Có khi nào bạn bị lâm vô tình cảnh làm xong công việc, báo cáo cấp trên, xong bị sửa lên sửa xuống, đi tới đi lui và bị la hoài mà vẫn sửa chưa xong không? Có khi nào bạn tự hỏi mình tại sao lại như vậy không? Và làm sao để đừng phải bị rơi vào trạng thái đó lần nữa hoặc nhiều lần nữa?
Bạn để ý đi, khi bạn làm xong việc và báo cáo, sếp sẽ luôn đặt câu hỏi tại sao thế này tại sao thế nọ và chỉ ra những điểm bạn có thể làm chưa đúng hoặc chưa chính xác, yêu cầu bạn chỉnh sửa. Vấn đề là, người không có tư duy logic thì về sẽ sửa đúng những chỗ sếp nói mà thôi rồi nhanh chóng đi nộp bài lại. Người không có tư duy logic không hiểu rằng, khi thay đổi hoặc hiệu chỉnh một thông số, một yếu tố trong dự án hay công việc thì, sự thay đổi đó sẽ ảnh hưởng đến nhiều thông số hoặc yếu tố khác. Như vậy, khi chỉnh sửa xong 1 chỗ, điều bạn cần phải làm là rà lại xem chỗ mình vừa chỉnh sửa đó nó ảnh hưởng thế nào đến những mắc xích còn lại trong công việc. Phần lớn là, sẽ ảnh hưởng rất lớn và vì vậy cũng cần phải chỉnh sửa tiếp những thông số hay yếu tố liên quan.
Nhưng…, và đời luôn có chữ nhưng…. 80% người không đề tâm vào công việc, thiếu tư duy logic, chẳng cần suy nghĩ, cứ sửa xong một chỗ lại vội vàng chạy đi nộp bài cho rồi, cho xong, và đương nhiên là bị la và yêu cầu sửa tiếp. Nếu cứ đúng cái tâm thế đó mà làm thì sẽ cứ bị la lên la xuống như thế cho đến khi xong chuyện. Người như vậy không thể tiến xa, không thể trở nên xuất sắc vì tư duy của họ chỉ là công nhân dây chuyền, chỉ đâu làm đó đúng một việc mà không thể tư duy toàn diện để tự mình suy nghĩ và hoàn thiện tổng thể công việc hay dự án. Do đó, nếu muốn phát triển và trở nên xuất sắc hơn, không còn bị dí chạy lên chạy xuống nữa thì, bạn cần thay đổi cách tiếp cận. Tốt nhất và bền vững nhất là học và rèn luyện tư duy phản biện (logic). Khoá học này tôi đã soạn miễn phí trên blog cho mọi người. Link: https://www.nguyenphivan.com/challenge-page/b5da9564-b35d-4609-8f44-7e461e80df7f
Hai là, để chữa cháy cho tình huống, bạn có thể tự hỏi mình những câu hỏi sau để hướng dẫn cách tư duy đúng cho hoàn cảnh này.
Chỗ sếp yêu cầu mình sửa là tại sao, sai chỗ nào, lý do dẫn đến cái sai đó?
Để sửa chỗ này cho đúng thì cần phải sửa những nơi nào trước đó đang là input - thông số hay thông tin đầu vào?
Nếu sửa chỗ này rồi thì nó ảnh hưởng gì đến những mắc xích tiếp theo lấy chỗ này làm input đầu vào? Vậy thì những chỗ đó cần sửa tương ứng như thế nào?
Có phần thuyết mình, trình bày nào về công việc hay dự án bị ảnh hưởng bởi những thay đổi này và vì vậy cần thay đổi tương ứng hay không?
Rà lại tổng thể công việc / dự án sau khi hiệu chỉnh còn có chỗ nào không hợp lý hay không?
Làm gì cũng vậy, dù việc lớn hay việc nhỏ, cũng cần phải bỏ tâm vào đó, suy nghĩ logic, triển khai chi tiết, cụ thể, chính xác chứ không thể cứ nhanh nhanh cho qua, lơ mơ cho có, vội vàng cho xong được. Nếu đã mang tâm thế đó đi làm thì khó có thể trở thành người xuất sắc. Đã vậy, thì đừng bao giờ hỏi tại sao mình không được tăng lương, không được cất nhắc, không được đưa cho cơ hội lớn hơn. Một chuyện sửa lên sửa xuống chưa xong thì ai dám đưa cho cơ hội khác?
Cho nên, có khi hôm nay bạn nên dành thời gian một mình cho bản thân, suy nghĩ lại quá trình vừa qua xem mình có rơi vào trạng thái này một hoặc nhiều lần không. Nếu có, bạn nên xem lại cách tiếp cận của mình, thay đồi và thử nghiệm những cách trên đây, rồi dần dần biến nó thành thói quen khi làm việc để không còn bị kêu lên kêu xuống nữa. Đó gọi là phát triển bản thân chứ làm gì?
Comments