top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

BẠN THỬ CHƯA?



Có lẽ do văn hoá học thụ động, chỉ ngồi nghe giảng bài và yêu cầu sao làm vậy nên rất nhiều bạn trẻ Việt Nam tôi gặp rơi vào tình trạng “dư lời nói, thiếu hành động”.


Hỏi một câu, thật ra cũng không phải để chờ trả lời, rồi nếu không cắt ngang chắc nghe non-stop mấy tiếng luôn quá. Nói gì mà dữ vậy? Nên tôi hay cắt ngang và hỏi: “Em thử chưa?” Câu trả lời thường gặp là chưa, hay “tại” lý do gì đó nên chưa, hoặc chưa tìm ra cách làm. Chưa thử mà nói gì trời. Nhắc đi nhắc lại chuyện này hoài, là giữa lý thuyết và thực tế là mấy ngàn năm ánh sáng. Những gì bạn đọc, học, nghe chưa chắc đã ứng dụng được hoặc ứng dụng thành công vào thực tế. Cho nên, làm gì làm, học gì học, cứ phải thử đã rồi mới có thể mở miệng ra nói. Và chỉ nói sau khi đã thử bằng nhiều cách, thất bại có thành công có, thì nói mới có sách mách có chứng chứ. Nói trên sách không thì trật đường ray thế kỷ rồi bạn ơi.


Thế kỷ này, tương lai bất định này là một bản giao hưởng có quá nhiều nhạc cụ và tiết tấu khác nhau, khi solo, lúc giao hoà, khi chậm rãi, lúc dồn dập và hoành tráng. Không sống trong không gian đó làm sao hiểu? Không đắm mình vào đó sao biết không gian ấy ra sao? Ai ngồi đọc lý thuyết về nhạc giao hưởng mà cảm được nó bao giở? Cho nên, hãy nhớ nguyên tắc vàng của việc học trong thế kỷ này là 50/50. 50% là học, 50% là thực hành, ứng dụng thực tế ngay khi học. Học và làm là 2 hành động đan xen nhau, tiếp nối nhau, hỗ tương nhau không bao giờ dừng lại. Học, rồi làm. Làm, chạm vào thực tế rồi mới thấy thiếu kỹ năng kiến thức nên lại học. Cứ như vậy mà diễn tiến nên gọi là học cả đời, trừ phi bạn nghĩ mình đã xịn rồi không cần học nữa.


Cho nên, đề nghị các bạn ai đang nói thì dừng lại và thử cách tiếp cận mới này cho nó hợp thời khi tiếp cận một vấn đề, chủ đề gì mới:

  1. Dành thời gian học, nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề

  2. Thử nghiệm diện nhỏ để xem ứng dụng vào thực tế sẽ như thế nào

  3. Xem xét và phản tư sau khi ứng dụng xem giữa lý thuyết và thực tế giống và khác nhau ở đâu

  4. Đưa ra cách hiệu chỉnh hay thay đổi cách ứng dụng cho phù hợp với thực tế của mình. Mỗi người mỗi hoàn cảnh có một thực tế rất khác nhau. Không phải ai cũng ứng dụng và ra kết quả như nhau.

  5. Thử lại và hiệu chỉnh cho đến khi thành công


Nói vậy, nghĩa là bạn đừng mở miệng ra nói sau khi đã hoàn thành 5 bước trên. Thử nghĩ câu chuyện của bạn sẽ hay ho thú vị ra sao so với việc “nói chay” như trước đây? Và người nghe sẽ hào hứng và bị thuyết phục thế nào khi nghe trình bày về việc ứng dụng và kết quả sau khi thử nghiệm? Đây là cách tiếp cận giúp cho bạn trở nên thuyết phục hơn khi trình bày bất kỳ vấn đề gì cho bất kỳ ai, đặc biệt là trong công việc. Nhưng để biến nó thành thói quen thì bạn cần phải rèn luyện, mang nó ra nhắc nhở bản thân mỗi ngày khi tiếp cận bất kỳ công việc hay vấn đề gì. Đừng “nói chay” nữa mất thời gian và chẳng ai nghe. Cứ mạnh dạn bắt tay vào thử nghiệm đi. Bạn sẽ làm cho bản thân mình hào hứng và người liên quan càng hào hứng.


Bạn thử chưa? Hãy nghĩ về việc mình đang chạm vào rồi hỏi mình câu hỏi này. Có lẽ nó sẽ giúp bạn nghĩ khác đi, làm khác đi, và thành công hơn trên hành trình phía trước.

4.941 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page