top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

NHÌN BẰNG TRÁI TIM


TGHN trò chuyện với chị, về cách người ta có thể chiêm nghiệm mọi thứ bằng ý thức trên những hành trình tự khám phá bản thân.

Mới đây, ngày 6/10/2019, lần đầu tiên tại Đường sách, hàng ngàn bạn trẻ đã đến dự buổi trò chuyện với chị nhân dịp chị giới thiệu cuốn sách Tôi đi tìm tôi, tạo ra “hiện tượng” của sách năm 2019, tính đến thời điểm này.

Đọc Tôi đi tìm tôi, dường như ai cũng thấy mình trong đó. Viết sách, rốt cuộc là cách chị chia sẻ và thấu cảm cho mọi số phận? Tôi không phải là nhà văn, nên chỉ viết sách khi nhìn thấy một vấn đề xã hội nào đó, trăn trở về nó, và mong muốn chia sẻ quan điểm của bản thân, góc nhìn từ hành trình cá nhân và hành trình quan sát thế giới của chính mình. Do đó, tôi viết sách không phải để trở thành tác giả, mà mục đích chỉ giúp ai có hoàn cảnh nào đó tìm thấy sự đồng cảm, tìm thấy niềm tin, động lực để bước tiếp; tìm thấy bản đồ để tái định hướng cho hành trình tiếp theo của bản thân mình. Với tôi, viết sách là cách để tôi trình bày giải pháp cho một vấn đề cộng đồng hay xã hội, qua đó mong muốn bạn đọc tham khảo và sử dụng nó để xây dựng giải pháp cho chính bản thân mình.

Những câu chuyện chị kể, nó giống như một thứ mà tôi đã từng nghe Saint-Exupéry viết trong tác phẩm Hoàng tử bé danh tiếng của ông: “Người ta chỉ có thể nhìn thấy bằng trái tim”? Bằng mắt thường, con người chỉ thấy những điều mình muốn thấy. Thế giới bày ra trước mắt vạn sắc màu, nhưng chúng ta chỉ chọn thứ phục vụ cho nhu cầu hiện tại của ta thôi. Mọi thứ khác, dù ở đó, ta hoàn toàn bỏ qua, chọn không nhìn hoặc bị điểm mù làm cho không thấy. Bao giờ cũng vậy, một vấn đề muốn thực hiện thành công đều cần phải hợp nhất của ba yếu tố. Thứ nhất là Head – là mục đích định hướng cho việc mình muốn làm. Tại sao tôi lại muốn thực hiện điều này, vì mục đích gì trong cuộc sống hay sự nghiệp của tôi. Khi đã có mục đích rất rõ ràng, chúng ta cần kiểm tra Heart – trái tim, xem cảm xúc của ta, của những người đồng hành có đang cùng một nhịp đập về phía mục đích hay không. Nếu không, ta cần dừng lại để điều chỉnh nhịp đập này để tất cả đều cùng một nhịp. Khi đã xong bước thứ hai rồi, ta mới nói về Hands – những điều cần làm. Làm gì, chưa bao giờ là vấn đề. Làm vì mục đích gì và mọi người có cùng một trái tim, nhịp đập hay không, mới là vấn đề cần quan tâm. Khi đã có định hướng, khi đã cùng nhịp tim, làm gì cũng thắng. Đó là lý do vì sao mỗi người chúng ta nên nhìn bằng trái tim chứ không bao giờ bằng mắt. Chỉ có những nhịp đập trùng nhau của những con người cùng giá trị, cùng mục đích cuộc đời mới có thể cộng hưởng thành sức mạnh cho tổ chức, cộng đồng. Nhưng tìm người cùng mục đích, giá trị, phải bắt đầu từ việc ta hiểu chính bản thân mình, hiểu mục đích sống và giá trị cốt lõi của bản thân ta là gì trước đã. Nếu không biết tôi là ai, thì ta tìm gì và tìm ở nơi đâu?

Chị viết văn khúc chiết, câu chữ giản dị, trong sáng, nhưng cũng rất… thơ mộng. Điều gì đã hun đúc nên một tâm hồn văn chương trong con người kinh doanh đầy lý trí như vậy? Tôi luôn tin rằng, thế kỷ 21 và tương lai bất định là nơi mà con người cần phải luôn “người” nhất. Vì vậy, tôi rất chú trọng việc nuôi dưỡng cảm xúc cho cá nhân mình. Nếu không biết thấu cảm con người, không biết nhìn thấy cái đẹp của sự không hoàn hảo trong cuộc sống, nếu không biết mỉm cười, bật khóc, tan chảy với cảm xúc, thì ta chỉ là robot mà thôi. Tôi không muốn trở thành một doanh nhân robot. Tôi chỉ muốn được sống an vui, hạnh phúc, được đóng góp và để lại vài ảnh hưởng tích cực cho cuộc sống này trong cuộc dạo chơi trần thế của mình. Có lẽ, chính hành trình tìm lại chính mình, hành trình về lại làm người đã giúp tôi trình diễn được cảm xúc của mình qua từng con chữ, câu văn.

Là người phụ nữ Nam bộ đích thực, có lẽ miền Nam đã cho chị tấm lòng bao dung như sông nước mênh mông, nhưng bây giờ mọi thứ thay đổi: biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm, người nông dân kiếm tiền bằng mọi giá, giáo dục vẫn… Chị có lo sợ cho sự mai một của quê hương hay chị vẫn còn hy vọng vào những giá trị mà chính con người nơi đây sẽ khôi phục lại? Trong một buổi chia sẻ với sinh viên gần đây, một bạn trẻ hỏi tôi thế này, “Học để hội nhập chi cô ơi, vì biến đổi khí hậu thì mình cũng chết”. Tôi nghĩ, đó là một góc nhìn, và là một góc nhìn khá tiêu cực của giới trẻ Việt Nam. Tôi hỏi em, nếu biến đổi khí hậu rồi mình cũng chết thì có lẽ những câu hỏi tiếp theo chúng ta cần hỏi mình là, tôi có cam chịu chết không hay tôi sẽ chiến đấu để giành lại sự sống cho hành tinh và cho con người? Nếu có thể chiến đấu, có bao nhiêu cách để tôi tham gia chiến đấu? Tôi có thể làm gì trong khả năng hiện tại của mình để thay đổi vấn nạn biến đổi khí hậu này? Tôi sẽ tham gia và tạo ra ảnh hưởng, sử dụng sức mạnh của một cá nhân như thế nào, dẫn dắt một cộng đồng như thế nào để bảo vệ những điều mà tôi tin tưởng? Cuối cùng, tôi nghĩ vấn đề của người Việt Nam là sự thiếu khả năng suy nghĩ, phản biện, sự cam chịu, cúi đầu không dám đặt câu hỏi, sự buông xuôi, làm nô lệ cho hoàn cảnh. Câu hỏi này của em sinh viên làm cho tôi đau đớn, vì nó thể hiện rất rõ tâm thế của một bộ phận xã hội Việt Nam hiện thời. Nhưng tôi cũng biết một số ít các bạn trẻ khác đang hàng ngày chiến đấu ở ngoài kia để bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh và bảo vệ chính con người, chính mình trong sự huỷ diệt hàng loạt của con người lên chính môi trường mà chúng ta bám vào để sống. Quay lại, vẫn là vấn đề mục đích sống và giá trị của mỗi cá nhân. Khi tôi không hiểu vì sao mình tồn tại, khi tôi không tìm được chính mình và lý do vì sao tôi đến thế gian này, tôi chỉ là một cái xác chết bị đung đưa bởi hoàn cảnh sống.

Làm thế nào để người trẻ có thể cân bằng giữa việc khao khát làm giàu với việc theo đuổi những giá trị cảm xúc con người? Mọi người cứ hay nghĩ rằng làm giàu là xấu, hay sống có giá trị là không thể làm giàu. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Tôi có người bạn ở Singapore quản trị quỹ gia đình và đầu tư rất nhiều vào các startup khắp thế giới. Tuy nhiên, họ chỉ lựa chọn và đầu tư vào những startup nào giải quyết được cái họ gọi là “real problem – vấn đề hiện thực”, hay nói cách khác là vấn đề mà thế giới này, hành tinh này đang gặp phải. Theo họ, startup phải bắt đầu từ mục đích và giá trị đóng góp cao cả mà bạn mong muốn mang lại cho con người, cho hành tinh, cho thế giới, giải quyết các vấn nạn thế giới như biến đổi khí hậu, môi trường, giảm nghèo, giải pháp xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho dân số dưới đáy kim tự tháp, hay giải quyết các vấn nạn về sức khoẻ và tâm lý cho con người trong thời đại số, v.v. Nếu chỉ startup để muốn làm giàu, bạn chỉ là một con robot chạy theo tiền. Nếu kinh doanh để giải quyết một vấn nạn xã hội, môi trường, bạn đang thật sự giúp đỡ con người và đồng thời xây dựng sự nghiệp cho mình. Do đó, kinh doanh với mục đích cao cả hơn, kinh doanh có giá trị sẽ giúp cho các bạn trẻ vừa giữ cho mình rất người và cũng rất thành công.

Chị có thể cho biết cuốn sách tiếp theo sẽ là đề tài gì không? Đó là một vấn đề xã hội rất khác: kiến thức về công nghệ mới, cần thiết cho các bạn trẻ cấp 2, cấp 3 và cho cả phụ huynh để có thể hiểu và hướng nghiệp cho con. Đây là điều lẽ ra đã phải được triển khai đưa vào hệ thống giáo dục chính thống từ nhiều năm, nhưng tôi nhận thấy chưa hề xảy ra.Khi tương tác với các bạn trẻ, với các em học sinh, sinh viên, tôi nhận thấy các em hoàn toàn mù mờ về các tên gọi, các ứng dụng của công nghệ trong ngành nghề, công việc và cuộc sống. Một bạn sinh viên đã từng hỏi tôi: “Có bao nhiêu người như cô được tiếp cận với những điều rất mới. Những người Việt Nam bị bỏ lại thì sao?” Câu hỏi này của em đã khiến tôi mất ngủ. Và tôi thấy mình có trách nhiệm viết tiếp, bằng cách tiếp cận thật bình dân, dễ hiểu, hài hước về công nghệ, để phổ cập cho giới trẻ và cả những người dân Việt Nam đang sống một cuộc sống rất bình thường, không liên quan đến thế giới công nghệ và sáng tạo.


773 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

ĐÃ LÀM GÌ ĐÂU?

Comments


bottom of page