top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

NHỮNG CÂU HỎI KHÓ CẦN TỰ HỎI NẾU MUỐN PHÁT TRIỂN BẢN THÂN



Có đường tắt nào để phát triển bản thân không, kiểu sáng ngủ dậy trở thành Thánh Gióng? Xin thưa là không. Phát triển bản thân đòi hỏi một quá trình, vừa học, vừa kiểm chứng, vừa trải nghiệm, vừa hiệu chỉnh sao cho thứ mình học nó trở thành kiến thức đã được cá nhân hoá cho phù hợp với hoàn cảnh và hiện thực của mỗi người. Cũng vì vậy, kinh nghiệm và công thức của người khác chỉ là những thứ để bạn tham khảo, vì nó là kiến thức cá nhân hoá của người ta, phù hợp với hoàn cảnh của người ta. Bạn chỉ có thể tham khảo để học được những nguyên tắc chung, tránh được những gập ghềnh vốn có. Còn lại, hành trình của người nào thì chính người đó phải là người mở đường, dò đường, dấn thân hành động và hiệu chỉnh, cá nhân hoá bài học cho mình trên hành trình về phía tương lai.


Cho nên, đọc và học bài của người khác là tốt, nhưng quan trọng hơn nữa là bạn cần tự hỏi tự vấn bản thân nhiều hơn để tìm ra công thức phù hợp với chính mình. Ai làm chuyện này càng nhiều, càng thường xuyên, đặt cho bản thân những câu hỏi khó và tự mình đi tìm câu trả lời, người đó phát triển bản thân càng hiệu quả và thành công. Vậy thì, có thể và nên hỏi bản thân những câu hỏi thế nào? Bạn tham khảo vài câu hỏi nền tảng dưới đây xem nhé.

Nếu tôi vẫn cứ như vầy, với những thói quen này, liệu tôi sẽ tốt hơn hay tệ đi trong 3-5 năm tới?

Này gọi là nhìn hiện tại đoán tương lai. Thật ra, tương lai chỉ là hiện tại của quá khứ thôi. Những gì bạn làm hay đầu tư vào trong hiện tại, kết quả của nó sẽ trình diễn ra trong tương lai chứ không có gì quá thần bí ở đây. Nếu bạn học và rèn luyện quản trị bản thân thì tương lai bạn sẽ trở thành người đủ bình tĩnh để hiểu mình hiểu ta, trăm trận trăm thắng. Còn nếu bạn cứ phí phạm 7-8 tiếng mỗi ngày để quẹt quẹt ngón tay cái trên màn hình thì, tương lai bạn sẽ mờ mắt, rối loạn thông tin, rối loạn sức khoẻ tinh thần, và chẳng tiến bộ miếng nào vì có học gì đâu mà tiến bộ.

Trừ phi bạn là người không quan tâm gì đến tương lai của mình, và quyết định để mặc cho dòng đời muốn đẩy bạn về đâu thì đẩy, có lẽ không ai không muốn bản thân mình giỏi dang hơn, xuất sắc hơn, vui vẻ và thành công hơn. Vậy, thì câu hỏi này là câu hỏi bạn cần đối diện với thói quen hiện có của mình và trả lời thành thật với bản thân. Chẳng có ai khác ở đây để mà mất mặt. Chỉ có bạn đối diện với chính mình. Cho nên, bạn càng thành thật với bản thân, bạn càng biết rõ mình cần bỏ hay phát huy thói quen hiện có nào, nên học và rèn luyện những thói quen mới nào. Khi bạn tự hỏi, tự biết điều chỉnh theo tiến độ và hoàn cảnh của bản thân một cách không gượng ép mà ngược lại, một cách chủ động và có động lực thì, mọi thứ sẽ diễn ra thuận tự nhiên hơn, hiệu quả hơn, dễ dàng hơn.

Những việc tôi đang làm có đóng góp cho mục đích hay giấc mơ mà tôi mong muốn, hay kỳ thực chỉ để thoả mãn yêu cầu, đỏi hỏi của người khác?

Đây là một câu hỏi khó, vì nó thách thức sự dũng cảm của mỗi người. Ai cũng nghĩ mình đang làm nhiều thứ, vì nhiều lý do, có lý do tự nguyện, có lý do bị ép buộc gói trong chiếc bao bì “hoàn cảnh”. Dù là gì, đây có lẽ là nỗi đau lớn nhất của rất nhiều người mà tôi từng gặp, có khi mất 5-10 năm, có người mất 15-20 năm, có người mất cả đời chỉ để nhận ra mình đã và đang không làm gì mình yêu thích hay mong muốn, không xếp thẳng hàng với mục đích và giá trị sống của bản thân, nhưng….

Đời luôn có chữ nhưng, nhưng vì hoàn cảnh thế này thế nọ thế kia, bất đắc dĩ nên không thể làm điều mình mong muốn. Đến khi quá muộn thì, thôi đành buông xuôi gởi lại những giấc mơ ấy cho đời sau, rồi expect là thế hệ tiếp nối phải hoàn thành sứ mệnh mà mình chưa bao giờ có cơ hội để bắt đầu, nhưng…. Lại là chữ nhưng, nhưng thế hệ tiếp nối họ có giấc mơ và mục đích sống riêng của họ. Sao lại bắt người khác phải gánh gánh gồng gồng giấc mơ bỏ dở của chính mình? Vậy là không fair chút nào. Chuyện ai người đó chịu trách nhiệm. Giấc mơ ai người đó hiện thực hoá. Hành trình của ai người đó phải hoàn thành chứ.


Cho nên, cho dù bạn đang ở đâu trên hành trình của chính mình, dù bạn chưa bắt đầu hay đã trượt khá xa, câu hỏi này sẽ giữ bạn lại, làm cho ra lẽ lý do tại sao bạn đang làm chuyện bạn đang làm, đòi hỏi bạn phải trực diện trả lời cho chính mình và yêu cầu bạn phải chọn lựa lại, quyết định lại, và có khi phải sắp xếp đặt để lại cuộc đời mình, nếu bạn thật sự mong muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa và đầy nắng gió.

Ai là người truyền động lực cho tôi để phát triển tốt hơn?

Mình muốn phát triển thì mình phải ở gần người lúc nào cũng phát triển, lúc nào cũng chạy như bay về phía trước, lúc nào cũng máu lửa và quyết liệt dấn thân, tích cực trong mọi tình huống. Chớ có ai lúc nào cũng phàn nàn, chán nản, đổ thừa, tiêu cực mà khiến mình phát triển không? Thành ra, môi trường và con người xung quanh mình rất quan trọng. Nếu bạn giao du với 5 người đều hard core - sống chết với phát triển thì bạn sẽ là người thứ 6. Còn nếu xung quanh mình ai cũng xìu xìu, ển ển thì mình cũng thành kẻ thứ 6 xìu xìu, ển ển. Đã vậy thì phát triển kiểu gì?


Cho nên, có khi bạn cần nhìn lại xung quanh, xem người đang ở quanh mình, ảnh hưởng, tác động tới mình là ai, họ có truyền cảm hứng và động lực cho mình phát triển không. Nếu không thì có lẽ mình nên dạt bớt ra, tìm và thêm nhân tố mới tích cực hơn vào, sắp xếp lại những quan hệ trong đời sao cho nó tích cực và phát triển hơn, thay vì để mặc cho bản thân bị ảnh hưởng bởi những quan hệ toxic, chỉ khiến cho bản thân lún sâu vào vũng lầy cảm xúc.

Đâu là những thứ mà tôi cần hạn chế?

Thêm vào thì cũng phải có bớt ra. Nếu bạn dành nhiều thời gian hơn cho phát triển bản thân thì ắt bạn sẽ phải bớt thời gian cho một vài thứ khác. Vậy một vài thứ khác đó là gì? Chỉ có bạn môi biết đang xài thời gian của mình kiểu gì, và đâu mới là những thứ bạn đang phí thời gian vào chẳng vì điều gì cả, chỉ vì bạn quen như thế, chỉ vì bạn không biết từ chối, chỉ vì bạn chiều lòng một ai đó khác, hay chỉ vì bạn nghiện ngập nó….

Thời gian của mình chỉ có bao nhiêu đó. Nếu mình dành nó cho những thứ không đóng góp gì vào mục đích của bản thân thì đương nhiên mình sẽ chẳng bao giờ đủ thời gian để làm những việc có ích, có hiệu quả đóng góp cho hành trình của bản thân. Vậy thì mình rõ ràng mình phải có sự quyết liệt đánh đổi ở đây. Hoặc là bạn đầu tư vào tương lai và đích đến của chính mình, và hạn chế bớt những hoạt động không liên quan, hoặc là bạn cứ phí thời gian vào những thứ khiến bạn thoả mãn cơn nghiện nhất thời, để rồi cứ dận chân tại chỗ. Thời gian là tài sản của bạn. Bạn xài nó sao cũng được. Tất cả là lựa chọn của bạn thôi. Nhưng nếu đã chọn lựa cách sử dụng quỹ thời gian đó rồi, thì kết quả và hậu quả sẽ theo đó mà tương ứng.

Tôi có thể bắt đầu tác động tương lai của chính mình từ những hành động cụ thể gì ngay hôm nay?

Cuối cùng, trong bất kỳ chuyện gì mà tôi hay nhắc đến, câu hỏi vẫn là, hành động tiếp theo, cụ thể của bạn là gì. Không ai chỉ suy nghĩ mà tiến bộ và thành công. Không ai chỉ lên kế hoạch rồi không làm gì mà thành công. Đương nhiên, việc suy nghĩ và lên kế hoạch là cần thiết, nhưng quan trọng hơn nữa là triển khai, là theo dõi, là đánh giá và hiệu chỉnh. Mọi thứ cuối cùng cũng qui về hành động. Không có hành động thì mọi thứ cũng chỉ là dụng binh trên giấy, nói nói cho đã rồi thôi, hoặc đầu voi đuôi chuột, làm rình rang ì xèo rồi im im cho đến hết mùa.

Cho nên, ngay bây giờ, bạn nên hỏi mình, việc bạn có thể làm ngay hôm nay là gì để đóng góp vào hành trình phía trước. Không phải là ngày mai, tuần sau, tháng sau mà là ngay hôm nay. Tính urgency - cấp thiết của hành động nó phải chảy trong máu của mình mọi lúc mọi nơi chứ không phải chỉ để phô diễn khi cần thiết. Khi đã rõ về mục đích, điểm đến và hành trình phía trước thì chúng ta cần sự cam kết vừa dấn thân, vừa quyết liệt làm, vừa linh hoạt hiệu chỉnh theo thời gian. Chỉ có như thế thì bạn mới từng bước một phát triển, từng bước một thành công. Làm gì có câu chuyện Thánh Gióng trong đời thật hôm nay, ngủ một đêm bỗng lớn lên như thổi nếu thiếu đi sự đầu tư thích đáng vào hành trình phát triển bản thân của chính cá nhân mình. Kế hoạch có lớn bao nhiêu, hành trình có dài bao nhiêu, tầm nhìn có rộng bao nhiêu thì cũng chỉ bắt đầu bằng từng bước nhỏ, và ngay bây giờ.

Đâu là thứ sẽ khiến tôi hạnh phúc, thành công, mà lại đóng góp tạo tác động tích cực cho xã hội?

Đây là câu hỏi Ikigai mà ai cũng phải hỏi mình. Không tìm, làm sao thấy? Không hỏi, làm sao có câu trả lời? Còn đẩy câu hỏi qua cho người khác trả lời giùm thì, có lẽ bạn đang quá thiếu trách nhiệm đối với bản thân. Đương nhiên, không tự nhiên vì may mắn mà những ngôi sao lại xếp thẳng hàng. Dù bạn đang ở trong hoàn cảnh như thế nào thì, vẫn sẽ luôn có cách để thực hiện việc chuyển đổi từ tình huống hiện có sang hành trình mơ ước. Trước hết là mình muốn và nghĩ mình làm được đã, sau đó mới tìm giải pháp. Còn chưa làm gì hết mà đã nghĩ mình xong phim rồi, hết đường rồi, vô phương rồi thì chưa đánh đã thua, chưa làm đã thất bại, chưa ra quân đã đầu hàng.


Không ai nói tìm cái thấy liền. Làm gì có chuyện dễ dàng như vậy? Vì muốn tìm được thứ mình đam mê, thứ khiến mình hạnh phúc và thành công là chuyện khó. Vì nó khó nên ít người chịu làm tới nơi tới chốn. Vì ít người chịu làm tới nơi tới chốn nên có ít người thành công và nhiều người lềnh bềnh trôi nổi theo con nước xuống lên của thế giới ngoài kia. Đường nào mà chẳng gập ghềnh. Hành trình nào mà chẳng khó khăn. Vấn đề là bạn có vượt qua hết những cản trở phía trước không để tìm ra câu trả lời quan trọng nhất trong đời. Còn nếu bạn không nghĩ câu hỏi này là quan trọng thì, mình cần gì chia sẻ ở đây. Không ai rảnh đi thuyết phục bạn về việc bạn cần làm cho cuộc đời mình. Đời ai người đó lo. Đời bạn mà bạn còn không biết lo thì đừng đẩy thuyền ra thành nhiệm vụ của một ai đó khác. Không ai rảnh, mà cũng chẳng ai quan tâm đâu nhé, vì ai cũng còn có nhiều câu hỏi mà chính họ còn chưa tìm thấy câu trả lời.


Thật ra thì, chẳng có công thức gì cho chuyện phát triển bản thân. Mỗi chúng ta đều là những bản thể khác nhau, với background - nền tảng khác nhau, với hành trình lớn lên và trải nghiệm khác nhau. Cho nên, câu hỏi âu cũng chỉ là dấu chỉ để bạn có thứ dựa vào cho sự khởi đầu. Còn sau đó, chính những câu trả lời mà bạn tìm ra cho chính bản thân mình mới là guiding star - sao Bắc đẩu giúp bạn tìm ra hướng đi và bản đồ phát triển. Cũng là một hướng, có khi đi thẳng, có khi quanh co, có khi chậm khi nhanh theo từng thời đoạn. Không có công thức chung cho tất cả. Bạn chính là người thiết kế hành trình. Bạn chính là người lèo lái hành trình. Và cũng chính bạn mới là du khách trong chính hành trình mình đã chọn.


Vậy nên, bạn tự hỏi, bạn tự trả lời, tự vẽ và tự tìm đường mà đi. Vừa đi, vừa trải nghiệm và hiệu chỉnh. Vừa đi, vừa sáng tạo để tìm ra giải pháp thực tế hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Trong tâm thế đó, tinh thần ta đón nhận, tư duy ta mở rộng, trải nghiệm ta phong phú, bản lĩnh ta ngày càng vững vàng hơn. Sự phát triển luôn dựa trên những nền tảng đó.

6.634 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page