Định luật Murphy
Định luật Murphy phát biểu như sau: “Anything that can go wrong, will go wrong - Nếu một điều xấu có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra”.
Đây là định luật mang tên chuyên gia tên lửa Edward A. Murphy khi những gì ông lo sợ nhất về rủi ro khi thử phóng tên lửa đã xảy ra vào năm 1948/1949. Định luật này trở nên phổ biến vào những năm 1970 và được xuất bản thành sách năm 1977 bởi tác giả Arthur Bloch mang tựa đề “Murphy’s Law, and Other Reasons Why Things Go Wrong - Định luật Murphy, & Những Lý do khác khiến điều xấu xảy ra”.
Ví dụ, mình tổ chức một buổi workshop, điều mình sợ nhất là khi trình bày video không play được, micro mất điện, hay kết nối máy móc có vấn đề, vv. Những điều rủi ro mình lo sợ nhất có thể xảy ra sẽ xảy ra theo định luật Murphy. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà mình cứ đổ lỗi tại xui. Định luật này dạy chúng ta phải biết nhận dạng rủi ro, có kế hoạch quản trị rủi ro cụ thể. Ví dụ biết video có thể gặp vấn để khi play thì mình phải có plan B, plan C khi nó xảy ra. Đừng chủ quan là đã test hôm trước rồi chắc bữa sau sẽ ổn. Cũng đừng chỉ ngồi đó lo sợ vì bạn có lo sợ hay không thì điều xấu cũng xảy ra. Thay vì lo sợ thì mình chủ động quản trị rủi ro, cẩn trọng hơn và có kịch bản thay thế khi rủi ro xảy ra.
Đối với người đi làm, vì vậy khi làm việc cần ứng dụng định luật này vào công việc hàng ngày, suy nghĩ cho đến tận cùng của mọi việc mình làm, nhận dạng rủi ro có thể xảy ra, lên kế hoạch quản trị cụ thể, và truyền thông rõ ràng về kế hoạch này với những ai liên quan để khi điều xấu xảy ra, mọi người biết cách mà phản ứng và quản trị đúng theo kịch bản. Đương nhiên, không ai có thể nhận dạng được hết tất cả mọi rủi ro trong cuộc sống. Một giải pháp mới sẽ tạo ra những rủi ro mới. Một chút thay đổi khi triển khai kịch bản quản trị rủi ro cũng sẽ tạo ra những rủi ro mới. Ngay cả khi bạn đã cẩn trọng hết mức rồi, luôn có đâu đó nhân tố X là rủi ro không tên, không đoán trước được có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và ta cần đủ bình tĩnh để đón nhận nó, xử lý nó. Khi hiểu định luật này, bạn sẽ trở nên cẩn trọng hơn, chi tiết và cụ thể hơn, có kế hoạch và theo dõi tốt hơn khi làm bất cứ chuyện gì hay dự án gì.
Định luật Kidlin
“If you write a problem down clearly, then the matter is half solved - Nếu bạn viết vấn đề xuống một cách rõ ràng là bạn đã giải được một nửa của vấn đề”
Định luật này được tạo ra từ một nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn James Clavell. Nhân vật này đã sử dụng kỹ thuật này để giải quyết các thử thách trong cuộc sống của mình.
Tôi nhận rất nhiều tin nhắn tâm sự, đặt câu hỏi về sự hoang mang, loay hoay, lơ mơ, mất định hướng trong công việc và cuộc sống, vv. Nếu các bạn để ý, sẽ thấy tôi hay khuyên các bạn suy nghĩ rồi viết ra. Viết là quá trình ta làm rõ, cụ thể hoá những gì đang diễn ra trong tâm trí. Khi bạn không viết ra, những thứ bạn nghĩ nó cứ lòng vòng trong đầu, rồi nhiều thứ nó cuộn vào nhau, chạy nhảy lung tung, tạo nên một mớ hỗn độn trong tâm trí khiến ta không còn phân biệt cuối cùng vấn đề của mình là gì. Khi hỏi, cụ thể vấn đề của em là gì, rất nhiều người ú ớ vì có quá nhiều thứ nhảy nhót lung tung trong đầu khiến chính bạn cũng trở nên mơ hồ về vấn đề của bản thân. Khi bạn mơ hồ về vấn để thì làm sao tìm ra giải pháp? Rồi cứ như vậy, ngày qua ngày, mọi thứ mờ dần, lộn xộn hơn, dường như trở nên phức tạp hơn cho đến khi bạn cảm giác vấn đề nó lớn quá, lớn hơn cuộc đời và bản thân mình. Thế là bạn gục ngã.
Kỳ thực, vấn đề có thể chỉ rất nhỏ, rất đơn giản, chỉ là ta không nhận dạng nó một cách cụ thể, rõ ràng. Nên mới nói, khi bạn viết vấn đề xuống, nghĩa là bạn làm rõ vấn đề, thì tìm được giải pháp thôi, nghĩa là đã giải xong 50% của vấn đề rồi. Cho nên, sau này, cứ có vấn để gì thì nhớ viết nó xuống. Quá trình viết rất lợi hại. Nó giúp bạn tư duy rõ ràng và cụ thể hơn về những vấn đề tưởng chừng như phức tạp.
Định luật Gilbert
The biggest problem at work is that no one tells you what to do. When you’re hired to do a job, it’s your responsibility to find the best ways to provide the desired results - Vấn đề lớn nhất trong môi trường làm việc là không ai dạy bạn phải làm gì. Khi nhận việc, nhiệm vụ của bạn là tìm ra cách tốt nhất để tạo ra kết quả mong đợi”
Tác giả định luật này là Gilbert Lafayette, chính trị gia, doanh nhân và nhà phát hành báo chí người Mỹ. Theo định luật này, làm gì làm, nói gì nói, ai giúp đỡ kiểu gì giúp, cuối cùng thì nhiệm vụ là của bạn. Cho nên, đừng ngồi đó than vãn hay phàn nàn là tại sao không ai bảo ban dạy dỗ, cần tay chỉ việc mình phải làm gì. Nếu người ta huấn luyện, cố vấn, hướng dẫn cho mình thì điều đó là may mắn, là bonus thêm cho mình mà thôi. Tâm thế của mình nên là, có cũng được, không có cũng không sao. Khi đã nhận việc, thì bản thân phải biết cách đi tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, tìm cách để làm sao cho việc mình vừa nhận đạt được kết quả. Nếu cần phải tìm đủ mọi cách để đạt được kết quả, bạn sẽ chủ động nghĩ ra và tìm cách chứ không thụ động ngồi đó chờ người ta chỉ ra hay giao việc cho mình. Sự thụ động là cản trở lớn nhất để bạn phát triển bản thân và trở nên xuất sắc.
Tôi thích định luật này, vì nó cơ bản và rõ ràng, chuyện của ai người đó chịu trách nhiệm, không đá banh, chớ đổ thừa, đừng biện minh. Không nhận thì thôi. Đã nhận thì phải sống chết và tìm đủ mọi cách để làm cho được. Người ta phát triển, lớn lên, và giỏi dang là nhờ thế.
Định luật Walson
“Put information & intelligence first and the money Will come rolling in - Nếu bạn ưu tiên đầu tư vào thông tin và dữ liệu tin tức, tiền bạc rồi sẽ theo đó mà đến.”
Theo nhiều nguồn thì định luật này do một doanh nhân người Mỹ S.M. Walson phát biểu. Giữa những người có khả năng như nhau, ai hiểu biết nhiều hơn, cập nhật hơn, đầu tư để nắm bắt thông tin, tin tức tốt hơn thì người đó có nhiều khả năng thành công hơn. Mà khi thành công thì đương nhiên tiền bạc sẽ đến. Trong kinh doanh cũng vậy, nếu đầu tư học hỏi, cập nhật để có thể đưa ra giải pháp cho một nỗi đau, một vấn đề một cách sáng tạo nhất, phù hợp nhất dựa trên môi trường và hoàn cảnh thị trường lúc đó, giải pháp này rồi sẽ thành công. Đó là cách bạn nên tư duy thay vì chỉ biết chạy theo tiền bạc mà quên đi thứ quan trọng có thể tạo ra tiền: sản phẩm và dịch vụ đúng nhu cầu thị trường.
Vậy thì, quay trở lại chuyện đầu tư, thì đầu tư vào bản thân, học hỏi liên tục, học hỏi cả đời, cập nhật mỗi ngày là cách để bạn giữ cho mình relevant - liên quan trong một thế giới đang thay đổi liên tục, bị tái định nghĩa liên tục, rất bất định và ngày càng phức tạp. Chỉ có cách học hỏi và cập nhật liên tục, kiên trì, như hơi thở không thể thiếu để giữ cho cơ thể sống và vận hành hiệu quả, bạn mới có thể thành công. Với định luật này, thay vì chạy đuổi theo tiền bạc, hãy đầu tư vào sự cập nhật cho bản thân, cho ngành nghề và sự nghiệp mà bạn đang theo đuổi. Khi bạn trình diễn sự xuất sắc, không sợ gì mà không có nhà đầu tư, được thị trường đón nhận, hay tạo ra những kỳ tích được công nhận.
Định luật Falkland
“When there is no need to make a decision, don’t make a decision - Khi chưa cần đưa ra quyết định, đừng vội đưa ra quyết định”
Định luật này ra đời từ một câu chuyện ngụ ngôn làng Falkland về clarity - sự rõ ràng, minh bạch trong suy nghĩ và mục đích sống. Trên đời này luôn có rất nhiều thứ linh tinh, lặt vặt, tào lao, không liên quan nó gõ cửa làm phiền mình mỗi ngày. Nếu chuyện gì mình cũng suy nghĩ và đưa ra chọn lựa hay quyết định thì có mà hết pin, kiệt sức mà gục ngã. Trong khi đó, đời mình có nhiều thứ quan trọng hơn thì chưa kịp quan tâm, xử lý mình đã hết thời gian và năng lượng rồi. Cho nên, tốt nhất là chuyện gì không cần thì bỏ qua, tập trung vô chuyện có liên quan và cần thiết cho mục đích và hành trình của mình đã.
Có khi nào bạn đang như vậy không? Chuyện gì cũng lao ra xử lý, suy nghĩ, quyết định dù chuyện đó không đáng, không liên quan, không đóng góp gì cho hành trình phía trước. Có khi nào bạn đang xài xạc tâm trí và năng lượng của mình không đúng chỗ, khiến bản thân mệt mỏi, đuối sức, nhưng thật ra chẳng tạo ra chút giá trị gì? Nếu có, thì có lẽ đây là lúc bạn cần tư duy lại về điều quan trọng, thứ cần tập trung, cần ưu tiên cho mục đích sống, cho hành trình và tương lai phía trước của mình. Có khi, bạn sẽ trở nên thong dong hơn khi hiểu ra và thay đổi.
Gọi là định luật, thật ra đây chỉ là những đúc kết đến từ trải nghiệm sống của những người đi trước. Ngẫm lại, có khi nó sẽ giúp ta có góc nhìn khác, thông thái hơn, thoáng đãng hơn, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả hơn. Cuối cùng, nói vòng nói vo rồi cũng trở về với bạn, người chịu trách nhiệm duy nhất về hạnh phúc và thành công của chính bản thân mình. Vậy thôi!
Comments