Ahmed năm nay 43 tuổi, nhưng có cái kiểu lõi đời của U60. Làm ăn ở cái xứ đạo Hồi này, phải đàn ông mới được. Phụ nữ theo truyền thống là phải ở nhà vun vén gia đình, vì vậy mà số lượng phụ nữ thất nghiệp ở Ai cập cao thứ nhì trong khu vực MENA (25.8%). Sau mấy cuộc họp, Ahmed trả tôi về khách sạn lúc 9g đêm, hẹn 11g30 quay lại đón.
Ảnh: Khu mua sắm City Star, Cairo.
22g30, xe đưa chúng tôi chạy vòng vèo về trung tâm ánh sáng, khu mua sắm City Star tại Cairo. Hình như cả thành phố Cairo có mặt ở City Star đêm nay. 22g30 mà hết sức đông người, đa số là giới trẻ, chen chúc vào cổng chính trung tâm mua sắm. Trung tâm mua sắm chỉ có năm tầng, nhưng mỗi tầng có 4-5 quán cà phê đủ nhãn hiệu từ địa phương đến nước ngoài. Có 20-25 quán, mỗi quán sức chứa 70-100 chỗ ngồi và đều rơi vào tình trạng hết chỗ. Tức là cùng lúc nơi này có khoảng 1.400 người ngồi uống cà phê. Đây là minh chứng về thói quen giải trí của giới trẻ Ai Cập: họ thích đi ngoài đường, tụ tập tại các trung tâm mua sắm, siêu thị và các quán cà phê... Một cảm giác rất gần với Việt Nam!
Chúng tôi bắt đầu bữa ăn tối quá nửa đêm. Đó là thói quen của người bản địa. Người ta ra đường tầm 11g đêm và trở về lúc 2-3g sáng. Vậy mà vẫn đi làm sáng hôm sau tầm khoảng 9g. Có điều, trưa là phải ngủ một giấc dài cho đã.
Lý lịch là quan trọng
Bộ trưởng Tư Pháp Ai cập bị buộc phải từ chức sau khi phát biểu một câu xanh rờn “Con trai mấy người hốt rác không được phép trở thành thẩm phán”. Hàng ngàn người đã lên các mạng xã hội bày tả lòng căm phẫn. Hiến pháp thì ghi là không cho phép phân biệt đối xử, nhưng trên thực tế đã có 138 người không được nhận vào làm công tố, đơn gỉan vì ba của họ không có bằng đại học.
Bối rối!
Nhớ cái ngày đầu tiên đến Cairo. Cái năng lượng ì ì, xám xịt và bụi bặm nó cứ ám ảnh làm sao ấy. Sau hành trình ngược thời gian từ sân bay trôi về khách sạn, tôi ngồi thẫn thờ ngoài ban công ngắm dòng chảy sông Nile. Bối rối!
Gặp cô tiếp tân khách sạn, hỏi đường đi thăm Kim Tự Tháp Giza, cô nói không biết đường. Ở đây dân địa phương đâu có ai đi bao giờ đâu mà biết. Bối rối!
Bước từng bước lạc lõng trên con đường đất nhỏ xíu dẫn vào Kim Tự Tháp, những quán hàng lưu niệm ọp ẹp, mùi phân động vật ngây người. Đường vào vĩ đại là như thế này ư? Bối rối!
Màn trình chiếu bằng đèn laser về vua Khufu và cách xây dựng các kim tự tháp Giza trên chính nền kim tự tháp. Thiết kế chương trình như cơm nguội với nước mưa. Đó có phải là cách nói về sự vĩ đại? Bối rối!
Ngày đến, ngày về, và đến bây giờ đây vẫn còn bối rối. Chẳng biết những người con của Pha-ra-ông có hiểu được hay không?
Trẻ em đường phố
Tháng 1/2015, một khảo sát cho thấy Ai cập có tổng cộng 16 ngàn trẻ em đường phố. Đám trẻ này giờ đây đã lớn lên và lập cả gia đình, vẫn là ngoài đường phố. Cái nghèo đeo đẳng Ai cập. Cho đến giờ, 1 trong 5 người Ai cập vẫn phải vật lộn hàng ngày vì manh áo miếng ăn.
Rồi sao nữa?
Có một Ai cập bị kẹt vào ánh hào quang quá khứ, loay hoay, và thời gian dường như ngừng lại cùng với sự hoàn thành của kim tự tháp. 5 ngàn năm, 5 trăm năm, hay chỉ năm mươi năm thì quá khứ cũng đã là quá khứ. Nếu không thay đổi và tiến hoá cùng thế giới, kim tự tháp rồi cũng để tiếc mà thôi. Quá khứ luôn được nhắc đến. Sự vĩ đại luôn được ngưỡng mộ. Nhưng thời gian không ngừng lại....
Ta ở đâu?
Trích chương 7 - Pha-ra-ông & giấc ngủ ngàn năm - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân
コメント