top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

LONDON - 3 từ khoá


Điểm đến đầu tiên tại London đối với tôi không thể là nơi nào khác hơn, Trung tâm nghệ thuật quốc gia (National Gallery). Ngày xưa ở Việt nam chỉ biết học giỏi để lớn lên có thể kiếm tiền. Từ khi được tiếp xúc với nghệ thuật, cả nghệ thuật Đông Phương và nghệ thuật Tây Âu, bỗng thấy cuộc đời mình sao mà phiến diện. Ao ta chỉ là một giọt nước li ti trong cái đại dương mêng mông của thế giới này. Và một trời tri thức ở ngoài kia. Rồi tôi bước như trong mơ trong lịch sử của trung tâm nghệ thuật từ những năm 1824, từ những ngày nơi đây chỉ có 23 tác phẩm đến ngày hôm nay với hơn 2.300 kiệt tác bốn phương. Ngồi lặng thinh tại sảnh đường, những tác phẩm vĩnh hằng, sự bất tận của thời gian và cảm xúc. Từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ 21 nơi ta đang hiện diện, London mở lòng và tinh tuý nghệ thuật của bốn phương hội tụ ở nơi đây. Nép mình một góc Trafalgar Square (quảng trường Trafalgar tại London) bên ngoài thế giới nghệ thuật diệu kỳ, ngắm cuộc sống nối tiếp nhau qua hàng trăm thế kỷ. Bóng sư tử đá sừng sững giữa quảng trường thách thức thời gian. Quyền lực!



Ảnh: tác phẩm “Chiến hạm Temeraire” của hoạ sỹ Anh Joseph Mallord William Turner, hoàn thành năm 1839.


Tôi có người bạn thân từ hồi ở Việt nam. Sau đó lại ở chung căn hộ tại Sydney cái thời còn đi học. Ngọc bây giờ đã lấy chồng và chọn London làm điểm dừng chân trong cuộc sống. Cô nói lâu rồi mới trở lại Trung tâm nghệ thuật quốc gia, cảm thấy bao nhiêu cảm hứng nghệ thuật lại tràn về. Ngày mai chắc cô phải đi ra trung tâm cộng đồng đăng ký học vẽ tranh sơn dầu. “Ở đây muốn học gì cũng có những lớp cộng đồng miễn phí, nhất là các môn nghệ thuật, văn hoá, và kỹ năng sống. Người dân London biết thưởng thức và tận hưởng thời gian trên cõi đời này hơn hẳn người Việt chúng ta”. Tôi bắt gặp một thoáng lung linh của tâm hồn bên ly cà phê nóng….


Đời như tiểu thuyết

Quyển tiểu thuyết bán chạy nhất của nhà văn Anh EL James tựa đề “50 sắc thái” (Fifty Shades of Grey) kể câu chuyện tình giữa một triệu phú và một cô sinh viên trẻ tuổi ngây thơ. Từ sau khi tiểu thuyết ra đời, phụ nữ khắp nơi đã mơ về một mối tình y chang như tiểu thuyết. Một nghiên cứu của website chuyên về mối mai cho thấy trong 1.5 triệu khách hàng của họ, có đến ¼ đang đi tìm mối tình như Christian và Ana trong tiểu thuyết lừng danh.

Đang say chuyện thì bị một cái micro cắt đứt. “Xin lỗi tôi từ đài truyền hình BBC và muốn phỏng vấn chị một chút về “làng văn hoá”. Ừa thì đã đến London, hỏi thì nói thôi đâu có sợ gì. Làng (village) đã từ lâu là một nét đẹp truyền thống của Anh, cổ kính, mộc mạc, nhưng vô cùng quý phái. Cô phóng viên hỏi tôi có ý kiến gì về việc đưa các làng quê này trở thành điểm đến văn hoá cho du khách bốn phương. Tôi trả lời có ba giá trị mà một người đã đi khắp thế giới như tôi luôn quý trọng, đó là bản gốc chân thật của một địa điểm, sự rộng rãi hiếu khách, và giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của nơi này.


Tính chân thật – hãy là chính mình và đừng quá cố gắng làm đủ thứ để trở thành người khác. Trong cái xã hội mà người ta lên mạng để viết rất hay về những điều mình không làm được, trong cái xã hội mà cái bóng của tên tuổi không liên quan gì đến con người thật đằng sau bốn bức tường nhà, thế giới khao khát chân lý, sự mộc mạc, thật tình, và bản gốc. Hãy để những ngôi làng hiện ra với cái mộc mạc bình dị của nó. Đừng để bàn tay kỹ xảo của con người phá vỡ nguyên tác của thiên nhiên. Nhưng di tích thì chỉ là cái tĩnh. Cái động xao xuyến lòng người phải là tương tác với người dân. Và thế giới khao khát sự rộng rãi, lòng bao dung, hiếu khách, bởi cuộc sống tất bật bây giờ làm cho người ta ích kỷ và cuộn tròn vào cái vỏ bọc của chính mình. Người ta muốn dang tay ra nhưng sợ hiểm nguy. Người ta muốn trải lòng ra nhưng rụt rè sợ bị tổn thương khi tiền bạc hơn thua tình cảm. Trong cái thế giới này, sự tử tế và lòng tốt sẽ mang con người quay lại với nhau. Và nghệ thuật, nghệ thuật sẽ trở thành môi trường tuyệt đẹp, căng kéo cảm xúc và trả người ta trở về với chân thể mỹ. Đối với tôi, ba từ khoá đó - tính chân thật, tính hào phóng, và nghệ thuật, là chìa khoá đi vào cuộc sống tương lai, dù là một ngôi làng, một thành phố, hay là một công dân thế giới.



Ảnh: một khu làng ở Cotswolds


Bóng ma trong nhà hát

Nói về nghệ thuật của London, không thể không nhắc đến những vở diễn opera kinh điển. Ngày ngơ ngẩn dọc dòng sông Thames hiền hoà, quý phái, ngẩn ngơ với dòng lịch sử cuồn cuộn nơi đây. Nhưng khi màn đêm hồi hộp chạm vào đỉnh tháp Big Ben, ấy là khi “Bóng ma trong nhà hát”* rộn ràng tỉnh giấc. Háo hức chờ đợi trong nhà hát Her Majesty’s Theatre (Nhà hát nữ hoàng) trong khu Haymarket, cảm giác như mình đang rụt rè chạm vào cái vô tận của lịch sử văn minh.


Tách….. tách…. Cô em Trung quốc ngồi kế bên bấm máy hình lia lịa, rồi lẹ làng tải lên mạng xã hội để thông báo cho thế giới về cái sự sang trọng và hay ho khi bước vào nhà hát của mình. Ừa mà vào đến nhà hát opera cũng là một cái sự hay ho như thế thật. Thôi cứ bấm và cứ tải. Không sao.


“All I ask of you” (Những điều anh mong mỏi), bài hát chủ đề trong vở opera cất lên trong cái tĩnh mịch của màn đêm London, tiếng lòng cao vút và trong trẻo như giọt sương mai buổi sáng. Tôi tan thành dòng chảy sông Thames. Và tôi lơ lửng, treo ngược trên mái vòm nhà hát, thổn thức trên từng cung bậc. Rồi té một cú huỳnh huỵch trên sàn nhà vì tiếng khò… khò… cất lên từ cái máy thở kế bên. À thì ra thế. Tách tách rồi cũng có thể biến thành khò khò như vậy đó. Nghệ thuật là cái bề ngoài đăng trên facebook hay nghệ thuật là cái sâu lắng của tâm hồn đậu trên những nốt đô rê?


Ôi London quyền lực. Có cái ngạo nghễ của một trung tâm kinh tế. Có cái dạn dày của lịch sử mấy ngàn năm. Và nghệ thuật, và sáng tạo, và truyền thống, và văn hoá…. Quyền lực không phải là tiền. Quyền lực bắt nguồn từ nội lực bên trong.


Ngẫm lại chuyện mình. Từ Việt nam ao ta bước ra biển rộng, ta đã có gì? Nội lực của một công dân thế giới đã luyện đến tầng thứ mấy rồi ta?


Trích chương 15 - Thủ đô quyền lực - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân

395 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

CHUYẾN XE 643K

Comments


bottom of page