Tôi hay nhận được lời mời từ các tập đoàn lớn đến chia sẻ cho các cấp quản lý hoặc toàn công ty để kick-off các chương trình trọng điểm, hoặc tại những sự kiện town-hall mang tính chuyển mình quan trọng của tổ chức. Thường thì, câu hỏi đầu tiên của tôi trước khi nhận lời luôn là, “Công ty mình đang gặp vấn đề gì về mindset cần thay đổi?” Câu hỏi tuy đơn giản nhưng lại là khởi điểm của tất cả mọi vấn đề và cơ hội.
Guess what? 10 lần như một, lần nào hỏi cũng nghe chia sẻ có vấn đề liên quan đến chữ “sợ”.
Sợ thất bại, sợ sự bất định, sợ thị trường mới, sợ không biết làm…. Này là những nỗi sợ cổ điển tại các tổ chức lớn đã quen hoạt động theo quy cũ, lớp lang, nề nếp. Công ty, đội ngũ, cá nhân càng có nhiều thành tích, càng đã thành công thì nỗi sợ này càng lớn. Mà sợ cũng phải thôi vì khi đã làm corporate thì bất kỳ cam kết chỉ tiêu, thành tích nào cũng gắn rất chặt với chức vị, mức lương, mức thưởng và tiền đồ về sau. Không thể mất chức, càng không thể mất tiền và đặc biệt không nên mất mặt. Càng có nhiều thứ để mất thì người ta càng sợ. Vì vậy, giấc mơ của lãnh đạo rất nhiều khi bị thả rông trên một đường thẳng song song, không điểm chạm và chẳng liên quan gì đến giấc mơ của đội ngũ làm thuê.
Tôi hiểu rất rõ điều này vì bản thân cũng đã từng đi làm thuê cho tập đoàn. Nói gì nói, cũng phải bảo vệ cho cái thân mình trước. Nói trắng ra, đã là con người thì một trong những nhu cầu cơ bản và quan trọng nhất theo tháp Maslow là sự an toàn. Có khi, phải cảm được sự an toàn rồi thì người ta mới dám trò chuyện với rủi ro. Mà một khi đã mưu cầu sự an toàn thì, ai chẳng sợ những thứ vô định nằm chễm chệ ngoài cái vòng an toàn đó?
Nỗi sợ này luôn lăn tăn, hấp hơ chờ đâu đó, thở oxy, không lên tiếng nhưng miệt mài nhắc nhở, nhắc người ta lo lắng, tránh né, tìm cớ bàn ra thay cho tìm cách để bàn vào. Cuối cùng, what’s in it for me? Nếu tôi lao ra bầm dập với rủi ro thì liệu lời lóm được gì cho bản thân mình cơ chứ? Trừ phi, giấc mơ giông bão của tập đoàn chính là hành trình mà tôi muốn chọn, để thử sức mình, để phát triển bản thân mình, để được bung lụa hết cỡ dù mặt mày có lúc lên lúc xuống. Cuối cùng, chúng ta vẫn phải quay về với câu chuyện của bản thân, của những động cơ cá nhân thầm kín nhất. Sự hô hào là cần thiết. Sự truyền lửa, truyền cảm hứng là điều không thể thiếu. Nhưng mỗi ngày qua đi và khép lại, con người vẫn cứ là con người. Và con người đó chỉ có thể tự đứng lên, tự mang vác sứ mệnh vào mình, tự gác bỏ mọi nỗi sợ để đồng hành cùng giấc mơ to bự mang tên corporate khi họ tự nghiệm ra lợi lạc song song của bản thân trên hành trình dấn thân vào những con đường ít ai dám chọn…. Bài toán là, làm sao để kích hoạt điểm “ngộ” này trong mỗi cá nhân.
Nếu thay đổi góc nhìn, đứng từ góc độ của người đi làm, câu hỏi thường được đặt ra sẽ là, tại sao tôi phải dấn thân và chịu rủi ro cho giấc mơ của một ai đó khác. What if - nếu ta thay đổi cách đặt vấn đề thì sao? What’s in it for me? Tôi được gì khi dấn thân? Tôi được gì khi phải oằn mình vượt qua nỗi sợ của cá nhân để đóng góp vào giấc mơ lớn lao & xa xôi nào đó? Nếu thiếu đi điểm tựa này, bao nhiêu công sức hô hào rồi cũng bỏ sông đổ biển. Chỉ khi giúp cho cá nhân tìm ra điểm tựa của chính họ, động lực của cá nhân trong cuộc chơi chung thì tổ chức mới không phải nhọc lòng về sự co kéo giữa giấc mơ và nỗi sợ.
Commentaires