Trước giờ, câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất qua tin nhắn trên FB và blog Nguyễn Phi Vân luôn là, em đang hoang mang, mất định hướng, lạc lối, mơ hồ về con đường phía trước của mình thì em phải làm sao. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một tình huống khác nhau nên đương nhiên cách tiếp cận và giải pháp có thể khác nhau. Tuy nhiên, nếu biết tư duy một cách hệ thống, các bạn có thể tự mình giúp bản thân nhận dạng được vấn đề, biết cách thoát ra khỏi trạng thái khó khăn này, và quan trọng hơn nữa là tìm được hướng đi cho hành trình tiếp nối.
Sau đây là một số câu hỏi dẫn dắt, giúp bạn tự mình tìm ra và giải quyết vấn đề nhé.
Lần cuối cùng bạn review lại mọi thứ trong cuộc đời mình là khi nào?
Cuộc đời là sự tiếp nối của những hành trình. Hành trình có dài có ngắn, có khi như ý có khi bất như ý, có lúc vui vẻ khi mệt mỏi, khi đúng hướng khi lạc lối. Không sao cả! Ai cũng vậy. Ai cũng là người mới trong hành trình cuộc sống. Có ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong cuộc đời của mình đâu. Cho nên, nhiều khi đi xong một đoạn, mình cũng nên dành thời gian nhìn lại, coi hành trình vừa qua mình được gì mất gì, làm được gì chưa làm được gì, có gì cần hiệu chỉnh, làm tốt hơn, hay bỏ đi, hay có gì cần thêm vào không. Khi học được cách review chính hành trình của mình, và chủ động, linh hoạt hiệu chỉnh bản thân cho hành trình tiếp theo, bạn sẽ luôn giữ cho bản thân đi đúng hướng.
Nhưng review cái gì thì bạn có thể bám theo vài hướng dẫn sau đây nhé:
Sức khoẻ
Tài chính
Phát triển bản thân
Quan hệ
Sự nghiệp
Giải trí
Đóng góp xã hội
Tâm linh
Hỏi mình, mình đang ở đâu trong từng mảnh ghép của bánh xe cuộc đời, mình đang OK hay không OK, mình có cần điều chỉnh gì cho từng mảnh ghép cuộc đời này không, nếu có thì điều chỉnh thế nào? Việc bạn kiểm toán cuộc đời mình là cách tốt nhất để bạn hiểu rõ mình đang ở đâu, trong hiện trạng thế nào, tại sao lại ở đó và đó có phải là nơi bạn mong muốn hay không. Nếu không, đương nhiên là cần phải thay đổi rồi, còn thay đổi thế nào thì sau khi kiểm toán xong, dựa trên kết quả cụ thể rồi mới tính.
Tôi có cần thay đổi tư duy?
Tư duy như nào thì cách mình vận hành, điều hướng cuộc đời mình sẽ đi theo hướng đó. Như vậy, nếu kết quả sau khi review thấy mình đang không đúng hướng, đang lạc đường, hay tạo ra kết quả không như ý muốn thì mình phải làm sao? Có phải bạn cần một sự thay đổi về tư duy, thay đổi góc nhìn, thay đổi cách bạn quản trị cuộc đời không? Mình có thể chủ động và kiểm soát gì trong đời? Mình không thể thay đổi, ảnh hưởng, hay tác động chuyện gì trong đời? Vậy thì mình cần tập trung hành động ở đâu? Cuộc đời sẽ thay đổi bởi cách bạn đặt để vấn đề trong thế chủ động của bản thân, cách bạn thay vì play victim - chơi trò nạn nhân thay đổi sang tập trung tác động tích cực vào những gì bản thân có thể chủ động ảnh hưởng, và từ đó tạo ra kết quả tích cực cho hành trình của chính mình.
Rất nhiều câu hỏi khó bạn cần phải nuốt, và đối diện một cách chân thành nhất với bản thân tại thời điểm này. Mình có đang đổ thừa quá nhiều cho hoàn cảnh? Mình có đang buông xuôi và tiêu cực? Mình có đang dựa dẫm hay vay mượn quá nhiều vào nguồn lực bên ngoài? Mình có đủ kỷ luật và sự cố gắng? Mình có dũng cảm vượt qua giới hạn của bản thân? Mình có khi nào đang lười biếng và đùn đẩy trách nhiệm cuộc đời mình cho người khác? Câu hỏi nào cũng khó, nhưng nếu tìm được câu trả lời chân thực, bạn đã tìm ra giải pháp cho chính bản thân mình.
Thay đổi tư duy là thay đổi cuộc đời. Vậy thì nếu cuộc đời hiện tại của mình nó xào xáo, bất định, loạn cào cào hết cả lên thì có lẽ đây chính là lúc mình cần bình tĩnh xem lại và tìm ra xem bản thân cần thay đổi gì về tư duy trước khi bước tiếp.
Cuối cùng tôi muốn gì trong cuộc đời này?
Nói thiệt là, khi mình không biết mình muốn đến đâu thì làm sao mình biết mình nên hay cần phải đi đâu? Bạn có bao giờ vác xe ra đường, chạy một cách vô định, không biết về đâu mà cứ lòng vòng cho đến khi hết mood, hết xăng, hay hết giờ nên quay về nhà không? Điểm đến, hay mục đích cuộc đời nó rất quan trọng. Nó như cái kim chỉ nam, cái GPS cá nhân chỉ cho mình biết cần phải đi đâu, tại sao lại đi như thế, và con đường phù hợp nhất để đến nơi nhìn như thế nào. Nhưng muốn GPS nó work thì ít nhất bạn phải có 2 điểm, điểm khởi hành và điểm đến. Nếu bạn chỉ có điểm khởi hành, không có điểm đến thì GPS làm sao work? Cho nên, khi bạn review cuộc đời là bạn đang xác định điểm khởi hành hiện tại, và việc bạn tìm ra, hiểu rõ, xác định mục đích cuộc đời mình sẽ là điểm đến. Khi xác định được cả 2, GPS của bạn sẽ bắt đầu tính toán bản đồ và hành trình tiếp theo cho bạn.
Mục đích sống thì mỗi người mỗi khác, và thời gian phản tư, đối thoạt, đấu tranh với bản thân để tìm ra mục đích sống của mỗi người sẽ khác nhau. Có người vì trải nghiệm phong phú nên tìm ra nhanh hơn. Có người trước giờ chưa bao giờ tư duy về nó nên chuyển động chậm hơn. Không sao cả! Chỉ cần bạn bắt đầu đặt câu hỏi, rồi đi tìm, thì cuối cùng sẽ tìm được mà thôi. Bạn sinh ra trong cuộc đời này cuối cùng là để làm gì? Để dạo chơi rồi ra đi? Để kiếm chuyện với đời rồi bỏ chạy? Để trôi như lục bình rồi biến mất? Hay để hoàn thành sứ mệnh gì? Hay để tạo ra giá trị gì và để lại di sản gì? Chỉ có bạn mới biết câu trả lời, vì mỗi chúng ta đều có giấc mơ và điểm đến rất khác nhau. Cho đến khi bạn tìm ra mục đích hay điểm đến của cuộc đời mình, đường đi sẽ luôn là bất định vì bạn còn chưa biết mình đang đi đâu và đi đến đó để làm gì.
Tôi có biết mỗi ngày mình cần phải làm gì?
Có người trôi tuột qua từng ngày, chẳng hiểu tại sao mình đang làm chuyện mình đang làm, tại sao mình lại đánh mất thời gian một cách vô tình như vậy. Đó là khi bạn không có action plan - kế hoạch hành động cho bản thân. Kế hoạch hành động thì nó phải hành động vì cái gì chứ phải không? Đó là sự đóng góp vào mục đích sống hay giá trị bạn muốn tạo ra cho đời mà chúng ta vừa nhắc đến. Khi biết mình muốn gì, bạn sẽ bắt đầu tìm cách hoàn thành mong muốn đó bằng những hành động cụ thể, chi tiết, có cách triển khai và và thời gian triển khai rõ ràng. Chính những thứ đó biến thành kế hoạch hành động hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm của bạn. Tôi cần làm gì để có thể chạm vào điểm đến? Câu hỏi đó trả lời cho chữ how - cách làm và chữ what - cụ thể là làm gì, sau khi đã tìm được chữ why - tại sao, mục đích của tôi là gì.
Nếu đến được đây rồi thì không còn chần chờ hay nghi ngờ gì nữa, chỉ cần tập trung, quyết liệt thực hiện mà thôi. Nghĩ nhiều cũng chẳng có ích gì nếu thiếu đi hành động. Chỉ có action mới làm cho mọi thứ diễn ra trong thực tế, và chỉ khi mọi thứ diễn ra thì ta mới biết cần phải hiệu chỉnh hay làm gì tiếp theo. Khi bạn đã ở đây rồi thì cuộc đời nó dễ dàng nhẹ nhàng lắm. Mỗi sáng thức giấc bạn đều biết mình cần phải làm gì. Mỗi hành trình tiếp nối bạn đều biết mình cần phải đi đâu. Mỗi khi gặp vấn đề hay cản trở gì bạn đều biết cần làm gì để mà giải quyết. Đơn giản vì bạn hiểu rất rõ điểm đến của mình là đâu, nên bạn rất tập trung, không bị sao nhãng, không bị lạc hướng, biết khi nào “say no” vì nó không liên quan hay đóng góp gì cho mục đích sống của mình. Nhờ vậy, bạn sẽ đỡ mất thời gian và lãng phí nguồn lực.
Thế giới xung quanh có đang hỗ trợ tôi?
Nói thế giới thì sẽ có môi trường sống, làm, việc, học tập, và có cả những con người xung quanh bạn. Dù là gì, sẽ có thứ đang ảnh hưởng bạn một cách tiêu cực và cũng sẽ có những thứ đang tác động một cách tích cực. Vậy thì, thứ gì đang tiêu cực, cần loại bỏ hay xử lý thế nào để nó đừng cản đường tiến của mình? Thứ gì đang tích cực cần phát huy? Thứ tích cực gì mình cần có nhưng chưa có cần thiết kế lại? Chuyện này cực kỳ quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần, và mood của bạn khi triển khai kế hoạch của mình. Môi trường và cộng đồng mà tích cực và hỗ trợ thì đương nhiên việc hoàn thành hành trình của bạn nó sẽ dễ dàng hơn.
Chuyện này thật ra không dễ. Có người đã quen với hoàn cảnh, với quan hệ cũ, và không muốn thay đổi. Có người không đủ dũng cảm để thay đổi. Cũng có người vì quá luỵ vào tình cảm mà không dứt ra được nên tìm cho mình nhiều cớ để biện minh. Chuyện này thì tuỳ bạn thôi. Bạn không đủ quyết tâm, kỷ luật và dũng cảm để thay đổi thì đừng trông mong gì vào một hành trình khác đi, đáng sống hơn, có định hướng và thành công hơn. Có ai không làm gì mà được đâu. Ai cũng phải kiên trì, chuyên tâm và chịu làm thì mới đạt được thành quả chứ. Khó, không có nghĩa là không làm được. Vấn đề chỉ là cách tiếp cận thế nào cho phù hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại của bạn mà thôi.
Tôi có đang phát triển bản thân để đi hết hành trình mình đã chọn?
Chuyện mục đích của mình như thế, mong muốn và giấc mơ của mình như thế là một chuyện. Nhưng mình có đủ khả năng, bản lĩnh để thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Đừng bao giờ đổ thừa mình không may mắn. May mắn nó chỉ đến với những người đã tận tâm tận lực với cuộc đời của chính mình. Không vũ trụ nào mà đi nâng đỡ kẻ làm biếng hay người thiếu trách nhiệm cả. Bạn cứ phải tận nhân lực tri thiên mệnh. Cho nên, điều đầu tiên và cần thiết trong action plan của bạn nên là action về phát triển bản thân. Tôi cần học thêm kiến thức gì, kỹ năng gì, cần thêm trải nghiệm gì để xây dựng nền tảng vững vàng nhất cho hành trình phía trước. Có chuẩn bị thì mới làm được chứ. Có ai vừa đi vừa ồ à, thì ra mình thất bại là vì thiếu kiến thức hay kỹ năng bao giờ. Chẳng lẽ bạn đã quên câu này của Abraham Lincoln, “Nếu có 6 tiếng đồng hồ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu”?
Phát triển bản thân là tự mình xây dựng cho mình khả năng và bản lĩnh để tự mình có thể hoàn thành hành trình mình đã tự đặt ra. Chỉ bằng cách đó, bạn mới có thể chủ động chạm đến thành công và làm chủ cuộc đời.
Bao nhiêu đó câu hỏi chắc cũng đủ để nhức đầu, vì tất cả đều là câu hỏi đơn giản nhưng cực kỳ phức tạp. Nhớ là, đời của bạn chỉ có mình bạn chịu trách nhiệm. Cho nên câu hỏi định hướng cuộc đời mình thì phải do chính mình trực tiếp trả lời. Đừng đùn đẩy cho ai khác, trừ phi bạn đang chuyển giao quyền quản trị cuộc đời mình cho người khác….
Comments