top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

MÌNH SINH RA ĐỂ LÀM GÌ?



Có lẽ đây là câu hỏi mà ai trong đời cũng một hay đôi lần loay hoay tự hỏi bản thân mình, nhất là tại những ngả rẽ mang tính cột mốc hay những thời đoạn mất phương hướng, lạc trôi, hoang mang về mục đích, giá trị, ý nghĩa cuộc sống của bản thân. Câu hỏi này đến với những người khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Có người từ rất sớm, từ những năm tuổi mười tám đôi mươi. Rất nhiều người lại rơi đúng mid-life crisis - khủng hoảng tuổi trung niên khi đã đi được một đoạn đời. Cũng có người làm cả đời, đến những năm U50 mới quay đầu tự hỏi mình, what have I done? Mình đã làm gì ngần ấy năm qua, và cuối cùng nó mang lại cho mình giá trị gì trong cuộc sống. Cũng có người, đến cuối đời mới ngẩn ngơ tiếc nuối, vì đã chưa từng sống là mình, chưa từng sống vì những giá trị thật sự mà bản thân mong muốn, dù là đã quá muộn để nhận ra….


Dù là gì, khủng hoảng về purpose - ý nghĩa, mục đích cuộc sống luôn là khủng hoảng lớn nhất trong cuộc đời của mỗi người. Ai rồi cũng phải trải qua khủng hoảng này. Ai rồi cũng phải đấu tranh với bản thân để tìm ra câu trả lời. Ai rồi cũng có lúc dừng lại giữa đời, hoảng hốt vì câu hỏi đơn giản nhưng cực kỳ phức tạp - Mình sinh ra để làm gì? Vì ai sinh ra rồi cũng cứ thế đúng qui trình mà lớn lên, đúng qui trình được đặt ra bởi xã hội mà học hành, làm việc, lập gia đình, và vận hành theo tiêu chuẩn vận hành được thế giới bên ngoài qui định. Ai lệch ra khỏi những tiêu chuẩn đó thì trở thành dị nhân, outsider - kẻ ngoại cuộc bị người đời kỳ thị.


Nhưng đúng qui trình thì thoả mãn được mục đích sống gì, giá trị gì của cá nhân? Hay ta không được xã hội này cho phép là mình, sống theo và hướng đến mục đích sống riêng của mình? Hay ta chọn sống đúng qui trình từ lúc sinh ra cho đến lúc check out khỏi trần gian? Hay, ta không biết có một thứ gọi là purpose - mục đích sống mà mỗi con người sinh ra đều có quyền theo đuổi. Bởi, nếu chỉ sinh ra để quay mòng mòng hết một đời rồi lăn ra chết, thì ta sinh ra để làm cái chi chi? Có quá vô nghĩa không khi từ khi bắt đầu đã biết kết thúc sẽ là gì, và đoạn giữa chỉ là một dây chuyền được lập trình sẵn cho robot?


Câu hỏi khó, nên có người trì chí kiếm tìm, có người lười biếng không thèm tìm, cũng có người bỏ cuộc không tìm nữa, buông xuôi mặc kệ mà trôi. Có người tìm thấy, cũng có người tìm mãi không ra. Có người mới tìm đã vỡ ra, cũng có người tìm đến lên bờ xuống ruộng mới à ha tại một điểm rơi bất ngờ nào đó. Dù sao thì, không có công thức chung nào để đi tìm câu trả lời nhức óc này cả. Nó là hành trình rất cá nhân, mỗi người mỗi khác, mỗi cuộc đời mỗi khác. Có chăng, là vài câu hỏi chung chung mà bạn có thể đặt ra cho bản thân mình, rồi tự mình đi tìm câu trả lời, rồi tự mình figure out - tìm lời giải đáp cho chính mình, vì không ai khác trên đời này, không ai khác tìm hộ cho mình hay có đủ thông tin về những nỗi niềm sâu lắng nhất của mình mà giải mã được cái thứ phức tạp nhất trong cuộc đời của mỗi con người - purpose.

Vậy thì câu hỏi có thể là gì?

Đam mê của tôi là gì?

Đây là một cách để bạn gợi mở ra những con đường mà mình mong muốn dấn thân, muốn đi đến tận cùng, muốn là đích đến. Vì cuối cùng, thứ khiến bạn bị đời đánh cho vỡ mật mà vẫn kiên trì đu bám, bất chấp đứng lên ngã xuống bao nhiêu trận vẫn kiên cường chỉ có thể là thứ bạn tin vào, sống chết với nó, yêu thương nó như sinh mệnh của mình. Chỉ sống với nó, chiến đấu với nó, vì nó thôi đã là niềm hạnh phúc vô bờ bến, là ý nghĩa cuộc đời, là lý do bạn thức dậy mỗi sáng và trái tim ca hát, vì nó khiến bạn cảm thấy complete - trọn vẹn, là mình, thoả mãn với hiện tại, hạnh phúc trong từng khoảnh khắc, dù khoảnh khắc đó là thành công hay vấp ngã, dù ngọt hay đắng, dù sướng hay đau….


Ở đó, vận hành trong đó, thời gian và không gian với bạn là vô giới hạn, và bạn rơi vào trạng thái “flow - dòng chảy”, khi bạn giỏi nhất, tâm thế cao nhất, trạng thái thoải mái nhất, khả năng sáng tạo bung xoã nhất. Thử ngồi an yên đâu đó giữa thiên nhiên, chỉ với chính mình, và viết xuống tất cả những gì bạn đã làm, muốn làm, muốn thử mà bạn nghĩ rằng sẽ có thể đưa bạn vào trạng thái như trên. Rồi thử thôi, cứ từ từ bình tĩnh. Có khi, đâu đó giữa một hành trình nào đó, bạn tìm ra thứ sẽ là đích đến, sẽ là mục đích dẫn dắt bạn trong hành trình còn lại của cuộc đời.


Giá trị không thoả hiệp của tôi là gì?

Giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân là thứ quan trọng với bạn, là kim chỉ nam dẫn dắt cuộc sống của bạn. Ví dụ, đối với tôi, một trong những giá trị không thoả hiệp là integrity - sự chính trực. Trong đời, dù có rơi vào khủng hoảng kiểu gì, dù có bị cám dỗ đến đâu, dù có bị ép cỡ nào thì tôi cũng không bao giờ cho phép bản thân đánh đổi hay chà đạp vào giá trị cốt lõi này. Một khi đã vẩy mực vào chính giá trị không thoả hiệp của bản thân, bạn không còn là bạn nữa, vì bạn không còn giá trị cốt lõi nữa mà chỉ là một cái bùi nhùi có thể thấm bất cứ loại nước dù sạch hay dơ, một cách vô minh, không có nguyên tắc, không có nền tảng. Vậy, có bao giờ bạn tự hỏi mình, giá trị không thoả hiệp của bạn là gì không? Có hay không? Hay bạn chưa bao gờ nghĩ đến nó? Hay bạn không sure những thứ mình nghĩ chính là những giá trị không thoả hiệp? Hay, chưa trải qua những cuộc test khắc nghiệt nên chưa dám chắc?


Dù là gì, thì cũng nên đặt câu hỏi, và nên nghĩ về nó luôn luôn. Nên ghi xuống, rồi đọc lại, rồi khi đụng chuyện thì phản tư lại. Và mỗi thời đoạn của cuộc đời nên review lại. Có những thứ bạn nghĩ hôm nay sẽ tự nó mất đi. Có những thứ bạn chưa nghĩ ra, nhưng theo thời gian nó xuất hiện. It’s OK. Cái gì là thật, là cốt lõi, là không thoả hiệp thì tự bản thân nó sẽ tồn tại, sẽ hiện hữu dù có trải qua bao sóng gió, thử thách, gập ghềnh. Khi hiểu về giá trị cốt lõi của bản thân mình, bạn sẽ đưa ra quyết định quan trọng trong đời dễ dàng hơn, minh bạch hơn, theo đúng mong muốn của bản thân hơn.

Thế mạnh của tôi là gì?

Thế mạnh là thứ bạn sinh ra đã tự nhiên giỏi, tự nhiên có khả năng hay còn gọi là có khiếu. Có khi bạn nhận ra nó là thế mạnh, có khi bạn không nhận ra nhưng người xung quanh nhận thấy và hay khen ngợi bạn. Thế mạnh cũng là cánh cửa có thể gợi mở cho bạn con đường đi tìm mục đích sống. Có khi bạn sinh ra để hoàn thành một sứ mệnh rất cụ thể nào đó, ví dụ như là để nuôi dưỡng kỹ năng cho các em nhỏ chẳng hạn, và bạn có thế mạnh tự nhiên là khả năng làm việc, tương tác, gần gũi với các bạn nhỏ. Thế là, bạn dấn thân vào đó, tìm thấy ý nghĩa của việc mình làm, lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình, làm đích đến cho hành trình nhân gian của mình. Voilà? Bạn sinh ra để làm chuyện đó, và bạn tận tâm tận lực, dành cả cuộc đời mình vì điều đó, làm cho nó ngày càng tốt, ngày càng hay ho, ngày càng hiệu quả, ngày càng có ý nghĩa, ngày càng chạm vào nhiều bạn nhỏ hơn….


Cho nên, bắt đầu từ việc tìm hiểu thế mạnh của bản thân cũng có thể là cánh cửa để tìm ra câu trả lời mình sinh ra để làm gì. Tự hỏi mình và tự bản thân tìm ra câu trả lời là quan trọng. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, bạn cũng nên hỏi người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người gần gũi và quan sát bạn mỗi ngày, feedback của họ có khi sẽ giúp bạn có nhiều góc nhìn khách quan hơn về bản thân.

Làm sao để tôi nhận ra đó có phải là thứ tôi muốn theo đuổi?

Có người có quá trời thứ muốn. Có người chỉ muốn vài thứ. Có người không biết muốn gì. Nhưng dù ở trong trạng thái nào thì thứ bạn nghĩ không bao giờ là câu trả lời cho những gì bạn thật sự mong muốn. Con người, chỉ có thể qua trải nghiệm thực tế mới vỡ ra mình có thật sự sống chết với thứ gì đó hay không. Mình nghĩ vậy, mình mơ màng, tưởng tượng vậy, nhưng thực tế chưa bao giờ là một nửa của giấc mơ. Thực tế nó khắc nghiệt lắm, nó không có xếp hàng ngay ngắn theo mong muốn của ai. Cho nên, giữa thứ ta nghĩ và thứ thật sự diễn ra, có khi một trời một vực. Bạn có thể viết xuống thứ bạn muốn, ưu tiên nó hàng đầu, nhưng đến lúc dấn thân trải nghiệm thì hoảng hốt nhận ra, ôi đó không phải như tôi tưởng. Đừng có tưởng nữa! Thử đi rồi biết. Chưa thử thì còn bay bổng lãng mạn. Thử rồi mới biết nó có phải là thứ khiến bạn bay tiếp hay rơi đùng xuống vực.


Cho nên, làm sao để nhận ra? Chỉ có cách là thử nghiệm và trải nghiệm mà thôi. Cứ từ từ bình tĩnh thử hết, trải nghiệm hết thì sẽ có lúc tìm ra đồ thiệt thôi mà.


Có ai có thể giúp tôi không?

Người đầu tiên bạn nên dựa vào là chính bản thân mình, không ai khác. Và bạn nên rất rõ ràng với bản thân rằng, chỉ có bạn mới là người chịu trách nhiệm cho cuộc đời và mục đích sống của mình, không ai khác. Tuy nhiên, bạn có thể tìm sự trợ giúp của mentor, cố vấn, những người dẫn dắt có kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn khi bạn còn quá loay hoay. Nói vậy không có nghĩa là bạn dựa dẫm và đẩy trách nhiệm cho họ. Họ chỉ có thể là người đặt câu hỏi đúng, đặt câu hỏi định hướng và dẫn dắt để bạn tự mình đi tìm câu trả lời. Vậy thôi. Họ ở đó để nhắc nhở, thúc giục, cổ vũ bạn tiếp tục, không bỏ cuộc, dấn thân, thử nghiệm một cách bớt sợ hãi. Vậy thôi. Có thì tốt, không có thì tự mình chủ động lo chuyện của mình. Đời này không ai rảnh đi theo giúp bạn hoài đâu, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng nhất, loay hoay nhất.


Vài câu hỏi như vậy chắc cũng đủ để ai đó bắt đầu. Hành trình đi tìm giá trị sống, đi tìm mục đích cuộc đời mình là một hành trình dài, gập ghềnh, bất định. Nếu dấn thân thì kiên trì mà đi cho đến. Còn nếu không quan tâm thì bơ đi mà sống đúng qui trình cũng chẳng sao. Quyết định và lựa chọn là của mỗi cá nhân. Chỉ là đừng cứ mãi đứng đó ở vòng xoay cuộc đời, loay hoay, lơ mơ, quay cuồng trong những câu hỏi mà không dám chọn bất kỳ ngả rẽ nào để thử. Làm vậy, thì cuộc đời nó cứ trôi qua, và có khi sẽ bỏ quên mình lúc nào không biết.


6.334 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page