Trong khoá EI @ work - Trí tuệ cảm xúc cho người đi làm, chúng ta có chia sẻ với nhau về 10% phần nổi của tảng băng là những thứ ta nhìn thấy qua cách người khác giao tiếp hay phản ứng, trong đó có ngôn từ, giọng điệu, ngôn ngữ hình thể, cử chỉ… Và tất cả chúng ta đều biết tất cả mọi nghiên cứu về giao tiếp đều đưa về con số đâu đó từ 80%-90% biểu hiện của giao tiếp là qua non-verbal communication - giao tiếp vô ngôn, không hề sử dụng ngôn ngữ hay lời nói mà chỉ là những biểu hiện bằng ngôn ngữ hình thể, cử chỉ, nét mặt, tư thế, vv.
Nếu thế thì sao chúng ta lại cứ bám vào ngôn từ, lời nói để phán xét người khác, khi đó chỉ là 10% của những gì người ta muốn thể hiện? Và làm sao ta hiểu đúng thông điệp một ai đó gởi đi khi ta chỉ bám vào 10% trong cách họ giao tiếp qua ngôn từ? Vì vậy, người có EI, người giỏi giao tiếp là người không bao giờ dừng lại ở những gì người khác nói mà là người có đầu óc quan sát tốt, rất nhạy và thường “bắt gặp” những giao tiếp vô ngôn một cách cố tình để hiểu đúng về và hiểu cả những điều người ta không nói.
Cho nên, khi giao tiếp với bất kỳ ai, ngoài chuyện lắng nghe những gì họ nói, ta cực kỳ cần quan sát và lắng nghe những điều không nói dựa vào 3 chữ C như sau:
Chữ C thứ nhất - Context - Ngữ cảnh
Con người luôn giao tiếp và thay đổi cách giao tiếp theo ngữ cảnh. Bạn bè nói chuyện với nhau thì khác. Người yêu, bạn đời nói chuyện thì khác, nhân viên với sếp thì khác, vv. Do đó khi quan sát cách giao tiếp của người khác, ta sẽ bắt gặp những sự thể hiện khác nhau theo ngữ cảnh, và vì vậy nếu sự thể hiện vô ngôn đi ngược lại ngữ cảnh, vậy nghĩa là có gì đó gập ghềnh trong cuộc giao tiếp này. Ví dụ nhân viên nói chuyện với sếp nhưng cử chỉ và nét mặt thì thể hiện là người tình thì biết ngay là họ có “vấn đề”. Trong ngữ cảnh, lưu ý sẽ thấy thể hiện tương ứng theo
Environment - môi trường
Quan hệ
Vai trò các bên
Chữ C thứ 2 - Clusters - Chuỗi các thể hiện vô ngôn
Nhiều khi một hành vi nào đó đơn lẻ chưa chắc đã nói lên hết ý nghĩa của thông điệp. Ví dụ như khoanh tay khi ngồi nghe là cử chỉ hay bị dán nhãn là “đóng”, không mở lòng đón nhận hay tiếp thu ý kiến người khác. Nhưng khoanh tay, răng hay vai rung lên, mặt tái mét thì có khi là do phòng họp lạnh quá chịu không nói chứ không có ý gì khác. Trong trường hợp này chỉ cần quay qua hỏi, “hơi lạnh phải không” và nếu người ta xác nhận thì tăng nhiệt độ phòng chứ không cần hiểu lầm gì hết. Vì vậy, khi quan sát ngôn ngữ vô ngôn, rất cần nhìn chuỗi các hành vi, cử chỉ xem chúng có ăn khớp vào nhau để nói lên một thông điệp gì khác hay không.
Chữ C thứ 3 - Congruence - Sự tương đồng giữa ngôn từ, giọng điệu, và ngôn ngữ hình thể
“Nói một đằng mà ý một nẻo” là chuyện hết sức bình thường trong giao tiếp của con người. Có khi, nói chỉ để làm hài lòng ai đó, để hùa theo đám đông, nói vì bị nói chứ không tin vào điều mình đang nói, khen cho có chứ ghét muốn chết, kiểu vậy là rất nhiều. Trong những trường hợp này thì thường là ngoài các kiểu “sư phụ” về đánh lừa, hầu hết con người sẽ có những biểu hiện không “match - tương đồng” nhau khi giao tiếp, ví dụ nói câu khen ngợi nhưng hơi nhếch mép cười mỉa, giọng điệu hơi coi thường, không thèm nhìn vào mắt người đối diện chẳng hạn. Vậy thì mọi thứ trong sự thể hiện không “match” nhau. Vậy nghĩa là có “vấn đề”.
Cho nên, thật tình mà nói thì chuyện người ta nói nhiều khi không nói lên được điều gì, khi nó chỉ đóng góp 10-20% những gì cần thể hiện. 80%-90% còn lại mình phải học cách quan sát, nhìn hình đoán ý, và ghép tất cả vào một bức tranh mới có thể hiểu hết ý của người khác là gì. Con người phức tạp quá phải không, nói vậy không phải vậy, nhìn vậy không phải vậy, tự người nghe phải chơi “ghép ý” từ nhiều nguồn khác nhau mới có được thông điệp trọn vẹn. Cho nên, cứ phải hết sức bình tĩnh, lắng nghe, quan sát, hiểu cho đúng, cho đủ rồi hãy phản ứng. Đừng có hấp tấp, vội vàng, lao xao trong giao tiếp nếu bạn không muốn trở thành kẻ phản ứng vô minh trên những điều chưa hiểu.
Bạn có thể nghe lại phần chia sẻ này ở đây:
Comments