Cái gì hay thì phải học, và người Nhật với những thành tựu tái thiết đất nước sau chiến tranh để trở thành một cường quốc cũng có những bài học của họ. Đây là 7 bài học từ triết lý sống của người Nhật mà bạn có thể tham khảo để ứng dụng cho cuộc sống của cá nhân thành công và hạnh phúc hơn.
Triết lý 1 - Ikigai
Ikigai là khái niệm quan trọng hướng dẫn con người tìm được mục đích sống. Không ai trên đời này hạnh phúc được nếu không hiểu điều cơ bản nhất là tại sao mình lại sinh ra trong cuộc đời này. Do đó, làm gì làm, điều đầu tiên ai cũng phải cố gắng tìm được chính là lý do bạn thức dậy với trái tim ca hát mỗi ngày để bắt đầu một hành trình mới đầy nắng gió. Ngoài ra, để trở nên hài lòng và hứng khởi với công việc mình làm, người ta cần xếp thẳng hàng thế mạnh của mình, đam mê của mình, và điều mà thế giới cần từ bạn.
Nếu chỉ làm việc mình giỏi để kiếm được tiền, người ta có thể hài lòng nhưng cảm thấy thiếu thiếu. Cái thiếu, đó chính là một sứ mệnh cao cả hơn, lớn hơn cả cuộc sống thường ngày mà ta cứ phải trải qua. Nếu chỉ làm việc thế giới cần, dù là bạn có khả năng và làm rất tốt, bạn có thể rất thoải mái với công việc mình làm nhưng lại cảm thấy trống rỗng, chán nản vì không có động lực và tình yêu cháy bỏng dành cho nó. Nếu được làm việc thế giới cần mình làm và được trả công xứng đáng, người ta sẽ cảm thấy vui, có mục đích, nhưng vẫn chưa thoả mãn vì nó thiếu đi niềm đam mê vô tận, nguồn năng lượng vô biên để đẩy con người về phía trước. Còn nếu chỉ làm điều mình đam mê và là điều thế giới cần thì bạn có thể rất hứng khởi, đã đời, hài lòng nhưng lại chẳng có tiền. Mà không làm ra tiền để hỗ trợ cuộc sống tài chính hàng ngày của mình thì cũng là vấn đề nan giải.
Cho nên, Ikigai nghĩa là người ta cần phải tìm được sự giao thoa của 4 yếu tố để tạo thành mục đích sống cho bản thân: đam mê - điều bạn yêu thích, điều thế giới cần ở bạn - sứ mệnh của bạn, thứ bạn được trả công để làm - công việc của bạn, và thứ bạn rất giỏi - nghề nghiệp của bạn. Khi 4 yếu tố này giao thoa với nhau, được sắp xếp và cộng tác hài hoà với nhau, bạn có Ikigai, hay nói cách khác là tìm ra mục đích sống của đời mình. Chỉ khi đó, bạn mới cảm thấy hài lòng, vui vẻ, hạnh phúc với những gì mình đang đóng góp và cống hiến cho cuộc đời này, chứ không phải chỉ tồn tại qua ngày, và lại rất thoải mái và đầy cảm hứng làm việc và dấn thân mỗi ngày.
Triết lý 2 - Shikita ga nai
Nghĩa của khái niệm này là buông bỏ những thứ bạn không thể thay đổi. Chúng ta không phải là thần thánh, không có khả năng thay đổi tất cả mọi thứ mình không hài lòng. Có rất nhiều thứ trong đời nằm ngoài phạm vi kiểm soát và thay đổi của con người, ví dụ như là tâm tính của một ai đó. Bạn cần hiểu rằng, việc có rất nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát, không thể cong lượn theo ý mình được là chuyện hết sức bình thường, là lẽ thường tình của thế giới này. Cho nên, con người cần phải học cách buông bỏ những thứ mình không thay đổi hay kiểm soát được và tập trung vào những thứ mình có thể quản trị, ví dụ như kỹ năng và nội lực của bản thân. Đừng phí thời gian và cố chấp làm những việc mà cho dù bạn làm cỡ nào cũng chẳng hề suy suyễn.
Triết lý 3 - Wabi-sabi
Đây là khái niệm dạy con người tìm thấy sự bình an trong mọi sự không hoàn hảo. Đời này không có gì là hoàn hảo cả, được này mất kia, giỏi này dở kia, mạnh này yếu kia là chuyện hết sức bình thường. Đừng cố bám víu lấy mong muốn phi thực tế là mọi thứ phải thật là hoàn hảo. Bản thân chúng ta đã không cách nào hoàn hảo rồi. Chính mình còn như vậy thì làm gì có ai khác hay thứ gì khác nó có thể trở nên hoàn hảo? Cho nên, thay vì đi tìm và cố chấp với sự hoàn hảo, con người nên học cách tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong sự khiếm khuyết. Thật ra, nếu tất cà đều hoàn hảo thì chán lắm. Chính sự khiếm khuyết, sự không hoàn hảo mới tạo nên sự độc đáo khác nhau của con người và sự vật. Bản thân mình luôn có khiếm khuyết. Tất cả mọi người khác đều có khiếm khuyết, và mọi sự vật trong đời đều có khiếm khuyết. Biết chấp nhận và nhìn thấy cái đẹp từ sự khiếm khuyết đó chính là hành trình chấp nhận và ôm chầm lấy những điều thuận tự nhiên, và vì vậy sẽ giúp cho con người hạnh phúc.
Triết lý 4 - Gaman
Đây là khái niệm dạy con người ta bình tĩnh, giữ phẩm cách và lòng tự trọng trong mọi trường hợp, đặc biệt là trong những tình huống gian nan, khó khăn, hỗn loạn nhất. Thật ra, chỉ trong những hoàn cảnh như vậy, con người mới show ra màu sắc thật của mình. Bình thường, khi mọi thứ rất ngăn nắp thì, con người hoàn toàn có thể khoác lên mình những chiếc bao bì lịch sự và cao cả. Tuy nhiên, khi bị đưa vào các tình huống bị ảnh hưởng trực tiếp đến an nguy và lợi ích cá nhân, người ta bắt đầu show ra bộ mặt thật. Đạo đức hay không chỉ có thể đánh giá ở đoạn này. Cho nên, con người cần học quản trị và nâng cao trí thông minh cảm xúc của bản thân, giữ cho mình luôn chính chắn, kiểm soát được cảm xúc và hành vi trong mọi khó khăn, hoàn cảnh. Gaman dạy con người cần học cách nhẫn nại, kiên trì và thấu cảm trong mọi tình huống.
Triết lý 5 - Oubaitori
Đây là khái niệm dạy con người đừng suốt ngày đi so sánh mình với người khác. Mỗi chúng ta là một bản thể độc đáo và khác nhau của vũ trụ. Mỗi chúng ta đều có hành trình và lộ trình khác nhau trong đời. Do đó, không ai có thể mang cuộc đời mình ra so sánh với ai. Thay vì suốt ngày đi so sánh rồi vật vã với việc hơn thua, tốt nhất là con người nên tập trung vào sự tiến hoá của chính mình, vào hành trình, cột mốc của cuộc đời mình, vào điểm đến và sự lớn lên mỗi ngày của bản thân mình. Có như vậy, bạn sẽ sử dụng năng lượng và nguồn lực đúng cách, không phí phạm vào những hơn thua so sánh vô nghĩa, chẳng giúp gì được cho ai.
Triết lý 6 - Kaizen
Kaizen là khái niệm được ứng dụng rất rộng rãi trong đời sống và quản trị doanh nghiệp, tổ chức. Kaizen nghĩa là không ngừng tiến bộ và cải tiến mỗi ngày. Bất kể điều gì mình đang làm trong đời đều có cơ hội để làm tốt hơn một chút mỗi ngày. Sẽ luôn có không gian cho chúng ta cải tiến, làm cho mọi thứ tốt hơn, thuận tiện hơn, hiệu quả hơn nếu chúng ta thật sự tập trung và để tâm vào đó. Từng chút thay đổi và cải tiến mỗi ngày sẽ khiến bạn tiến bộ vượt bậc sau một thời gian mà bản thân bạn còn không tưởng tượng ra. Góp gió thành bão là như thế. Cho nên, đừng chỉ mơ màng về những dự án lớn, những cơ hội to bự, những thứ hoành tráng thùng rỗng kêu to. Mỗi một ngày đi qua, bạn đều có cơ hội để làm cho mọi thứ trong đời mình tốt hơn một chút, cho đến khi bạn thậm chí còn không nhận ra mình đã tiến bộ một quãng dài đến thế nhờ vào những điều tích cực nho nhỏ đã thực hiện mỗi ngày. Với Kaizen, cuộc sống và công việc sẽ tốt hơn mỗi ngày, từng chút từng chút một.
Triết lý 7 - Shu-Ha-Ri
Bạn nghe câu này chưa? “Khi học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện. Khi học trò đã thật sự sẵn sàng, người thầy sẽ biến mất”. Có 3 giai đoạn để học hỏi và rèn luyện kỹ năng, kiến thức mới. Shu-Ha-Ri thật ra đại diện cho 3 giai đoạn học tập và lớn lên của một con người.
Shu: là khi con người học những điều cơ bản nhất bằng cách làm theo sự chỉ dạy của thầy. Trong giai đoạn này, chủ yếu là học, ứng dụng theo cách được dạy, bắt chước y sì theo những gì được học.
Ha: là giai đoạn mà học trò bắt đầu thử nghiệm, học và rút ra những điều cần thiết có thể ứng dụng được cho hoàn cảnh của mình từ thầy, rồi bắt tay vào thử nghiệm, cải tiến, hiệu chỉnh sao cho nó phù hợp nhất với tình huống và môi trưởng của mình. Đây là cách con người internalize - cá nhân hoá kiến thức học được thành kiến thức của bản thân.
Ri: Đây là giai đoạn sáng tạo, ứng dụng những gì đã học vào việc sáng tạo ra ý tưởng mới, cách làm mới, cách tiếp cận mới trong nhiều hoàn cảnh mới. Đây là đỉnh cao của học, là khi bạn không cần thầy nữa, mà bản thân đã master - nắm bắt toàn diện kiến thức và kỹ năng cần có để kiến tạo ra những giải pháp mới.
Bạn cũng nên phản tư lại, mình đang ở đâu trong 3 giai đoạn này liên quan tới những kỹ năng và kiến thức mình đang học? Nhớ là, bạn thật sự sẵn sàng là khi bạn không cần thầy nữa.
Trên đây là 7 triết lý sống đã giúp cho người Nhật và nước Nhật thành công cho đến ngày hôm nay. Bạn nghĩ mình học được gì từ đó?
Comments