và nuôi dưỡng năng lượng tích cực của bản thân bằng lòng biết ơn.

Khi ta biết ơn những gì mình đang có, dù là nhỏ nhất và bình thường đến nỗi không ai còn để ý như hơi thở, như buổi sáng còn thức giấc, còn áo để mặc, cơm để ăn, xe để đi, còn người thân xung quanh, vv, ta sẽ thấy mình may mắn biết bao vì còn có được quá nhiều so với những mất mát hay thiếu thốn của rất nhiều người khác. Thay vì đi so đo sao mình chẳng bằng ai, sao bạn không nhìn lại và nhận ra bạn còn may mắn hơn biết bao người? Học biết ơn những gì mình được nhận sẽ giúp bạn có góc nhìn rất khác về được mất, hơn thua, giúp bạn vui vẻ và hạnh phúc hơn trong hiện tại, với những gì mình đang có. Và trong sự an nhiên đó, biết đủ và biết ơn đó, bạn nuôi dưỡng sự tích cực trong mọi tình huống, trong mọi hoàn cảnh, và nhờ vậy mà trở nên vững vàng hơn trên mọi hành trình.

Bạn thử ngẫm lại xem, bạn đang có bao nhiêu thứ trong đời để biết ơn? Có khi là hơi quá nhiều đấy chứ.

Nguyên tắc 4: Xem trải nghiệm không tốt là cơ hội để phát triển bản thân

Ai trong đời mà không có lúc bị đời nó dập cho vỡ mật xanh mật vàng cơ chứ. Ai cũng vậy, trước sau gì cũng phải trải qua những đoạn drama nghiệt ngã, hoạ vô đơn chí, có khi còn nhấn xuống tận đáy vực sâu của tinh thần và cảm xúc. Ai cũng sẽ phải trải qua những trải nghiệm không tốt, hay có khi còn tồi tệ nữa là đằng khác. Rồi sao? Mình phản ứng với nó thế nào đây? Một là mình bị nó đánh cho mất hết ý chí, mất hết tinh thần, mất hết khả năng kháng cự & đứng lên. Cả đời còn lại loay hoay, mắc kẹt trong cái bóng ma quá khứ, tồn tại vật vờ chứ chẳng hề sống tiếp. Hai là mình đối diện với nó, chiến đấu với nó, rút ra bài học từ đó, rồi lấy đó làm động lực để phát triển bản thân, giúp mình lớn lên, vững vàng hơn, bản lĩnh hơn trên hành trình tiếp nối. Lựa chọn là của bạn. Trải nghiệm thì nó là thế đó, chẳng ai thay đổi được, nhưng việc ta chọn phản ứng với trải nghiệm đó thế nào tất cả là do ta mà thôi. Bạn chịu trách nhiệm cho phản ứng đó. Bạn đoạn tuyệt đường sống của chính mình hay cho bản thân cơ hội để lớn lên & phát triển. Quyết định là ở bạn.


Cho nên, có khi mình nên xem lại, có khi nào mình quá cố chấp, quá lậm vào cảm xúc và trải nghiệm tiêu cực một cách không cần thiết hay không? Trong hoạ cũng có phúc mà, nếu ta nhìn ra bài học, điểm sáng và cơ hội.

Nguyên tắc 5: Tìm ra mục đích sống

Người ta hay nói, trong đời của mỗi người có 2 ngày quan trọng, ngày bạn sinh ra và ngày bạn hiểu chữ why - tại sao. Mình sinh ra để làm gì? Nếu chưa bao giờ hỏi mình, chưa bao giờ nghĩ về nó, chưa bao giờ thật sự cho bản thân cơ hội để đi tìm nó, thì ta sẽ cứ như là con chuột trên đường đua, chạy vòng quanh, chậm nhanh, hơn thua nhau cho tới ngày check out, hết. Ta sinh ra, tranh đua, đấu tranh để sống còn, để tồn tại, để hơn thua, để có này được kia, rồi sao nữa? Ngày ra đi vẫn chân trần tay trắng. Tất cả những sự cào cấu trong đời rồi cũng hoá hư vô. Vậy thì, ta sinh ra để làm gì, hay chỉ để xà quần cào cấu thế thôi cho hết một kiếp người? Vậy, thì có quá tào lao không? Biết trước kết quả vậy nhưng vẫn cứ lao vào hành xác cho có tụ?


Nếu ngày quan trọng thứ 2 trong đời là ngày ta hiểu chữ why, có khi nào ta nên dành thời gian để tìm hiểu nó? Cuối cùng, người sống có mục đích, có điểm đến, có giá trị sẽ là người hạnh phúc nhất, vì họ được là chính mình, thực hiện những điều mình mong muốn, tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho thế giới mình thuộc về. Khi bạn có giá trị và tạo ra giá trị, bạn sống một đời lớn hơn chính bản thân mình. Người sống có mục đích biết rất rõ mình cần làm gì, mình nên từ chối gì, mình nên lựa chọn và quyết định thế nào theo hệ gia trị của mình. Họ tập trung, dấn thân, liên tục tạo ra giá trị xuất sắc và tầm ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới & xã hội. Điều đó khiến họ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, hạnh phúc và đủ đầy.


Mà sống ở trên đời, có gì hơn là hạnh phúc đâu? Con người cào cấu các kiểu cuối cùng cũng chỉ tranh đấu vì hạnh phúc của bản thân thôi. Cho nên, mục đích sống nó là kim chỉ nam, là dấu chỉ cho bạn trong mọi hành trình, mọi quyết định, mọi lựa chọn trong cuộc sống. Thiếu nó, bạn sẽ mãi loay hoay, lơ mơ, rối bời không biết thế nào là đúng sai, là nên hay không nên, là hợp hay không hợp…. Còn khi bạn đã có ngọn hải đăng phía trước, thì bạn luôn rõ ràng, luôn vững vàng trong mọi quyết định của mình, cho dù đời có lao xao.


5 nguyên tắc đời thường, bạn cũng đã nghe đâu đó cả rồi, nhưng có khi bạn cần được nhắc lại. Tiếp theo là, bạn có đủ cam kết để rèn luyện hay không. Nếu có, biết rằng chính cam kết này sẽ giúp bạn luôn vững vàng theo tháng năm. Nếu không, có khi bạn nên quay lại đây và đọc lại bài này mỗi khi cảm thấy mình lạc hướng. Mọi sự lạc hướng, hoang mang đều xuất phát từ việc mình thiếu vững vàng và bản lĩnh để đối diện, nhìn rõ, nhìn thấu, biết tận tường tại sao mình đưa ra những lựa chọn trong đời. Vậy thôi. Có gì ghê gớm lắm đâu. Cuộc đời vốn giản đơn. Hành trình thật ra vẫn cực kỳ đơn giản. Chỉ có con người là làm cho mọi thứ rối tung lên khi tâm không đủ tĩnh, lòng xao động và mục đích sống chẳng rõ ràng.

8.921 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page