Sau cái hồi con ếch hiểu ra và hết ghét người Singapore, con ếch bắt đầu có nhiều bạn bè từ cái đảo quốc Sư tử biển này. Susan, một người bạn đã từng là tổng giám đốc của một tập đoàn bán lẻ tại Singapore, lần nào cũng đón tôi ở sân bay và thế nào sau đó cũng có cái màn Bak Kut Teh ở Sing Ming hay chè Chendol ở khu Tampines 1 trước khi về khách sạn (Bak Kut Teh là một loại súp sườn heo nổi tiếng của Singapore và chè Chendol giống như chè bảy màu của Việt nam nhưng sử dụng đường thốt nốt Melaka nên có vị rất đặc trưng). Cũng nhờ Susan mà chuyện lớn chuyện nhỏ gì đang xảy ra ở Singapore tôi cũng được nghe. Và mỗi lần có cái thứ gì mới, từ chương trình hoà nhạc mới cho đến chương trình triển lãm nghệ thuật hay, cô đều không quên nhắc tôi phải đi xem. Đi làm mãi cũng chán, cùng với một vài người bạn, cô bắt đầu cái phong trào mỹ phẩm tươi, làm thủ công (hand-made) và tự nhiên (organic) ở Singapore. Lần nào tôi ghé thăm Singapore, cô cũng dúi vào tay một túi các thể loại sản phẩm xì pa tại nhà. Có điều cô nói làm sản phẩm muối ngâm thảo dược để sử dụng ngâm bồn tắm thì chỉ làm tặng tôi thôi, chứ người dân Singapore không ai sử dụng.
“Ủa sao vậy?”, tôi hỏi.
“Không biết sao? Người Singapore ai mà ngâm bồn? Bị bệnh Kiasu mà!
Cái bệnh gì mà lạ, đó giờ chưa có nghe bao giờ!
Kiasu là từ có gốc tiếng hoa mà người Phúc kiến hay sử dụng, có nghĩa đen là “sợ bị thua”, như vậy nghĩa là phải tiến lên, phải qua mặt người khác bằng mọi giá. Vì trong tay không có cái nhà mặt tiền chà bá, Singapore buộc phải dựa vào cái năng lực con người để mà qua mặt người ta. Điều đó có nghĩa là phải học tập, phải trao dồi, phải rèn luyện từng ngày, từng giờ, từng phút để trở thành cái túi khôn của thiên hạ, để buộc người ta phải đến nhờ mình. Bạn biết không? Nếu phải liên lạc với một ai đó đang giữ chức giám đốc vùng của một tập đoàn nước ngoài tại châu Á, nhắm mắt cũng đoán được 90% người đó là dân Singapore. Vì sao? Nếu nói về hiệu quả công việc, chẳng phải họ đang dẫn đầu châu Á? Nếu nói về ngôn ngữ, mặc dù nói tiếng Anh cái kiểu Singlish (tiếng Anh theo giọng Singapore và hay thêm mấy từ lah lah vào trong đó), nhưng nói năng và viết lách trôi chảy bằng tiếng Anh thì châu Á ai bằng? Vậy là họ qua mặt được hết dân châu Á, trở thành cầu nối và mắc xích không thể thiếu được giữa châu Á với phương Tây. Nhưng hiệu quả quá cũng có cái giá của nó. Người ta tính toán từng giờ từng khắc cách tạo ra giá trị vật chất mà có lúc quên đi cái thú của việc ngâm bồn.
OK lah! Đâu có cái gì là toàn vẹn. Có những lúc phải hy sinh một chút cái này để làm được một cái khác. Vấn đề là cái mình đang làm nó có đóng góp vào mục đích cuối cùng là hiện thực hoá tầm nhìn của mình không.
Bổ sung các kiểu kỹ năng
Đây là một ví dụ về sinh hoạt của con nít ở Singapore. Ngoài thời gian đi nhà trẻ thì bổ sung khoá ngôn ngữ ở Kumon, bổ sung khoá phát âm ở Zoophonics, học múa ba lê và tiếng Hoa ở trường Tien Hsia. Chuyện phải đi học các khoá bổ sung này nọ không còn là vấn đề có đi hay là không. Vấn đề bây giờ là chọn cái khoá nào. Trẻ con Singapore ngày nay cũng vì vậy mà thấy toàn đi học. Kiasu!
Vòng tròn ảnh hưởng…
Nếu không làm được như người ta, cách dễ nhất là đổ thừa tại vì thì là bị. Sự khác nhau cơ bản giữa người thực hiện được tầm nhìn và kẻ chỉ đứng xa xa mơ về tầm nhìn là cái ranh giới mong manh giữa được và không được. Trong cuộc đời này, sẽ luôn luôn tồn tại những điều làm chúng ta bận tâm, lo lắng nhưng chẳng bao giờ ảnh hưởng được. Nếu Singapore chỉ tập trung vào cái “không thể ảnh hưởng” như thị trường nhỏ, dân số ít, không có nguồn tài nguyên khoáng sản, bạn có nghĩ là họ xây dựng được đất nước có mệnh danh là châu Âu giữa lòng châu Á? Thay vào đó, họ tập trung năng lượng tích cực vào những điều họ “có thể ảnh hưởng được”. Họ nâng cao kỹ năng, kiến thức, và năng lực của bản thân mình.
Hãy tập trung năng lượng tích cực vào những gì mình có thể làm được. Khi năng lượng tích cực này càng nhiều thì cái vòng ảnh hưởng của bản thân mình sẽ ngày càng mở ra, mở ra. Đến một ngày nào đó bạn sẽ ngỡ ngàng vì mình có thể làm được nhiều thứ quá. Ngược lại, nếu cứ tập trung năng lượng xấu vào những thứ tại vì thì là bị, vòng tròn ảnh hưởng của bạn sẽ ngày càng co lại, co lại. Đừng ngạc nhiên nếu một sớm mai thức giấc, bạn bỗng thấy mình bất lực, thấy mình vô dụng, thấy mình vật vờ trôi nổi trong cái cuộc đời này.
Vậy đó. Khó khăn thách thức trên đời không lúc nào là không tồn tại. Nhưng ai trong chúng ta cũng có quyền lựa chọn thái độ của bản thân mình. Tại một ngã rẽ nào đó của cuộc sống, ếch tôi đã chọn cho mình cách mở mang vòng tròn ảnh hưởng. Và năng lượng tích cực của nó vẫn cứ mở ra, mở ra….
![](https://static.wixstatic.com/media/d36d0c_c4cc43a2608f4748aed23e015d032649~mv2.png/v1/fill/w_796,h_830,al_c,q_90,enc_avif,quality_auto/d36d0c_c4cc43a2608f4748aed23e015d032649~mv2.png)
Hình: Vòng tròn ảnh hưởng được nhắc đến trong quyển sách “7 thói quen của người thành đạt” của tác giả Stephen R. Covey.
Trích chương 3 - Châu Âu giữa lòng châu Á - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân
Comentarios