top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

LEADER KHÔNG BỎ LƠ

Đã cập nhật: 9 thg 3, 2022



Có lẽ cái thế học bị động từ thời ngồi trong trường lớp tại Việt Nam đã tạo ra những thế hệ bị động trong công việc. Giao việc tới thì làm chứ không tự tư duy, suy nghĩ về việc cần làm gì để hoàn thành xuất sắc nhất trách nhiệm và vị trí công việc mà mình đang đảm nhiệm. Việc thì loanh quanh giải quyết tới trách nhiệm trong khuôn khổ của mình thôi, đụng chạm tới người khác hay phòng ban khác là chuyện của họ không liên quan gì tới tôi. Lỡ họ không làm gì hay làm không đúng là lỗi của họ, cứ thế mà đổ. Còn chuyện họ làm không xong, không đúng mà có ảnh hưởng gì đến sự thất bại trong công việc của tôi thì đương nhiên không phải lỗi của tôi, là lỗi của họ. Tiếp nhận công việc bị động, giải quyết một cách bị động, hợp tác bị động, chỉ có đá banh và đổ thừa là cực kỳ chủ động. Ủa, cuối cùng công việc, cuộc đời, sự nghiệp của bạn là ngồi đó bị động chờ cho tới khi may mắn vô tình trượt chân ngã vào nhà hay do bản thân tự chủ, tự dấn thân, tự hành động mà ra?


Thành công hay thất bại, phát triển hay dậm chân tại chỗ, làm tướng hay làm lính chỉ cách nhau có bấy nhiêu thôi. Kẻ bị động thì cả đời cứ loanh quanh ở đó chờ chờ, đá banh và đổ thừa. Còn người thành công họ không cho phép bất kỳ thứ gì cản đường họ tiến tới. Họ đã tiếp nhận, đã nhúng tay vào, đã xem chuyện gì là chuyện mình cần làm rồi thì không đưa kiếm họ cũng chém, cũng phát quang đường tiến về phía trước, và không bao giờ cho phép bản thân dừng lại nửa chừng trong bất kỳ việc gì, dù nhỏ hay lớn, dù liên quan hay không liên quan tới người khác, dù có liên quan đến cả cấp trên. Trong người họ sục sôi ý chí làm cho hoàn thành, hoàn thành tốt nhất, xuất sắc nhất, đóng góp giá trị hiệu quả nhất, thể hiện thương hiệu & uy tín cá nhân cao nhất, no matter what - bất kể ngoài kia thời thế ra sao. Leader không bỏ lơ. Đã mang máu leader trong người, thì dù có đang làm lính họ cũng thể hiện tinh thần, tâm thế, bản lĩnh của một leader. Ngược lại, người có chức có quyền mà vận hành như con gà bị cột đằng chái bếp thì muôn đời cũng chỉ là cốt lính, kêu đâu đánh đó.


Trong cuộc đời đi làm thuê của mình, tôi sống và làm việc đã đời như thế, chưa một ngày khuất phục, chưa một lần chịu thua, chưa bao giờ bỏ lơ việc đã mang vào, và đặc biệt không bao giờ để cho bất kỳ ai khác, bất kỳ phòng ban nào khác, hay cả sếp của mình ngăn cản mình hoàn thành việc cần làm, nên làm, phải làm, vì nó tốt cho tổ chức, vì nó đóng góp tích cực cho sự phát triển của tổ chức, vì nó quan trọng đối với tương lai. Đương nhiên, muốn làm được như thế thì phải có khả năng và bản lĩnh.


Khả năng là thứ giúp mình có tầm nhìn, hiểu về hiện tại và tương lai, hoạch định được chiến lược, triển khai được kế hoạch, quản trị được chi tiết và đạt được kết quả. Trong phim cuộc đời của bọ - A bug’s life có một câu rất hay - The first rule of management, everything is your fault - Nguyên tắc quản trị đầu tiên cần học, mọi thứ đều qui về lỗi của bạn. Đã là người đứng mũi chịu sào, điều binh khiển tướng, chịu trách nhiệm một mặt trận, thì thua là tại mình thôi. Không cần biết lý do thất bại là gì, tại ai do ai, vì nông nỗi thế nào. Tướng thua trận là tướng thua trận, không phân chia thua vì lý do gì và có cần được thông cảm hay không. Ai chơi vậy rất hèn. Một là mình bước tới, nhận lãnh trách nhiệm, chiến đấu hết mình để cả đội chạm vào vinh quang. Hai là thua tơi tả, trách nhiệm tự nhận lãnh, không đổ thừa cho ai, nhất là nhân viên, đội ngũ của mình. Anh là tướng. Anh không có khả năng chỉ huy thì anh thua chứ liên quan gì mấy đứa lính. Còn nếu anh đổ thừa lính, thì anh đang thông báo với thế giới rằng anh không biết xài người, thể hiện khả năng quản trị nhân sự kém. Vậy thôi! Cho nên, đánh thì đánh cho thắng. Thua thì lui về kiểm điểm lại bản thân. Có chơi có chịu. Đừng hèn hạ đưa tay lên chỉ trỏ vào ai khác. Biết cách quản trị sự thua cuộc cũng là bản lĩnh. Thua để rồi học được bài học và chỉnh lại binh pháp, để lại ra trận và chiến thắng thì người đó có bản lĩnh, đáng được làm tướng, đáng được trân trọng.


Leader muốn chạm level này thì đương nhiên đụng chạm không ít, từ nhân sự, đồng nghiệp tới các kiểu sếp. Nhưng được cái họ không bao giờ sợ. Không có khả năng mới sợ chứ người đã có khả năng thì cơ hội của họ đầy rẫy, chỗ này không dung họ thì họ tìm đất khác dụng binh. Tâm thế như vậy nên không bao giờ biết sợ. Thứ họ sợ duy nhất là sợ mất uy tín, sợ làm hư thương hiệu cá nhân xuất sắc của chính mình. Do đó họ cực kỳ tận tâm, cực kỳ cam kết, và fearless - không hề biết sợ. Cho nên, nói gì nói, leader thực thụ trước hết phải là người có khả năng giỏi nhờ biết không ngừng học hỏi và phát triển bản thân, sau đó là sở hữu tinh thần làm chủ và cam kết xuất sắc trong mọi tình huống. Dù là sếp nhỏ hay sếp lớn, nếu đã có mộng làm lãnh đạo, nếu đã có ý định làm lãnh đạo thành công, thì tư duy leader không bỏ lơ là thứ đầu tiên bạn cần sở hữu. Khi đã biết điểm đến, mọi thứ còn lại chỉ là giải quyết vấn đề. Có gì đâu mà khó?

11.052 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

留言


bottom of page