Rất nhiều bạn ib hỏi tôi, công ty, sếp, ông bà chủ của mình tệ bạc quá, đối xử nhân viên bất công quá, kiến thức tầm nhìn hạn hẹp quá, làm bạn khó chịu, bực bội, chán nản không biết phải làm sao. Câu trả lời chung của tôi cho tất cả những trường hợp này là, xem lại mình trước khi chỉ trích người.
Không biết tự bao giờ, tôi đã tập thành thói quen, luôn tìm nguyên nhân gốc rễ vấn đề từ nhiều phía, đặc biệt từ bản thân. Con người luôn có khuynh hướng đổ thừa người khác chứ mấy ai chịu nhận lỗi về mình. Có điều, sự thiếu khách quan trong giải quyết vấn đề chỉ làm cho sự việc thêm rối rắm, cho bản thân và tổ chức kém tiến hoá, phát triển. Nếu không nhận sai, sao biết mà sửa, sao biết mà học tập rèn luyện cho bản thân ngày càng giỏi giang hơn, thông thái hơn, hiểu biết hơn? Nếu có thể tập thói quen đặt câu hỏi cho bản thân, tôi có cố ý hay vô tình làm gì để tạo ra hay góp phần tạo ra vấn đề không, chính bạn đang hỗ trợ cho bản thân phát triển. Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là như thế.
Còn sau khi bạn đã chắc chắn mình giỏi dang và đạo đức sáng ngời rồi, lỗi nằm ở tổ chức, ở sếp, ở ông bà chủ thì tôi khuyên bạn nghỉ liền đi. Tại sao không phục người ta, chỉ trích người ta, phàn nàn nói xấu người ta mà lại bám lấy cái ghế đồng lương không dám bỏ? Sợ gì? Sợ mất job? Sợ không tìm được việc khác? Sợ mất an toàn? Nếu đã sợ nghĩa là thiếu tự tin vào năng lực, giá trị, cơ hội của bản thân. Nếu đã sợ thì đành lặng im chấp nhận bàn tay đưa nôi, rồi canh nhịp mà lắc lư theo họ. Làm gì còn cảnh giới nào đi không dám đi, ở không cam tâm? Trừ phi bạn đủ tầm để thay đổi nó.
Đã đến, thì an phận mà ở lại. Muốn đi, nên cuốn gói liền. Vậy nha. Nếu họ chẳng ra gì, đừng ngồi im không làm gì nhưng cứ than vãn mãi.
Comentarios