top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

KHI NÀO LÀ ĐỦ?



Một bạn trẻ gởi vào ib: 

“Dạ con chào cô Phi Vân,

Trên hành trình phát triển, con cảm thấy mình rất may mắn khi có duyên được học hỏi từ những bài học của cô từ những bài viết và podcasts, con cảm ơn cô nhiều vì những điều cô chia sẻ cho mọi người.

Con có một câu hỏi mong cô chia sẻ góc nhìn về việc “biết đủ”, làm sao để nhận ra “khi nào là đủ” để bị tránh tình trạng quá tham vọng hoặc tham lam trong mọi việc?

Con xin cảm ơn cô và chúc cô hạnh phúc.”


“Biết khi nào là đủ” có lẽ là từ khái niệm được nhiều người sử dụng, nhắc đến hay đem ra chêm vào trong những cuộc hội thoại sâu lắng về cuộc đời. Nhưng có lẽ, “đủ”, cũng giống như “hạnh phúc” là một khái niệm có nhiều phiên bản nhất, tuỳ thuộc vào hiểu biết, góc nhìn, quan điểm rất cá nhân. Nếu đã vậy, thì “đủ” nó muôn hình vạn trạng, miễn sao bạn cảm thấy vui vẻ, hài lòng, thong dong là đủ. Còn cái sự vui vẻ thong dong đó đối với mỗi người mặt mũi nó ra sao, chắc mỗi nhà mỗi khác, mỗi hoàn cảnh mỗi khác, mỗi khúc quanh mỗi khác.


Có người cho rằng, đủ là thôi mình hài lòng với hiện tại và hiện thực, mình buông bỏ hết, dừng lại và không làm gì nhiều nữa cho nó được thong dong. Đủ với người khác có khi là đủ đầy tình cảm, đủ đầy tài sản, đạt được một mục tiêu lớn đã đặt ra. “Đủ” với nhiều người khác có thể là ôi thôi tôi đã nhận ra bản chất của cuộc sống, số phận của con người, nên thôi không thi thố, tranh đấu, tìm kiếm gì nữa, tuỳ duyên thôi, thuận tự nhiên thôi, cái gì đến sẽ đến nên vui vẻ mà đón nhận. 


Với tôi thì, lúc nào cũng đủ và không khi nào là đủ. Lúc nào cũng đủ là khi nói về nhu cầu cá nhân. Tính tôi không thích phô trương, không ưa rườm rà hoa lá cành, không tham lam vật chất, sống tối giản và xuề xoà, đơn giản, không mang vác lên người sự xa hoa để chứng tỏ gì với ai. Đã vậy, nên lúc nào tôi cũng thấy đủ. Ăn cơm với rau luộc là đủ. Uống cà phê hàng quán sang trọng hay vỉa hè đều đủ. Tiệc tùng 5 sao hay chia nhau tô mỳ gói cũng đủ. Tặng củ khoai lang hay chai rượu xịn cũng thấy vui và đủ như nhau. “Đủ” nó là tâm thế, là cách ta tự chọn để lead your life - lèo lái cuộc sống hàng ngày. Tâm thế thấy đủ là đủ, vì mình không expect - mong đợi gì hơn cho bản thân. 


Tuy nhiên, đối với giá trị cốt lõi của mình là gieo hạt, giúp đỡ tha nhân thì tính tôi lại chẳng bao giờ biết đủ. Làm như vậy năm này, năm sau phải cố gắng làm tốt hơn. Làm dự án này như vầy, dự án sau phải tiến bộ hơn, giúp được nhiều người hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn…. Khi trái tim ta nằm ở cộng đồng, ở việc chia sẻ những điều tốt đẹp cho thế gian này thì, nỗ lực không bao giờ là đủ. Còn sức phải làm cho hết sức. Còn khả năng phải tận lực với khả năng. Không cho phép mình mệt mỏi, dừng lại, lười biếng hay biết đủ. Ai gặp cũng nhắn nhủ, chị giữ sìn sức khoẻ, đừng làm việc quá sức. Thật tình, tôi có cố làm gì cho bản thân đâu, vì bản thân tôi đã biết đủ rồi. Nhưng ở ngoài kia còn quá nhiều việc có thể làm để tạo ra giá trị cho đời, làm sao mà nghỉ? Lúc nào cũng đủ và không khi nào đủ là như thế.


Quay trở lại với mỗi người, tôi nghĩ mỗi cá nhân cần có góc nhìn cho riêng mình, đừng chỉ học theo ai khác. Thứ gì nó đến từ bên trong mình thì nó trở thành động lực. Thứ gì thuộc về thế giới quan của chính mình thì bản thân sẽ vì nó mà cam kết, dấn thân. Còn thứ gì nó là quan điểm, giá trị vay mượn từ người khác chẳng chóng thì chày nó sẽ phai lạt đi theo năm tháng. Vì vậy, bạn cần tự mình tìm ra định nghĩa về chữ “đủ” cho bản thân. Không có đúng hay sai. Mỗi thời điểm trong hành trình cuộc sống quan niệm có thể khác nhau. Mỗi khúc quanh nghiệt ngã trong đời sự ngộ ra về chữ đủ có khả năng rất khác. Dù là gì, chỉ cần bạn sống là chính mình, tự tin và vui vẻ với chính mình, đầy năng lượng và nhiệt huyết cho những gì mình muốn thực hiện tại thời điểm đó là được. Đừng chấp vào câu từ, lời dạy, cũng đừng chấp vào định nghĩa số đông của xã hội làm gì. Đạo là vô trụ. Mỗi người chúng ta sẽ tìm ra những con đường khác nhau để trở về với điểm khởi đầu. Cho nên, không có gì là áp lực và cao siêu ở đây cả. Cứ từ từ bình tĩnh tìm ra tấm áo mặc vừa với bản thân. 


Nói vậy, thì lại đang ép bạn phải trở về với chính mình, tự mình phản tư suy nghĩ. Nhưng đó, chẳng phải là cách mà ta tự mình ngộ ra, lớn lên và phát triển đó hay sao? Tri thức chỉ có thể hiển hiện khi ta thật hiểu và ứng dụng được cho chính bản thân mình. Còn lại, tất cả những kiểu lý thuyết ở ngoài kia, đều là đồ vay mượn. Khi nào là đủ? Câu hỏi hay và là câu hỏi dành cho bạn, để bạn phải tự trả lời. Dù câu trả lời là gì mà bạn dành cho chính bản thân mình, ngộ ra cho bản thân thôi, thế là đủ. 

2.301 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page