top of page

NGƯỜI GIỮ THỜI GIAN

Ảnh của tác giả: Phi Van NguyenPhi Van Nguyen


Bà năm nay độ 70 tuổi, người Bahrain nhưng thời trẻ di học bên Mỹ, sau đó về lại Bahrain kinh doanh trong ngành giáo dục, xây từ trường mẫu giáo đến đại học, kết hợp chương trình địa phương và quốc tế. Tôi may mắn được mời về nhà ăn tối với gia đình bà một tối tháng 8 trời nóng như cái lò rèn đang đỏ lửa, nhiệt độ cả ngày chạy tới chạy lui cũng đâu đó 40 tới 45 độ C.


Xe đón tôi chạy vào 1 khu compound rộng chắc cũng vài ngàn m2, có những căn biệt thự màu kem đất đúng kiểu signature - đặc biệt của vùng đất sa mạc. Các căn biệt thự dù biệt lập nhưng nằm liền kề nhau. Xe đậu trước nhà cậu con trai út là người tôi đang làm việc cùng. Bước vào phòng khách là khu sofa rộng, trải thảm Thổ Nhĩ Kỳ màu đỏ rượu, không gian bày trí nhiều đồ thuỷ tinh trên bàn, quầy kệ, đúng tinh thần văn hóa Trung đông. Tôi vừa đến thì bà cũng vừa bước vào. Bà đi bộ từ biệt thự cô con gái qua. Thì ra, 4 căn trong cùng 1 khu là của 4 người con, 3 trai 1 gái, tam đại đồng đường, cả 3 thế hệ cùng chung sống cùng nhau nhưng vẫn có không gian riêng. Bà nói, phải cố giữ lấy truyền thống, giữ gia đình gần với nhau, không thì với sự tào lao của thế giới biến động này, kết nối gia đình sẽ dần dần phai lạt, mất đi. Càng ngày, người ta càng trôi xa nhau, cho đến khi chẳng mấy khi gặp mặt. Một năm đoàn tụ vài ba lần rồi cũng có khi không còn được lần nào. Thế là xong!


Từng gia đình lần lượt xuất hiện, con trai, con dâu, con rể, cháu nội cháu ngoại đủ cả. Tất cả đều đến ôm hôn bà thắm thiết lắm. Anh em rôm rả chào nhau. Đám con nít thì tụ lại theo độ tuổi, chuyện trò giỡn hớt ì xèo. Tôi hỏi, cả nhà ngày nào cũng tụ lại ăn tối đông vui vầy sao. Bà cười mãn nguyện, nói cố gắng ngày nào cũng thế, trừ trường hợp mấy gia đình đi holiday hay có sự kiện gì này nọ mới thôi. Ở cái thời thế này, thiệt là không tưởng tượng nổi lại có một gia đình còn giữ được truyền thống ăn cơm cùng nhau mà đến cả ba thế hệ như thế. Thật là đáng nể. Nhìn cái không khí rộn ràng đầm ấm ấy, tôi cảm thấy có chút GATO. Cuối cùng rồi con người sinh ra cũng chỉ muốn có thế thôi, bình an, vui vẻ hạnh phúc bên gia đình, người thân, ăn trọn vẹn một bữa cơm, chia sẻ trọn vẹn một câu chuyện, cười trọn vẹn một khoảnh khắc gần gũi & kết nối.


Chuyện gần chuyện xa, bà kể làm kinh doanh cũng bận bịu nhiều khi mười mấy tiếng một ngày, nhưng rảnh cái là bà làm vườn, trồng hoa, trồng cây ăn trái, trồng rau, nuôi ong, tự làm mứt trái cây, tự làm hương xông phòng và xông tiễn khách. Ui trời, tôi ngạc nhiên há hốc cả mồm, thời gian đâu ra mà làm đủ thứ từ nhà ra ngõ như thế chứ. Bươn chải kinh doanh ngoài đời chẳng phải là đã đuối lắm rồi sao, ít ra với tôi là như thế. Bà cười, phải vậy cho tụi nhỏ nó gần gũi với thiên nhiên, cho bọn nó hiểu không phải thứ gì cũng mọc ra từ siêu thị. Chớ cứ cái đà này thì mấy thế hệ sau này tụi nó không còn biết thế nào là Mẹ thiên nhiên, thế nào là những kỹ năng cơ bản trồng trọt chăn nuôi của con người nữa. Lại tưởng tất cả mọc ra từ nhà máy và siêu thị thì chết dở, còn gì là sự kết nối giữa con người với tự nhiên. Mà đã không kết nối với tự nhiên thì còn gì là sự hoà hợp vốn có và cần có giữa thiên nhiên, vũ trụ với loài người.


Nói tới đó thì Bà quay qua kêu cô cháu ngoại đang học đại học qua rót cà phê Arabic mời tôi. Tập tục là thế, khách tới nhà thì phải mời cà phê Arabic rót vào một cái chung nhỏ như chung rượu bằng sứ. Khi rót phải cầm nhiều chiếc chung chồng lên nhau bên tay trái, không được chạm tay vào thành chung và rót từ chiếc bình đồng cao, vàng choé có vòi cong cong thật dài. Đó là loại cà phê rang rất nhẹ, sau khi pha ra màu vàng nhạt như trà, không giống cà phê chút nào. Tuỳ theo khẩu vị của người pha mà cà phê có thể ủ với các loại gia vị như thảo quả, gừng, nghệ tây, hay đinh hương. Người rót cà phê cho khách phải đứng trong khi khách còn uống để châm thêm, cho đến khi nào khách không uống nữa, ra hiệu bằng cách lắc cái chung cà phê thì người châm mới thôi phục vụ và ngồi xuống. Tôi cám ơn rối rít, cám ơn Bà, cám ơn cô cháu. Bà nói, đó, phải dạy cho các cháu nó biết và giữ gìn phong tục tập quán. Đây là những nét văn hoá rất đặc trưng của người Ả rập mà mình phải giữ gìn, không thì tụi nhỏ nó cứ tây hoá hết thì sau này chẳng còn ai giống ai, văn hoá phai mờ, những điều hay ho của bao nhiêu nền văn mình xưa đều biến mất thì thật là tiếc lắm.


Chuyện trò một hồi thì tới giờ cơm. Kế phòng khách là phòng ăn đã được bày biện sẵn, người lớn ngồi một bàn, các bạn nhỏ ngồi một bàn. Bà ngồi ở đầu bàn với cương vị người chủ gia đình, kế Bà là các con trai và cuối bàn là con gái và con dâu. Bà vẫy tay, Phi ngồi đây, kế bên Bà. Nguyên tắc của gia đình mà Bà dạy và yêu cầu các con cháu làm đúng là, ăn hết không được bỏ mứa, không được phí phạm thức ăn thức uống, vì chúng ta may mắn lắm mới được Alah ban cho sự đủ đầy, trong khi nhiều người trên thế giới hãy còn thiếu thốn. Do đó, phải học cách biết ơn vì sự đủ đầy đó, học cách tiết kiệm, không phung phí, và chia sẻ khi có thể. Nếu còn dư thì phải mang đi cho ngân hàng thực phẩm (food bank), cái gì còn ăn được thì để cho người nghèo, cái gì không thì cho làm thức ăn gia súc. Là khách, tôi được chăm hơi kỹ, thức ăn cứ hết người này đến người kia gắp cho, dù đã cố từ chối nhưng vô dụng. Và cứ thế tuân thủ cái nguyên tắc không bỏ mứa, tôi ăn muốn phình bụng, cố gắng hết sức để không phí phạm miếng nào.


Sau bữa cơm là canh trà, rồi cô con dâu mang một chiếc chén xông thảo mộc thơm ngát ra xông vào tóc và quần áo tôi. Bà giải thích, đây là phong tục người Ả rập. Xông vậy nghĩa là bữa tối đã xong, khách có thể chọn ra về bất cứ lúc nào mình muốn. Tôi quay qua xin cáo từ về khách sạn. Bà nói, khoan đã, rồi kêu cậu con út vào nhà lấy quả chà là nhà trồng, mấy loại mứt Bà tự làm, mấy loại hương xông Bà tự mix làm quà tặng tôi mang về Việt Nam. Với tôi, đó chính là những món quà quý giá nhất, vì chúng được chính tay người chủ nhà dày công và bỏ hết tâm sức và tình yêu thương của một người mẹ, một người bà vào làm cho con cháu. Người ta có thể mua những món quà đắt tiền nhất trên thế giới để tặng nhau vì mày mặt, nhưng tình yêu thương ấm áp nhất có khi chỉ nằm trong chiếc bột xông nhỏ xíu gói trong giấy bạc mà người mẹ, người bà này ngồi tỉ mỉ gói ghém dưới dàn dây leo trước sân nhà. Không biết rồi nhiều năm nữa, chúng ta có còn bắt gặp những hình ảnh đong đầy yêu thương như thế, hay loài người rồi sẽ bỏ qua hết tất cả những gì được cho là cũ kỹ, để tiến vào kỷ nguyên của trì tuệ nhân tạo, của những con số trên màn hình xanh xanh vô hồn và sự tiện lợi của những chiếc nút bấm on off trên chính da thịt của mình….


Trước khi ra về, Bà nói lần sau Phi qua, Inshallah - nếu Ơn trên cho phép, Bà sẽ sắp xếp cho tôi được tham gia một buổi cầu nguyện 7 ngàn người tại The Grand Mosque - Đền thờ Hồi giáo lớn nhất Bahrain và cũng là một trong những đền thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới. Tôi thật sự muốn được trải nghiệm không gian và năng lượng cầu nguyện của 7 ngàn người cùng một lúc, tại một địa điểm, trong khôn gian rất trang trọng của đền thờ. Thường thì, người không theo đạo không được phép vào đền thờ trong khi tín đồ đang cầu nguyện mà chỉ được tham quan ngoài giờ cầu nguyện. Inshallah - Nếu Ơn trên cho phép, có khi tôi sẽ được trải nghiệm điều thiêng liêng đó thì sao? Inshallah - theo niềm tin của người Ả rập, mọi sự đều do Ơn trên sắp đặt, và nếu Ơn trên cho phép thì, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Chúng ta muốn thế, chưa chắc đã được. Nhưng nếu Ơn trên cho phép thì, Người sẽ an bày.


Trên đường về khách sạn, tôi không khỏi phản tư về những điều Bà đã nói, và cảm thấy thật biết ơn vì những bài học mà người phụ nữ xuất sắc này đã nhắc nhở tôi. Đôi khi trong đời, chúng ta có thể lướt qua, hoặc trôi đi quá nhanh mà quên mất mình cũng cần chậm lại, cần giữ thời gian, cần giữ lại những điều quý giá nhất của phong tục tập quán, của văn hoá, của gắn kết gia đình và nhân loại. Nếu không, làm người là làm gì?

2.405 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

ĐÃ LÀM GÌ ĐÂU?

コメント


Bạn đã đăng ký thành công!

Nhập email để tự động nhận bài mới

©2021 by Nguyễn Phi Vân

bottom of page