top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

HONG KONG - THÀNH PHỐ TOÀN CẦU


Nếu kể số lần transit trong những chuyến đi công tác, có lẽ Singapore là nơi tôi dừng chân nhiều nhất. Nhưng nếu phải nói về nơi transit khiến tôi phải dừng lại qua đêm, chỉ để xem triển lãm nghệ thuật, để nghe hoà nhạc, hay đơn giản để mục kích những xu hướng cập nhật nhất trong khu vực thì chắc không có nơi nào qua được Hongkong. Hongkong trong lòng tôi là một thành phố mang tầm vóc quốc tế (cosmopolitan), rất tự do, đầy cá tính, và hết sức sẵn lòng đón nhận khách bốn phương.


Thành Phố Toàn Cầu (World City)

Bạn đã bao giờ thử suy nghĩ xem mình đại diện cho thứ hay ho gì trên thế giới này chưa? Nghĩa là khi nhắc đến mình, người ra sẽ nghĩ đến điều gì trước nhất? Mother Teresa đại diện cho lòng nhân hậu. Nelson Mandala đại diện cho quyền tự do bình đẳng. Đức Khổng Tử đại diện cho đức hạnh. Còn bạn? Bạn đại diện cho điều gì? Còn Hong Kong, họ đại diện cho điều gì?



Ảnh: hải cảng Victoria, Hongkong.


Sự kiện lớn nhất của Hong Kong có lẽ là năm Hong Kong từ thuộc địa của Anh trở về thành đặc khu hành chính của Trung quốc, tháng 7/1997. Cả thế giới khi đó bàn về sự kiện này. Thế nhưng đối với tôi, năm bước ngoặc của Hong Kong lại là năm 1999, năm mà Đặc Khu Trưởng Hong Kong, ông Tung Chee Hwa, đưa ra đề nghị định vị Hong Kong trở thành “Thành Phố Toàn Cầu” của châu Á (Asia’s World City), với mong muốn biến Hong Kong thành những thành phố toàn cầu như New York, London. Một đề nghị vô cùng táo bạo! Vậy là năm 2000, trong chiến lược phát triển Hong Kong, một đề án đã ra đời nhằm thể hiện Hong Kong như một thành phố châu Á mang đẳng cấp và năng lượng quốc tế. Tháng 5/2001, thương hiệu Hong Kong được công bố trên nền tảng định vị “Thành Phố Toàn Cầu”, nơi hội tụ của cơ hội, sức sáng tạo, và tinh thần doanh nhân. Tính cách của Hong Kong: sáng tạo, đẳng cấp, năng động, dẫn đầu, và kết nối. Định vị này có ổn?


Bạn có biết?

Hong Kong là nước đứng thứ 7 trên thế giới về mật độ dân số, với 26.400 người / km2. Nếu bạn nghĩ là Việt nam đã quá chật chội rồi thì bạn nên nghĩ lại. TP. HCM có mật độ chỉ 6.000 người / km2 và Hà nội là 8.000 người / km2. Hãy xem top 10 thành phố trên thế giới có bao nhiêu người sinh sống trên 1 km2 nhé.



Năm 2012, uỷ ban nghiên cứu thành phố toàn cầu & quá trình toàn cầu hoá GaWC (Globalization and World Cities Research Network) tiến hành nghiên cứu thành phố toàn cầu dựa trên 4 nền tảng cung cấp dịch vụ tiên tiến bao gồm kế toán, quảng cáo, tài chính ngân hàng, và luật. Hong Kong xếp hạng thứ 3, sau London & New York.


Cùng năm 2012, phòng phân tích và đánh giá của tập đoàn Economist tiến hành hành phân tích và xếp hạng thành phố toàn cầu dựa trên tiêu chí khả năng thu hút đầu tư, doanh nghiệp, tài năng, và khách nước ngoài. Hong Kong xếp hạng thứ 4 sau New York, London, và Singapore.



Ảnh: Nathan Road – một trong những con đường chính của khu Kowloon


Năm 2014, tạp chí Foreign Policy (Chính Sách Ngoại Giao), kết hợp cùng công ty A.T. Kearney và Hội đồng vấn đề quốc tế Chicago nghiên cứu và công bố danh sách các thành phố toàn cầu có mức ảnh hưởng quan trọng đến các hoạt động quốc tế, là trung tâm khu vực và góp phần đẩy mạnh tiến trình toàn cầu hoá. Hong Kong xếp hạng thứ 5, sau New York, London, Paris, và Tokyo.


Cập nhật

Theo tục lệ ở Hong Kong, khi chết đi người ta đốt đồ giấy như nhà, đồ nội thất để người quá cố mang theo về bên kia thế giới. Ngày nay, người ta cập nhật thành đốt TV 3D, ipad, iphone. Còn có thể đốt cả bánh macaron của Pháp đang là loại bánh thịnh hành ở Hong Kong nữa.


Năm 2015, trong báo cáo Quyền lực kinh tế toàn cầu do Học viện Martin Prosperity phát hành về thành phố toàn cầu, Hong Kong xếp hàng thứ 4 sau New York, London, và Tokyo.


Cùng năm 2015, công ty Knight Frank LLP tại Anh cùng ngân hàng Citi Private hợp tác thực hiện “Báo Cáo Mức Độ Thịnh Vượng” (The Wealth Report). Báo cáo này có nghiên cứu khảo sát về thành phố toàn cầu, đánh giá và xếp hạng những thành phố được xem là có ảnh hưởng quan trọng đối với những người giàu nhất thế giới (có tài sản đầu tư trên 25 triệu đô la). Thành phố toàn cầu được lựa chọn dựa trên 4 nền tảng chính là hoạt động kinh tế, quyền lực chính trị, tri thức & tầm ảnh hưởng, và chất lượng sống. Hong Kong xếp hạng thứ 3 sau London & New York.



Ảnh: Mô hình 3D viện bảo tàng “Kinh kịch” (giống như hát bội ở Việt nam), dự định sẽ mở cửa năm 2016 và là một phần trong dự án xây dựng “quận văn hoá tây Kowloon”


Sau 15 năm triển khai, định vị của Hong Kong đã hoàn toàn được cả thế giới này công nhận. Hong Kong là “Thành Phố Toàn Cầu”!


Hello Kitty

Bị ảnh hưởng nặng của văn hoá Nhật bản, một nhà hàng Hello Kitty đã mở cửa tại Hong Kong. Menu nhà hang có 37 món, trong đó 50% món ăn được trang trí hình mặt Kitty bằng màu mực đen của con mực hay bằng nước quả củ cải đường.


Invest in Hong Kong

Để thuyết phục người đời về định vị thành phố toàn cầu, nếu phải vẽ ra một cái sơ đồ con vi trùng, Hong Kong cần có kế hoạch hành động cho những chủ đề như trở thành trung tâm giao thương khu vực châu Á, cung cấp dịch vụ đẳng cấp quốc tế bằng nguồn nhân lực tri thức và hiệu quả, cơ sở vật chất hiện đại, trở thành trung tâm tri thức, sáng tạo, nâng cao chất lượng sống, và cam kết tự do, mở cửa. Quá trời thứ phải làm. Họ đã làm ra sao?


Trung tâm giao thương khu vực châu Á: Với vị thế sẵn có của mình là cầu nối với Trung quốc và các nước trong khu vực, năm 2000, Hong Kong triển khai chương trình “Invest in Hong Kong” (Đầu tư Hong Kong) nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Hong Kong như trung tâm cầu nối của khu vực châu Á. Bạn biết không? Năm 2014, Hong Kong xếp hạng thứ 2 trên thế giới về hiệu quả thị trường hàng hoá, dẫn đầu thế giới về triển khai gỡ bỏ các hàng rào thương mại và thuế quan, xếp hạng thứ 1 trên thế giới về tỷ lệ nhập khẩu so với GDP (hàng hoá nước ngoài đổ về giao thương tại Hong Kong là cửa khẩu châu Á), và xếp thứ 2 thế giới về sự dễ dàng trong thủ tục hải quan khi xuất nhập. Vậy đó, nếu xét về góc độ cạnh tranh của Hong Kong, họ đứng thứ 7 so với 144 thị trường trên toàn thế giới. Hỏi vậy ai mà không muốn nhào vô lấy nơi này là bàn đạp tiến vào Trung quốc và châu Á? Nơi nào có điều kiện dễ dàng, thuận lợi, nơi đó thu hút đầu tư. Vậy cho nên việc Hong Kong xếp hạng thứ 1 về mức độ thu hút đầu tư trên toàn thế giới (FDI Intensity) chẳng có gì là chuyện đáng ngạc nhiên. Invest in Hong Kong, thật là chương trình hiệu quả để triển khai định vị thành phố toàn cầu.



Ảnh: “Đại lộ những ngôi sao” (Avenue of Stars) – Hollywood của châu Á


Nếu bàn về dịch vụ đẳng cấp và nguồn nhân lực tri thức, hiệu quả, sự phát triển thị trường tài chính của Hong Kong đứng đầu thế giới (theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2015), thời gian triển khai các thủ tục hành chính thuế chỉ mất 78 giờ so với trung bình 204 giờ / năm cho khu vực Đông Á & Thái Bình Dương, còn hiệu quả thị trường lao động thì xếp hạng thứ 3 trên thế giới.


Lộn mèo?

Uỷ ban tiêu dùng Hong Kong đã cảnh báo những người có thú nuôi nên cẩn thận với các dịch vụ chăm sóc hay ma chay cho thú. Lý do là gần đây có nhiều đơn phàn nàn về những dịch vụ này. Trong đó có trường hợp một chú chó phải đi phẫu thuật xương sống sau khi đi spa và một trường hợp một dịch vụ ma chay thiêu lộn con mèo khác.


Ai trong chúng ta cũng biết để có thể phát triển một nền kinh tế, vấn đề cơ bản đầu tiên là phải phát triển cơ sở hạ tầng. Hong Kong ngày nay sở hữu một trong những nền tảng cơ sở hạ tầng cực kỳ tiên tiến. Trên thực tế, họ xếp hạng thứ 1 trên toàn thế giới về chất lượng cơ sở hạ tầng (Báo cáo cạnh tranh 2014). Và họ chắc chắn không dừng ở đó. Năm 2007, Hong Kong công bố 10 dự án hạ tầng trọng điểm, dự toán giải ngân 9 tỷ đô la hàng năm để triển khai từ năm 2013 đến năm 2018. Trong đó có dự án xây cầu nối Hong Kong – Châu Hải – Macao (dự tính hoàn thành 2016), cảng đỗ cho các tàu du lịch với mục tiêu đưa Hong Kong trở thành trung tâm du lịch tàu châu Á (Asia's Cruise Hub). Họ cũng đã chuẩn bị mở rộng sân bay quốc tế Hong Kong với dự án xây mới đường băng thứ 3, dự tính ngân sách đầu tư là 18.2 tỷ đô la Mỹ.



Ảnh: Hong Kong Disneyland


Nếu thành phố toàn cầu là thành phố của cam kết tự do, mở cửa, hãy hỏi về chính sách sở hữu không hạn chế của Hong Kong. Họ mở rộng đầu tư không hạn chế trong bất cứ lĩnh vực nào, duy chỉ có ngành truyền hình là cho phép đầu tư đến 49% cổ phần sở hữu. Về quyền sử dụng đất, sở hữu tuy là nhà nước, nhưng thuê dài hạn thì lại rất dễ dàng, dù bạn là công ty nước ngoài hay công ty nội địa. Cảng nhập khẩu thì sao? Hoàn toàn miễn thuế!


Mua sắm xuyên biên giới

Theo số liệu hải quan Hong Kong, hàng ngày có trên 20 ngàn kẻ mua kiểu “chạy mánh” xuyên biên giới. Họ qua Hong Kong mua đủ thứ loại hàng để mang về bán lại trên đại lục. Từ hồi rộ lên hàng giả, hàng dỏm ở Trung quốc, người ta đổ đi mua hàng Hong Kong cho yên tâm vì cam kết chất lượng của đất nước này. Ngoài những người chạy mánh xuyên biên giới kiểu này, còn có hàng ngàn người Trung quốc tự mình đi mua hàng ở Hong Kong nữa.


Ếch tôi đã mục kích từng tốp, từng tốp người Trung quốc, tay kéo cái giỏ ni long rõ to, sềnh sệch qua từng con phố. Họ mua đủ thứ, từ bàn chải đánh răng, xà bông gội đầu cho đến các loại thuốc men. Bán thì cứ bán để lấy tiền, nhưng thái độ của mấy người bán hàng Hong Kong thì khi dễ ra tận mặt. Hỏi sao cứ thấy Trung quốc là mặt mày cau có, họ trả lời đám người chỉ biết có tiền này đến chữ “lịch sự” còn không hiểu.


Hong Kong cũng đang ráo riết biến mình thành “Trung tâm Nghệ Thuật Châu Á”, với mục tiêu xây dựng nơi này thành cộng đồng sáng tạo như New York, Paris. Từ 10 phòng trưng bày tranh năm 2000, 2015 con số này đã tăng lên thành 90 phòng, và Hong Kong nghiễm nhiên trở thành thị trường đấu giá tranh lớn thứ 3 trên toàn thế giới. Rồi họ xây dựng “Bờ Tây”, cả một khu Tây Kowloon 40 héc ta dọc bến tàu trở thành trung tâm đẳng cấp thế giới về nghệ thuật, văn hoá, và giải trí. “Ốc đảo văn hoá” này sẽ góp phần làm phong phú cuộc sống của người dân trong nước, thu hút khách tham quan & khoác một bộ cánh mới cho thành phố toàn cầu và đất nước Hong Kong.


Định vị rồi tập trung triển khai để đạt được định vị đã đề ra. Hong Kong đã dạy cho tôi một bài học về cách hoạch định chiến lược để hiện thực hoá những điều mình mơ ước.


Nuôi con là cả gia tài

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Bauhinia Hong Kong về phân khúc dân số trung lưu, chi phí nuôi 1 đứa con từ khi sinh ra đến lúc tốt nghiệp đại học là khoảng 710 ngàn đô la. Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng không cần phải dọc them, học ngoại khoá và cho con tham gia các lớp học ngắn hạn ở nước ngoài, cac phụ huynh Hong Kong vẫn cương quyết là phải làm như thế. Một bà mẹ người Hong Kong đã phát biểu thế này: “Bạn có cho rằng đi dạo trong công viên hay xem TV suốt mùa hè là đủ để cho con mình phát triển hay không?” Thế là năm nào phụ huynh này cũng gởi con sang Mỹ để tham dự các trại hè về công nghệ.


Trích chương 11 - Thành phố toàn cầu - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân

262 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page