top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

RÈN ĐỂ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN


fish trying to overcome challenges

Nếu hỏi tại sao thời này mấy bạn mất phương hướng, khủng hoảng về nghề nghiệp, hoang mang về tương lai, lơ mơ về định hướng nhiều đến như vậy thì có lẽ mình sẽ trả lời là bởi vì các bạn học nhiều quá nhưng mà rèn ít quá. Con người không thể chỉ học lý thuyết, nghe và nhận thông tin là biết phải làm gì. Sự trui rèn, tôi luyện thông qua trải nghiệm, qua khó khăn, thử thách đời thật mới là thứ quan trọng hơn giúp các bạn thích nghi với thực tại, hiểu sự thật đôi khi khác rất xa, quá xa, có khi là khác hoàn toàn với những gì học qua, nghe được. Chính sự khác biệt lớn giữa thực tế và những gì mình tưởng tượng qua thông tin đã khiến cho không ít bạn trẻ bị sốc thực tại, không biết phải ứng ra sao, bối rối không có giải pháp, dẫn đến đại đa số trở nên mất định hướng.


Hệ thống giáo dục nhồi nhét lý thuyết, phụ huynh úm trong vòng tay, xã hội lòng vòng trên cõi mạng cực ảo đều là những tác nhân gây nên tình trạng nảy. Các em ngày càng ít ra ngoài trải nghiệm, ít va chạm thực tế, chỉ chăm chăm chúi mũi vào sách vở, thông tin, mà hại nữa lả thông tin fake, chủ quan của hàng vạn cái ống miệng trên mây, không phân biệt nổi đâu thật đâu giả. Cứ như vậy, mọi thứ trôi đi trong đời, cho đến khi các em vấp phải một tình huống thực tế nghiệt ngã nào đó và hốt hoảng không biết phải phản ứng hay xử lý sao với nó. Đối với những người đã từng trải, va vấp, trui rèn trong thực tế, một việc có thể là chuyện nhỏ, không có gì ghê gớm hết, nhưng đối với các em, nó có thể là chuyện quá sức chịu đựng. Chuyện thì giống nhau. Level chịu đựng của mỗi người lại khác nhau. Người có trui rèn thấy nó nhỏ như con thỏ. Người không được tôi luyện thực tế thấy nó như quả núi, con voi. Nhiều khi tôi nhận tin nhắn khủng hoảng, hốt hoảng của các em mà giật mình, ủa chuyện này có gì đâu mà sao hoảng hốt dữ vậy. Rồi chuyện gì lớn hơn một chút chắc vừa thấy đã gục ngã luôn, nói chi chuyện đối mặt. Sao phải vậy?

Cho nên, thật ra thì chuyện để cho các em học cách vấp ngã, đối diện với đời từ sớm cực kỳ cần thiết. Các con trong nhà cũng vậy. Các bạn trẻ trong trường học, xã hội, công sở cũng vậy. Nhất thiết phải cho các em đối diện và trải qua thực tế rất khác đó, học cách giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, sáng tạo, học từ trải nghiệm, học từ lỗi lầm, học từ vấp ngã, học để đứng lên, học để thấy mọi thứ xảy ra trong đời này chẳng có chuyện gì ghê gớm hết, chuyện gì cũng vượt qua được hết, chuyện gì cũng giải quyết được hết. Trời đất ngoài kia to lớn lắm. Ba chuyện vặt vãnh này thì có đáng gì bao. Giờ, có khi mình cần reset lại tư duy và phương hướng cho la bàn của các em, giúp các em tìm về thực tế để bớt gặp khủng hoảng trong cuộc sống.

Khuyến khích dám làm dám sai

Thế hệ đi trước trải qua nhiều gian nan, nên sợ thế hệ sau khổ giống mình, thế là trải hoa hồng suốt cuộc đi, khiến các em bị ảo tưởng về một thế giới đầy hoa hồng và hương thơm, cho đến khi lạc vào thực tại một chiều hạ kia và nhận ra một thế giới hoàn toàn khác. Cảm giác hụt hẫng, cảm giác rơi tự do, cảm giác mình không thuộc về, cảm giác cô độc trong chính môi trường của mình hành hạ các em. Chiếc bong bóng mà người đi trước đã nhốt các em vào, cách ly các em khỏi thực tại nó nghiệt ngã lắm. Nó chẳng giúp gì cho các em. Nó chỉ khiến cho các em được bảo vệ như bubble boy - chú bé bong bóng một thời, rồi nó sẽ vỡ bùm khi không còn có thể bảo vệ các em nữa, khiến các em ngơ ngác.


Thay vì vậy, sao không khuyến khích các em dám làm dám sai, dám sai dám sửa, dám đối diện với mọi sự không thuận lợi, sự khập khiễng, sần sùi vốn có của xã hội và cuộc sống? Chuẩn bị cho các em ngay từ nhỏ thật ra là cách tốt nhất để giúp các em hoà nhập vào thực tại, dám đối diện và giải quyết mọi vấn để của cuộc sống, lớn lên và bản lĩnh hơn trong hành trình xây dựng giấc mơ và giá trị của mình. Vậy thôi chớ có gì ghê lắm đâu. Rèn luyện chính là học. Tôi rèn chính là cách để tạo ra những con người có nội lực để thành công trong tương lai.


Tạo điều kiện triển khai dự án cá nhân

Mà muốn tôi rèn thì không có cách nào hay hơn là làm thiệt. Học qua dự án, qua thực hành, qua thực tế mới là cách để các em nhận ra thực tế nó khác xa lý thuyết kiểu gì. Thành ra, đối với người trẻ, càng tạo điều kiện cho các em thực hiện, triển khai các dự án cá nhân mà các em mong muốn càng có lợi. Qua triển khai dự án, các em chắc chắn sẽ gặp phải cản trở, khó khăn mọi bề từ kỹ thuật đến nguồn lực, từ quản trị đến vận hành, từ ý tưởng đến triển khai. Tất cả những khó khăn này là khó khăn thực tế, và nó sẽ lặp lại trong nhiều dự án, khiến các em trải qua, học cách giải quyết và dự đoán được cho những dự án tiếp theo. Cứ như thế mà các em lớn lên, từ từ thấy mấy chuyện này cũng thường thôi. Chuyện to hoá chuyện nhỏ, chuyện nhỏ hoá chuyện thường tình cỏn con, rồi cứ thế chuyện gì cũng thành chuyện ui xời, có gì đâu.


Khi đạt được tâm thế đó, thì hết đường khủng hoảng với hoang mang, vì đời này thật ra có chuyện gì đâu để hoang mang. Tới đâu mình xử tới đó thôi mà. Đời, chỉ có sinh lão bệnh tử là chuyện lớn, còn lại đều là chuyện nhỏ. Người qua trải nghiệm hiểu thế, nên thong dong, bình tĩnh đi đến thành công. Sao ta không dạy cho các em như thế từ đầu, để các em khỏi hụt hẫng?


Phát triển bản thân qua trải nghiệm

OK học giỏi lý thuyết cũng tốt, không ai phản bác là không tốt, nhưng chỉ giỏi lý thuyết không thì thua, không chống chọi nổi với đời, nhất là trong cái thế mà mọi thứ nó cứ thay đổi như chong chóng thế này. Gia đình cũng vậy, trường học cũng vậy, công sở cũng vậy, muốn phát triển các em thì hãy tạo điều kiện cho các em học qua trải nghiệm. Chỉ có thực tế mới tôi rèn con người, xây dựng nội lực, chuẩn bị cho các em đối diện với mọi hoàn cảnh mà vẫn ung dung thành công. Chuyện hay vậy sao mình không làm? Chủ trương cần thiết vậy sao mình không theo? Giúp các em vững vàng và thành công chẳng phải là thứ mà mọi người mong muốn?


Đừng cho các em ngồi trong phòng lạnh và mơ về những ý tưởng xa xôi nữa. Hãy cho các em cơ hội bị đẩy ra thế giới ngoài kia, vấp ngã và ngỡ ngàng từ sớm, hiểu không có con đường nào là bằng phẳng cả để học cách san bằng, đi vòng, tìm cách vượt qua. Chỉ có những trải nghiệm đời thật mới chuẩn bị tốt nhất cho các em trở thành những con người bản lĩnh.


Rèn, đó chính là từ khoá quan trọng trong phát triển bản thân, và từ khoá này cần sự thấu hiểu của chính mỗi người, của chính gia đình, nhà trường, xã hội. Chỉ có thể qua tôi rèn thì thép mới là thép, người mới vững vàng và thành công mới không còn là một giấc mơ hoang….


4.352 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page