“Chị là người Phillipines à?” Cậu tài xế taxi bắt chuyện.
“Đâu có. Tôi ở nơi khác đến”.
“Nhìn chị là tôi biết chị chắc chắn là Filipina” (Filipina là cách gọi phụ nữ Phillipines)
“Ừa cũng muốn làm thử cho biết nhưng mà thật sự là không phải”
“Sao là người Phillipines mà không dám nhận vậy kìa?”
Đến đây thì tôi đơ người. Kỳ chưa! Đã nói không phải mà sao cứ bắt tui làm Phillipnes vậy nhỉ? Chiều đó gặp đứa bạn hỏi ra mới biết. Nhiều người đi làm giúp việc ở nước ngoài về không muốn cho người khác biết nên chắc có khi không nhận mình là Filipina.
Giúp người ở lại
Do nhiều phụ nữ Phillipines phải đi ra nước ngoài kiếm sống, đàn ông ở nhà vừa đi làm vừa phải chăm con. Để giúp cho những ông bố một mình xoay sở này, tổ chức phi chính phủ MLAC đã tổ chức chương trình huấn luyện cho các ông bố về cách chăm sóc con cái và quản lý chi tiêu tài chính.
Đến ngày về taxi ra sân bay, hỏi anh tài xế sắp Nô-en rồi có chuẩn bị gì hoành tráng hay không. Vì Phillipines 80% dân số theo đạo công giáo cho nên hỏi thế. Ai ngờ anh ca một bài cuộc sống quá khó khăn. Tháng nào đến kỳ thanh toán chi phí gia đình là đổ mồ hôi hột. Anh nói có 3 con. Vợ đi làm ở nước ngoài, còn chồng lái taxi mà còn không xoay sở nổi. Giờ chỉ muốn một cuộc đời đơn giản, đủ ăn đủ mặc là sung sướng lắm rồi. Dạo này kinh tế Phillipines cũng hồi phục dần dần nên anh hy vọng năm sau sẽ đỡ hơn năm trước. Mà đúng như thế thật. Tỷ lệ tăng trưởng GDP ở Phillipines trong những năm gần đây ở mức cao nhất châu Á Thái Bình Dương, 6-8% là chuyện bình thường. Phillipines cũng nằm trong top 5 thị trường được xem là tiềm năng nhất sau BRIC (Brazil, Russia - Nga, India - Ấn độ, China – Trung quốc). Người ta đặt tên nhóm thị trường này là NIMPTs (Nigeria, Indonesia, Mexico, Phillipines, Turkey – Thổ Nhĩ Kỳ).
Ảnh: mua sắm mùa Nô-en.
Nãy giờ nói chuyện của người nghèo, nhưng tầng lớp giàu có của Phillipines thì giàu cũng dữ. Chủ công ty xây dựng và một lô cây xăng phức hợp có nhiều mặt bằng bán lẻ, Romeo có cái vẻ tự hào của một kẻ thành danh. Tiền làm ra ngoài chuyện lo cho 5 đứa con theo học trường tư, còn lại hắn bỏ không ít vào đam mê nuôi thú. Nào là cọp trắng, báo đốm, trăn, gấu, ngựa…, hắn có hẳn một cái sở thú kế bên mảnh đất của công ty. Đi đâu cũng không dám đi lâu, sợ ở nhà mấy thú cưng không ổn. Hắn bắt tôi đi vòng vèo trong sở thú rồi lại chở về dinh thự của mình khoe một mớ mấy con vẹt, con chó, bồ câu. Thôi thì đủ màu đủ kiểu. Lơ ngơ làm sao ngó vào nhà tắm phòng khách, thấy một khỉ con ngồi buồn hiu trong cái lồng nhỏ bên trong. Có một cái gì đó cảm thấy sao không ổn. Niềm vui con người là cầm tù tụi nó vậy sao?
Kêu gọi thầy cô giáo trở về
Văn phòng lao động quốc tế Phillipines vừa đưa ra chương trình thu hút những người dân có bằng sư phạm đang làm ở nước ngoài trở về giúp cho đất nước. Khẩu hiệu "Sa Pinas, Ikaw ang Ma'am/Sir" (Ở Phillipines, bạn được gọi là Quý Thầy / Cô). Chương trình này nhằm thu hút những người có bằng sư phạm nhưng lại đang làm công việc lao động chân tay ở nước ngoài. Theo thống kê tại Qatar chẳng hạn, hiện có 35 ngàn người Phillipines đi giúp việc nhà, trong đó có rất nhiều người có bằng sư phạm.
Tuổi độ ngũ, tuần, là lãnh đạo dàn top của một công ty nhà nước, John có cái vẻ ù lì của một kẻ quan liêu. Hôm nay đến đây để họp về việc tái ký hợp đồng, xác thì ở đó mà tâm không ở đó. Mắt dán vào cái điện thoại thông minh, hai tay bấm lia bấm lịa, chắc hỏi điện thoại thông minh xem liệu có nên tái ký hợp đồng. Anh đồng nghiệp người Úc quay qua, mắt tròn xoe nhìn tôi cầu cứu. “John, mình cần tập trung bàn cho xong việc để không mất thời gian của anh vì tôi biết là anh bận lắm”. Hắn giật mình ngẩng lên khoái chí mỉm cười khi được cho là người quan trọng.
Ảnh: bảo vệ cầm súng tại SM Mega Mall.
Joshua năm nay ba mươi mấy tuổi, chủ mấy cửa hàng nước hoa và mấy chi nhánh nhượng quyền. Nhượng quyền ở Phillipines cũng là ngành được chính phủ rất quan tâm vì đóng góp 10% vào GDP cả nước. Bởi vậy mà ngay khi Mã lai tuyên bố trở thành trung tâm nhượng quyền của khu vực, Phillipines cũng tuyên bố y chang hồi đầu năm 2015. Mã lai có môi trường, chính sách, và sự hỗ trợ đồng bộ hơn từ chính phủ, nhưng nói về thương hiệu thì Phillipines chẳng kém chút nào. Ví dụ một số thương hiệu nội địa lớn của họ như thức ăn nhanh Jollibee, Chowking, nhà hàng Max’s, cà phê Figaro, thời trang Penhoppe, hiệu thuốc Generics…, đều là những thương hiệu đang tích cực bước ra thế giới. Giữa năm 2015, họ cũng đã tổ chức một chuyến xúc tiến thương hiệu Phillipines của mình một vòng các nước ASEAN. Hơn hẳn Việt nam mình về sự chuẩn bị để bước ra thế giới.
Box: Chính phủ nào trong sạch nhất châu Á?
Theo đánh giá xếp hạng của Tổ chức minh bạch thế giới năm 2014, các nước có chỉ số càng cao là những nước ít tham nhũng, tham ô.
Thấy vậy không phải vậy!
Là thị trường đông dân thứ 2 trong khu vực kinh tế ASEAN (100 triệu dân), chỉ đứng sau Indonesia (249.5 triệu dân), Phillipines chắc hắn là thị trường tiềm năng hàng đầu khu vực. Nếu lấy tổng chi tiêu để đo về độ lớn, họ chỉ đứng sau Indonesia, Thái lan, và đang là thị trường lớn thứ 3 trong AEC. (Indonesia 509.7 tỷ đô la, Thái lan 234.3 tỷ đô la, Phillipines 205.3 tỷ, Việt nam 117.2 tỷ). So về thu nhập thặng dư đầu người hàng năm thì họ còn thua xa các nước đã phát triển trong khu vực như Singapore, Mã lai, Thái lan, nhưng lại hơn cả Indonesia và chắc chắn là qua mặt Việt nam (Phillipines: 2.110 đô la, Việt nam: 1.356 đô la).
Box: Thu nhập thặng dư đầu người tại một số nước châu Á
Nghĩ lại cũng sợ thiệt. Làm cả năm chỉ dư có bao nhiêu đó thôi, bởi vậy làm sao mà có tiền đi du lịch năm châu như người ta được. Cho nên muốn dân mình nhìn thấy năm châu bốn bể, thì việc đầu tiên là phải làm sao cho kinh tế tốt hơn lên. Mã lai họ đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao cũng là như vậy đó. Nhưng mà muốn làm kinh tế tốt, mỗi chúng ta đều phải đóng góp vào. Kinh tế tư nhân mạnh thì kinh tế chung sẽ mạnh. Mà muốn làm kinh tế mạnh, phải học cách làm chuyên nghiệp của nước ngoài. Nếu cứ làm kiểu mánh mung như hồi đó đến giờ, biết bao giờ mới mạnh? Nước người ta đã ào ào chuyện xuất khẩu thương hiệu. Mình còn lơ mơ chưa biết phải làm ở thị trường nội địa ra sao. Quá trời trễ rồi. Nếu còn loay hoay như thế hoài thì làm hòn vọng phu đứng chờ trăm năm nữa chắc?
Kể chuyện Phillipines thì thấy họ còn nghèo và phải túa ra thế giới kiếm sống như vậy đó, nhưng tình thực thì họ còn hơn cả Việt nam. Nếu với cái đà phát triển kinh tế 6-7% mỗi năm như bây giờ, họ sẽ lớn mạnh lên nhanh lắm. Rồi khi kinh tế mạnh lên như thế, chất xám sẽ chảy về lại với quê hương. 10 triệu người dân trên khắp thế giới đổ về, nếu nói về cái sự hiểu biết và tri thức mình sẽ so làm sao với họ?
Trích chương 19 - Những mảnh đời lưu lạc - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - tác giả Nguyễn Phi Vân
Kommentare