top of page

Mấy năm qua cuộc sống thế nào?



Sáu năm rồi không quay lại Shanghai, thật ra quay lại cũng có phần bỡ ngỡ. Dù 10 năm trước đã từng ngang dọc ở thành phố và đất nước này liên tục ba năm với vai trò tổng giám đốc thị trường Trung quốc của tập đoàn bên Úc. Sau ba năm tại vị, cuối cùng cũng tạm khép lại hành trình làm thuê cho tập đoàn và bắt đầu hành trình kinh doanh và đầu tư của riêng mình.


5 năm sau đó, cũng đã có dịp quay lại Shanghai nhưng trong một thời gian khá ngắn để tham dự một triển lãm về cung ứng chuyên dụng cho ngành F&B. Lần này quay lại, với một vai trò rất khác là dẫn dắt ba thương hiệu Việt Nam tìm đối tác nhượng quyền tại thị trường Trung Quốc, cả chuyến đi đặt nặng vai trò đồng hành và thực chiến cùng team. Do đó, cũng không còn quá nhiều thời gian để lang thang tìm lại những ngóc ngách thưở xưa hay gặp lại bạn bè năm cũ. Có điều, bận gì bận, hễ qua Thượng Hải đều không thể không gặp Andy. Sau hơn 10 năm, có lẽ anh đã trở thành bạn thân nhất của tôi tại Trung Quốc từ lúc nào không biết. 


Tính của tôi trước nay không phân biệt ai giàu nghèo ra sao, chức vị thế nào, có xài sạc được quan hệ trong thời gian quen biết hay không. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, giữa biển người mênh mông, gặp nhau đã là hữu duyên. Do đó, nếu có duyên làm bạn thì cứ giữ gìn quan hệ đó thật trong trẻo chẳng vì điều gì cả. Cũng có lẽ vì vậy mà chúng tôi trở thành bạn tốt từ hồi nào không hay. Có chuyện gì thì nhắn tin. Lâu lâu gặp nhau thì ngồi cả đêm cập nhật chuyện đời. Và tối hôm nay cũng không là ngoại lệ.


Vì muốn ở ngay cạnh trung tâm triển lãm cho tiện, tôi book khách sạn bên Pudong. Check in xong cái là nhắn liền, “Qua tới Thượng Hải rồi mà bận 3 ngày triển lãm. Tối thứ 2 ăn cơm được hôn?”. 


Nhắn cái là trả lời liền, “OK nhe. Mà trễ chút, chừng 7g hơn được hôn?”. 


“Dĩ nhiên là ok. Mấy giờ cũng được.”


“Vậy chịu khó qua khu Hồng Kiều nhe. Có nhà hàng của đứa bạn mới mở. Đồ Thượng Hải ăn cũng được lắm.”


“OK ha. Tối thứ 2 gặp.”


Vậy, rồi 3 ngày trôi qua cũng thiệt nhanh. Sáng thứ 2 lại theo chân đối tác lượn một vòng, xem mấy chuỗi F&B đang lên ở Trung quốc và đang tìm mọi cách go global. Cô đối tác nói, “Bên này mấy chuỗi nội địa đang máu lắm, bằng mọi giá muốn xuất khẩu mô hình và thương hiệu. Chị Phi tin không, họ chia em 50% phí nhượng quyền ban đầu và phí royalty (phí sử dụng thương hiệu hàng tháng) trong 3 năm luôn. Chỉ cần em giới thiệu đối tác quốc tế và giúp họ theo dõi đối tác. Kỳ thật, đi thăm mấy chuỗi thấy chuỗi nào scale cũng rất chuyên nghiệp, đóng gói sẵn sàng để nhượng quyền quốc tế. 


“7:15 tới nhe. Địa chỉ đây ha”, Andy nhắn chừng 11g trưa.


“OK. Tối gặp.”


6:45 tôi xuống sảnh, book xe qua app Didi đến chỗ hẹn. Không may, giờ này hơi kẹt xe. Tối qua tính chỉ nửa tiếng tới. Giờ coi bộ phải 50p. Tôi bèn share định vị qua wechat cho Andy. 


“Không sao. Cứ từ từ nha.”


Đúng 7:15, “Muốn ăn gì tối nay nè?”


“Andy chọn đi. Ăn gì cũng được.”


“OK. Vậy để order trước mấy món tui nghĩ là ngon nhe.”


Thật ra, lần nào ăn cơm ở Thượng Hải cũng là bạn chọn món. Và lần nào cũng ngon xuất sắc. Cho nên, tôi cũng không thèm quan tâm. Có người local lo rồi. Sợ gì không được ăn ngon.


7:35 xe dừng ngay trước cổng nhà hàng. Andy đã đứng đó, vẫy tay từ khi xe mới dừng. Coi định vị biết rõ nên ra ngoài đường đón. 


“Andy!!!”


Và hai đứa ôm nhau mừng lắm, vì đã quá lâu rồi không gặp.


“这些年,你过得好吗? - Mấy năm nay cuộc sống ok hông?” Cứ thế, câu chuyện bắt đầu và trôi mãi vào đêm.


“Kinh tế dạo này xuống lắm. Ba việc kinh doanh cũ, từ khách sạn đến viện dưỡng lão, cả chuỗi F&B nữa tui bán gần hết rồi. Thu tiền về cho đỡ rủi ro. Giờ chỉ còn kẹt một hai vụ đầu tư vào nhà máy sản xuất là chưa rút ra được.”


“Ủa rút hết rồi giờ làm gì?”


“Cũng còn vài công ty hoạt động ok. Để chờ xem kinh tế ra sao rồi mới dám đầu tư tiếp. Thượng Hải dù trước đây là thành phố top đầu về kinh tế, giờ chắc phải rớt xuống hạng 4, 5 gì đó sau Covid.”


Trong mấy ngày ở Quảng Châu & Thượng Hải, gặp ai cũng nói kinh tế xuống, làm ăn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, và giới có tiền của Thượng Hải liên tục di dân sang Thái Lan và các quốc gia khác nên kinh tế Thượng Hải còn rớt đài hơn mức trung bình tại thị trường tỷ dân này. Nhưng kinh tế sa sút thì ngành nhượng quyền lại lên, vì ai cũng đổ đi tìm cơ hội ít rủi ro hơn. Triển lãm nhượng quyền Thượng Hải 3 ngày vì vậy vẫn đông nghẹt khách dù thu tiền vé tham quan chứ không miễn phí. 


Chuyện cũ chuyện mới, từ chuyện làm ăn cho tới chuyện gia đình. Nói không kịp nghỉ. Lâu lâu Andy lại múc gì đó bỏ vào chén, “Phi ăn đi. Này ngon nè.” Nhưng buổi tối kết thúc khi nhà hàng đóng cửa mà đồ ăn thì cứ la liệt trên bàn. Lần nào cũng thế. Lâu lâu gặp thì order đủ thứ chiêu đãi khách phương xa.  Nhưng gặp nhau thì chuyện nhiều bao tử lép.


“Mai tui chở 2 đứa con về quê nghỉ hè, thăm ông bà 5 ngày. Phi về Việt Nam cẩn thận nhe.”


Đời là thế. Gặp rồi lại xa. Đêm Hồng Kiều hầm hập nóng nhưng cái nắm tay bồi hồi sao có đôi phần se lạnh. 


“Phi về tới khách sạn rồi. Lâu ngày gặp lại vui quá. Thấy Andy cuộc sống ok, tự do tui rất mừng.”


“Lần sau qua lại hẹn ăn cơm nhe. Mà Phi phải ở thêm vài ngày tụi mình đi chơi đâu đó.”


Cuộc sống đôi khi chỉ giản đơn là như thế. Gặp nhau, kết giao và trở thành bè bạn cả đời. Làm ăn thế nào chẳng có xuống có lên. Làm người thì sông có khúc, người có lúc. Nhưng mỗi nơi ta hữu duyên bước qua và dừng lại, liệu 5-10 năm sau rồi có ai còn nhắc đến tên ta?


Mấy năm nay cuộc sống thế nào? Bạn hỏi được câu này bằng bao nhiêu thứ tiếng?


Nguyễn Phi Vân

Thượng Hải, 6/8/2024

651 lượt xem1 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

1 Comment


Em đọc đoạn cuối mà nước mắt lưng tròng, một tình bạn thật đẹp. Cảm ơn Cô

Edited
Like
bottom of page