top of page

NGÀN LẺ MỘT BRAND



“1.000 thương hiệu - 10.000 nhân tài” 


Đây là thông điệp rất thống nhất mà tôi nghe được trong tất cả các bài phát biểu của các cơ quan chính phủ khác nhau và hiệp hội nhượng quyền Đài Loan tại buổi khai mạc triển lãm và hội nghị nhượng quyền quốc tế đài Bắc  09/2024. Tầm nhìn của chính phủ đối với ngành nhượng quyền Đài Loan là xây dựng được 1.000 thương hiệu nhượng quyền Đài Loan có khả năng xuất khẩu mô hình và thương hiệu ra thị trường thế giới. Và để làm được điều này, họ mong muốn phát triền 10.000 nhân tài cho ngành nhượng quyền tại quốc đảo này. 


Anh bạn người Malaysia ngồi kế bên tại buổi lễ khai mạc ghé tai nói nhỏ với tôi, “Ủa, tưởng Mallaysia khai mạc triển lãm và hội nghị nhượng quyền là đông chính khách nhất thế giới rồi, vậy mà bây giờ phải nhường lại ngôi quán quân cho Đài Loan.” Quả thật, hai hàng ghế khách mời VIP hơn 30 chỗ ngồi thì 80% là khách chính phủ. Còn lại là chủ tịch các hiệp hội nhượng quyền từ Thái Lan, Singapore, Malaysia, Úc và Việt Nam  tham dự theo lời mời của Hiệp hội nhượng quyền Đài Loan. Ngoài bài phát biểu của Chủ tịch hiệp hội nhượng quyền Đài Loan thì có đến bốn bài phát biểu khá dài từ Thư ký văn phòng Thủ tướng, Bộ kinh tế, Bộ nông nghiệp, Phòng xúc tiến thương mại Bộ kinh tế. Tất cả đều chia sẻ sự ủng hộ về mặt chính sách và tài chính cho việc xúc tiến và xuất khẩu thương hiệu và mô hình nhượng quyền Đài Loan ra thế giới.


Đài Loan là một quốc gia rất nhỏ, không đến 1/5 dân số của thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, GDP đầu người của Đài Loan gấp tám lần Việt Nam. Triển lãm nhượng quyền lần này là lần thứ 28. Điều đó có nghĩa là Đài Loan vượt xa Việt Nam về sự phát triển của ngành nhượng quyền và cấp phép. Tại buổi chiêu đãi sau lễ khai mạc, tôi quay sang hỏi anh bạn là phó chủ tịch hiệp hội nhượng quyền Đài Loan lý do vì sao có nhiều chính khách và nhiều bài phát biểu từ chính phủ đến như vậy tại lễ khai mạc. Anh quay sang cười và nói, “Đơn giản thôi. Ở đâu có tiền và mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế thì đương nhiên ở đó sẽ có chính phủ.” Việc Đài Loan có nhiều thương hiệu F&B, đặc biệt là trà sữa phát triển mạnh qua hình thức nhượng quyền tại nhiều quốc gia trên thế giới đã mở đường cho chiến lược siêu xuất khẩu bằng mô hình và thương hiệu. Nhượng quyền vì vậy mà đã trở thành một trong những chính sách phát triển kinh tế quan trọng của quốc đảo này. Anh cũng hỏi lại tôi, “Chính phủ Việt Nam có hỗ trợ cho việc phát triển của ngành nhượng quyền hay không?” 


Mỗi lần nghe câu hỏi này là tim lại nhói đau vì ngành nhượng quyền hầu như không nhận được bất kỳ sự chú ý nào từ chính phủ Việt Nam. Nhưng tôi chắc chắn rằng mức độ chú ý rồi sẽ thay đổi rất nhanh. Như anh bạn Đài Loan đã trả lời một phát trúng tâm, ở đâu có tiền và mang lại lợi ích kinh tế thì sẽ có sự xuất hiện cần thiết của chính phủ. Không chú ý sao được khi đây là ngành siêu xuất khẩu đã và đang đóng góp từ 5-10% GDP cho nhiều quốc gia trên thế giới. Khi thành lập công ty và quỹ đầu tư nhượng quyền Go Global cùng với VFLN - Mạng lưới nhượng quyền và cấp phép Việt Nam, giấc mơ của tôi là xây dựng ngành siêu xuất khẩu này ngày càng lớn mạnh hơn để có thể xuất khẩu các mô hình và thương hiệu Việt Nam ra thế giới. 


Hôm nay, khi ngồi đây lắng nghe những bài phát biểu của chính phủ Đài Loan tại triển lãm nhượng quyền quốc tế Đài Loan, cũng như bất kỳ sự kiện khai mạc triển lãm và hội nghị nhượng quyền nào khác trên thế giới, tôi cũng nhìn thấy phía trước của mình là một giấc mơ Việt Nam tương tự hay còn hơn thế nữa. Nếu một quốc gia chỉ có dân số chưa tới 1/5 thị trường Việt Nam mà có thể xây dựng được 1.000 thương hiệu nhượng quyền quốc tế thì Việt Nam phải nhân lên gấp năm hay gấp 10 như vậy. Can we do it? Liệu chúng ta có làm được điều phi thường này không từ xuất phát điểm rất hạn chế hiện nay? Đương nhiên câu trả lời là Definitely - Chắc chắn là được. Điều này không có gì là quá mới. Việt Nam không cần sáng tạo lại vòng quay cũ. Các thị trường phát triển ngành nhượng quyền đều đã xây dựng giấc mơ của mình và đạt được thành tích đáng kể bằng cách xuất khẩu từng thương hiệu một. Chúng ta cũng thế thôi. One step at a time. Từng bước từng bước một, bắt đầu từ giấc mơ và cam kết xây dựng sự chuyên nghiệp trong mô hình và thương hiệu nhượng quyền.


Thôi thì đây là câu chuyện ngàn lẻ một đêm của ngàn lẻ một brand. Nó có thể là chuyện thần thoại nhưng cũng có thể là chuyện thần kỳ bước ra từ một giấc mơ cổ tích rất Việt Nam.


Taipei, 20/09/2024

46 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

댓글


bottom of page