top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

LÀM SAO BIẾT MÌNH ĐANG ĐI ĐÚNG HƯỚNG?

Đã cập nhật: 1 thg 9, 2023



Trong đời, không phải lúc nào nhanh cũng tốt. Nhanh cho dữ, rồi khi dừng lại thấy mình đang đi sai đường, thì ôi thôi quay đầu lại cũng đã phí rất nhiều thời gian rồi. Cho nên, thật ra thì việc chọn đúng hướng trước khi tăng tốc mới cực kỳ quan trọng. Chậm cũng được. Dành nhiều thời gian cho bản thân để tìm hiểu, biết rõ con đường và hành trình mình mong muốn càng tốt. Ai nhanh đoạn đó kệ người ta. Đừng so sánh, nhìn qua nhà người rồi sốt ruột, tự nghi ngờ bản thân, rồi đâm ra FOMO, lo lắng mình không bằng ai, sợ mình loay hoay mà thua thiên hạ. Nhớ là, nhanh có khi cần, nhưng là cần khi đã chọn đúng đường.

Vậy, vấn đề là, làm sao biết mình chọn đúng đường chưa trước khi tăng tốc? Có khi mình nên dừng lại, đặt ra vài câu hỏi cho bản thân để kiểm tra xem mình có đúng đường.

Câu hỏi 1: Nhìn lại mình của 5 năm trước, bạn có thấy hổ thẹn không?

Khi con người ta lớn lên, bản thân sẽ nhìn ra sự trẻ trâu của mình trong quá khứ. Nhìn ra đã là xịn, nhưng cảm thấy mắc cỡ với những những hành vi, thái độ trẻ trâu của mình khi ấy thì còn hay ho hơn. Khi bạn nhìn thấu, hiểu rõ, biết mình sai ở đâu, thiếu chỗ nào, nhận ra và chấp nhận những lỗi lầm cũng như thiếu sót của chính mình, nghĩa là bạn đã trưởng thành hơn, khách quan hơn, biết điều hơn. Xịn sò hơn nữa là khi nhận ra, hổ thẹn với hành vi của bản thân, nên chủ động đi tìm và xin lỗi những người mình đã làm tổn thương hay ảnh hưởng bởi cái sự trẻ trâu của mình, hoá giải những khúc mắc, hiểu lầm, nút thắt trong quan hệ quá khứ do bản thân gây ra. Được như vậy, thì bạn hiểu mình đang OK, đang đi đúng đường, dù phía trước vẫn còn là hành trình dài và đương nhiên sẽ vẫn gập ghềnh.


Không ai nói trước được mình có còn làm sai nữa hay không. Nhưng ít ra, có sai có nhận ra và sữa chữa nghĩa là có lớn. Còn ai nhìn lại mà thấy mình vẫn oai phong, hay ho, giỏi giang như xưa thì coi như mấy năm vừa rồi bạn đang dậm chân tại chỗ. Mà không lớn có nghĩa là mình đang nhỏ dần trong khi người khác lớn lên.


Cho nên, hỏi câu này xong, tự thấy mình hồi xưa trẻ trâu quá, có lúc cũng tào lao quá là đúng đường rồi, vì mình đang lớn hơn thấy rõ.


Câu hỏi 2: Mình có biết chữ why - mục đích sống của đời mình là gì không?

Có người sinh ra cứ thế tồn tại hồn nhiên như cây cỏ cho đến ngày ra đi mà chẳng bao giờ hỏi tại sao, cứ đến cứ đi như cơn gió thế thôi. Cũng có người lao ra đại lộ cuộc đời đua cho đã đời, đến khi cạn kiệt, mỏi mệt rồi mới giật mình hỏi ủa ta sinh ra để làm gì, không lẽ chỉ để lao vào cuộc đua vô nghĩa này cả đời rồi check out. Cũng có người, luôn tự hỏi mình sinh ra là để làm gì, rồi chăm chỉ đi tìm câu trả lời cho đến khi được mới thôi. Tìm ra rồi thì voilà, tập trung làm nhiều thứ để hiện thực hoá mục đích của mình, một cách đầy đam mê, đầy nhiệt huyết và năng lượng, không bao giờ mệt mỏi, chẳng bao giờ bỏ cuộc, vì đã tìm ra điểm đến. Giờ, họ chỉ tập trung hết tâm sức để tiến về điểm đến đó một cách hạnh phúc nhất mà thôi. Ai may mắn, tìm ra ngọn hải đăng dẫn dắt cuộc đời như vậy thì đúng hướng rồi. Còn lại, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt là có thiệt, vì đi đông đi tây, rẽ ngang đâm dọc kiểu gì thì cũng chỉ lòng vòng, có khi như lọt vào cái ma trận, loay hoay trong đó cả đời.

Cho nên, ai đang hiểu và dành thời gian đi tìm chữ why, ai đã tìm ra chữ why đều biết rõ là mình đang đúng hướng. Không biết chữ why là gì, dù bạn có đi đâu, xa gần kiểu gì theo định nghĩa của bạn, thì cuộc đời rồi cũng chỉ lòng vòng.

Câu hỏi 3: Bạn có học được bài học nào từ những sai lầm quá khứ?

Ai trong đời cũng có lúc phạm sai lầm cả. Ai cũng vậy, không phân biệt, trừ phi bạn là thánh rồi thì thôi. Nếu vẫn cứ là người thì sẽ vẫn có lúc phạm sai lầm. To err is human là như vậy. Cho nên, chuyện mình làm gì đó sai, đưa ra lựa chọn hay quyết định gì đó sai tại một thời điểm nào đó trong đời là chuyện hết sức bình thường, không cần phải lậm vào đó mà buồn bã, chán nản hay sợ hãi gì cả. Vấn để là, sai rồi sao nữa? Nếu sai mà không học được gì để đừng sai nữa, mà cứ sai đi sai lại, lặp đi lặp lại lỗi lầm của mình thì cái đó mới là cái sai nghiêm trọng nhất. Còn nếu sai mà tìm ra bài học để mình nhận ra, sữa chữa, làm tốt hơn lần sau và không phạm lại lỗi cũ thì OK thôi, có sao đâu, đứng lên rồi bước tiếp.

Cho nên, ai biết cách rút ra bài học từ những lần vấp ngã, rồi lớn lên từ đó, thì người đó hiểu mình đang đi đúng đường, dù là con đường vẫn còn dài, con đường sẽ vẫn cứ chông gai nhưng cứ đi thì sẽ đến.


Câu hỏi 4: Bạn có đang rèn luyện thói quen tốt hoặc thay đổi thói quen xấu?

Ai cũng biết hết, nếu xây dựng được những thói quen tốt rồi thì mình không phải dụng công khó nhọc hay ép bản thân làm một việc gì đó dù rất có ích nhưng lại chạm vào cục lười hay căn bệnh procrastination - trì hoãn. Đó là chưa nói tới chuyện đang có thói quen xấu, ví dụ phí quá nhiều thời gian lướt mạng xã hội nên không tập trung làm được chuyện gì đến nơi đến chốn, ví dụ làm gì cũng trì hoãn, thiếu tổ chức và chuẩn bị, để đến phút giây cuối mới hoảng loạn lên làm đại làm sai hoặc tạo ra kết quả kém chất lượng, vv. Khi mình biết bản thân có thói quen xấu, nhận biết đã là một nửa thành công, hành động để delete thói quen xấu đó và thay bằng thói quen tốt thì trọn vẹn thành công. Khi biết mình còn phải cố gắng xây dựng năng lực, bản lĩnh để tiếp tục phát triển bản thân, và vì vậy cần xây dựng thêm nhiều thói quen tốt nữa thì, ta biết mình đang đi đúng đường.

Chỉ có con đường đầu tư vào chính sự trưởng thành của bản thân mới là con đường đúng đắn nhất. Thế giới bên ngoài sẽ vẫn thế, chỉ có ta lớn hơn. Mượn lực bên ngoài rồi lực sẽ có lúc cạn, sẽ không còn. Nhưng nếu tự mình tạo ra sức mạnh cho chính mình thì bản thân có thể quản trị nguồn lực, chủ động gia tăng nguồn lực khi cần mà không cần phải phụ thuộc vào ai. Cho nên, khi bạn nhận biết để thay đổi thói quen xấu hay chủ động xây dựng thói quen tốt phục vụ cho hành trình why của mình, bạn biết mình đang đúng đường và có thể tự tin để mà tăng tốc.

Câu hỏi 5: Bạn có đang loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực?

Đời mà, luôn có người tích cực vả tiêu cực, luôn có những tác động bên ngoài từ môi trường hay hoàn cảnh tích cực và tiêu cực. Khi ta rơi vào cảnh bị bao vây bởi sự tiêu cực, dù là từ con người hay từ môi trường, những ảnh hưởng này đều rất nặng nề, kéo ghì ta vào vũng lầy dù ta có cố gắng vươn lên. Cho nên, cách tốt nhất để không còn bị ảnh hưởng, để bản thân dễ dàng phát triển là thoát ra. Mà muốn thoát, thì đâu có cách nào dễ bằng né luôn cho nhanh, loại bỏ dứt khoát những ảnh hưởng tiêu cực ra khỏi cuộc đời, dù có khi đó là việc rất khó để làm, ví dụ như khi mình đã quen có một ai đó bên cạnh suốt bao nhiêu năm, dù họ cực kỳ toxic.


Có điều, có những chỗ hoại tử dù đau cũng cần nên cắt bỏ để nó không lan ra, lây bệnh cho cả cơ thể. Nhận biết đâu là ảnh hưởng tiêu cực cho cuộc đời mình, rồi tìm cách loại bỏ nó dần dần cho đến khi không còn chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang đi đúng đường. Còn nếu bạn biết, nhưng vẫn cứ ở đó, loay hoay tìm đủ mọi lý do lý trấu để biện minh cho sự thiếu dũng cảm và dứt khoát của mình, có khi vì chính bạn đang nghiện ngập cảm giác tiêu cực đó, thì đường dưới chân sẽ chẳng có hiện ra, nói chi là dấu hiệu đúng sai.

Câu hỏi 6: Bạn có lạc quan về tương lai?

Người đang dấn thân, đang cập nhật, đang thích nghi, đang hành động và chuyển động thì luôn biết mình đang ở đâu và tương lai đang đồng hành với mình theo kiểu gì. Cho nên, họ cực kỳ lạc quan. Lạc quan không có nghĩa là lạc quan một cách vô tư, tin tưởng vào những điều huyễn hoặc. Lạc quan ở đây là vì họ biết cách thiết kế tương lai, biết cách tạo ra giải pháp cho bất kỳ vấn đề gì họ có thể gặp trên hành trình đến tương lai, và lạc quan vì họ vẫn đang hoàn thiện và phát triển bản thân mỗi ngày để luôn có đủ khả năng và nguồn lực đối diện với tương lai. Còn chuyện vấn đề có thể là gì, mình giải quyết được tới đâu, mình thành công hay sẽ phải thử nghiệm nhiều lần mới thành công thì đó là chuyện chưa biết, khi nào đến sẽ xử chứ không cần lo lắng. Lạc quan ở đây là sự tự tin vào khả năng thích nghi linh hoạt và khả năng giải quyết vấn đề mà họ đã rèn luyện qua học hành, dấn thân và trải nghiệm.

Nếu bạn đang ở tâm thế đó, không sợ hãi lo lắng mà lạc quan, dù tương lai mãi vẫn là bất định thì congratulations - chúc mừng vì bạn đang đi đúng đường. Còn nếu bạn đang loay hoay, hoang mang, sợ hãi và lo lắng không vì bất kỳ lý do cụ thể nào, chỉ là một mớ hỗn độn và bạn đang suy nghĩ quá sức nhưng không tìm ra câu trả lời nào cả thì có lẽ bạn đang lạc hướng, cần tĩnh tâm quay lại với bản thân và tìm lại đường đi.

Câu hỏi 7: Bạn có biết ơn những gì mình đang có trong hiện tại?

Người vững vàng bước vào tương lai luôn là người hài lòng với hiện tại. Họ biết tương lai là kết quả gieo hạt từ hiện tại, nên không ngừng gieo hạt tốt, hạt lành ngay lúc này, ngay bây giờ. Và dù làm gì cũng hiểu rất rõ tại sao mình làm nên dấn thân và quyết liệt, không bao giờ chùn bước nhưng họ làm không phải vì động cơ vật chất bên ngoài mà là vì sự thôi thúc mang tính giá trị bên trong. Vì thế, dù làm nhiều, làm bất chấp, làm với đam mê cực độ, họ lại an trú trong cái biết của sự đủ đầy, hài lòng với những gì mình đang có, không tham lam ham muốn chỉ để thoả mãn dục vọng cá nhân. Được thì họ đón nhận và biết ơn. Không được thì họ bước qua, vui vẻ với bài học và tìm cách khác chứ chẳng bao giờ loay hoay trong tiếc nuối.


Khi góc nhìn của bạn tiêu cực, chỉ thấy mình thua kém, chưa đủ, chưa thoả mãn, muốn so đo với người nọ người kia, bạn khó mà giữ cho tâm thái lạc quan và bình an để làm được nhiều điều to lớn và hay ho hơn. Có khi, vô hình chung, bạn còn khiến cho bản thân bị mắc kẹt mãi trong mớ tiếc nuối của quá khứ. Còn khi bạn chọn góc nhìn tích cực, nhìn từ góc mình được nhận lãnh, được may mắn hơn rất nhiều người thì, lòng biết ơn sẽ giúp bạn luôn sở hữu năng lượng tích cực, lạc quan, hưng phấn để làm được nhiều việc lớn lao và giá trị hơn, thu hút được nhiều sự đồng hành và ủng hộ hơn. Có ai trên đời này bị hấp dẫn bởi người tiêu cực đâu đúng không? Cho nên bạn càng học cách biết ơn, năng lượng toả ra càng tích cực thì bạn càng có nhiều cơ hội thành công và phát triển. Vậy, không đúng đường thì là gì?

Sau tất cả, tự mỗi người cũng có thể tự làm bài kiểm tra xem mình có đang đi đúng hướng hay không bằng vài câu hỏi giản đơn. Nên kiểm tra sức khoẻ hành trình định kỳ khi tự thấy mình có phần loay hoay hay chậm lại. Còn nếu chưa bao giờ tự hỏi mình có đang đi đúng hướng, có khi đây là cơ hội tốt để khởi đầu. Nhớ là, quan trọng không phải là cứ nhanh. Dục tốc có khi bất đạt. Cứ phải canh cho đúng hướng cái đã, rồi sau đó tha hồ mà tăng tốc.

6.378 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page