top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

KHÔNG CÒN "BÌNH THƯỜNG MỚI" NỮA



Trả lời phỏng vấn báo Hoa Học Trò về "bình thường mới" trong giáo dục và học tập.


Thời đại “bình thường mới” lần này khác gì những lần trước, cụ thể là ở mảng giáo dục?

Khi ở đỉnh điểm của giới hạn và khi chúng ta thật sự bị “nhốt” về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là lúc con người hiểu ra rằng chúng ta không còn cách tiếp cận nào “tạm thời” nữa. Môi trường tất yếu thay đổi. Cách chúng ta tương tác trong mọi hoàn cảnh và mọi hoạt động đương nhiên phải thay đổi và đây sẽ là sự thay đổi nhanh, quyết liệt, sống còn, và mang tính bền vững.


Không còn “bình thường mới” nữa đâu. Đây là một thế giới lạ lẫm, là một cú “nhá hàng” của tương lai mới, của cách học và dạy mới, của một tư duy mới. Giải pháp sẽ không thể là chắp vá, chỉnh sửa một chút cái gì đó cũ cho qua mùa trăng này, mà cần một tư duy mới, một giải pháp và cách làm hoàn toàn mới cho một thế giới lạ lẫm mới.


Bên cạnh những thiếu thốn về mặt tài chính và trang thiết bị học tập như báo đài đã đưa tin, theo chị, học sinh thiếu kỹ năng gì để có thể tự học hiệu quả?

Nói “tự học” thì từ khoá là chữ “tự”, nghĩa là không còn ai quản lý, la mắng, kỷ luật gì ai nữa ở đây. Lần đầu tiên, chuyện bạn học hay không học, chú ý hay không chú ý trên lớp học ảo này sẽ không ai theo dõi nữa. Thích quá phải không? Nhưng mà hại ghê lắm. Vì đây sẽ là lần đầu tiên trong đời bạn phải “tự lo”, tự sắp xếp, tự quản trị việc học tập của mình chứ không dựa dám vào ai được nữa. Và bộ kỹ năng quan trọng nhất để giúp bạn tự làm được chuyện này là quản trị bản thân. Trong bộ kỹ năng quản trị bản thân sẽ bao gồm những khả năng và kỹ năng sau:

- Hiểu về cảm xúc và ngòi nổ kích hoạt cảm xúc

- Khả năng quản trị cảm xúc

- Hiểu về thế mạnh của bản thân

- Sự chính trực

- Khả năng tạo động lực và chăm sóc bản thân

- Sự tự tin


Bộ kỹ năng này không chỉ quan trọng cho việc các bạn tự học tại nhà mà sẽ là nền tảng thiết yếu để các bạn sau này thành công hơn khi tham gia vào thị trường lao động


Mùa dịch đem đến nhiều thách thức trong ngành giáo dục. Bên cạnh đó, chúng ta có cơ hội nào, và nên tận dụng cơ hội đó để trau dồi kỹ năng gì, tư tưởng gì cho bản thân?

Tôi nghĩ sự gián đoạn không mong muốn này dù mang đến những khó khăn cho việc học và dạy nhưng lại là cơ hội vàng để chúng ta thay đổi hoàn toàn cách mà giáo dục lẽ ra cần phải thay đổi từ 5 năm trước. Thật ra chúng ta đã quá muộn. Khi thế giới chuyển sang vận hành trong bối cảnh 4.0, khi công nghệ tái định nghĩa tất cả các ngành nghề, thay đổi cách con người kinh doanh, làm việc, thì ai cũng hiểu rằng việc giáo dục, huấn luyện và học tập cũng cần phải thay đổi theo. Nếu không, không lẽ chúng ta tạo ra những con người không “phù hợp” và thích nghi được với tương lai? Cuối cùng, giáo dục là để làm gì nếu không phải để chuẩn bị cho các em tự tin và sẵn sàng về tư duy, kiến thức, kỹ năng để bước vào tương lai đó?


Nếu đến năm 2025 loài người chỉ đóng góp 48% thời gian lao động vào một công việc, 52% là đóng góp của máy, nếu đến năm 2023, chỉ còn 22% các kỹ năng bạn đang có là còn “xài” được, 57% cần phải được cập nhật và học lại, 21% là những kỹ năng hoàn toàn mới nhiều khi thầy cô còn chưa kịp cập nhật theo Diễn đàn kinh tế thế giới, thì ta học và dạy những gì?


Chia sẻ những điều này để chúng ta thấy rằng, từ nội dung học đến cách học đều phải trải qua cuộc cách mạng mới ngay lập tức nếu chúng ta còn muốn “liên quan” đến tương lai. Và có khi nào là thuận lợi hơn là lúc này để tạo ra những thay đổi tận gốc rễ đó, khi cái cũ không có cách nào vận hành được nữa dù con người có muốn và có tiếc.


Về việc trau dồi kỹ năng thì tôi nghĩ rằng đây là lúc để thay đổi tư duy, làm nền tảng để thay đổi cách tiếp cận và giải quyết vấn đề mới sau này. Cho nên, tôi sẽ nghĩ ngay đến Quản trị bản thân, quản trị nội lực, tư duy phản biện, tư duy linh hoạt, và điều cần thiết nhất trong thời đại máy là EI - Emotional Intelligence - Trí tuệ cảm xúc.

Chị có nhắc đến nguyên tắc vàng của việc học trong thế kỷ này là 50% là học, 50% là thực hành. Học trực tuyến có làm thay đổi nguyên tắc này không? Và các bạn học sinh nên học và thực hành như thế nào để không bị “cắm mặt” vào máy tính - thiết bị học tập chính giai đoạn này?

Tôi là người học trực tuyến đã 15 năm nay để phát triển bản thân mình và không thấy chuyện này mang lại khó khăn gì cả nếu chúng ta biết cách thích nghi. Nói thế, không có nghĩa là việc tập trung học tại chỗ không cần nữa. Tôi nghĩ chúng ta cần có cách tiếp cận 50% trực tuyến cho các kiểu học lý thuyết, giải đáp thắc mắc, mà cũng có khi là bớt phần “dạy” lý thuyết đi. Thay vào đó, cho các em tự nhọc qua e-learning phần lý thuyết, chỉ online để giải đáp thắc mắc hay mở rộng khái niệm thôi. Ai giờ này mà còn ngồi đó nghe giảng mấy tiếng đồng hồ? Ngược lại nên là flipped classroom - cho các bạn tự học xong lên trình bày hay dạy lại để cả lớp cùng theo dõi và phản biện.


Còn 50% thời gian còn lại thì nên dành cho việc làm dự án, nghĩa là các bạn thật sự ứng dụng lý thuyết vào một dự án thực tế, làm protoytpe - mẫu thử, thử nghiệm ý tưởng sau khi học. Quá trình này quan trọng hơn vì nó giúp các bạn internalize- cá nhân hoá thông tin dữ liệu thành bài học cho chính bản thân mình. Đây cũng là cách mà thế giới mới vận hành trong bất kỳ công ty, tổ chức, tập đoàn nào. Khi giúp các em làm quen với cách tiếp cận này, các em sẽ hoàn toàn tự tin, không bỡ ngỡ như hiện nay khi tham gia vào thị trường lao động.


Cho dù dịch sẽ qua đi và chúng ta có khả năng quay trở lại trường học thì tôi nghĩ các trường cũng nên nhân cơ hội này thay đổi luôn cách tiếp cận theo cách mới để giảm bớt thời gian và nguồn lực hoang phí, tập trung vào tạo ra nội dung “liên quan” hơn, thú vị hơn, thực tế hơn, liên quan đến tương lai hơn cho các em.


Còn đối với tình trạng chưa thể quay lại trường lớp như hiện nay, tôi vẫn nghĩ chỉ nên học 50% thời gian thôi và giao dự án cho các em tự làm việc theo nhóm. Vậy mình sẽ dạy được luôn cho các em về kỹ năng tương tác và làm việc đội nhóm, kỹ năng giao tiếp, tổ chức và sắp xếp, khả năng quản trị bản thân & quản trị quan hệ. Kỹ năng chỉ có thề học qua thực tế làm việc, hoạt động, dấn thân, và tự vỡ ra để tự điều chỉnh. Mà kỹ năng lại là thứ quan trọng nhất các em nên học lúc này để có thể đối diện với tương lai bất định. Kiến thức hôm nay dạy ngày mai đã cũ, đã lạc hậu thì ai lại chăm chăm vào dạy kiến thức nữa. Cái chúng ta nên dạy là khả năng học cả đời, khả năng tự học, khả năng tự quản trị và đối diện để giải quyết vấn đề mới, phức tạp mà đến giờ cả nhân loại vẫn chưa biết là vấn đề gì hoặc biết nhưng chưa giải được.

Các bạn học sinh thường dễ chán và mệt mỏi khi phải ngồi học trên máy tính một ngày dài, nên ít có hứng thú để học thêm kiến thức ngoài, rồi dần dà mất thói quen tự học. Chị có lời khuyên gì có các bạn để rèn luyện kỹ năng học cả đời không?

Tôi còn chán nói chi là các bạn trẻ. Cho nên, không thể lạm dụng online để biến nó thành một kênh khác của cách dạy truyền thống ngồi cả buổi học lý thuyết trong lớp được. Chúng ta phải bỏ cách dạy truyền thống đi, soạn lại giáo án theo hướng vừa bàn ở trên, nghĩa là tự học lý thuyết theo thời gian tự sắp xếp của bản thân, rồi online giải đáp thắc mắc, rồi tự tổ chức làm dự án theo nhóm và trình bày dự án sau khi đã hoàn thành. Tự học đã khó, thêm online lại càng khó hơn. Giáo viên nên soạn giáo án và dự án theo công cụ design thinking - tư duy thiết kế, vừa hay, vừa hào hứng, vừa hợp thời và giúp được cho các em sau này hội nhập dễ dàng hơn vào môi trường công việc.

Chị có chia sẻ gì về kỹ năng học tập - làm việc online mà các bạn có thể áp dụng không? Học sinh nên làm sao để buổi học online không biến thành buổi xem video (chỉ nghe nhìn)?

  • Bài giảng nên được quay lại như video và có thể tiếp cận trên nền tảng online bất cứ lúc nào và cho phép các bạn có thể tự bật lên học bất cứ lúc nào theo sắp xếp cá nhân. Học của thế kỷ 21 là cá nhân hoá và lý thuyết thì xem video qua nền tảng online là được rồi, không cần lên lớp.

  • Mở các buổi trực tuyết chỉ để Q&A - trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc. Câu hỏi có thể gởi về trước hoặc hỏi thêm theo ý trả lời trong buổi live. Buổi live nên được ghi hình lại để đưa lên nền tảng thông tin cho các bạn xem lại khi cần.

  • Giao dự án và hướng dẫn các team cách tự quản trị dự án. Dạy nhiều kỹ năng xây dựng ý tưởng và triển khai dự án để các em biết cách ứng dụng. Ví dụ, kỹ năng thảo luận online (brainstorm) có thể dùng ống cụ brainstorm online như Miro để làm việc và sáng tạo nhóm chẳng hạn.

  • Tạo các buổi “pitching” - trình bày dự án online để các team trình bày và các team khác phản biện.

  • Tìm cơ hội làm các dự án có khả năng ứng dụng thực tế, cho các em thử nghiệm và thu hoạch sau dự án xem kết quả thế nào. Sau đó có thể tổ chức triển lãm, trình bày, và nhận feedback của khối, của trường. Như vậy, các team sẽ nhận phần hồi từ nhiều bạn khác và những dự án được nhiều like, nhiều vote nhất sẽ được giải chẳng hạn.

Tôi nghĩ cách dạy và học càng gần với thực tế môi trường làm việc sẽ càng tốt, giúp các em hội nhập tương lai và thế giới từ khi còn ngồi trong trường học.

Thời buổi bất định, nhiều đam mê học tập của các bạn học sinh bị gián đoạn. Trên cương vị một nhà đầu tư, chị nhìn nhận xu thế này như thế nào? Còn trên cương vị một nhà giáo dục, chị nghĩ các bạn nên “follow your passion no matter what” hay “build your passion based on the circumstances”?

Tôi nghĩ không ai tìm ra đam mê mà cho phép bất kỳ hoàn cảnh hay môi trường nào “gián đoạn” nó hết. Chúng ta chỉ chán nản, bỏ cuộc, sao nhãng khi chúng ta không thích, không quan tâm, không thấy cần thiết hay liên quan đến lợi ích cá nhân của mình thôi. Do đó, tôi nghĩ trường học cần dạy cho các em đi tìm mục đích sống, tìm đam mê, tìm hành trình tương lai của mình. Khi làm được điều này, ta không cần phải ép các em “học” những thứ các em không thấy hứng thú.


Còn trong thời gian chưa tìm được đam mê vì đam mê cần một hành trình tìm ra và nuôi dưỡng, thì chỉ cho các em cách định vị mình bằng sơ đồ “Flow - dòng chảy”. Đây là định vị dựa trên 2 yếu tố là mức độ thử thách của việc bạn muốn làm/trở thành và mức độ hoàn thiện kỹ năng-kiến thức của bản thân. Khi biết mình đang ở đâu, thế giới và hiện thực đang ở đâu thì các em sẽ có động lực hơn, biết cách phát triển bản thân hơn và chủ động hơn trên hành trình học tập của mình.


Hơn nữa, học giờ đây là việc của cả đời chứ không phải theo cách nghĩ truyền thống là học cả chục năm rồi sau đó ra đi làm nữa. Học và làm, làm thấy thiếu thì học thêm. Vòng lặp của giáp dục theo phương pháp mới là như thế. Do đó, cách tiếp cận về dạy và học trong lúc này cũng phải được thay đổi cho phù hợp với nhu cầu mới.

3.133 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page