top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

NẾU KHÔNG MUỐN DẬM CHÂN TẠI CHỖ…

Đã cập nhật: 22 thg 8, 2023



Ai cũng muốn mình phát triển, làm giàu, thăng tiến trong công việc, sự nghiệp, ra ngoài xã hội được công nhận, tôn trọng, ngưỡng mộ, làm đạt được những thành tích đáng nể, vv. Nhưng sự thật là, trong 10 người muốn chắc chỉ có đâu đó 2 người làm được. Còn lại một nửa thì có bắt đầu nhưng không đủ kiên định để đến nơi, nửa còn lại thì đứng đó nhìn đời trôi qua, suy nghĩ về hành trình nhưng chẳng bao giờ bắt đầu. Họ đừng đó, nhìn người khác làm, trách sao người ta may mắn thế, có thứ này thứ kia hơn mình. Họ đứng đó, trách trời đất sao chẳng công bằng, không cho mình thông minh hơn, có khởi đầu đầy đủ hơn, có hậu thuẫn mạnh mẽ hơn, có khả năng siêu việt hơn, có cơ hội tốt hơn, vv. Họ đứng đó, nghĩ đời này mình xong phim rồi, vì mình không có đủ năng lượng, không có đủ khả năng xuất sắc, không có ngoại hình, không có nền tảng gia đình vững chãi, không có mentor giỏi, không được học trường xịn, vv như người ta để có thể làm được những thứ người ta làm được.

Nếu có thể nêu ra lý do khiến bạn dậm chân tại chỗ, hay nói đúng hơn là tụt lại phía sau trong khi cả xã hội đang tiến về phía trước, thì chắc ngày nào cũng có thể đưa ra một vài lý do nghiệt ngã và drama cho đến hết đời. Con người mà, phàn nàn thì dễ, hành động thì khó, tìm cách tránh né thì dễ, dấn thân thì khó, lười biếng thì dễ, cày cuốc thì khó, đổ thừa thì dễ, nhận lãnh trách nhiệm về mình thì khó…. Cho nên, một cách hết sức tự nhiên, khi bạn không dám làm, không muốn làm, không chịu làm, không đủ động lực để làm thì bạn sẽ tìm ra đủ loại lý do để biện minh cho cái sự “không thể làm” đó của mình. Vấn đề là, “không thể làm” nhưng vẫn phàn nàn tại sao mình không bằng người ta, không được như người ta, không có những thứ mà người ta có. Ai biết, để có được thứ mình muốn có, là cả một hành trình băng qua gai góc, thử thách, khó khăn, vượt qua chính những sự tào lao của bản thân mình. Không có gì trên đời này đến dễ dàng hết cả, dễ đến dễ đi, còn càng khó đạt được thì càng ở lâu với bạn. Giờ, có khi mình nên nhận dạng một số những dạng thức hay tâm lý mà bạn đang bị sa đà vào, khiến bạn dận chân tại chỗ đó giờ không chuyển động được, rồi mình chữa nó xem sao. Khi bạn biết mình đang ở dạng thể nào, làm sao để thoát ra, có khi bạn sẽ có thể bắt đầu hành trình mới và tìm được cho mình ý nghĩa hay ho hơn trong cuộc sống.

Dạng thức 1: “Em loay hoay không biết phải làm sao”

Đây có lẽ là câu nói mà tôi nhận được nhiều nhất từ tin nhắn, “em loay hoay không biết phải làm sao”. Những người đang chìm trong dạng thức này hoặc là có quá nhiều lựa chọn, quá nhiều mong muốn, quá nhiều tham vọng nên không biết phải bắt đầu từ đâu, chọn thứ nào, sợ chọn sai thì mất công. Có người thì không dành thời gian đủ nhiều và đủ sâu để đối thoại và hiểu bản thân, nên không biết thiệt. Thế giới hiện đại cùng với những trò cái gì cũng nhanh, cũng tức thời, cũng quẹt quẹt mà ra khiến cho con người ta trở nên hời hợt, lười biếng, lường suy nghĩ, hay nhìn sang nhà người khác để so sánh và tìm cách, tìm công thức có sẵn để copy paste cho nó nhanh. Nỗi đau là, công thức nhà người ta áp vô nhà mình nó sai, vì hoàn cảnh của người ta và của mình khác nhau. Nếu cứ muốn bài văn mẫu thì cả đời chẳng bao giờ viết được một đoạn văn original. Vậy, thì nên trách bản thân mình lười biếng, ham đường tắt ngõ ngang, thiếu đầu tư vào bản thân, tài sản lớn nhất mà bạn có.

Cho nên, khi bạn loay hoay, nghĩa là bạn dag loay hoay với chính bản thân mình, không phải với thế giới ngoài kia. Khi bạn không biết mình là ai, mình muốn gì, mục đích sống của mình là gì, giá trị của mình nằm ở đâu, mình sẽ vui vẻ hạnh phúc vì điều gì, thì bạn sẽ khó mà bắt đầu và kết thúc được bất kỳ dự án, chương trình, hành trình nào ý nghĩa. Và vì vậy, bạn xà quần với cuộc sống, không dám bắt đầu, không dám dấn thân, đứng bên đường nhìn đời trôi qua, nhìn người đi qua, suy nghĩ tiêu cực cho đến khi bạn mệt mỏi, cạn kiệt, bất chí và bỏ cuộc….

Nếu bạn đang ở trong dạng thức đó, thì hãy làm những việc sau:

  • Dành thời gian trong im lặng, một mình, giữa thiên nhiên, đủ lâu và không bị quấy rầy để đối thoại với bản thân mình

  • Nếu bạn có quá nhiều thứ chạy ngang chạy dọc trong đầu thì hãy viết hết ra, viết tất cả xuống như nó hiển hiện, không phân biệt, không suy nghĩ, không phán xét. Xong, thì sắp xếp lại theo thứ tự xem cái nào mình mong muốn hơn, thích hơn, ưu tiên hơn.

  • Còn nếu nghĩ mãi không có thứ gì hiện ra thì hãy relax, để cho bản thân thả lỏng, mơ mộng, suy nghĩ về những giấc mơ tuổi thơ, những gì khiến bạn cười, vui, hạnh phúc nếu được chạm vào. Sự thả lỏng và cho phép mình quay về với bản thân sẽ giúp cho những mong muốn sâu lắng nhất hiện ra. Con người ai cũng có mong muốn cả, đừng biện minh em không có, không biết. Và khi nào nó hiện ra thì hãy viết xuống.

  • Sau đó thì nên chọn một thứ mà bạn mong muốn nhất, ưu tiên nhất để dấn thân, hành động, bắt đầu. Không có gì sẽ xảy ra nếu không có hành động. Cho dù bạn là người suy nghĩ chu đáo hay hoàn hảo nhất thì bạn cũng làm chẳng được nếu không bắt đầu. Có ai không đi mà đến không?

  • Xây dựng kế hoạch hành đồng thật cụ thể, thật chi tiết, chi tiết đến nỗi ngay bây giờ khi đứng lên bạn biết rất rõ mình cần phải làm gì, bước 1, bước 2, bước 3 là gì, bước số 7, 8, 9 là gì, cuối cùng mình sẽ đến đâu, vv.


Làm được vậy là hết loay hoay, Nhớ là, loay hoay là dạng thức mà bản thân tạo ra cho bản thân, không liên quan gì đến ai hay môi trường ở ngoài kia. Đừng nhìn ra, hãy nhìn vào. Vấn đề nằm ở mình đó.

Dạng thức 2: “Em không đủ khả năng…”

Dạng này tôi cũng gặp nhiều, cô làm được vì cô giỏi, cô thông minh, chứ em thì chịu, vì em sinh ra vốn đã chậm, IQ không cao, tư chất không tốt, suy nghĩ không logic, vv. Ôi thôi, nếu đã sa vào cái đà em không bằng người ta thì bạn đang đổ thừa cho vũ trụ ngược đãi bạn, trốn tránh hiện thực và biện minh cho cái sự thiếu cố gắng của mình. Sorry là, tôi sinh ra cũng như bạn, IQ trung bình, gia thế chẳng bằng ai, học trường công, thiếu thốn đủ thứ, nhìn tương lai có khi mờ mịt không tìm ra ánh sáng. Nhưng tôi chỉ có một thứ khác, đó là không chấp nhận và không đổ thừa. Cả đời, tôi cố gắng trong tất cả mọi thứ, cố gắng gấp mấy vạn lần người khác, để có được thứ mình muốn. Có những lúc thấy mình mệt mỏi muốn gục ngã, hỏi tại sao mình phải cố gắng nhiều như thế trong khi người ta có được quá dễ dàng, nhưng rồi nhận ra câu hỏi như thế chẳng giúp gì được cho ai, nó chỉ làm cho ta chùn bước, thất chí và bỏ cuộc nên lại dẹp đi, đứng lên, tiếp tục cố gắng và dấn thân. Nhờ thế, mà con đường cứ mở ra mở ra ở dưới chân. Không đi làm sao đến?

Bí mật là, không làm thì không học được cái mới, không dấn thân vào cái mới thì không biết khả năng của mình đến đâu. Cho nên, tiềm năng là vô giới hạn nhưng nó chỉ mở ra khi ta xắn tay áo vào làm. Còn nếu đứng đó suy nghĩ thì nó đâu có lý do gì để hiện ra. Cho nên, khả năng nó được xây dựng dựa trên sự dấn thân, học hỏi, phát triển qua hành động mỗi ngày. Khả năng không phải lý thuyết, phân tích từ hình hài và gia thế mà ra được. Đừng bao giờ lặp lại câu “em không đủ khả năng…” khi bạn chưa bắt đầu, chưa dấn thân, chưa cố gắng hết sức để làm những điều bạn muốn.

Dạng thức 3: “Em sợ thất bại và bị coi thường…”

Sợ thất bại là xưa lắm rồi. Ngày xưa người đời mày mặt, tư duy đóng, sợ làm sai làm thua, thất bại thì bị quánh giá là kém cỏi, thiếu khả năng. Còn bây giờ thời công nghệ và startup thì người ta đề cao sự thất bại, bảo rằng không gọi nó là thất bại mà là thử nghiệm chưa đúng tiêu chuẩn, cần thử lại, tư duy lại, nghĩ ra giải pháp mới. Sự thật là, không có ai thành công trên đời này làm cái gì mà một phát là trót lọt hết. Ai cũng phải mày mò, thử đủ thứ cách, lên bờ xuống ruộng vô số lần mới tìm ra công thức cho mình. Einstein nói: “Tôi không có thông mình. Tôi chỉ sống đủ lâu với vấn đề mà thôi.” Đó, người ta sống và thở với vấn đề đủ lâu, thử nghiệm đủ nhiều lần, thất bại làm lại với số lần mới tìm ra cách. Rồi mình ngồi đó sợ, ngồi đó nghĩ toàn tới sự chê cười của người đời thì biết đến bao giờ mới bắt đầu làm? Mà không làm thì sao có? Không đi làm sao đến?

Cách chữa khi bạn chìm trong dạng thức này là, tự mình động viên bản thân mình, tìm một vài người thân cùng động viên mình bắt đầu, bước những bước đầu tiên, hành động, dấn thân, học từ sai lầm, học từ vấp ngã, rồi con đường vì thế sẽ mở ra, mở ra, cho đến khi bạn nhìn rõ hơn và tự tin hơn vào trải nghiệm của chính mình.

Dạng thức 4: “Em già rồi, mệt mỏi và không còn cơ hội”

Trời ơi, sợ nhất là mấy người mới U30, 40, 50 mà than già. Tôi chưa bao giờ tự ép mình già để không học, không bắt đầu thứ mình muốn, U60 vẫn startup như thường chẳng sợ, được thì ăn mừng, không được cũng ăn mừng vì mình đã thử nghiệm cái mình muốn, và tìm ra cách khác để làm tiếp. Tính tôi tích cực, làm hoài làm hoài, thun hoài thử hoài, sai sửa, thua làm lại một cách vui vẻ. Ồ à với những thứ mới mẻ mình tìm ra, dù đó là tìm ra cách để thành công hay tìm ra cách nó không work cho mình. Cái gì cũng có cái hay của nó, vì đó là bài học, là trải nghiệm, là xây đắp thêm nền tảng cho hành trình phía trước, giúp mình biết người biết ta hơn, lớn hơn, thông thái hơn trong mọi quyết định và lựa chọn. Tới ngày check out khỏi hồng trần sẽ vẫn thế, vẫn luôn háo hức học hỏi, tìm kiếm, thử nghiệm cái mới, dĩ nhiên là theo mối quan tâm của bản thân tại độ tuổi đó. Cho nên, làm ơn đừng bao giờ đổ thừa mình hết tuổi rồi, hết thời gian rồi, già rồi không còn cố gắng được nữa. Bạn nhìn đi, có người thành công nào trên thế giới đang dừng lại dưỡng già không? Họ không làm này thì làm kia, không kinh doanh thì làm dự án cộng đồng, xã hội, không sáng tạo cái mới thì cải tiến cái cũ, càng gì càng bận rộn, càng làm dữ hơn mới ghê. Họ chỉ khác bạn có 1 chỗ thôi, luôn háo hức và hăng hái lăng xả vào những dự án và hành trình mới.


Giờ, bạn hãy nghĩ về những thứ mình muốn làm hồi xưa giờ mà chưa bao giờ làm, rồi chọn một thứ mà bắt tay vào làm đi, dù đó là dự án xã hội, cá nhân, hay đơn giản chỉ là đi học đàn, học vẽ, học viết thư pháp, chụp hình, đi du lịch một mình hay gặp một ai đó mà bạn cứ trì hoãn đó giờ. Cứ làm đi, rồi bạn sẽ thấy cái già và sự mệt mỏi no chỉ nằm trong suy nghĩ. Còn khi đã dấn thân thì, năng lượng lại cháy bùng.


Dạng thức 5: “Tính em lường biếng”

Dù không hiểu tại sao lại có người nhận luôn là mình tính tình tự nhiên là lười biếng, không muốn làm gì, nghĩ tới làm không đã mệt, nhưng thực tế thì rất nhiều bạn tự nhận mình như thế. Khi bạn tự nhận mình thế nào thì bạn đã rơi vào cái bẫy tư duy là bạn đang tự xác nhận mình là người như thế, không thể thay đổi. Và thế là, não của bạn nó sẽ xử lý tất cả mọi vấn đề dựa trên tư duy đó. Khi có bất kỳ việc gì sắp diễn ra, nó sẽ nhắc nhở bạn là làm cái này sẽ mất bao nhiều là thời gian, công sức, năng lượng, sẽ mệt mỏi như nào và khuyên bạn thôi đừng làm. Vô cái guồng này rồi thì sẽ xà quần trong đó không làm được bất kỳ thứ gì trong đời. Có điều, bạn nên biết đây chỉ là trạng thái tư duy mà bạn tự tạo ra cho bản thân, nó tồn tại vì bạn tin vào nó, và nó sẽ biến mất khi bạn không còn tin vào điều đó. Tào lao quá phải không”? Tự mình tin rằng mình lười biếng thế là mình cứ thế chây lười ra. Tự mình nghĩ mình có thể làm được là mình bắt tay vào. Không ai trên đời này sinh ra mà lười biếng cả. Ai cũng sinh ra với một sứ mệnh để làm thứ gì đó trong đời. Chỉ có bản thân mình tự trói mình vào dạng thức tư suy nào đó mà thôi.


GIờ, bạn biết cách tự mình cởi trói cho mình rồi, tự nhắc nhở bản thân mỗi ngày, viết xuống những câu thần chú để trước mặt mình và đọc nó mỗi ngày, là bạn làm được và sẽ làm điều gì đó mà bạn muốn, tự bạn thôi miên cái não của mình để nó thay đổi và giúp mình dấn thân hành động. Rồi xắn tay áo lên mà đi làm cái gì đó đi, nhỏ xíu cũng được, chỉ cần có làm thì nó sẽ xác nhận với não là bạn không hề lường biếng. Mình nghĩ sao thì nó là vậy đó. Mình nghĩ không được thì nó sẽ không được. Mình nghĩ được thì cả vũ trụ này sẽ bu vào tìm cách giúp mình làm được.


Thành ra, dận chân tại chỗ hay không cuối cùng cũng là do mình mà ra thôi, không có liên quan gì đến xuất thân hay lỗi lầm của vũ trụ. Mình sinh ra sao mình chấp nhận vậy, rồi mình cố gắng xây dựng hành trình đầy nắng gió của mình, theo cách của mình, bằng sự cố gắng dấn thân và học hỏi không ngừng của mình, với sự kiên định và dũng cảm của mình. Vậy thôi! Không có gì ghê gớm hết.

5.881 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page