Khi tương tác với nhiều bạn trẻ đi làm tại Việt Nam, và ngay cả một số bạn đang tự kinh doanh, mình nhận ra các bạn đang làm quá nhiều. Có vẻ như danh sách công việc của các bạn ngày nào cũng chất cao như núi, làm hoài không hết, làm mà cứ phải overtime miết không kịp nghỉ ngơi. Câu hỏi của mình là, làm nhiều có phải là hay và tốt không? Làm xong nó tạo ra impact - tác động gì tới mục tiêu chung của công ty, tổ chức, dự án mà bạn đang tham gia? Tạo ra kết quả cụ thể là gì, và kết quả đó đóng góp cụ thể như thế nào vào mục tiêu chung? Bạn biết không? Bạn rõ không? Bạn có đang hướng đến kết quả đó không? Bạn có đang hiểu rằng bất kỳ việc gì mình làm cũng là để đóng góp vào mục tiêu chung đó hay không? Bởi vì làm nhiều không quan trọng, làm gì không quan trọng. Quang trọng là tại sao bạn đang làm chuyện bạn đang làm, để đạt được mục tiêu gì. Còn nếu bạn trả lời không được câu hỏi tại sao bạn đang làm chuyện bạn đang làm thì, thật ra bạn đang làm chuyện vô ích.
Có ai trên đời này chịu được, không nổi cơn khi ai đó nói rằng mình đang làm chuyện vô ích không? Làm gì có. Mình làm quá trời, làm thiếu điều tắt thở, làm muốn chết luôn mà không được người ta ghi nhận và biết ơn. Vậy là sao? Nhưng tại sao người ta phải ghi nhận và biết ơn, khi những việc bạn làm nó trôi đi đâu á, không có tạo ra tác động gì, không có mang lại kết quả gì, không giúp thay đổi tích cực gì cho mục tiêu chung? Vậy, thì làm để làm gì? Vậy, không vô ích thì là gì? Và nếu ai cũng lao ra làm làm như vậy, để không tạo ra kết quả hay tác động gì, thì cả xã hội này biến thành một chiếc vườn rỗi hơi, có rất nhiều thứ được làm, có rất nhiều người miệt mài làm, nhưng không có kết quả nào được tạo ra. Hả? Gì mà nghiệt ngã thế? Dừng lại dừng lại! Làm chỉ để có làm thì đừng làm. Làm ơn đi! Làm ít lại, chơi nhiều lên, nhưng nếu đã làm thì hãy làm những việc tạo ra kết quả và tác động.
Cho nên, dù bạn đang làm gì, có quá nhiều hay không, thì cũng đôi khi nên dừng lại và tự hỏi mình, những chuyện mình đang làm nó có tạo ra kết quả gì rõ ràng, cân đong đo đếm được không? Nếu không sure, mơ hồ, không chắc, không cụ thể chi tiết, không trả lời được thì có lẽ bạn nên dừng làm, đừng làm nữa, dành thời gian tư duy lại về việc cần làm.
Làm gì không quan trọng, làm để làm gì mới quan trọng
Tất cả những việc cần làm, nên tư duy từ điểm đến, nghĩa là tôi muốn đạt được mục tiêu cụ thể là gì, tôi muốn đạt được kết quả rõ ràng là gì, nhìn tận mặt của sự thành công xong, hiểu được tác động của nó xong, OK với điều mình muốn đạt được xong rồi thì mới nghĩ tới cách làm. Khi tư duy từ điểm đến, bạn sẽ bám rất sát mục tiêu để hành động, không sao nhãng, không lơ mơ đi lạc đường, không đi ngày càng xa mục tiêu để rồi quên cả đường về. Phần lớn chúng ta bị như thế, vì không bám sát mục tiêu, vì thiếu tập trung vào mục tiêu, vì không quyết liệt nhắc nhở bản thân về mục tiêu mà cứ lao ra làm làm, thế là chuyện này dẫn chuyện kia, một hồi qua tới La Mã và không còn liên quan gì tới mục tiêu ban đầu cả. Người thành công người ta không có lơ mơ như vậy, không có đi hoang và sao nhãng như vậy. Người thành công đặt mục tiêu cực rõ, mức độ tập trung để hoàn thành mục tiêu cực cao, khả năng tổ chức và vận động nguồn lực để đạt được mục tiêu cực nhạy bén.
Cứ phải bắt đầu từ mực tiêu trước đã, rồi mới nói tới chuyện làm như thế nào để đạt được mục tiêu. Đường đến mục tiêu thì có nhiều đường lắm, không chỉ một đường này hay cách nọ. Tư duy linh hoạt và sáng tạo thì đường đi không bao giờ thiếu. Quan trọng là đường nào nó hợp với dáng em, với con người và nguồn lực của em, với khả năng và nội lực của em. Vậy thôi.
Khi tư duy đủ về cách làm rồi, thì mới tới chuyện làm gì. Mỗi cách làm nó có những chuyện cần làm khác nhau. Cho nên nếu còn chưa biết cách tiếp cận thế nào thì đừng có lao ra làm làm vô ích. Không phải cứ làm là hay, là tốt, là giỏi. Làm chuyện vô ích thì làm để làm gì? Thành ra, hiểu rõ làm để làm gì rồi, biết rõ làm cách nào rồi thì mới bắt tay vào làm. Nếu có 6 tiếng để chặt cây thì cứ nên sử dụng 4 tiếng để mài rìu. Chưa chuẩn bị và rõ ràng về thứ mình làm thì khoan làm. Làm gì không quan trọng, làm để làm gì mới quan trọng.
Luôn có cách làm tốt hơn
Khi tư duy đúng và đủ về mục tiêu xong thì mới tính chuyện làm thế nào, làm ra sao. Thói thường, não người hay rất lường biếng và luôn đi tìm cách nào đã làm, có sẵn, nhanh và đỡ tốn năng lượng não. Cho nên, thứ bạn nghĩ ra ngay, cách mà bạn đã làm trong quá khứ, bao năm qua, lặp đi lặp lại đương nhiên nó sẽ trồi lên trên trước. Và con người, những kẻ thích dễ, thích nhanh, thích đường ngang ngõ tắt, thích lường biếng đỡ phải suy nghĩ thì đương nhiên sẽ vớ ngay lấy cái có sẵn, cái dọn sẵn trên mâm mà xơi. Rất ít người chịu khó tư duy lại, chịu khó dành thời gian để nghĩ ra nhiều cách hay ho hơn, nhiều cách hiệu quả và sáng tạo hơn, nhiều cách hợp thời hợp thế hơn. Thói thường là như vậy.
Còn bạn, nếu thật sự muốn thành công, thì đừng có lười. Không ai thành công nhờ lười biếng cả. Người thành công họ làm việc rất tập trung, miệt mài, quyết liệt, say no với tất cả mọi sự trung bình và luôn hướng về sự xuất sắc nhất. Mà đã xuất sắc, thì không có rập khuôn, làm cho có, cho qua, cho xong. Đã làm, thì sẽ làm cho nó rực rỡ nhất có thể trong tất cả mọi việc mà họ chạm vào. Họ không bao giờ hài lòng với những gì đang có, luôn tin là có cách tốt hơn, và vì vậy luôn cố gắng và sáng tạo không ngừng để chạm vào những tầng cao mới. Bạn có đang sở hữu tâm thế này không? Hay bạn vẫn cứ đang đùa đùa việc cho nó qua, rồi lừa lừa biến mất?
Đừng tiếc chuyện đang làm
Tới đây, nếu bạn hiểu ra rằng, những thứ mình đang làm, làm muốn xỉu ngang kia nó không có make sense - không ý nghĩa gì vì nó đang không đóng góp cho mục tiêu nào thì bạn nên dừng lại ngay, dẹp ngay, tư duy lại từ đầu ngay. Đừng tiếc! Có khi mình đang làm gần xong rồi, làm nhiều lắm rồi, sắp hoàn thành rồi nên cứ cố để làm cho nó xong, để bản thân cảm thấy mình có hoàn thành một cái gì đó. Nhưng cái gì đó là cái gì? Nó tạo ra kết quả gì, thay đổi gì, tác động gì? Đừng chỉ vì cảm giác thành tích ảo mà cố gắng theo đuổi những việc vô ích, không mang lại lợi lạc gì cho ai. Nếu đã nhận ra chuyện mình đang làm không nên tiếp tục thì, hãy cứ chân thật và dũng cảm mà dừng lại. Còn hơn vì chút tiếc nuối ảo mà đâm đầu vào đó mãi, biết vô ích mà vẫn cứ làm, biết phí thời gian mà vẫn cứ phí.
Vậy ha. Bạn đang làm gì không quan trọng. Coi lại đi, xem mình làm để đạt được kết quả gì, mục tiêu gì, tác động gì.
Comments