top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

KỸ NĂNG QUAN TRỌNG NHẤT ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG THẾ GIỚI HỖN LOẠN



Càng ngày, thế giới ngoài kia càng hỗn loạn, linh tinh, tào lao, và ồn ào như cái chợ. Người ta kéo từng đàn ra so găng nhau, chửi bới nhau, bán mua chính linh hồn và sự đen đúa của nhau. Càng ngày, thông tin rác, fake news - tin tức sai sự thật, dàn dựng, xỏ mũi dư luận, ác ý càng bị thải như thuốc độc tràn lan ngoài đời, trên mạng hàng ngày, hàng giờ, hàng giây. Càng ngày, sự rối loạn quá tải của thế giới bên ngoài càng quấy nhiễu tâm trí con người, khiến họ ngày càng hoảng hốt, mơ hồ, hoang mang, trầm cảm, và tê liệt sức khoẻ tinh thần. Càng ngày, việc chọn tin vào điều gì, tin vào ai, hay đơn giản chỉ là tin vào chính mình, càng trở nên khó khăn hơn, khi 8 tỷ dân trở thành 8 tỷ cái nhà đài, thi nhau thải rác rưởi từ góc tối trong tâm trí của họ ra thế giới. Càng ngày, tư duy của con người càng bị ảnh hưởng, tác động bởi những kẻ thao túng suy nghĩ bằng công nghệ số. Cho đến khi ta thật ra không còn làm chủ chính mình, làm chủ suy nghĩ hay hành động của mình. Những thứ ta ngỡ là của mình thật sự chỉ là sự trình diễn một cách cá nhân hoá của tư tưởng, suy nghĩ, mệnh lệnh, hay tác động của một ai đó khác. Trong thế giới hỗn loạn đó, để thành công và để lại dấu ấn của bản thân mình, một cách tự do và chủ động, ai cũng cần những kỹ năng sau:

Kỹ năng kiểm chứng và sàng lọc thông tin

Bởi vì ngoài kia và ở trển nó cực kỳ ảo, linh tinh và tào lao, đầy những thứ rác rưởi độc hại cho nên mỗi người phải tự trang bị và gắn cho mình một thiên hà bộ lọc, install khắp nơi, bật chế độ always on - luôn luôn hoạt động, được bảo trì bảo dưỡng liên tục và có độ nhạy cực đỉnh mới bảo vệ được bản thân khỏi những quyền lực mềm độc hại đang nghiễm nhiên thấm vào từng thớ thịt, mạch máu mà con người không hề hay biết. Nó giống như một loại độc dược mà bạn uống mỗi ngày như cà phê, trà và không hề hay biết mình đang uống thuốc độc, cho đến khi độc dược nó tích tụ đủ lượng và bùng phát. Lúc đó thì đỡ sao nổi nữa, vì độc dược nó đã thấm vào lục phủ ngũ tạng rồi. Cũng vì vậy, khi mình bật chế độ sàng lọc lên, là mình đang bảo vệ bản thân khỏi độc dược, thử độc các kiểu an toàn rồi mới cho nó lọt vào nhà.


Trong công việc và cuộc sống đều vậy, khi tiếp cận bất kỳ thông tin nào cũng đều phải kiểm tra và sàng lọc. Thông tin đó đến từ đâu, nguồn thông tin gốc là gì, nguồn đó có chính thống và đáng tin cậy không hay chỉ là một tờ báo lá cải, một trang FB cá nhân hay một kênh tiktok thị phi nào đó. Ai cũng có thể nói lung tung, còm loạn xạ hay share fake news mà chính họ cũng không kiểm soát được. Thành ra, thay vì ở đó phàn nàn khấu nghiệp người ta thì mình tự lo bảo vệ nhà mình, bằng biện pháp của mình, theo cái cách kiểm chứng và sàng lọc thông tin của mình, để bảo vệ lấy chính mình trước đã.


Kỹ năng này cực kỳ quan trọng, vì nó là tiền đề cho việc tiếp cận thông tin, dữ liệu sạch, chất lượng, có giá trị làm input cho tất cả những ý tưởng, suy nghĩ, giải pháp tiếp theo. Nó mà sai thì cả đám phía sau tè le, từa lưa, loạn cào cào hết cả lên. Cho nên, làm gì làm, trước hết phải học cách kiểm chứng và sàng lọc thông tin để đỡ mất công xây lâu đài trên cát.

Kỹ năng đặt câu hỏi

Thời thế thì thập diện mai phục như vậy, mà giáo dục thì kiểu ngồi im đó ngậm miệng lại mà nghe, cho nên thói quen tiếp nhận thụ động nó đã hình thành từ nhỏ. Nghe xong, tin vậy, cho nó đương nhiên là vậy, hoặc giả có thấy kỳ kỳ, không khớp, không suông lắm thì cũng chỉ nhíu mày cau trán tí rồi thôi. Người Việt không có thói quen đặt câu hỏi khi không hiểu, không thông, chưa rõ. Hoặc có hỏi, thì cũng chỉ hỏi toàn những câu cực kỳ ngây thơ vô số tội, câu hỏi cực đơ mà người bị hỏi nghe xong thấy mắc cỡ không biết trả lời sao, vì chuyện đó nó quá cơ bản google ra cũng được.

Đặt câu hỏi là kỹ năng quan trọng nhằm làm rõ, đào sâu, nghiên cứu tìm hiểu đến tận cùng. Khi và chỉ khi ta hiểu đủ, hiểu hết, hiểu rõ, hiểu tận tường, hiểu từ nhiều góc độ khác nhau thì suy nghĩ của ta mới không bị phiến diện, cách nhìn vấn đề của ta mới tròn trịa, đa diện, tổng thể, khách quan. Chớ chủ quan phán như đúng rồi từ góc nhìn và hiểu biết giới hạn của mình thì ai làm chả được. Người xuất sắc và thành công là người biết lắng nghe, tổng hợp, chọn lọc ý tưởng và thông tin hay từ đám đông, với cái đầu mở và trái tim không phân biệt. Họ đặt câu hỏi, đặt câu hỏi, đặt câu hỏi cho đến khi họ thoả mãn mới thôi để tìm hiểu đến tận hang cùng ngõ hẹp của mọi vấn đề. Cũng vì thế mà họ trở nên xuất sắc.

Kỹ năng tự suy nghĩ & xây dựng chính kiến

Cả thế giới này đang vận hành theo kinh tế ảnh hưởng, nghĩa là ai ảnh hưởng người khác nhiều thì người đó có thể tận dụng sức ảnh hưởng này để làm ra tiền. Mà ở đâu có mùi tiền thì ở đó người ta bu vào. Cho nên, người người ra sức tạo sự ảnh hưởng, nhà nhà đổ xô đi học và làm người ảnh hưởng. Khi ảnh hưởng để kiếm tiền thì đương nhiên người ta xem bạn như công cụ để kiếm tiền, thoả mãn bạn bằng tất cả những khát khao đen tối và giấu kín nhất mà bình thường không dám show ra, vì sợ bị đánh giá. Và họ làm đủ trò, để bạn tin vào họ một cách mù quáng, thích thú theo dõi họ vì content nó khác xa hay ngược lại với những khuôn khổ bạn bị ép vào hay giáo dục. Họ làm tất cả để ảnh hưởng bạn, dẫn dắt bạn, và làm ra tiền từ sự follow của bạn. Khi ảnh hưởng vì cái lợi của bản thân, người ta đương nhiên phải thoả hiệp. Tốt hay không tốt, thật hay không thật, nên hay không nên đều có cái giá của nó, và khi giá càng cao thì sự thoả hiệp càng lớn. Nền kinh tế ảnh hưởng là như thế, người ta kiếm tiền từ tầm ảnh hưởng.

Vậy thì, logic mà nói, người ta không muốn bạn có chính kiến, không muốn bạn tự suy nghĩ hay phản biện. Người ta cần bạn follow, nghĩa là lắng nghe, làm theo, ủng hộ quan điểm, ý kiến, sự kêu gọi của họ một cách trung thành nhất, mù quáng nhất, cuồng nhiệt nhất. Vậy thì, bạn có còn là mình không, có còn nói lên tiếng nói của mình không, có còn dám nêu ra quan điểm khác biệt, đa chiều, ngược lại của mình không? Hay bạn chọn bỏ qua, hoà tan vào đám đông, hành xử như đám đông cho nó mang danh chính nghĩa? Vậy thì, bạn tự nguyện đánh mất bản thân dưới sự kiểm soát tư tưởng bởi tầm ảnh hưởng của một ai đó? Cả thế giới đang tuyển follower, cả thế giới đang giành giật nhau follower để nuôi lớn tầm ảnh hưởng của mình, và cả thế giới không care bạn nghĩ gì, họ chỉ cần bạn nghĩ theo họ, giống họ, và trung thành với cách nghĩ đó.


Khi bạn quyết định mình là follower, bạn sẽ mãi mãi chỉ là follower, không dám có chính kiến, không dám tự quyết định, lựa chọn những điều khác biệt, và cũng vì vậy mà không thể thành công. Người thành công là người dám nghĩ khác, làm khác, chọn con đường khác, dù nó có là lựa chọn rất không được đồng tình hay ủng hộ. Cho nên, muốn thành công thì phải tự mình suy nghĩ, tự mình phản biện, tự mình đưa ra quyết định và lựa chọn, tự mình chịu trách nhiệm về lựa chọn đó. Không có người thành công nào chỉ follow, họ lead và trở thành leader - lãnh đạo.

Kỹ năng triển khai

Đời này, ai cũng nghĩ ra được, ai cũng có ý tưởng, ai cũng mơ mộng hão huyền được hết, vì có quá nhiều công cụ để bạn tham khảo, tìm hiểu, học theo. Có điều, 8 tỷ người mơ mộng thì chỉ 1% thật sự bắt tay vào thực hiện. Từ ý tưởng đến thực hiện nó cách nhau khá là xa, đường khá là gập ghềnh, và đòi hỏi quyết tâm và nội lực. Nhưng con người ai cũng thích dễ, thích nhanh, thích không tốn gì hết mà có ngay, có liền, mà còn free nữa chớ. Cho nên, ai cũng ngồi rình chờ chộp được deal hời, ít ai chịu đầu tư thời gian và nguồn lực để triển khai một ý tưởng original - độc bản, của riêng mình, bằng nước mắt và máu tươi. Cho nên, đừng ngồi đó ôm khư khư lấy ý tưởng của mình và sợ người đời vớ được, chôm mất. Người ta chỉ khác nhau ở đoạn hiện thực hoá mà thôi, vì đó mới là đoạn khó nhất, chông gai nhất, đòi hỏi tất cả những phẩm chất xịn sò nhất như kiên cường, quyết liệt, linh hoạt, kiên nhẫn, vững vàng, hướng về kết quả sau cùng.


Cho nên, thành công hay không cũng cách nhau chỉ một đoạn đó thôi, có ý tưởng rồi dừng lại hay có ý tưởng và triển khai nó tới cùng. Người ta có thể thất bại 1 lần, 2 lần rồi cứ đứng dậy cho đến khi thành công, hoặc người ta có thể bỏ cuộc ngay từ khi chưa bắt đầu và chẳng bao giờ hiểu được vì sao mình mãi loanh quanh giữa những con đường hẹp.


Kỹ năng tập trung

Đời loạn xạ, thì lòng người đương nhiên rất dễ tán loạn. Chỉ có những ai giữ được cho mình tập trung, bỏ qua và không bị cuốn vào sự loạn xạ đó mới là người xuất chúng. Vì tập trung vào ưu tiên quan trọng, bỏ qua mọi sự loanh quanh, họ mới có thể hoàn thành và tạo ra kết quả. Nếu cứ bị đánh lạc hướng, kéo theo vào những thứ linh tinh ở bên ngoài, chắc chẳng có việc gì xong, không có thứ gì làm cho tới nơi tới chốn. Do đó, kỹ năng tập trung có thể nói là một trong những kỹ năng vũ khí để thắng cuộc trong thế giới hỗn loạn. Bằng không, nếu đổ thừa, thì có hàng vạn lý do bên ngoài để đổ thừa, tại bạn bè, tại event, tại chương trình này sự kiện nọ, tại vụ này bùng lên vụ nọ nổ ra, vv. Sẽ luôn có lý do từ thế giới bên ngoài, và lý do nào nghe cũng có vẻ hợp lý, dễ thông cảm, và dễ cho qua hết. Mà đã dễ cho qua, thì không có chuyện gì thành, vì chuyện gì nó cũng bị thế giới bên ngoài ảnh hưởng.


Trong thế giới lao xao này, vì vậy kỹ năng quan trọng nhất để thành công là tập trung, vì nếu thiếu tập trung, sẽ không có chuyện gì thành. Đơn giản là như thế.

11.197 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Giác quan thứ 7

Comments


bottom of page