top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

7 KỸ NĂNG QUAN TRỌNG & THIẾT THỰC ÍT AI ĐỂ Ý



Thật ra thì, để thành công trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống đòi hỏi một con người phải có rất nhiều kỹ năng khác nhau. Những kỹ năng cốt lõi, không thể không có nếu muốn vận hành được như tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo, kỹ năng quản trị quỹ thời gian, vv được nhắc đến thường xuyên và với tầng suất dày đặc hơn vì chúng được truyền thông rộng rãi như kỹ năng cốt lõi, kỹ năng thế kỷ, vv.


Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chỉ học tới đó rồi thôi. Người thành công đòi hỏi phải sở hữu nhiều kỹ năng khác nữa, là những kỹ năng cộng thêm, đặt để họ ở những vị thế cao hơn, cạnh tranh hơn, xuất sắc hơn. Và vì những kỹ năng này dù rất quan trọng và thiết thực trong công việc nhưng ít được ai nhắc đến, đưa vào chương trình huấn luyện chính thức hay gắn liền với những yêu cầu phát triển nghề nghiệp của tổ chức nên cũng vì vậy mà ít được nhận dạng và coi trọng.


Có điều, ai nhận biết được tầm quan trọng và học hỏi, rèn luyện thêm những kỹ năng này thì chắc chắn sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội vượt lên, trở nên xuất sắc trong bất kỳ công việc gì mình đang làm. Các bạn tham khảo xem nhé.

Kỹ năng bán hàng

Dù bạn đang làm nghề gì, ở đâu, vị trí thế nào thì kỹ năng quan trọng nhất giúp bạn tiến xa vẫn là kỹ năng sell - bán hàng. Trước hết là bạn phải bán được bản thân mình cho nhà tuyển dụng, cho tổ chức, cho sếp trên, cho đội ngũ. Sau đó là dù làm gì thì bạn cũng phải có lúc trình bày, bán ý tưởng, dự án của mình cho nội bộ công ty. Bạn bán tốt, thuyết phục thì nhiều người ủng hộ, không thì phải đối mặt với những câu hỏi, phản biện bẻ ngang bẻ dọc đến kiệt sức. Đó là chưa nói đến phản đối bằng những lập luận thuyết phục hơn bạn, dù có thể là không đúng hay phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, nhưng chẳng qua là vì họ giỏi sell và thuyết phục hơn mình. Vậy thì có bực mình không cơ chứ?

Kế đến, trong vấn đề đối ngoại, và đặc biệt là ở vị trí nào, bạn cũng phải bán thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, công ty mình cho người ngoài. Bán hàng chưa bao giờ chỉ là trách nhiệm của phòng bán hàng. Tất cả mọi nhân sự trong một công ty, tổ chức khi có thêm đều nên và nhiệt tình bán hàng cho bất kỳ đối tượng nào liên quan đến công ty, tổ chức của mình. Cuối cùng thì, mỗi con người trong một tổ chức đều là một đại sứ thương hiệu, và việc bạn cần làm là promote cho tổ chức của mình mọi lúc mọi nơi, bất cứ khi nào có thể một cách xuất sắc nhất. Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên là, ít ai nghĩ đến điều này, ít ai nhận biết đây là kỹ năng quan trọng, và cũng ít ai xem đó là việc mình cần làm, nếu mình đang không công tác tại phòng bán hàng. Có điều, người làm tốt việc này dù ở vị trí nào, với kỹ năng bán hàng xuất sắc, trước sau gì cũng trở nên nổi bật, vì họ sử dụng chính kỹ năng bán hàng để mang về nhiều cơ hội mới cho công ty một cách không ngờ. Họ cũng vì vậy mà trở nên nổi trội hơn trong đội ngũ.


Bạn thử nghĩ đi, có công ty, tổ chức nào mà không thích và tạo cơ hội thắng tiến cho những người như vậy chứ?


Kỹ năng đàm phán

Ai, ngày nào trong đời, trong công việc mà không phải đàm phán đâu. Đương nhiên khi nhắc đến đàm phán, người ta nghĩ ngay đếm phòng bán hàng, phát triển kinh doanh phải đàm phán với đối tác, khách hàng. Nhưng phòng nhân sự có phải đàm phán lương không? Phòng marketing có phải đàm phán ngân sách không? Phòng cung ứng có phải đàm phán với nhà cung cấp không? Dù ở vị trí nào, công việc gì, hàng ngày bạn vẫn phải đàm phán. Ngay cả trong gia đình, khi muốn thuyết phục anh chị, bố mẹ, vợ chồng mình làm gì đó theo ý mình, bạn còn phải đàm phán mà, nói chi ngoài xã hội và tại công sở. Cho nên, ai giỏi món này thì người đó thuận lợi hơn, như ý hơn, lèo lái hành trình theo ý muốn của mình thong dong hơn. Ai không có kỹ năng này, chưa mở miệng đã chịu thua, đã lui bước thì đành phải ngậm trái đắng nhiều hơn thôi. Không phải vì bạn xui, mà vì bạn thiếu kỹ năng đàm phán.

Sự tiến lui nhịp nhàng, biết người biết ta, tạo ra thế win-win cho cả đôi bên, ai cũng có lợi là cái thế mà bạn cần xếp cờ. Đàm phán không phải để mình thắng người ta thua. Háo thắng quá chỉ muốn cái lợi cho riêng mình, không quan tâm gì tới ai thì trước sau gì cũng bị thiên hạ ghét mà hạ bệ. Nhớ là, đàm phán nghĩa là tạo cơ hội và lợi ích cho tất cả những ai liên quan, để mang đến sự công bằng, vui vẻ, lợi lạc cho các bên tham gia đàm phán. Làm được vậy thì hành trình của mình mới vững bền, được nhiều người yêu thương và ủng hộ, cộng tác lâu dài.

Kỹ năng trình bày

Không ai làm nghề gì mà không phải trình bày cả, dù là trình bày trong nội bộ hay với đối tác bên ngoài. Đó là chưa kể đến việc bạn cần phải xuất hiện và trình bày trước công chúng. Đây là kỹ năng nhiều người yếu, ít người chịu rèn luyện, lại là kỹ năng mà Warren Buffet cho rằng tạo thêm 150% giá trị cho công việc của bạn. Có khi bạn làm rất tốt, rất xuất sắc, nhưng trình bày dở quá thành ra người ta không thèm quan tâm, không hiểu nên không ủng hộ, không thích nên bỏ qua không hợp tác, không nắm được thông điệp nên không tìm đến bạn để hợp tác, vv. Kỹ năng trình bày cực kỳ quan trọng.Nó là kỹ năng hàng đầu để thu hút đầu tư, thu hút đối tác, khách hàng, thu hút sự hỗ trợ nội bộ, thu hút nguồn lực cho các dự án của cá nhân, công ty, tổ chức.

Người có khả năng trình bày tốt dễ thành công hơn vì họ thể hiện nội dung, thông điệp một cách rõ ràng, dễ hiểu, truyền cảm hứng và vì vậy được nhiều người biết đến và ủng hộ. Đó cũng là cách giúp họ xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá nhân xuất sắc hơn, nhờ vậy thu hút được nhiều sự chú ý, nhiều cơ hội, nguồn lực đầu tư và hỗ trợ hơn. Bạn nghĩ xem, có người không ai biết đến, không biết phải tìm nguồn lực và sự hỗ trợ từ đâu. Có người làm gì vừa hê lên một tiếng là có quá trời người dang tay ra giúp đỡ. Bạn muốn là ai?

Kỹ năng zoom in & zoom out

Không biết mọi người có để ý không, chớ nhiều người chỉ biết nói chung chung, tổng thể, bao quát, nhưng khi vào chi tiết triển khai, hành động cụ thể thì không tư duy và vẽ ra kế hoạch rõ ràng vì thiếu kỹ năng zoom in, quan sát, bẻ nhỏ quá trình, chuyện lớn, mục tiêu tổng thể thành các bước nhỏ để thực thi. Thiếu kỹ năng này, nói và trình bày chung chung thì hay nhưng không triển khai thực tế và sát sao được. Ngược lại, có những người chưa nói xong là đã nhảy chồm vào chi tiết, rồi loanh quanh trong đó, loay hoay trong những tình tiết nhỏ nhặt mà quên mất đó chỉ là một phần rất nhỏ trong một kế hoạch và mục tiêu lớn hơn. Nếu không có khả năng zoom out, nhìn rõ đại cuộc, biết tại sao cần chẻ nhỏ chuyện lớn thành bước nhỏ, rồi zoom in vào để xử lý các bước nhỏ để chuyện lớn thành công, thì khó mà có thể thành công trong bất cứ dự án hay công việc gì.


Khả năng linh hoạt có thể zoom in và zoom out, theo dõi cả tổng thể và chi tiết, can thiệp và xử lý khi cần là khả năng cực kỳ quan trọng, đặc biệt đối với những ai đang giữ các vị trí hướng dẫn, lãnh đạo, quản lý và quản trị dự án, đội nhóm. Thiếu đi kỹ năng này, rất khó để có thể làm việc hiệu quả, tạo ra kết quả và đạt được mục tiêu. Đã không thành công thì làm sao mà phát triển và thăng tiến?

Kỹ năng thích nghi, ứng biến, và vượt qua trở ngại

Trên đời này, không có gì là bất biến cả. Kế hoạch làm ra vậy đó, nhưng trong quá trình thực thi sẽ có những điều kiện bị thay đổi bất ngờ, không lường trước được, và thế là mình không thể cứng đầu cứ cắm mặt làm theo cái cách mà mình đã quyết. Khi có những nhân tố mới xuất hiện làm ảnh hưởng đến mục tiêu hay cách làm, thì kế hoạch đương nhiên cần được hiệu chỉnh, thay đổi sao cho thích nghi với điều kiện mới, hoàn cảnh mới, tình huống mới. Chỉ bằng cách đó thì bạn mới có thể luôn luôn giữ cho dự án và kế hoạch của mình cập nhật nhất, phù hợp nhất với thời thế và sự chuyển động bất định của thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều này. Con người vốn không thích thay đổi, lười thay đổi, và có khi vì thiếu kỹ năng nên thậm chí không biết mình cần thay đối, huống chi là thay đổi thế nào. Đó cũng là lý do vì sao bạn cần kỹ năng này, thích nghi - ứng biến theo tình thế - và vượt qua mọi cản trở, trở ngại, khó khăn có thể đối diện trên hành trình. Người không có kỹ năng này sẽ loay hoay, hoảng sợ, mất định hướng khi hoàn cảnh thay đổi, vì tâm thế chưa sẵn sàng để đón nhận thay đổi, và kỹ năng chưa có để xử lý tình huống thay đổi. Vậy, thì làm gì cũng sẽ gặp trở ngại và khó hoàn thành, vì thay đổi là hằng số trong bất kỳ dự án hay hành trình nào. Do đó, muốn thành công, bạn không thể thiếu kỹ năng này được.

Kỹ năng giữ cho bản thân tích cực & lạc quan

Đời này, ai cũng có lúc gặp khó khăn, trở ngại, thậm chí là tai hoạ. Đời, ai cũng có lúc lên voi xuống chó, không ai đi một đường bằng phẳng mãi đâu. Khác chăng, là có người gập ghềnh nhiều hơn, có người khập khiễng ít hơn, cũng tuỳ một chút vào luật nhân quả và phước đức của cá nhân mình. Tuy nhiên, khi phải đối diện với tình huống và hoàn cảnh nghiệt ngã, có người sẽ đau đớn gục ngã và không đứng lên nổi nữa. Có người sợ hãi và co cụm lại không dám dấn thân tiếp theo, cam chịu một đời co ro. Cùng có người, xem đó là bài học để lớn lên, để bản lĩnh hơn, vững vàng hơn, và có động lực để đứng dậy và bước tiếp ngay tại nơi mình vừa ngã xuống. Làm được vậy, là nhờ họ có kỹ năng giữ cho bản thân tích cực và lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Họ hiểu cách vận hành của vũ trụ, chấp nhận luật chơi đó, chuẩn bị bản thân thích nghi và ứng biến được trong mọi hoàn cảnh bằng thái độ không gì là không thể.

Thất bại ai mà chẳng từng kinh qua. Vấp ngã ai mà chẳng từng một vài lần sóng soài. Nhưng rồi sao nữa? Sự khác nhau cơ bản là cách con người xử lý tình huống đó, bằng chính tinh thần vững vàng và bản lĩnh sống của mình. Nếu bạn để mặc cho đời xử mình, còn mình chịu thua ngã xuống và không còn ý chí để đứng lên thì thua rồi. Đời này bạn sẽ chẳng làm gì cho thành được, vì chuyện gì rồi cũng sẽ gặp khi sóng gió, lúc khó khăn. Còn nếu bạn biết cách nuôi dưỡng năng lượng tích cực và sử dụng nó để tự mình thúc đẩy bản thân mình đứng lên thì, bạn chẳng sợ chi ngày gió mưa, giông bão. Được vậy, thì hành trình cuộc sống này có gì mà ngăn cản, làm khó hay vùi dập được bạn? Mà đã rèn được tính kiên trì, đứng lên và tiếp tục bất chấp mọi khó khăn chính là tố chất của người thành công. Bạn có thấy ai thành công mà suốt ngày chỉ biết than thân trách phận, khóc lóc đổ thừa cho số phận của mình chưa? Hay họ là những người chấp nhận nhưng đối diện trực tiếp với vấn đề và hoàn cảnh, tìm cách giải quyết phù hợp nhất, rồi mang tâm thế tiến lên mà bước về phía trước?

Tích cực và lạc quan là thứ bạn phải học cách tự tạo ra, tự nuôi dưỡng như hệ thống miễn nhiễm cho cơ thể. Hệ miễn nhiệm càng mạnh, bạn càng vượt qua mọi sóng gió trong cuộc sống nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn. Hệ miễn nhiễm càng yếu, bạn càng dễ gục ngã, cạn kiệt, và có khi mất khả năng tự vệ. Cuối cùng, đó cũng chỉ là kỹ năng mà thôi, học được và rèn luyện được. Vấn đề là, bạn có nhận ra và có chịu học hay không.

Kỹ năng ra quyết định dựa trên thông tin, dữ liệu thay vì cảm xúc

Giờ bạn thử phản tư đi, có bao nhiêu quyết định trong đời bạn đã đưa ra theo cảm xúc nhất thời? Tôi đoán, là nhiều không đếm nổi. Con người là loại động vật nhiều cảm xúc, và dễ bị cảm xúc dẫn dắt. Vì thương, vì yêu, vì ghét, vì giận, vì tưởng, vv mà người ta để cho cảm xúc dẫn dắt và đưa ra những lựa chọn, quyết định mang tính “không kịp nghĩ”. Trong cuộc sống như vậy đã đành, trong công việc rất nhiều người cũng lâm vào trạng thái này, đưa ra quyết định dựa vào cảm xúc cá nhân thay vì dựa trên thông tin, dữ liệu thể hiện thực tế, sự thật, thực trạng. Dĩ nhiên, khi quyết định đưa ra dựa trên cảm xúc thì chẳng có bao nhiêu quyết định là đúng đắn hết. Chúng chỉ được đưa ra để hả hê cơn emo nhất thời, dù rất thiếu sự khôn ngoan. Khi quyết định đã đưa ra, bao nhiêu hệ luỵ cuốn theo. Một cái sai dẫn đến vạn thứ sai. Muốn quay đầu đã khó nói chi là ngược dòng sửa sai và làm lại cho nó đúng. Cho nên, đây không phải chỉ là vấn đề một quyết định sai mà là cả một chuỗi những hậu quả tiếp diễn, gây ra những tổn hại lẽ ra không nên có.


Do đó, người khôn ngoan và thành công là người biết quan sát vấn đề ở thể thứ 3, tách bản thân ra khỏi sự quay cuồng của cảm xúc, khách quan nhìn nhận căn nguyên vấn đề dựa trên thông tin và dữ liệu, khách quan nhìn nhận cái sai cái đúng, và khách quan đưa ra hướng xử lý tốt nhất cho tập thể và tổ chức thay vì chỉ để bảo vệ mày mặt hay mơn trớn ego của cá nhân mình. Để làm được chuyện này không dễ. Đây là kỹ năng đặc biệt và quan trọng mà bạn có thể rèn luyện, dù không dễ rèn luyện và không dễ ứng dụng. Tuy nhiên, nếu quyết chí và rèn luyện thành công thì nó trở thành đòn bẩy cực kỳ lợi hại giúp bạn dẫn dắt rất thành công bất kỳ đội ngũ hay tổ chức nào.


Trước hết là bạn biết có những kỹ năng thiết thực và quan trọng như vậy nó tồn tại đã, ngoài những thứ bạn thường nghe. Xong, thì trước hết bạn nên tập trung học hỏi và rèn luyện những kỹ năng cơ bản trước. Sau đó mới đến những kỹ năng này. Khi master thêm được những kỹ năng này, bạn sẽ lên một level mới, trở thành người bản lĩnh và lợi hại hơn rất nhiều so với đám đông. Chỉ là bạn có muốn hay không mà thôi. Muốn, thì luôn có cách.

8.585 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page