Trong đời, tôi gặp rất nhiều bạn trẻ có chức danh sáng ngời, làm việc tại những tổ chức sáng ngời. Thế nhưng, tôi ngạc nhiên tại sao các bạn lại ở đó, vì thực lực các bạn không có.
Có những người may mắn trong đời, nhờ được ai đó cất nhắc, nhờ xuất hiện đúng lúc người ta cần, nhờ người giỏi hơn không xuất hiện nên trở thành lựa chọn tốt nhất tại thời điểm đó, vv. Dù là gì, có rất nhiều người may mắn đang mặc chiếc áo rộng hơn bản thân, có chiếc bóng to hơn con người thật.
Có người không nhận ra, tưởng mình giỏi thật, xứng đáng thật, trở nên kiêu căng bá đạo trên sự thiếu thực lực của bản thân. Những người này, đồng nghiệp và nhân viên ghét. Đối tác ngán. Người có tầm coi thường.
Có người không nhận ra, vẫn hồn nhiên ngây thơ, tưởng là mình đang OK và ai có vấn đề với mình là chuyện của người ta. Còn mình, thì OK lắm mà.
Có người nhận ra, hoảng hốt, sợ hãi, bị áp lực tâm lý về chính sự thiếu năng lực của bản thân. Cho nên, dù đang có một công việc tốt, một chức danh tốt, nhưng lại khổ sở trong chiếc áo mình đang mặc. Dần dà, nếu không giải quyết tận gốc vấn đề, thì bệnh tâm lý trở nặng và có thể dẫn đến trầm cảm.
Trong đời, tôi đã gặp nhiều người như thế, mặc chiếc áo rộng hơn khả năng của mình. Và thường thì tôi sẽ khuyên các bạn nên dành thời gian đối diện với bản thân, thật sự tìm hiểu mình đang ở đâu, và có kế hoạch phát triển bản thân để xây dựng thực lực. Đừng kiêu căng, nhưng cũng đừng hồn nhiên, sợ hãi. Người giỏi là người biết xây dựng nội lực bản thân ngày càng thâm hậu để nắm bắt được nhiều cơ hội. Nếu chỉ phát triển chức danh và tiền lương khi không có thực lực thì chỉ được một đoạn thôi. Rồi người ta ai cũng sẽ nhìn ra sự thiếu năng lực của bạn trong công việc cụ thể.
Vì vậy, bạn nên làm bài tập này. Cách làm cũng đơn giản lắm. Chỉ cần dành thời gian trả lời những câu hỏi sau, một cách hết sức chân thật với bản thân. Đối thoại với bản thân thôi, không với ai khác, nên cũng đừng mày mặt. Cứ chân thật nhất với chính bản thân mình. Chấp nhận hiện thực là bước đầu tiên để phát triển. 5 câu hỏi như sau:
Vị trí tôi đang nắm giữ cần những kiến thức và kỹ năng gì?
Tôi đang có và thiếu những kỹ năng, kiến thức gì?
Tôi cho mình bao nhiêu thời gian để học tập và rèn luyện những kiến thức và kỹ năng còn thiếu?
Kế hoạch học tập và phát triển bản thân cụ thể và theo thứ tự ưu tiên của tôi trong thời gian cho phép là gì?
Tôi sẽ học những kiến thức và kỹ năng này ở đâu, trên kênh nào là phù hợp nhất trong giai đoạn này?
Rồi cứ vậy mà bạn hành động thôi. Mọi thứ cứ phải cụ thể ra thì mới làm được. Đừng ngồi đó với những nỗi lo hay nỗi sợ mơ hồ. Cũng đừng hoang tưởng về sự giỏi của mình. Cứ phải review lại bản thân thường xuyên và hỏi mình những câu hỏi kéo nhau về thực tại. Phát triển bản thân là việc của cả đời. Người luôn nhìn lại mình, luôn học hỏi, phát triển là người thành công bền vững.
Comments