top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

MÌNH LÀM ĐƯỢC GÌ CÓ ÍCH THÌ LÀM



Trích đăng lại bài phỏng vấn với Thế Giới Tiếp Thị

Nguyễn Phi Vân, chuyên gia quốc tế về nhượng quyền nói về hành trình 20 năm vòng quanh thế giới làm ăn và tư vấn cho các tập đoàn đa quốc gia cũng như chính phủ các nước giản dị: mình làm được gì có ích thì làm.


TGTT: Xin chúc mừng tập sách mới “Nhượng quyền khởi nghiệp – Con đường ngắn để bước ra thế giới” – và chuỗi trò chuyện về nhượng quyền khởi nghiệp của chị. Nghe nói, bản thảo này đầu tiên được viết bằng tiếng Anh khi chị đang làm cố vấn cho chính phủ Malaysia… Vì sao cuối cùng lại chuyển thành tiếng Việt vậy ạ? - PV: Trong thời gian đi diễn thuyết về đề tài xuất khẩu thương hiệu qua hình thức nhượng quyền tại nhiều nước châu Á, tôi thường bị hỏi có viết sách không để doanh nghiệp tìm đọc. Tôi bèn viết một bản thảo bằng tiếng Anh. Làm việc nhiều ở nước ngoài nhưng đối với tôi Việt nam vẫn là chốn trở về. Trong một số lần trò chuyện với bạn bè tại Việt nam về bản thảo của mình, ại bị hỏi tại sao một đề tài hay ho như vậy mà lại không viết cho người Việt. Câu hỏi khó và tôi thật sự không tìm được ngay câu trả lời. Xét về lý thì nhu cầu đọc một quyển sách như tôi vừa viết cũng như động cơ viết sách đều xuất phát từ nhu cầu thật sự của các doanh nghiệp nước ngoài mà tôi đã nhiều lần tương tác. Do đó, nếu xuất bản sách bằng tiếng Anh và tại châu Á thì có lẽ sách sẽ được đón nhận một cách dễ dàng hơn. Tại Việt nam, ngành nhượng quyền còn quá mới và các doanh nghiệp nội địa thật sự là chưa sẵn sàng để sử dụng mô hình này trong vấn đề phát triển kinh doanh. Nếu xuất bản sách tại Việt nam trong thời điểm này, nhất là với tư duy sử dụng mô hình nhượng quyền để xuất khẩu thương hiệu ra thế giới e là cũng còn hơi sớm. Tuy nhiên, nếu xét về tình, sao tôi một người Việt nam lại không viết cho người Việt đọc? Tại vì…… Tôi tìm mãi không ra một lời bào chữa nào cho một câu hỏi xuất phát từ lòng yêu thương quê hương và dân tộc của mình. Tôi làm việc đó chỉ để trải lòng mình ra cho người Việt mà thôi.


TTGT: Làm nghề tư vấn, ai cũng phải có “đồ nghề”, là những quy trình, công cụ, danh mục công việc, bảng kiểm tra… Hà cớ gì chị cung cấp toàn bộ những “công cụ hành nghề” này trong tập sách? - PV: Khi viết sách để xây dựng tên tuổi, để PR, và để kinh doanh, người ta viết thật hay nhưng đọc xong không ai biết áp dụng thế nào. Nhiều người còn chẳng động bút viết gì, bỏ tiền thuê người khác viết nhưng lấy tên tác giả là mình để làm PR cũng không phải là chuyện lạ. Bản thảo tiếng Anh tôi dự định sẽ viết nhiều nhất là 300 trang sách, vừa đủ để các doanh nghiệp châu Á hiểu về tầm nhìn và chiến lược quốc tế hoá khi quyết định sử dụng mô hình nhượng quyền. Khi chuyển bản thảo sang tiếng Việt, nhìn hiện trạng khó khăn chồng chất của doanh nghiệp Việt hôm nay, tôi biết chắc chắn nếu viết theo sườn bài cũ thì có đọc cũng không giúp gì cho họ. Nếu đã trải lòng ra mà viết, và một khi đã quyết định sẽ viết chẳng vì một lợi ích cá nhân nào, sao tôi lại chẳng cho đi và không mong đợi điều gì ngược lại? Đó là giá trị sống của cá nhân tôi và quyển sách là một món quà mà tôi dành tặng cho tất cả những đồng hương người Việt.


THTT: Đi làm thuê cho xứ người, nhớ các doanh nghiệp nhỏ của mình, chị khóc. Ngồi nhìn cây cầu mới xây, nghĩ chuyện đồng bào mình phải bán xe bánh mì để đi làm thuê cho nước ngoài, chị cũng khóc… Phi Vân có phải là người mau nước mắt quá không? - PV: Phi Vân là một người mà từ xưa đến nay gia đình và bạn bè rất hay lo lắng vì vốn không biết khóc. Người ta nói vũ khí của một người phụ nữ là giọt nước mắt nhưng sinh ra và lớn lên tại Việt nam trong thời kỳ kinh tế khó khăn, có lẽ mình đã được tôi rèn trở thành người cười vào khó khăn và chỉ biết lao về phía trước. Sau này được đi làm việc nhiều ngoài thế giới, tôi cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều người. Rồi tôi thấy doanh nghiệp nước ngoài được tiếp cận kiến thức, mô hình và được hỗ trợ quá nhiều để nâng tầm và phát triển, nghĩ đến người dân mình còn mãi mình loay hoay mà rớt nước mắt đó thôi. Nước mắt chảy mà bản thân cũng kinh ngạc vì mình vốn chẳng phải là người biết khóc.


TGTT: Sau nước mắt, là nụ cười. Có vẻ chị hay cười to và quá thoải mái chốn công cộng. Đây đâu phải là hình mẫu của một phụ nữ quý phái? - PV: Đối với tôi, chỉ có cái thật và cái không thật. Một con người đáng quý trọng và có giá trị khi họ sống thật với giá trị cốt lõi của bản thân mình, sống thuận theo tự nhiên, và nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Trong một buổi thảo luận về đề tài chìa khoá dẫn vào tương lai với khoảng 1000 lãnh đạo các tổ chức và doanh nghiệp lớn trên thế giới tại Macau cuối năm 2013, chúng tôi đã nói thế này, tương lai nằm gọn trong 3 chữ: Authenticity (hãy là chính bản thân mình, đừng giả tạo), Generosity (hãy mở lòng ra với mọi người, hãy nuôi dưỡng lòng bao dung), và cuối cùng là Arts (hãy thể hiện tất cả những gì mình muốn một cách rất nghệ thuật). Chìa khoá tương lai cho cá nhân, cho doanh nghiệp, hay cho tổ chức cũng chỉ là 3 chữ thật giản đơn. Ai muốn quý phái mà lạc hậu và hết thời thì cứ làm. Còn tôi chọn cách đi vào tương lai một cách ung dung, tự tại.


TGTT: Nghe nói chị đang học thư họa? - PV: Muốn làm chủ một doanh nghiệp thì trước hết phải làm chủ được bản thân. Muốn làm chủ được bản thân thì phải quản lý được quỹ thời gian của chính mình. Ai đang làm chủ mà phải làm quần quật suốt ngày thì người đó thật ra là đang làm công cho chính doanh nghiệp của mình chứ đâu phải là làm chủ. Cuộc sống này ngoài tiền ra còn rất nhiều những điều hay ho mà ta cần lĩnh hội. Chính những đam mê, sở thích của cá nhân mang lại sự thăng hoa về cảm xúc, và trở thành nguồn năng lượng vô tận giúp ta cân bằng, minh mẫn, và mở mang khả năng sáng tạo của mình.


TGTT: Phi Vân – cái tên mà theo nghĩa đen là mây đang bay. Chị có thấy mình là người… sống trên mây không ạ? - PV: Sống trên không thì có nhưng sống trên mây thì không. Có những khoảng thời gian tôi sống trên máy bay và sân bay nhiều hơn là sinh hoạt ở nhà do nhu cầu phải triển khai dự án liên tục tại nhiều châu lục, từ châu Á đến Trung đông, châu Phi và Đông Âu. Dù suốt ngày bay đi bay lại ở trên không nhưng tôi lại là người cực kỳ… ở dưới đất. Tiếng Anh người ta gọi tôi là down-to-earth (nghĩa đen là sống dưới đất, nghĩa bóng là người hết sức thiệt tình). Đi nhiều rồi, nhìn thấy nhiều rồi, và cũng tương tác với không biết bao nhiêu loại người rồi, tôi rút ra một bí quyết hết sức quý báu nhưng cũng vô cùng nhà quê, đó là cứ thiệt tình mà sống. Để đi khắp nơi và làm được việc tại hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới, tôi được người ta thương mà giúp đỡ cũng chỉ nhờ cái bí kíp nhà quê này. Nghe ra có vẻ rất đáng nghi ngờ nhưng bạn nghĩ thử đi, sự thật đâu có bao giờ nhuốm đầy hào quang hay được tô son trét phấn như khi phải diễn tuồng? Có điều thiệt tình thì dễ bị kẻ gian nó lợi dụng. Tôi quan niệm thế này, nếu anh lợi dụng được tôi chẳng qua vì tôi muốn để cho anh lợi dụng, chứ không phải vì tôi chẳng nhìn ra. Nếu lợi dụng tôi mà có ích gì cho người dân hay cộng đồng thì tôi cũng du di cho anh lợi dụng.


TGTT: Chị có bao giờ oán trách cuộc sống và chán nản với xứ sở này không? Vì sao? - PV: Ngày xưa còn trẻ và thiếu hiểu biết tôi thấy cuộc đời này không công bằng. Tại sao mẹ tôi phải vất vả lo từng manh áo miếng ăn? Tại sao 6 tuổi tôi phải tự học nấu cơm mà không phải là chơi banh đũa? Tại sao, tại sao, và tại sao…. Rồi chán nản và chỉ muốn bỏ đi không bao giờ trở lại. Rồi chối bỏ chính nguồn gốc của mình và chẳng bao giờ muốn nhận mình là người Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài. Sau này đi nhiều, học nhiều, nhất là học cách biết yêu thương và nuôi dưỡng lòng bao dung, tôi hiểu rằng mỗi đất nước, mỗi con người đều có những vận mệnh của riêng mình. Nếu có thể trải lòng mình ra để biết cám ơn thay vì oán trách, làm thay vì nói, đóng góp thay vì chê cười, truyền lửa thay vì chán nản, tất cả chắc chắn rồi sẽ tốt dần lên.


TGTT: Điều mà chị muốn dạy con gái mình nhất để vững vàng sau này là gì? - PV: Tôi luôn nhắc nhở con gái mình một điều và cũng là điều mà tôi hay nhai đi nhai lại với những bạn trẻ mà tôi có dịp tương tác: hãy giữ cho tâm mình luôn trong sáng. Đó là ngọn hải đăng chỉ đường cho mỗi người trong suốt cuộc đời này. Và đừng bao giờ cố gắng đổ thừa, biện hộ hay thoả hiệp vì hoàn cảnh. Hoàn cảnh chẳng qua chỉ là những thử thách được tạo ra để thử xem mình có giữ tâm trong sáng được hay không.


TGTT:!Chị mong muốn gì khi viết cuốn sách này? - PV: Tôi gởi vào quyển sách này 3 tâm nguyện: Mong thay đổi nếp suy nghĩ ngắn hạn của người Việt thành nếp suy nghĩ dài hạn, thành tầm nhìn xây dựng những giá trị trường tồn. Khi con người mất đi rồi, cái còn lại chỉ là những giá trị di sản cho thế hệ tiếp nối. Mong giá trị sống của mỗi người Việt nam chở theo một chút lợi ích cộng đồng và xã hội. Sự trải lòng chia sẻ ruột gan của tôi với các bạn bắt đầu từ mong muốn đó.Mong cho doanh nghiệp Việt nam thẳng thắn nhận thức hiện trạng, tập trung xây dựng nội lực để có thể nắm bắt những thời cơ lớn vươn ra khu vực và quốc tế.

122 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page