top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

NHẬT - BUSHIDO & NGUỒN GỐC MẶT TRỜI


Có một cái nơi khiến cho người ta bỗng nói nhẹ nhàng, đi rón rén, còn phép lịch sự, tính nhường nhịn, ấy chẳng qua là cái sự hiển nhiên. Rồi mỗi lần hạ cánh xuống sân bay Nagoya, năng lượng “đáng kính” của 127 triệu người con xứ sở mặt trời cứ như một dòng thác khổng lồ ập xuống, gột rửa mọi sự cau có, cuốn trôi mấy mảnh hung hăng, trả tôi về với một hơi thở rất sâu, với sự tĩnh lặng bạt ngàn, và thoáng bình yên vô tận….


Mặt trời mọc ở Nihon?

Ngày xưa nước nhật có tên là Wa hay Wakoku. Mãi đến sau thế kỷ thứ 7 mới đổi thành Nippon hay Nihon (日本), nghĩa đen là nguồn gốc mặt trời. Vậy mặt trời có mọc ở Nihon? Truyền thuyết nói rằng Nhật hoàng thuộc dòng dõi của nữ thần mặt trời Amaterasu. Vậy Nihon là xứ sở mặt trời cũng phải. Bạn thử google hình ảnh cờ Nhật mà xem.


Nói về vị thế, Nhật là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung quốc. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật năm 2014 là 4.7 nghìn tỷ đô la Mỹ (Mỹ: 17.4 nghìn tỷ, Trung quốc 10.4 nghìn tỷ). Nếu tính bằng tỷ lệ, độ lớn của nền kinh tế Việt nam chỉ gần bằng 4% của Nhật (Việt nam: 187 tỷ đô la). Xét về mức độ phát triển, Nhật là quốc gia duy nhất của châu Á có mặt trong nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển tiên tiến nhất G7, bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh, và Nhật. Vì vậy, Nhật có thể nói là thị trường dẫn dắt về xu hướng cho cả khu vực châu Á. Điều gì đã làm cho quốc gia châu Á này trở thành cường quốc, đứng ngang hàng với các đại gia phương Tây?



Ảnh: Ginza – một trong những khu vực mua sắm sầm uất và cao cấp nhất nhất Tokyo, nơi các thương hiệu đua nhau thể hiện cái vị thế to lớn và sang trọng của mình bằng những cửa hàng xa hoa, tráng lệ.


Sau chiến tranh thế giới thứ 2, và nhất là sau sự kiện đánh bom nguyên tử tại Hiroshima & Nagasaki năm 1945, Nhật bắt đầu xây dựng lại từ hai bàn tay trắng. Vậy mà chỉ trong vòng ba thập kỷ “vàng”, ‘60, ‘70 và ‘80, họ đã đưa đất nước từ tình trạng khủng hoảng sau chiến tranh trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, rồi giữ vị thế này mãi đến năm 2010 trước khi kinh tế Trung quốc bắt đầu có tín hiệu vươn lên. Sức mạnh hồi phục và trỗi dậy nhanh chóng này của Nhật được thế giới nhắc đến như một “điều kỳ diệu”. Không có một cây đũa thần. Không có thời gian cho những lời hoa mỹ. Họ nhẫn nại làm việc, làm việc, và làm việc. Họ tổ chức và kết nối với nhau vì một mục tiêu chung, cường quốc. Rồi họ đã thực hiện được mục tiêu ấy nhờ vào một hệ giá trị chung, hệ giá trị Bushido.


“Chuyện của Genji” (The Tale of Genji)

Đây là tựa đề một quyển tiểu thuyết nhiều tập của một tác giả người Nhật tên là Murasaki Shikibu viết từ thế kỷ thứ 11. Chuyện được viết kèm hình vẽ trong các cuộn giấy (scroll) vì thời đó làm gì có in và đóng sách. Bạn biết không? “Chuyện của Genji” được biết đến như là quyển tiểu thuyết đầu tiên của thế giới.



Ảnh: hình vẽ minh hoạ trong tiểu thuyết – Genji ôm bé Kaoru.



Linh hồn Nhật

Có một quyển sách best seller của tác giả người Nhật Inazo Nitobe xuất bản năm 1899 mang tên “Bushido: Linh hồn Nhật” (Bushido: The Soul of Japan). Quyển sách kể về samurai, giá trị cốt lõi của những chiến binh lừng danh này, và sức ảnh hưởng sâu rộng của hệ giá trị này vào văn hoá Nhật. Đây là quyển sách ưa thích của nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có Tổng thống Theodore Roosevelt & tổng thống John F. Kennedy. Bushido là gì?


武士道

Ba chữ Kanji trên đây phiên âm tiếng Nhật là Bushido, dịch theo từ Hán Việt là Võ Sĩ Đạo, bao gồm 8 giá trị đạo đức cơ bản mà bất kỳ một võ sĩ samurai nào cũng phải trao dồi và thể hiện trong cuộc sống hàng ngày.


1.義 – Nghĩa: nghĩa là nói đến chính nghĩa, chính trực, nói đến khả năng nhận thức và thực hiện những điều đúng đắn, không thoả hiệp với cái xấu, cái ác trong bất kỳ tình huống nào. Đây là phẩm chất cơ bản và quan trọng nhất của một võ sĩ đạo. Thật ra mà nói, đâu chỉ có võ sĩ đạo. Đã là con người, dù là sinh ra và lớn lên ở đâu trong cái thế giới này, ai chẳng muốn đi về phía mặt trời và tránh xa bóng tối. Thế nhưng có những khoảnh khắc mong manh giữa thiện và ác khi lựa chọn chỉ nằm trong gang tấc còn hậu quả thì dài như dòng chảy Mekong. Nghĩa đối với Nhật là chung tay xây dựng lại đất nước. Đó chính là nền tảng quan trọng nhất mang cả dân tộc này gần lại với nhau, là năng lượng vĩ đại kết nối họ cùng nhau, để chỉ trong vòng 30 năm, có một quốc gia từ mảnh vụn chiến tranh trở thành cường quốc.


2.勇 - Dũng: nghĩa là tính dũng cảm, thấy đúng chính nghĩa thì làm. Còn biết đúng mà vẫn không làm vì bất kỳ lý do gì thì có nghĩa là thiếu lòng dũng cảm. Một trong những sự thiếu dũng cảm mà chúng ta thường gặp nhất là khả năng nhận lỗi và xin lỗi. Có lỗi thì phải biết nhận lỗi và phải chường mặt ra mà xin lỗi. Chấm hết. Không có bị vì thì là tại gì nữa hết. Thủ tướng Nhật còn xin lỗi nữa kìa. Ngày 7/6/2010, báo The New York Times đăng tin thủ tướng Nhật, ông Yukio Hatoyama, nước mắt lưng tròng xin lỗi các thành viên đảng Dân chủ tại Hiroshima. Báo The New York Times cho rằng việc một nhà chính trị biết nhận trách nhiệm về mình và từ chức là một việc làm đáng kính. Dũng cảm? Bạn đã bao giờ xin lỗi hay chưa?


3. 仁 – Nhân: đây là tính cao thượng, lòng trắc ẩn, sự bao dung và yêu thương con người. Ngày 11/3/2011, khi Tohoku rúng động hành tinh vì sức tàn phá khủng khiếp của cơn động đất lớn thứ 4 trong lịch sử thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 15 ngàn người, thì đó cũng là lúc thế giới nghiêng mình trước chữ nhân trong văn hoá Nhật. Không có sự hỗn độn. Không có đau thương nào là của cá nhân. Gia đình, cộng đồng, xã hội tìm đến nhau tại 80 ngàn ngôi chùa và 85 ngàn ngôi đền trên cả nước vì những nạn nhân của cơn thảm khốc. Năng lượng “nhân” của hàng triệu con người xoa dịu những đau thương.



4.礼 – Lễ: lễ là lễ độ, là phép lịch sự và hành vi cư xử nhã nhặn với mọi người trong xã hội, bất kỳ kẻ lạ người quen. Lễ thể hiện sự quan tâm, thể hiện bản chất “nhân chi sơ, tính bổn thiện” của mỗi người. Vậy đó, con người sinh ra ai cũng mang cái tử tế bản chất ở trong người. Mình có gieo trồng, tưới tẩm hạt giống đó hay không để thế giới nghiêng mình thán phục. Ấy mới là cái chuyện cần bàn. Đối với Nhật, nó là văn hoá. Đối với Nhật, nó là phẩm chất sáng ngời trong từng câu chuyện kể của bạn bè quốc tế về nét đẹp của nòi giống mặt trời. Để rồi mỗi khi dừng chân trên xứ sở hoa anh đào, tôi lại rón rén gặm nhấm cái sung sướng thật trong trẻo của một nền văn hoá nhẹ nhàng, chào đón.



Ảnh: Nhật, thủ đô sakura của thế giới


5.誠 – Thành: thành là chỉ phẩm chất thành thật, chân thật của một con người. Người xưa nói rằng tiền bạc, vật chất, và quyền lực làm lu mờ sự thông thái của một con người, còn sự giản đơn, mộc mạc trả con người ta về với bản tính thành thật vốn có. Nếu một xã hội không đặt trên nền móng của sự thành thật, ở đó người ta sẽ lừa dối nhau vì tiền, gian lận nhau vì danh, lường gạt nhau vì lợi. Rồi người ta sung sướng hân hoang mở đại tiệc cá nhân mà không hề biết rằng năng lượng gian dối của hàng triệu triệu người trong một cộng đồng sẽ nhấn chìm cả cộng đồng đó xuống. Nhật đã vươn lên từ zero thành số 2 thế giới? Ta ở đâu?


6.名誉 – Danh dự: là hành vi đạo đức, là uy tín cá nhân thể hiện trong mọi tương tác trong gia đình và ngoài xã hội. Bạn biết không? Người Nhật mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, đánh giá và chọn lựa đối tác. Thế nhưng một khi đã đặt bút ký kết bất kỳ một cam kết nào, họ sẽ thực hiện 100%, nếu không nói là 110% những gì cam kết. Đối với họ, cam kết liên quan đến uy tín, liên quan đến danh dự của bản thân. Nếu cam kết rồi mà không làm được có khác gì là mất đi danh dự (Vào thời samurai mà mất danh dự thì tự ôm kiếm mà đâm vào bụng đấy). Nói về cái sự cam kết, Việt nam mình chắc là phải đi qua Nhật mà học lại. Dù trong công việc hay là trong cuộc sống, tôi thấy nhiều người Việt nam mình nói hay hứa giỏi, thế nhưng đến cái đoạn làm thì soi đèn cũng kiếm hổng có ra. Còn nếu may mắn có làm, thì cũng làm qua loa, xuề xoà cho nó xong, không để một miếng danh dự nào của mình vào trong đó cả. Nếu phải kể câu chuyện về bước ra thế giới, xin đừng quên danh dự là tài sản lận lưng duy nhất để bạn ngẩng cao đầu, bước tự tin vào cái xứ bao la của những điều chưa biết.


7.忠義 – Trung thành: trung thành là đặc tính khủng nhất của người Nhật, nhất là trong công việc. Có nhiều người Nhật cả đời làm chỉ có một công ty. Tuy nhiên đối với tôi, điều này chưa hẳn đã là điều tốt. Mình cũng cần thay đổi môi trường để học tập và phát triển. Có điều, việc thay đổi môi trường không nên đặt trên nền tảng lương cao. Có những khi cái chúng ta cần là kiến thức, kinh nghiệm, và trải nghiệm. Nếu một môi trường làm việc có thể phụ đạo cho ta những gì đang thiếu trên con đường đi đến tầm nhìn, hãy ở đó và hãy học. Còn lòng trung thành trong bối cảnh hiện đại có lẽ nên được nhắc đến theo khía cạnh “trước sau như một”, nghĩa là thực hiện đúng và xuất sắc nhất những điều mình đã từng cam kết. Về khía cạnh này thì mình còn thua xa người Nhật. Tôi đã từng nói với một nhóm các trưởng phòng trong một buổi đào tạo về quản lý thế này: “Hãy làm tốt nhất những gì mình đang thực hiện. Đừng bao giờ phàn nàn là bạn đang hao tốn sức lực cho một công ty. Cái bạn đang làm thật ra là xây dựng thương hiệu cho chính bản thân mình.” Nếu chỉ chạy loanh quoanh để kiếm hơn được một chút tiền, sao không đủ dũng cảm để chạy ào ra ngoài thế giới?


8.自制 – Kềm chế: biết tự kềm chế bản thân để luôn luôn hướng về những điều đúng đắn là phẩm chất thứ tám và cũng là phẩm chất cuối cùng của Bushido. Hồi xưa đến giờ đi làm sợ nhất là khách Nhật. Họ dễ thương, nhẹ nhàng, lịch sự, chẳng bao giờ biết nổi nóng và phàn nàn chi hết. Tính kềm chế của họ là thế. Phật lòng vậy mà vẫn mỉm cười. Nhưng mà cười rồi thì bỏ đi luôn. Không biết đường để tìm mà xin lỗi. Bởi thế, ếch cũng học được bài học là làm cái gì cũng vô cùng để tâm vào đó, làm làm sao cho nó đúng cái lương tâm, làm sao cho nó hết sức mình chứ không chỉ đơn thuần là làm cho xong việc. Cái này phải cám ơn mấy khách hàng người Nhật.


Trễ làm vì tàu chạy trễ giờ

Đây là cái chiêu có thể sử dụng ở đâu đó khác chứ hoàn toàn không ăn thua gì ở Nhật. Tại đất nước của sự cam kết này, tàu điện không thể nào chạy trễ. Và nếu cái chuyện “không thể” này mà có xảy ra, thì công ty quản lý tàu sẽ gởi cho sếp của bạn một lá thư xin lỗi.


Trích chương 5 - Bushido & Nguồn gốc mặt trời - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác gỉa Nguyễn Phi Vân

238 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

BỊ “ĐÌ”

Comentários


bottom of page