Rất nhiều bạn đọc hay nghe thì hiểu rằng bản thân cần phải thay đổi, cần phải làm mới, cần phải học mới, cần phải hành động khác đi, nhưng nghĩ hoài muốn hoài vẫn không hề thay đổi. Rồi lại nghe, rồi lại đọc, rồi lại đi học các khoá học bơm tinh thần kiểu “Yes I can!”, xong về nhà tinh thần lại xẹp lép như quả bóng xì hơi, đâu lại vào đấy, cuộc đời vẫn trôi qua một cách bất lực trong nỗi khát khao mong muốn. Bệnh này, bệnh trì hoãn có thể nói là căn bệnh tôi thấy phổ biến nhất. Nhiều khi cứ đi tìm cảm hứng hoài không phải là cách. Người khác chỉ có thể truyền cảm hứng cho mình một hai lần thôi. Còn chuyện hành động để thay đổi là chuyện của mình, đâu ai khác làm thay được. Cảm hứng mà truyền hoài rồi bạn cũng lờn thuốc, nghe hoài cũng phát chán, đọc hoài cũng ngán ngẩm chớ. Cho nên, thứ nhất là phải biết bản thân bị bệnh trì hoãn, thứ hai là nên chữa bệnh chứ đừng đi tìm cảm hứng nữa. Chỉ có hành động mới mang lại thay đổi. Chỉ có bản thân chữa cho bản thân khỏi bệnh trì hoãn thì đời bạn mới mong có cơ may khác được.
Căn nguyên của bệnh trì hoãn có thể rất khác nhau. Hôm nay tôi chỉ ra vài ba nguyên nhân mà tôi hay nhìn thấy nhất để các bạn tham khảo mà chữa bệnh nhé.
Không có nhu cầu thay đổi
Người này hiểu hết, hiểu tất tần tật, và hiểu là tương lai rất khác kia nó sẽ tác động lên nhiều người, nhưng mà là lên mấy đứa khác chớ không phải là mình. Ý là mình thuộc hàng nhà có điều kiện, muốn gì cũng mua được, đường đi luôn có người lót sẵn, xưa nay thành tích giỏi giang, trước giờ làm đâu thắng đó, vv. Kiểu người quá khứ quá to, nền nhà quá bự, sinh ra trong chiếc bong bóng như bubble boy sẽ dễ rơi vào trạng thái coi thường thay đổi, xem nhẹ hậu quả, chưa nếm mùi hiện thực, cho đến khi mọi thứ quá muộn, thực tế quá phũ phàng, và bản thân chợt nhận ra mình đã hoá thành quá khứ tự khi nào. Căn này muốn chữa thì hoặc là phải bị thực tế đập cho vỡ mặt, hoặc là lỡ vấp vào cao nhân nào đó người ta quăng sự thật vào đầu không thương tiếc. Gặp người mắc căn này, nếu thương thì đừng bọc kẹo bọc đường, sự thật sao phản ánh trung thực vậy thì mới mong cứu được họ. Ba thương hiệu icon lịch sử trăm năm người ta còn bị tương lai phủ định và phát cho bài vỡ nợ, nói chi là mấy đứa lăn tăn, mới lu lú khỏi ao mà đã coi trời bằng vung.
Tu theo theo môn phái kệ
Căn này còn khó dữ nữa, vì không phải họ không hiểu hay không biết, mà là biết nhưng mà kệ. Ý là, trời sinh voi sinh cỏ, kiếp lục bình thì mặc nước trôi, chẳng cần cố gắng làm chi cho mệt. Với cái tâm thế kệ này thì sóng thần có ập vô nhà họ vẫn ngáp cho hết cơn, rồi ngụp lặn tính sau. Thường thì người tu theo môn này hoặc là thất chí, chán nản trách ông trời sao mình sinh ra hông được bằng người, hoặc là làm hoài thất bại hoài mà không hiểu ra bài học nên đổ bừa cho số phận, hoặc là được nuôi dưỡng trong môi trường MAKENO quá lâu rồi nên không có tinh thần vươn lên. Nói chung, môn này dành cho những người vắng tâm thế, thiếu tinh thần, kém năng lượng, vô ý chí nên tương lai có ra sao thì cũng kệ. Kiểu này thì hoặc là phải đụng sư phụ cao tay đánh thức cho, hoặc là gặp hoàn cảnh ngộ ra, hoặc là phải bị vô tình hay cố ý ép tới cùng đường mới chịu đứng lên thay đổi.
Động lực không đủ lớn để thay đổi
Nhóm này thuộc hàng đu trend, nghĩa là thấy người ta nói phải thay đổi, thấy người xung quanh rục rịch thay đổi thì lòng cũng xúc động muốn thay đổi. Có điều, họ thật ra không hiểu rõ, hiểu đúng và đủ lý do tại sao cần thay đổi, thay đổi ảnh hưởng sống còn tới bản thân mình như thế nào, không thay đổi thì hậu quả ra sao. Vì không hiểu rõ, nên không thấy lo, không biết sợ, không vội vàng xách dép chạy, không rốt ráo hành động. Nghe ai đó truyền cảm hứng thì lúc đó hừng hực ố dè mình phải thay đổi. Về tới nhà rơi xuống cái giường là lại quẹt quẹt 4-5 tiếng chuyện thiên hạ rồi quên luôn như chưa từng có cảm hứng đổi thay. Rồi xong, đâu lại vào đấy, đời lại trôi èo èo, ngày lại qua trước khi ta chợt nhận ra. Thế là hết, và cái vòng lặp này nó cứ tái đi diễn lại mà vẫn chưa có thứ gì xảy ra ngoài những khoảnh khắc giật mình, trách bản thân sao quá thiếu động lực và vô kỷ luật. Nhóm này muốn chữa thì phải chơi chiêu ép cho vô thế, hoặc là dụ dỗ cho commit - cam kết làm chuyện gì đó ngoài khả năng, kiểu thảy xuống hồ cho tự bơi, hoặc là phải kích chuyện mặt mày, không thay đổi sợ thua thiệt mất mặt với đối tượng họ muốn chứng tỏ. Hay hơn, là khiến họ tiếp cận được với nguyên nhân gốc của chữ why - tại sao họ cần thay đổi. Chỉ khi châm cho động lực đủ lớn, và là động lực của chính họ chứ không hề vay mượn, họ mới có đường thay đổi.
Nghĩ rằng thay đổi là trách nhiệm của người khác
Này thuộc loại con nhà giàu có điều kiện, đi làm trong những môi trường sang chảnh có bộ phận gọi là khuyến học và phát triển, lãnh lương chỉ để lo chuyện học hành và phát triển bản thân cho mình. Cho nên, ba chuyện thay đổi của tui là trách nhiệm của mấy người. Mấy người tổ chức thì tui tham gia nếu thấy chèo kéo vui vui hay quảng cáo thu hút. Không thì, mấy người fail khi tui không thay đổi. Tui bận lắm, nhiều việc lắm, KPI lút đầu, hiểu hông? Thành ra, chuyện học hành thay đổi & phát triển bản thân mình mà thái độ tham gia như ban ơn cho người ta. Trời đất! Người kiểu này họ vận hành trong 1 hệ thống đang có, đã cũ mà không hay biết, và thiếu kết nối với thế giới bên ngoài nên chẳng hề hay biết ngoài kia thời gian nó trôi nhanh hơn trong này gấp vạn lần. Dạng này phải cho họ tiếp xúc nhiều hơn với môi trường và loài tương lai để họ giật bắn mình, hốt hoảng khi nhận ra bản thân đang ở đâu, rồi vắt giò lên cổ mà chạy về phía trước.
Quen lười biếng, tử vi số hưởng
Chỉ có mấy người lười biếng mà vẫn được đút muỗng bạc tận miệng người ta mới chảy thây ra thôi. Thử quăng ra đường cho tự sinh tự diệt thì biết liền. Khi cơm áo gạo tiền nó quấn vào cổ không thở nổi thì hết đường làm biếng. Bởi mới có những gia đình cha mẹ quần quật mà con chẳng động móng tay. Ấp riết mà nở ra thành con lười chứ không phải con người, động chút là giãy nãy, làm tí là than phiền, hơi áp lực là dỗi cả ba đời nhà họ. Số hưởng mà, quen cái thói sinh ra để hưởng nên tèn tèn trôi hổng quan tâm đến bất kỳ cái đớ gì, huống chi là thay đổi hay tương lai. Số tui hưởng mà tui làm chi? Số tui không cần nhấc móng tay mà thay đổi cho khổ cái thân à? Chuyện! Thuốc cho căn này thì phải thuốc đắng à, cho vỡ mật ra, cho rơi tự do tám ngàn mét, bỏ cho bơ vơ bữa chưa no lo bữa đói, rớt tới đáy rồi mới học được bài tự mình cứu lấy chính mình. Ai thương sẽ cho cơ hội lên bờ xuống ruộng này để đổi thay. Không thì phải chờ vũ trụ ra tay một chiều mưa nào đó.
Bận quá chưa có thời gian thay đổi
Ui nhóm này thì nhiều lý do lắm cơ. Họ hiểu hết, biết hết, rõ hết, nhưng mà hổng có thời gian. Bận quá đi, chuyện trong nhà ngoài ngõ, check list ú ụ của công ty. Chuyện quá khứ, rớt deadline xử chưa xong, chạy ra tới hiện tại thôi còn quắn cả lên, thời gian đâu mà tương lai với chả thay đổi. Thực tế chút đi! Bữa nay lo còn chưa xong, hơi đâu mà lo ba thứ dở hơi chưa đến. Chờ rảnh rảnh đi rồi tính, nha! Căn này thì muốn chữa phải chơi trò thực tế, vì họ chỉ ngộ ra khi thực tế nó phũ phàng. Nay làm sếp mai mất việc vì lạc hậu nè, OK hôn? Nay làm chủ doanh nghiệp doanh thu tỷ tỷ gì đó mai phá sản nè, OK hôn? Nay kiếm tiền ồ ồ mai kênh này nó lụi một cái là trắng tay nè, OK hôn? Cứ phải quăng bom hậu quả ầm ầm vô nhà vậy thì may ra vì sợ quá mà dừng lại, học quản trị lại thời gian, quản trị lại bản thân, sắp xếp lại cuộc đời, lót nền lại cho tương lai.
Từ từ cháo nó cũng nhừ
Tuýp này thì gì cũng OK hết, hiểu luôn, triển luôn, tự thân vận động luôn, nhưng đó giờ quen tật đủng đỉnh, thủng thỉnh, từ từ rồi cháo nó cũng nhừ mà. Làm dữ vậy! Là cái tật, nên thúc thì chạy nhanh chút, không thì hay lơ ngơ ngắm cành hoa dại quen đường quên đi tiếp. Tuýp này dễ bị lạc đường, trật tuyến, lãng đãng, dễ bị dụ dỗ hay mất phương hướng. Cứ phải có người theo dõi, kéo lại, lùa về, thúc giục chớ không thì lan man làm hoài mà hổng có xong. Tính tình nghệ sỹ nên cần người có khả năng dẫn dắt, nhắc nhở ở ngay bên cạnh.
Sơ sơ nhiêu đó căn nguyên và cách chữa, để bạn chữa cho mình và chữa cho người. Mong là năm nay sẽ trị dứt căn bệnh trì hoãn bấy lâu để 2022 là năm khởi đầu rực rỡ của tương lai
Comments