Đi lơ ngơ mấy ngày xem người ta sinh sống thế nào dưới cái nắng chát người của Yangon, tôi lảo đảo muốn cảm nắng nên về hỏi cô tiếp tân có chổ nào massage chân để mà cứu vãn. Cô tiếp tân nói có chổ này khách ở đây thích lắm, KTV massage nhưng mà chỉ có cho nam. Trời ơi, vậy chỉ làm gì vậy ta? Thôi tự search cho rồi. Taxi luồn lách một hồi qua những con đường chật hẹp, bốc mùi, cuối cùng hai đứa tôi cũng tìm ra khách sạn Central, lên tầng 6 để mà thư giãn. Cái chổ massage chân gì mà hơi nhớp nháp, vậy mà toàn là khách nước ngoài. Cô kỹ thuật viên bập bẹ tiếng Anh, kể tôi nghe chuyện từ dưới quê ra thị thành kiếm sống để gởi tiền về nuôi ba má. Thấy người Miến điện hay qúet cái phấn gì nâu nâu trên mặt, tôi hỏi cô cái đó để làm gì. Cô nói là bột vỏ cây Thanaka, hồi đó giờ người Miến điện sử dụng quẹt lên mặt để cho mát da rồi sẵn đó lấy làm trang điểm. Nhưng giới trẻ bây giờ bớt xài thứ đó. Mỹ phẩm nước ngoài đổ vào rồi giới trẻ thích hơn.
Tôi hỏi có bột Thanaka sẵn đó không cho tôi quẹt vài đường xem thử. Cô cười ngất rồi khi làm xong lấy bột quẹt cho tôi 2 đường lên mặt. Ừa mát thiệt. Và cái này là mỹ phẩm tự nhiên, không hoá chất. Có điều, người dân Miến điện rồi sẽ dần dần bỏ nó, bỏ cái tự nhiên để tìm kiếm cái vỏ bọc xa hoa của mỹ phẩm tốn tiền. Âu cũng là cái luật tiến hoá của xã hội mà thôi. Người chưa đến thì thấp thỏm lao đi. Người đến nơi rồi thì chỉ muốn quay về trở lại. Tiếc mà không thể nói. Bởi vậy có những câu hỏi hay một số vấn đề chỉ có thể trả lời bằng sự lặng câm. Có những thứ không thể nói mà phải để cho người ta trải nghiệm. Bước ra thế giới cũng vậy. Tôi chỉ có thể kể chuyện bạn nghe. Còn bước ra thế giới được hay không còn phải phụ thuộc vào lòng dũng cảm, sự kiên quyết, và khẳng định bản thân mình của bạn.
Cung cấp chất gây nghiện cho thế giới
Miến điện là nước sản xuất thuốc phiện lớn thứ 2 trên thế giới (sau Afghanistan), với sản lượng chiếm 25% tổng sản lượng trên toàn thế giới. Năm 2002, thế giới đã gây áp lực nghiêm cấm vấn đề sản xuất thuốc phiện làm cho 2 khu vực Kokang và Wa tại Miến điện người dân tất cả lâm vào tình trạng thất nghiệp. Nếu tìm hiểu về tam giác vàng, bạn sẽ thấy Miến điện là 1 trong 3 góc.
Sáng hôm sau hẹn Kyaw Htin, một đối tác người địa phương đi làm việc. Hẹn 9:30 sáng mà đến gần 11g họ mới tới nơi, phân bua là do kẹt xe trong thành phố. Vậy mà hôm sau vẫn thế. À thì ra họ chưa có thói quen làm viêc kiểu phương Tây, tôn trọng giờ giấc và quản lý quỹ thời gian hiệu quả. Có điều, trong một tuần làm việc ở Yangon, tôi quá sức ngạc nhiên vì cái sự lưu loát về tiếng Anh của họ. Có một thế hệ trẻ Miến điện tầm ba mươi, ba mấy, nói tiếng Anh như gió và được học hành đầy đủ ở nước ngoài. Họ chắc chắc là niềm hy vọng đổi đời của đất nước chập chững trong thời kỳ hội nhập. Bởi vậy tôi đặt tên cho Yangon cái tên là Fiji time (giờ Fiji – theo tiếng Anh vì người Fiji sống ở xứ nghỉ dưỡng nên làm gì cũng chậm). Sống ở Miến điện mà chơi giờ Fiji!
Ảnh: Bagan, thành phố cổ gần Mandalay, là thủ đô vương quốc Pagan từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19, là vương quốc đầu tiên thống nhất các khu vực khác nhau để hợp nhất thành nước Miến điện ngày nay.
Rồi tôi gặp một ông chủ trà quán nâng cấp từ truyền thống lên hiện đại, bán toàn thức ăn và thức uống chính gốc quốc gia này. Ba mươi mấy tuổi, học ở Anh về, đam mê đến nỗi nói thao thao bất tuyệt về mong muốn giới thiệu món ăn Miến điện ra khu vực và khắp nơi trên thế giới. Bắt tôi phải thử trà sữa và món súp cá Mohinga truyền thống, hắn ngồi nhìn chăm chăm xem tôi phản ứng thế nào. Ấn tượng quá! Đồ ăn thức uống ngon như thế, trang trí nghệ thuật và cách phục vụ thì hết sức chuẩn nước ngoài. Hỏi tôi cái này nhắm có nhượng quyền ra thế giới được không, tôi nói quá là được và khi nào làm cứ alô rồi tôi sẽ giúp. Hắn khoái chí cười bảo muốn làm liền. Cũng hối hả muốn liền liền như Việt nam mình vậy. Có điều tôi kêu phải từ từ xây dựng nền tảng đã. Làm cái gì cũng phải chuyên nghiệp và có nền tảng thì mới có thể phát triển bền vững về sau. Hắn cười, gật đầu dạ dạ. Gật vậy đó nhưng không biết có làm không.
Đá máu
Miến điện sản xuất nhiều loại đá quý như ruby, sapphire, ngọc trai, và ngọc bích, trong đó ruby là loại đá quý chiếm sản lượng nhiều nhất. 90% đá ruby trên toàn thế giới có nguồn gốc từ Miến điện. Đá ruby ở đây được đánh giá là tinh khiết và có màu sắc lung linh nhất. “Thung lũng ruby” của Miến điện ở vùng núi Mogok, 200km về phía bắc của Mandalay, và nổi tiếng với loại đá ruby có màu máu chim bồ câu và đá sapphire màu xanh nước biển. Tuy nhiên, do điều kiện bóc lột nhân công tại các khu mỏ đá của chính phủ quân đội hiện đang sở hữu và khai thác các mỏ đá này, nhiều công ty nữ trang nổi tiếng như Bulgari, Tiffany, và Cartier từ chối không mua đá quý của Miến điện từ trước đến nay.
Rời khỏi Miến điện và hẹn ngày sẽ quay trở lại, tôi vẫn ngập ngừng không biết nên để cho cảm xúc kéo dãn phương nào. Có cái tự tin, vui vẻ, hạnh phúc trong từng nét mặt và câu chuyện của người dân. Có cái mờ mịt, xác xơ của những con đường xung quanh thành phố. Anh bạn ở Việt nam có lần hỏi Miến điện có qua mặt Việt nam không. Đọc xong câu chuyện ở trên rồi, theo các bạn là không hay có?
Trích chương 17 - Qua mặt Việt Nam? - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân
コメント