Trong đời, dù là chuyện trong nhà ngoài ngõ, chuyện công việc, sự nghiệp, cá nhân, chuyện chung hay chuyện riêng gì, thì cũng có bắt đầu và kết thúc. Tuy nhiên, vấn để là rất nhiều người trong chúng ta chỉ biết bắt đầu, thích bắt đầu, hào hứng khi bắt đầu, nhưng sau đó lại lơ là, mất tập trung, hết hứng, bỏ mặc cho mọi chuyện dang dở, không đâu vào đâu, rồi cứ để cho chuyện nó lơ lửng như thế, bỏ đi bắt đầu việc khác. Cả đời, cứ bắt đầu nhưng chẳng bao giờ hoàn thành, cứ mở ra nhưng chẳng bao giờ đóng lại, nên cứ lan man làm đủ thứ nhưng cuối cùng chẳng tạo ra thành quả gì đáng kể.
Không hoàn thành những gì mình bắt đầu là một loại bệnh, và nếu bạn không chữa nó thì, bạn sẽ cứ loay hoay trong cái vòng lẩn quẩn của sự bắt đầu. Câu hỏi là, tại sao người ta lại không thể kết thúc những gì mình bắt đầu? Nguyên do của căn bệnh này là từ đâu? Với một số người, nguyên nhân có thể đến từ việc thiếu tư duy, thiếu nghiêm túc trong việc nghiên cứu thứ gì là quan trọng, là phù hợp, là cần thiết đối với bản thân khi lựa chọn. Chính vì không biết mình cần gì, nên làm gì, điểm đến và mục đích của mình là đâu nên đụng gì cũng xông vào, tham gia, chen lấn cho có tụ, cho đỡ cảm thấy FOMO - sợ bỏ lỡ cơ hội. Có điều, lang thang trong đó một thời gian thì thấy chán, thấy không vui, thấy mệt vì phải bỏ sức lực, thời gian, nguồn lực nên bắt đầu lơ là, mất hứng, vv. Đây có thể nói là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rất nhiều sự dở dang.
Có người thì, biết là thứ này cần cho bản thân nên bắt đầu, nhưng lại không tìm được động lực để duy trì và kết thúc. Một lần nữa, bạn biết là nó cần, vì ai đó bảo thế, vì ai đó khuyên bạn, ép bạn, đẩy bạn vào thế phải bắt đầu nên bạn cứ để mặc cho dòng đời đưa đẩy bạn vào một cách hết sức thụ động, tới đâu hay tới đó. Bắt đầu rồi, tới đâu thì tới, bạn cũng chẳng việc gì phải chủ động dấn thân, ra sức hành động hay cật lực hoàn thành, vì cuối cùng đó có phải là thứ bạn chủ động bắt đầu đâu, chẳng qua là nhắm mắt trôi theo những gì người khác bày biện và sắp đặt. Vì không phải là thứ mình chủ động mong muốn, nên nó có hoàn thành hay không thì với bạn cũng chẳng ý nghĩa gì, xong cũng được, không xong cũng chẳng sao, lỗi là ở người ép bạn vào chớ chẳng liên quan gì tới bạn. Cho nên, kệ nó, không liên quan dù chuyện chẳng hoàn thành.
Lại cũng có người thiếu bản lĩnh và nghị lực, bắt đầu vui quá, nhưng hành trình nào mà chẳng có chông gai, nên khi gặp phải khó khăn thử thách thì chùn chân, nản chí. Vấp ngã cái là nằm bẹp dí không đứng lên nổi, rồi viện cớ khó, quá sức, ngoài khả năng của bản thân để bỏ cuộc. Mà đời này có chuyện gì là dễ đâu? Thứ gì cũng có hành trình gập ghềnh của nó. Thứ gì cũng phải dụng công mới hoàn thành cho được. Nếu cái gì cũng dễ thì làm gì có người thành công kẻ thất bại, làm gì có người hoàn thành và kẻ chẳng kết thúc bao giờ? Cho nên, đó chẳng qua cũng chỉ là biện minh cho sự thiếu kiên định, thiếu dũng cảm, nghị lực và bản lĩnh của mình thôi. Mà bản lĩnh là từ đâu ra, nếu chẳng phải là sự học hành, rèn luyện, và trải nghiệm liên tục qua năm tháng để phát triển bản thân, để giúp cho bản thân lớn lên qua từng bài học, dù là bài học màu cầu vồng hay tro bụi, dù lấm lem bùn đất hay vương màu sân khấu lung linh….
Có rất nhiều lý do, và mỗi người đều có cho mình một lý do riêng để không hoàn thành những gì mình đã bắt đầu. Và nếu cứ để mặc cho mọi việc trôi đi trong đời dở dang như thế, chẳng bao giờ hoàn thành, thì bạn chỉ đang làm có một việc thôi, tự mình hoang phí nguồn lực và tâm sức của bản thân để tự mình đẩy bản thân vào thất bại, vì cuối cùng, bạn có hoàn thành được chuyện gì đâu. Khi nó thành thói quen, cứ bắt đầu mà chẳng bao giờ hoàn thành, thì nó cũng trở thành căn bệnh mãn tính, dân gian gọi là cái huông, khiến bạn tự lập trình cho não là cứ bắt đầu rồi bỏ cuộc, mặc định là những việc mình làm sẽ chẳng bao giờ hoàn thành. Sự mặc định đó nó tác động vào cảm xúc và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, mất hứng, mất năng lượng khi phải làm gì liên quan. Nó luôn tìm ra lý do để bạn bỏ cuộc, rồi thuyết phục bạn là, bỏ cuộc là chuyện đương nhiên, vì nó không phải là thứ bạn muốn, vì nó không phải là lỗi của bạn, vì nó nằm ngoài khả năng vận hành của bạn, vv.
Dù là gì, căn bệnh này chỉ khiến cho người ta dậm chân tại chỗ, loay hoay trôi dạt trong đời rồi cũng chẳng tới đâu. Nếu đó là bạn, là bỏ mặc cho cuộc đời mình trôi như lục bình không điểm đến, mặc cho đời đưa đẩy không một chút quan tâm, thôi thì mình dừng ở đây. Nếu đã ở trong tâm thế như vậy thì không còn chuyện gì để bàn. Bạn cứ trôi, tới đâu hay tới đó, nhưng đừng bao giờ phàn nàn hay đổ lỗi cho ai, vì bạn có làm gì ra trò đâu mà có quyền phàn nàn. Việc duy nhất bạn có thể làm, là nhận lãnh những gì dạt vào thân phận của mình, rồi quận vào nó, sống quẩn quanh với nó cho đến hết đời. Thế thôi! Còn nếu đó không phải là bạn, hay nếu bạn cảm thấy mình sinh ra để có thể làm nhiều hơn như thế thì, có khi bạn nên chữa bệnh, cho bản thân cơ hội để bắt đầu và hoàn thành, không phải chỉ là một, mà là tất cả những gì mình đã, đang và sẽ bắt đầu, như một tư duy, tâm thế của người thành công và chiến thắng.
Khi con người bắt đầu bằng tâm thế đó, họ sẽ hoàn thành tất cả mọi việc trong đời, dù là kết thúc có màu hồng hay xám xịt, có thành công hay thất bại, có vuông tròn hay méo mó so với mong muốn ban đầu. Hoàn thành, không phải chỉ dành cho những lung linh, đẹp đẽ, hoành tráng ở ngoài kia. Hoàn thành là phẩm chất của người thành công, là thước đo của bản lĩnh và nghị lực, là tư duy mở để dấn thân, học hỏi, rèn luyện, trải nghiệm và lớn lên. Wrap up - gói ghém lại những gì mình đã mở ra, dù hiện trạng có như thế nào, để rồi bước tiếp, vươn lên, lớn lên là cách mà những người thành công luôn vận hành và duy trì trong cuộc sống.
Vậy thì chữa bệnh bằng cách nào đây? Tâm bệnh thì chữa bằng tâm thuốc. Đây là vài cách bạn có thể suy nghĩ và ứng dụng. Nhớ là, không có thuốc nào xài được cho tất cả mọi người. Mỗi người cần phải thử, rồi biến tấu cho phù hợp với hoàn cảnh và hiện thực của mình. Chỉ khi bạn hiểu căn bệnh của bản thân và tìm ra cách chữa cho chính bản thân thì bệnh này mới khỏi. Không có bác sỹ sẵn ở ngoài kia cho bạn. Bệnh mãn tính thì người bệnh phải tự chữa, vì chỉ có họ mới hiểu nhất thuốc nào là phù hợp với mình.
Chia nhỏ & tập trung vào những việc ưu tiên
Khi mục tiêu lớn quá, hành trình dài quá, đường đi xa quá thì ai mà chẳng ngán cơ chứ. Cho nên, nếu rơi vào cảnh này thì bạn nên chia nhỏ hành trình của mình ra thành từng trạm, như đi tàu vậy đó, rồi lên kế hoạch hoàn thành theo từng trạm. Như vậy thì điểm đến nó có vẻ gần hơn, dễ hoàn thành hơn, dễ phấn đấu hơn, và có hoàn thành xong thì cũng cho mình thêm động lực để đi tiếp. Rồi cứ thế, từng trạm từng trạm một, từng bước từng bước một ta đi, cứ đi rồi sẽ đến. Nhớ là, cũng không nên cứ làm luôn tuồng không có kế hoạch. Làm gì cũng phải liệt kê ra việc cần làm, tạo chế độ ưu tiên cho những việc quan trọng sẽ giải quyết 80% vấn đề, rồi tập trung giải quyết các công việc ưu tiên trước. Làm việc khoa học, có chế độ ưu tiên như vậy thì bạn sẽ tránh cho bản thân bị lạc đường, loay hoay, lan man, thiếu hiệu quả.
Loại bỏ distraction - nguyên nhân gây sao nhãng
Thật ra ai trong đời cũng muốn làm cho xong, thích hoàn thành và thành công hết. Ngặt nỗi, đời này nhiều thứ có sức mạnh gây sao nhãng quá, nào là mạng xã hội, nào là noti, nào là chuyện tào lao, tiêu cực, tầm phào mang tính giải trí cao cho sự lười biếng của não và phần con của một con người, vv. Thế giới bên ngoài thực chất được tạo ra để đánh lừa chúng ta. Ai cứ bỏ mặc cho nó dẫn dắt thì nó sẽ dẫn mình tới đâu luôn không biết đường về. Còn nếu ta hiểu ra mình đang bị dẫn vào chốn ta bà, mịt mờ không thấy lối ra thì, bản thân sẽ phải cố gắng tìm cách, tìm đường để quay về với bến bờ ánh sáng. Vậy bạn có biết thứ đang khiến cho bạn thiếu tập trung, sao nhãng, hoang phí thời gian quý báu nhất của mình là gì không? Bạn biết chứ, và đừng tự đánh lừa mình. Tôi biết là bạn biết, còn nhận hay không lại là chuyện khác, và có chủ động tìm cách loại bỏ nó hay không lại cũng là chuyện khác.
Cuối cùng, đường đi nằm dưới chân bạn đó, giải pháp nằm trong tay bạn đó. Đặt để nó thế nào, ở đâu trong mớ quan tâm và ưu tiên trong đời là do ở bạn thôi, có liên quan hay chịu sự ảnh hưởng gì của ai đâu. Sao nhãng hay không là do bạn tự cho phép đời nó kiếm chuyện với mình. Đơn giản là như thế!
Làm ngay không trì hoãn
Nói tới trì hoãn thì lại là một căn bệnh khác mà tôi đã viết rất nhiều lần trên blog. Trì hoãn có rất nhiều nguyên do, và càng trì hoãn con người càng stress nặng, càng trì hoãn càng làm việc kém hiệu quả và chất lượng, càng trì hoãn càng tự cản đường đi đến thành công. Chữa bệnh trì hoãn thì bạn đọc lại bài này: https://www.nguyenphivan.com/post/chữa-bệnh-trì-hoãn
Còn giờ thì, muốn chữa bệnh không hoàn thành trước tiên phải chữa bệnh trì hoãn. Cách tốt nhất là tập thói quen thứ gì tới tay mình thì đưa vào checklist hết, xong thứ gì ưu tiên thì làm trước, thứ gì mất rất ít thời gian, chỉ 5-10 phút là xong thì làm ngay cho nó xong cho rồi. Hồi đầu chưa quen thì còn khập khiễng chút, kiếm chuyện tới lui trì hoãn chút. Nếu kiên định tập tành thì đến một lúc nào đó nó thành quán tính, thành thói quen rốp rẻng việc tới tay là xử ngay và luôn, xử rốt ráo luôn chớ không chừa đầu đuôi miếng nào. Càng quen thì xử lý càng nhanh, lâu dần bạn trở thành người default là hiệu quả, nhanh như điện. Mà càng hiệu quả thì việc làm càng xong sớm, mất ít thời gian hơn, dư thời gian để đi chơi không sướng hay sao? Cho nên, người càng hiệu quả thì càng thong dong, làm như chơi là như thế.
Linh hoạt như nước
Trên đời này, có làm thứ gì mà nó suông suồng suột từ đầu tới đuôi không bao giờ gặp trắc trở đâu. Cái thứ gì đụng vào cũng có vấn đề này, thử thách nọ, có lệch chỗ này một chút, trật chỗ kia một chút. Nếu thứ gì trên đời cũng hoàn hảo, xếp hàng ngay ngắn hết thì làm sao phân biệt được người giỏi và người không giỏi? Người giỏi là người dạo chơi trên hành trình, gặp trở ngại gì cũng xử lý được hết, linh hoạt như nước, tới đâu xử lý tới đó một cách hết sức bình tĩnh, sáng tạo và vui vẻ. Họ biết đời thế nào cũng có trò này chuyện nọ, tương lai thế nào cũng bất định, nhất là trong thời thế hiện nay khi khùng hoảng kinh tế đang nóng hậu Covid.
Cho nên, với họ, thay đổi là chuyện đương nhiên, chuyển đổi là công việc hàng ngày, linh hoạt là khả năng sinh tồn của con người trong thế kỷ 21. Mà đã là kỹ năng sinh tồn thì đừng bàn chuyện nên hay không nên học & rèn luyện. Không có thì lấy gì mà sinh tồn? Thành ra, nó phải trở thành như bản năng vậy đó, dĩ nhiên là phải có và sử dụng nó hàng ngày để lèo lái hành trình. Có như vậy mới hoàn thành nổi những gì mình bắt đầu. Bằng không thì có mà mắc kẹt một chỗ hoài không tiếp tục làm gì được.
Kiên định
Không có chuyện gì hay ho, hào hứng, thành công vang dội trong đời mà quẹt quẹt vài ba nhát mà xong được hết. Thứ gì cũng phải có kế hoạch, có dấn thân, có thử nghiệm, có hiệu chỉnh trong quá trình triển khai, có lúc bập bênh phải tư duy lại, thay đổi cách tiếp cận, hiệu chỉnh giải pháp, vv. Chẳng ai không làm gì hết hay lười biếng lượn qua lượn lại mà thành công, trừ phi đó là trò lùa gà, lừa đảo đang thịnh hành. Làm cái thứ gì cũng phải dụng tâm, đặt để hết sự tập trung, tư duy và năng lượng của mình vào để làm cho đến cùng, cho xuất sắc. Muốn vậy thì phải chèo chống qua được mọi sự gập ghềnh đương nhiên sẽ có, sẽ gặp, sẽ phải đối diện một cách bản lĩnh và kiên định. Làm cách này không được tìm cách khác. Thử giải pháp này chưa được thì thử giải pháp khác. Tiếp cận cách này chưa hiệu quả thì hiệu chỉnh cho nó hiệu quả mới thôi. Vấp ngã chỗ nào đứng lên chỗ đó, cám ơn bài học rồi đi tiếp, chẳng vướng bận chuyện quá khứ.
Người kiên định dong buồm qua mọi con sóng lớn nhỏ một cách khéo léo, tài tình, thong dong là người luôn cập bến sau cùng. Thành công là như thế, không nhanh chẳng chậm, cứ kiên định tiến về mục tiêu và điểm đến của mình, không chùn bước. Cứ đi rồi sẽ đến. Cứ bay rồi sẽ cao. Tâm thế đó thì đương nhiên sẽ giúp bạn hoàn thành mọi việc mà bạn bắt đầu thôi, không còn nghi ngờ gì nữa.
Cho phép bản thân nghỉ ngơi & celebrate
Mình là người mà, có phải thánh đâu mà làm hoài không mệt, huống chi khi đó là cả một hành trình chứ chẳng phải sự vụ hay event. Mệt thì mình dừng lại nghỉ ngơi. Hết mệt mình đi tiếp thôi. Ai đuổi sau lưng đâu mà phải ép mình cho đến kiệt sức lăn quay ra đó để rồi cạn kiệt mà bỏ cuộc. Cứ từ từ bình tĩnh, chuyện đâu còn có đó. Làm gì cũng phải lượng sức mình, giữ sức để còn đi tiếp. Dừng lại một chút không sao. Nghỉ ngơi vài đoạn chẳng chết chóc gì. Cứ thấy cần thì dừng lại, tái tạo, nạp lại năng lượng cho sảng khoái tinh thần rồi làm tiếp. Có như vậy thì hành trình sẽ thảnh thơi hơn, vui vẻ hơn, tận hưởng hơn. Mà thứ gì tận hưởng thì nó dễ thành, chớ ép quá có khi nó rã ra thành bã mất.
Mà nói chuyện tận hưởng thì ở mỗi trạm dừng chân trên hành trình mình cũng nên vui vẻ tí. Nếu có chút thành quả nho nhỏ tại mỗi trạm dừng thì cũng nên celebrate, ăn mừng cho nó có không khí, có động lực và hứng khởi cho bản thân, cho team, cho những người liên quan. Ai cũng vui thì chuyện nó mới thành, nhất là bản thân mình. Thành công dù nhỏ nó cũng khiến cho con người ta tự tin hơn, bản lĩnh hơn, tư duy mở hơn, sẵn sàng dấn thân vào những gập ghềnh hơn. Từng chút từng chút một, từng trạm từng trạm một, mỗi bước thành công sẽ xây cho bạn một nền tảng và bản lĩnh ngày càng vững vàng đề luôn đủ dũng cảm tiến về phía trước.
Vậy tính ra, để hoàn thành những gì mình bắt đầu cũng không quá khó, chỉ là vài ba thứ cần hiệu chỉnh về thói quen và góc nhìn. Vấn đề là bạn có sẵn sàng giúp bản thân không. Nếu có thì cách gì cũng làm được. Nếu không thì kiểu gì cũng lý do lý trấu, đổ thừa, biện minh cho được. Cho nên, lại là chuyện của tôi, ta và chính mình. Mọi sự bắt đầu từ bạn và hoàn thành hay không lại cũng là do bạn.
留言