Hay 3 cách đơn giản hoá mọi khái niệm phức tạp cho đời đỡ mệt.
Hôm kia, ngồi cà phê với một anh bạn tiến sỹ ngành Innovation – sáng tạo ở Bắc Âu. Học ngành sáng tạo mà ở Bắc Âu nữa thì thôi, không còn gì để nói, vì các quốc gia Bắc Âu vốn được xem là top về sáng tạo, đặc biệt là đi trước thế giới rất xa về giáo dục sáng tạo.
“Dạo này có gì mới hôn?”, mình cắc cớ hỏi.
“Ờ đang tập trung lắm”, ảnh trả lời.
“Ủa làm gì mà phải tập trung ghê thế. Tiến sỹ cũng phải tập trung à?”
“Đời này, thế kỷ này, thông tin như đại dương. Fake news tràn ngập. Ai ăn to nói lớn chút cũng tự nhiên thành diễn giả. Càng diễn, họ càng vung tay phức tạp hoá vấn đề, để làm cho người nghe hốt hoảng chơi. Càng phức tạp, càng dễ dấu dốt. Có ai hiểu gì đâu mà phản biện”.
“Ủa rồi người tập trung làm gì?”
“Đơn giản hoá mọi khái niệm. Không có khái niệm phức tạp, cũng không có vấn đề phức tạp. Chỉ có người không hiểu rõ, hiểu sâu, hiểu đủ để biến mọi thứ trở nên đơn giản.” “Vậy tiến sỹ tìm ra cách đơn giản hoá mọi khái niệm chưa, chỉ cho người đời làm phước đi.” Ảnh cười, “Trời ơi có gì ghê gớm đâu. Đơn giản lắm.”
1. Capture the essence – Nắm bắt cốt lõi: nghe gì, đọc gì cũng phải lọc ra cho được điểm chủ chốt hay nguyên tắc chính. Cái này nhiều bạn trẻ Việt Nam yếu lắm nè. Nghe xong hỏi lại thấy trớt quớt à. Là do các bạn nghe mà CPU không vận hành, không rà soát thông tin. Ngược lại, khi các bạn nói, cũng phải học cách nói ngắn gọn, đơn giản nhất có thể. Ai mà có thời gian ở đó nghe bạn nói nửa ngày mà vẫn chưa hiểu bạn đang muốn cái gì? Giờ luyện tập vầy nhe. Thử đọc 100 trang sách, rồi giả thiết là bạn phải giải thích lại 100 trang sách đó cho 1 hội trường khán giả trong vòng 3 câu. Hay lấy bài trình bày, bài pitching nhà đầu tư đang có của bạn đó, rút ngắn lại trong vòng 3 câu thì bạn sẽ nói sao. Luyện kiểu này hoài, sẽ có ngày bạn nói đơn giản, nhanh gọn, đúng mục tiêu chính.
2. Ask questions – Hỏi: chủ động đặt câu hỏi khi tiếp nhận thông tin. Việt Nam mình bị học kiểu thụ động quen rồi, chỉ biết nghe không biết hỏi. Cho nên, cứ ngồi đó nghe, hiểu không hiểu cũng nghe. Rồi im re. Im, nghĩa là người ta tưởng bạn hiểu. Đến khi bạn giải quyết vấn đề, mới bàng hoàng biết ra là bạn hổng hiểu. Vụ án này tui bị hoài nhe, nên mệt lắm. Đề nghị khi nghe không hiểu gì phải hỏi liền, hoặc tập đặt câu hỏi cho bản thân, kiểu:
a. Ý chính ở đây là gì?
b. Thông điệp của tác giả, diễn giả là gì?
c. Kết luận là gì?
3. Find what jumps out – Tìm điểm nổi bật: nghe hay đọc gì tới điểm nào mà nó y như “Trời, sao nói đúng tim đen tui vậy!”, thì đó chính là điểm bạn cần ghi lại, vì nó là điều bạn đang cần tìm kiếm. Đọc văn bản, đọc sách thì tôi hay highlight – tô màu những điểm bật đèn trong não mình. Tập cách lọc và ghi chú lại những điểm bật sáng, bạn rồi sẽ học được cách tiếp nhận và chia sẻ một cách đơn giản, ngắn gọn, và súc tích.
Thôi đừng dài dòng và phức tạp nữa nhe. Làm ơn, trong vòng 3 nốt nhạc đi, cho đời đỡ mệt.
Comments