Tôi có mặt với chương trình này từ mấy năm trước. Tôi băn khoăn, có nên gọi là startup cho các dự án khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa (TNBĐ) của Việt Nam không, vì qua những dự án tôi tiếp cận, các bạn hoàn toàn hoặc hầu như không ứng dụng miếng công nghệ nào và hầu như chủ yếu là sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG), chưa rõ dạng mô hÌnh kinh doanh hay một tổ chức có thể thương mại hoá sản phẩm thành công.
Sức mạnh của ý tưởng?
Không có ý tưởng nào tự nó mạnh vì bạn nghĩ ra và nuôi nó bằng niềm tin và ý chí. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên thôi nói về đam mê và sức mạnh trong sự thiếu tương quan với các yếu tố nền tảng về mồ hôi và nước mắt, về hành trình học làm người trước khi học làm Founder & CEO (nhà sáng lập và giám đốc) đang mọc tua tủa như nấm sau mưa.
Tại sao thương hiệu sô cô la do người nước ngoài dựng lên, sử dụng TNBĐ Việt Nam lại thành công? Tôi nhìn thấy nhiều ý tưởng sản phẩm tiềm năng từ TNBĐ trong ba, bốn năm trở lại đây, cả tiềm năng thương mại hoá thành công mà đến giờ vẫn chưa thấy thương hiệu nào toả sáng? Từ góc nhìn của một người đã làm việc trong môi trường quốc tế và xây dựng gần 70 thị trường, trên bốn châu lục khác nhau của thế giới, xin cho tôi nói một câu rất công bằng, vì các bạn hiểu sai về sức mạnh của ý tưởng.
Tôi thường nhắc đi nhắc lại cụm từ ý tưởng sản phẩm, không phải là ý tưởng kinh doanh. Nó chỉ là nguyên liệu thô đầu vào để xây dựng mô hình kinh doanh. Mà mô hình này cần phải cạnh tranh, sáng tạo, có ứng dụng yếu tố công nghệ, để có thể tồn tại và phát triển trên thị trường 4.0, vốn đầy rẫy cạnh tranh. Chỉ vì nguyên liệu của bạn làm từ một loại cỏ cây hoa lá bản địa nào đó chưa ai chạm vào, không có nghĩa là bạn không có đối thủ. Đối thủ là tất cả những thứ từ bản địa đến vô số bản địa khác trong cùng một ngành hàng, và đang tìm đủ mọi cách gõ cửa trái tim của khách hàng mà bạn đang nhắm tới. Đối thủ có thể là một tập đoàn rất lớn đang hoạt động trong ngành hàng của bạn, và người ta chẳng cần biết bạn nghiên cứu ra sao, chỉ cần nghe tên nguyên liệu là đã có thể R&D – nghiên cứu và phát triển ra loại nguyên vật liệu tương đương xịn hơn bạn gấp vạn lần, bằng tiền của và năng lực dồi dào sẵn có.
Niềm tin, trong xã hội của những trái tim lộn xộn
Tại diễn đàn khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam cuối năm nay, giám đốc một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn của Mỹ thở dài và nói, “Hệ sinh thái không có niềm tin làm sao lớn mạnh?”
Số là, điều ông nghe các nhà đầu tư Việt Nam phàn nàn nhiều nhất trong giao dịch đầu tư cho startup là chữ tín. Nào là tham lam thổi phồng con số một cách vô căn cứ. Nào là nói dối, đưa số sai để giá giao dịch cao hơn. Nào là nói cho hay rồi không làm. Nào là ảo tưởng về thị trường, buôn bánh vẽ trên sự thiếu kiến thức và trải nghiệm kinh doanh, v.v. Còn phía doanh nghiệp, tôi cũng nghe chiều ngược lại. Nào là nhà đầu tư thiếu chữ tín, hứa rồi không đầu tư. Nào là ép giá để đầu tư thấp lấy phần trăm cao. Nào là mưu mô nuốt chửng công ty người ta rồi đẩy founder ra rìa. Nào là chỉ ăn cắp ý tưởng và công nghệ, v.v. Một hệ sinh thái dựa trên sự mất niềm tin, là hệ luỵ của một xã hội không tồn tại niềm tin, làm sao phát triển?
Từ trải nghiệm cá nhân trong đầu tư, đồng hành, mentor cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong thời gian qua, tôi xác nhận niềm tin chính là thứ tác hại đến sức phát triển lẽ ra phải nhanh và mạnh hơn của doanh nghiệp Việt.
Mô hình cộng tác 3+1.
Thế nhưng, chúng ta vẫn phải tồn tại, phải xây dựng một mô hình rất khác cho khởi nghiệp bản địa. Tôi gọi nó là mô hình “Cộng tác 3+1”. Ở đó, các bạn có ý tưởng khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa chỉ cần một thứ: được tạo điều kiện để tiếp tục nghiên cứu, nuôi dưỡng, và nếu có khả năng, có thể là quản trị khâu sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Trong nhiều trường hợp, có khi chỉ cần dừng ở mức độ đưa ra ý tưởng và truyền cảm hứng về sản phẩm, để cho những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp tiếp tục hoàn thành.
+1 là góp sức, là ý tưởng sản phẩm, là niềm đam mê và câu chuyện bản địa rất riêng tư. Nhưng phải nhớ, đó chỉ là +1 trong công thức để thương mại hoá thành công. Bạn còn cần thêm ba thành tố đưa từ bên ngoài vào sau đây để đưa ý tưởng sản phẩm về phía sống còn và phát triển.
1/3, là nhà đầu tư, mentor – cố vấn và dẫn dắt dự án. Đây là nhân vật mấu chốt đủ tâm, đủ tầm, đã xây dựng được niềm tin và uy tín trong xã hội để dẫn dắt bạn. Hai việc chính của họ: dẫn dắt để phát triển năng lực cho doanh nhân trẻ, và phải là ngọn hải đăng dẫn dắt họ học cách làm người. Tôi nhấn mạnh, phải làm người đã, rồi mới nên làm doanh nhân thành đạt. Thế kỷ 21, giá trị văn hoá của người lãnh đạo và doanh nghiệp mới chính là nền tảng để đưa một doanh nghiệp vươn xa. Ở đó, con người là con người thật. Sản phẩm và dịch vụ, nói thế nào phải làm tốt hơn như thế. Ở đó, không có chỗ chấp chứa tư duy ăn xổi ở thì.
2/3 là việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xây dựng mô hình kinh doanh, và thị trường hoá. Cần phải thành thực với nhau là, không ai có thể và đủ thời gian để huấn luyện cho các bạn về công nghệ. Cách hiệu quả nhất, là đưa một thành viên hoặc một nhóm công nghệ vào đảm nhận, triển khai theo định hướng của người dẫn dắt. Điều này cũng có nghĩa, mô hình kinh doanh có khi hoàn toàn khác, hoàn toàn mới, và những suy nghĩ trẻ trung ban đầu của bạn, là founder sẽ hoàn toàn bị thay đổi. Ở đây, mấu chốt là nhà sáng lập, người sở hữu ý tưởng cần phải có tư duy mở để chấp nhận thay đổi, để nhường bước cho những người/đội ngũ am hiểu hơn mình lên tiếng, đưa đứa con tinh thần của mình lớn lên.
3/3 là năng lực phát triển thị trường. Sự thật dễ mất lòng là, ít có doanh nghiệp khởi nghiệp từ TNBĐ nào có đủ đội ngũ và năng lực xây dựng thị trường nội địa, chứ chưa nói đến quốc tế. Khi sản phẩm mới ra thị trường và còn mang tính thu hút mới trình làng, đâu đó sẽ có người muốn thử mà tìm đến bạn. Nhưng thử, rồi có quay lại? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu ngày mai có cái khác mới hơn, hay ho hơn và tiện dụng hơn? Đừng tự ái! Khi không được trang bị đủ kỹ năng chiến lược và triển khai phát triển thị trường, hãy để cho người giỏi hơn mình làm. Bạn cần một người đồng hành, có trải nghiệm và kinh nghiệm, có khả năng scale up – đưa doanh nghiệp bạn phát triển vượt bậc từ nền tảng rất thấp của ý tưởng sản phẩm hôm nay.
Bạn là +1. Bạn rất cần +3. Định hướng cho khởi nghiệp TNBĐ của các tỉnh cũng nên hiểu đúng, để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp tỉnh nhà một cách thực tế, hiệu quả, và bền vững. Muốn xây dựng những doanh nghiệp tầm cỡ trong thế kỷ này, cuối cùng phải bắt đầu từ việc xây dựng mớ niềm tin cỏn con giữa con người với con người, xây dựng niềm tin lớn dần trong cộng đồng, xã hội.
https://thegioihoinhap.vn/goc-nhin/ca-phe-sang/mot-goc-nhin-phan-bien-tu-khoi-nghiep-tai-nguyen-ban-dia/
Kommentare