top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

INDONESIA - THỜI CỦA JOKOWI


Có bao giờ bạn có cái cảm giác bị “dìm hàng” không? Tiềm năng thì cuồn cuộn mà cứ ba chìm bảy nổi như là chè trôi nước vậy. Đó chính là cái cảm giác của tôi mỗi khi đến Indonesia. Lần nào cũng như lần nấy, từ lần đầu tiên đặt chân đến đây năm 2003 đến lần gần đây nhất là tháng 5/2015. Đến với hy vọng sẽ nhìn thấy một quốc gia đang trên đà trỗi dậy, về với sự bối rối “ủa là sao?”


Con nhà giàu

Hồi mới chân ướt chân ráo sang Sydney đi học, vào cái lớp đầu tiên chắc phải có du học sinh từ 15 nước khác nhau. Nhưng mà đáng chú ý hơn cả là 3 nhóm đa số là Ấn độ, Trung quốc, và Indonesia. Bọn Ấn độ thì học hành lơ mơ lắm, lo đi làm thì nhiều và hay nhờ vả lung tung. Cái gì lợi cho mình thì không quen cũng nhào vào mà nhờ vả. Trung quốc thì tiếng Anh rất tệ. Lỡ chia nhóm làm bài mà có Trung quốc vào trong đó thì coi như là mất công đi làm bài giùm cho đồng chí mà thôi. Còn nhóm Indonesia thì ấn tượng vô cùng. Tụi nó cả đám hầu như sang Sydney đi học từ thời trung học, nói tiếng Anh ào ào và hết sức năng động trong mọi hoạt động tại trường. Hầu hết là người Indo gốc Hoa, đi du học mà sướng lắm, sở hữu căn hộ khu trung tâm thành phố, học xong về là cả đám đi chơi, tiền xài như nước. Mà ở đâu ra nhiều người Indo thế nhỉ? Tìm hiểu ra mới biết cái vụ “Tháng 5 đen tối” năm 1998, khi bạo động tràn lan tại nhiều thành phố ở Indo. Phong trào đốt nhà, đốt của cải của người Indo gốc Hoa đã làm cho những người có tiền bỏ chạy. Phần lớn bỏ sang Mã lai hay Singapore lánh nạn và gởi con đi học ở nước ngoài. Lại cũng là một đất nước vận mệnh bị nhấn chìm vì cái sự tham lam của cải và quyền lực của một nhóm người lãnh đạo. Cuộc đời 70 năm, sinh ra hai bàn tay trắng rồi ra đi cũng hai bàn tay trắng. Sao người ta không sử dụng nó vào những việc gì có ích cho cộng đồng hay cho thế giới này ta?



Ảnh: quần đảo Indonesia với hơn 170 ngàn hòn đảo


Bởi vậy nhìn lại mớ tài sản của Indo, lẽ ra giờ này đã phải là cường quốc. Là nước lớn thứ 4 thế giới về dân số (250 triệu dân, chỉ đứng sau Trung quốc, Ấn độ, Mỹ), nhưng hiện nay vẫn còn là thị trường thứ 18 trên thế giới nếu so về tổng chi tiêu. Có điều trong cộng đồng kinh tế ASEAN thì mình phải gọi Indo là đại ca vì nói đến độ lớn thị trường thì họ chắc chắn đứng đầu. Họ cũng đã trở thành thành viên của G20 là 20 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Như thế nào là lớn? Nói thế này cho dễ hiểu, 20 nền kinh tế này mà cộng lại thì chiếm gần 85% tổng GDP thế giới. Không mạnh thì gọi là gì? Châu Á có ai nằm trong G20 bạn có biết không? Có Hàn quốc, Nhật, Trung quốc, Ấn độ, và Indonesia là nước duy nhất trong cộng đồng ASEAN được tham gia vào cái câu lạc bộ đại gia này. Nếu nói về vốn tự có thì Indo hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 nhưng lại đứng đầu thế giới về môn xuất khẩu dầu cọ. Sản lượng xuất khẩu ni-ken của họ chiếm tỷ lệ 20% và xuất khẩu nhôm chiếm 10% tổng sản lượng của toàn thế giới.


1 chiếc xe đạp, 2 thế giới

Theo Bloomsberg, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo tại Indonesia đang ngày càng cách xa ra. Tedi Kumaedi mỗi tháng kiếm được 87 đô la (1.914.000 đồng) bằng chiếc xe đạp cũ kỹ chạy khắp nơi bán cà phê gần khu chứng khoáng Jakarta. Trong khi tại một cửa hàng gần đó tên Technobike, người ta bán xe đạp kiểu Lamborghini giá 25 ngàn đô một chiếc (550 triệu).


Salak

Không biết bạn có để ý hay không chứ người mà giỏi thiệt giỏi hay giàu thiệt giàu thì mình nhìn có khi không biết. Võ sư đã luyện đến đỉnh thì tìm mọi cách để mà tránh xô xát với ai. Level 1 là cây kiếm trong tay. Level 2 là cây kiếm trong tim. Còn đến level 3 thì chẳng có chổ nào còn cây kiếm hết. Vì tuyệt đỉnh của công phu là lòng nhân ái và sự vị tha. Còn nói đến của cải tiền tài, người chưa có gì trong tay thì mặc vest đen, đeo kính đen và tỏ ra nguy hiểm, người có chút tiền rủng rỉnh thì ăn to nói lớn, mặt hất lên trời, cộng hết giá trị đồ đạc trên người chắc là phải tính bằng tiền tỷ. Vậy đó mà đến khi đáo hạn ngân hàng thì mặt cắt không còn hột máu. Lên đến hàng triệu phú, tỷ phú, đồ mặc xuềnh xoàng, mang dép lê, và ăn nói bình dân. Bởi vậy đừng có bị cái vẻ bề ngoài nó lừa tình nhé. Nếu lấy cái túi Louis Vuitton làm thước đo giá trị một con người, khác nào đang tuyên bố với thế giới là mình không đáng giá?



Ảnh: Sumatra – khu vực trồng cà phê Arabica nổi tiếng được sử dụng bởi tất cả các thương hiệu cà phê lớn trên thế giới.


Bây giờ cũng nói về cái túi, nhưng mà là cái túi ni lông. Mang đôi dép nhựa màu xám, tay cầm cái bịch ni lông, lần đầu tiên gặp Burang, hình ảnh là như thế. Thấy anh đứng nhìn tấm quảng cáo trên tường, tôi bước qua bắt chuyện. Hỏi anh cảm giác thế nào về hội chợ, anh nói lần này làm ở Jakarta thấy to hơn cái vừa rồi anh đến tại Singapore. Tính người Indo thân thiện, dễ gần, nên câu chuyện mới đó đã giòn tan tiếng cười của hai người xa lạ. Hỏi xách cái bịch bỏ cục xôi trong đó hả, anh cười ha ha bảo không biết ăn xôi, ở Indo thì phải xách theo bịch Nasi goreng mới phải (Nasi goreng là một loại cơn chiên với nước tương đặc và ngọt mà người Indo gọi là kecap). Cười đã rồi quay qua nói, định coi có nhãn hiệu nào làm được hay không, bàn xong lấy tiền mặt đặt cọc luôn cho tiện. Giở ra cho tôi nghía, trời ơi là cái túi tiền. Đúng là cái tuýp người xưa, cầm bịch ni lông tiền đi ngời ngời vậy đó. Hỏi sao ôm tiền đi như thế không sợ bị giật hay sao. Anh trả lời tỉnh bơ túi ni lông thôi mà, đứa nào mà thèm giật. Ừa cũng phải hén. Xã hội bây giờ mê bề ngoài quá, nhìn cái vỏ bên ngoài mà quên mất cái thực lực bên trong.


Nghe nói tôi thích đồ cay, Henry kêu một lúc 3-4 dĩa sốt ớt từ level 1 đến level cay vô địch. Đã gần 20 năm gầy dựng một cơ ngơi đồ sộ, vậy mà mấy ngày chúng tôi qua là phải tự thân mình lo từng bữa trưa, bữa tối để đãi khách phương xa. Thiệt là hiếu khách. Rồi bắt chúng tôi phải thử hết từng món ăn truyền thống, từ vỉa hè đến nhà hàng, tình bằng hữu bao la. Có một buổi sáng ghé qua khách sạn uống cà phê, thấy tôi đứng nhìn trái salak ở quầy buffet sáng anh gỡ ra kêu tôi ăn thử. Trái này có cái vỏ sần sùi xấu xí, ở trong thì ngọt ngọt chua chua. Anh bảo Salak là trái cây đặc biệt của Indo, đã đến là phải thử. Ừa tôi nói vị lạ và ăn ngon ghê chứ. Ngày xong công việc anh đưa tôi ra sân bay từ giã, ôm nhau nói tạm biệt rồi thì móc trong giỏ ra một bịch mấy trái salak, kêu check in xong rồi thì nhớ gỡ ăn. Cầm cái bịch trong tay mà nước mắt cứ chực chờ, tình người có khi chỉ là vài cái trái có vỏ ngoài xấu xí gọi là salak.



Ảnh: Kẹt xe ở Jakarta


Trích chương 20 - Thời của Jokowi - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân

358 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page