Có một thứ năng lượng gì đó nó nghèn nghẹt, khó thở, phủ thành một lớp dầy dầy, nặng nặng lên đất nước này. Ở những nơi công cộng, bảo vệ mặt mày tỏ ra nguy hiểm, đeo súng đi đi lại lại. Dân địa phương có người bảo là súng nhìn ghê gớm vậy nhưng không có đạn đâu. Còn đi vào trung tâm mua sắm hay chổ công cộng nào cũng phải mở giỏ ra cho người ta xét. Có một cái cảm giác không an toàn, lạnh lạnh làm sao đó mỗi khi đặt chân đến đất nước này. Có phải vì vậy mà bao nhiêu người dân Phillipines phải bỏ ra đi, lưu lạc khắp chân trời góc bể?
Tổng đài thế giới
Nửa đêm là lúc khoảng 1 ngàn địa điểm tại thành phố Manila nhộn nhịp cho ngày mới. Mỗi người một cái ổ vuông vuông nhỏ xíu, gần một triệu người dân Phillipines nếu không bô lô ba la trên điện thoại thì cần mẫn dò dẫm các văn bản suốt 8 giờ làm việc của mình. Tưởng tượng phải gọi 100 cú điện thoại trong 8 giờ làm việc. Chua lắm chứ không chơi. Nhưng với mức lương cao gấp đôi những công việc khác trên thị trường (khoảng 700 đô la/tháng), dàn trẻ Phillipines cũng ham cái job này dữ lắm. Cái này gọi là kinh tế outsourcing, và 1 ngàn địa điểm đó gọi là BPO (Business process outsourcing – Gia công qui trình kinh doanh), hay gọi bình dân là hậu trường văn phòng của thế giới, nhiều nhất là từ các công ty Mỹ do chi phí làm việc hậu trường ở Phillipines thấp hơn ở Mỹ đến 4 lần. Cách đây khoảng 8 năm khi ngành BPO này xuất hiện ở Manila, Ấn độ khi đó là hậu trường thế giới. Ở khắp nơi trên thế giới mà gọi điện thoại vào hotline hay đường dây dịch vụ khách hàng các công ty lớn, hầu như là nghe giọng tiếng Anh kiểu Ấn. Hồi ở Sydney tôi cũng hay gọi vào đường dây dịch vụ khách hàng của công ty điện thoại Telstra, nói chuyện với toàn là Ấn độ. Riết rồi người ta bực mình vì có khi giọng tiếng Anh của Ấn độ khó nghe quá, hai bên nói qua nói lại một hồi không ai hiểu ai là sinh chuyện nổi cơn liền. Cũng có thể vì vậy mà hậu trường thế giới giờ đổi sang Phillipines, nhờ tiếng Anh dễ nghe, giọng nói dễ thương và thái độ phục vụ có phần cam chịu.
Thủ đô selfie của thế giới
Báo Time công bố thành phố Makati và thành phố Pasig tại khu vực Manila là hai thủ đô selfie lớn nhất của thế giới, với tỷ lệ 258 người thường xuyên chụp selfie trên mỗi 100 ngàn dân. Ngoài ra, các thành phố khác của Phillipines đứng trong top 100 bao gồm Cebu, Baguio, Quezon, và Iloilo.
Đừng tưởng làm hậu trường là dở nhé. Dự đoán năm 2015 họ thu về 25 tỷ đô la doanh thu, đóng góp khoảng 10% GDP cho cả nước. Có nhiều cái nghề cũng lợi hại thiệt chứ. Cái này Việt nam mình có muốn chưa chắc đã làm được đâu. Muốn làm cái nghề này đòi hỏi tiếng Anh phải xịn. Bây giờ thử kiểm tra xem so về tiếng Anh giữa họ và mình thì kết quả so sánh ra làm sao nhé. Theo một báo cáo của Trung tâm đánh giá giáo dục chuyên chấm điểm TOEFL (Test of English as a Foreign Language – Cuộc thi tiếng Anh là ngôn ngữ nước ngoài) thì Phillipines xếp hạng thứ 35 trong số 163 nước trên thế giới về mức độ thông thạo Anh ngữ. Nếu nói về châu Á thì Phillipines chỉ thua có Singapore (xếp hạng thứ 3 trên toàn thế giới), Ấn độ (xếp hạng thứ 19). Xếp hạng ở giữa nhóm có Việt nam (73), Thái lan (75), Đài loan (76). Còn xếp cuối bảng không lạ gì hơn là các nước Bắc Á như Hàn quốc (80), Trung quốc (105), và Nhật (135). Vậy nói về lợi thế hoà nhập vào văn hoá và kinh tế thế giới, Phillipines chắc chắn qua mặt mình rồi. Mà sao họ làm được điều đó vậy ta? Đơn giản là vì họ xem tiếng Anh như một kênh giao tiếp chứ không phải chỉ là một môn bắt buộc trong trường học. Ngoài việc học tiếng Anh ở trường ra, họ còn tiếp xúc với kênh xã hội như radio, bảng hiệu, thông cáo, vv sử dụng tiếng Anh như một trong hai ngôn ngữ chính của quốc gia này (ngôn ngữ chính là Tagalog). Các trường đại học hàng đầu của họ thì dạy tất cả các môn bằng tiếng Anh, vì vậy mà thu hút được nhiều du học sinh từ nhiều nước như Iran, Libya, Brazil, Nga, Nhật bản, và Trung quốc. Tiếng Anh nó lợi hại là như thế. Thời nay mà không có tiếng Anh thì cũng như là tự khoá cửa nhốt mình ở trong hang, nói làm chi cái chuyện thập thò bước ra thế giới. Ai chưa học thì hôm nay đăng ký đi học đi nhé. Còn ai đã học rồi thì lấy nó ra mà sử dụng. Học mà không xài thì nó mai một hết đi. Mấy cái bằng cấp tiếng Anh A, B, C gì đó ở Việt nam thiệt ra đâu có nghĩa lý gì. Chỉ cần giao tiếp được là OK hết thảy.
Ảnh: giao thông tại thành phố Makati
Kẻ đi
Tháng 11 và một buổi chiều nhạt nắng, tôi thơ thẩn bước vào nhà ga Roma Gemini để chuẩn bị đáp tàu từ Rome về lại Florence. Cũng như bao nhiêu sân ga tấp nập bước chân người, nếu tìm chắc sẽ gặp một góc bình yên đâu đó. Ly cà phê bốc khói, nhìn đời vội vã trôi qua. Một đôi mắt đậm buồn, nhìn chăm chăm vào hư ảo. Nếu biết sống và hiện diện trong hiện tại, bạn sẽ thấy mình mở lòng với thế giới xung quanh. Và cái năng lượng khổ đau chập chùng của người phụ nữ này chẳng biết sao cứ cứa từng nhát vào nỗi lòng xa xứ của tôi trong thời khắc đó.
“Bánh này ngon lắm. Thử đi”. Vậy thôi và câu chuyện bắt đầu.
Từ Phillipines chị dạt sang Anh đi làm y tá. Làm quá trời mà chẳng có dư. London đắt đỏ không dư thì cũng là lẽ thường tình, nên nghe nói có job bên Ý liền nhào qua đây kiếm sống. Qua Rome đổi nghề thành giúp việc, hồi đầu ở trong nhà người ta cho đỡ tốn tiền. Một thời gian thấy mất tự do và khó khăn trong cuộc sống tinh thần, chị tìm chổ khác đổi qua làm theo giờ để tối về nhà ngủ cho thoải mái. Mỗi tuần có 1 ngày nghỉ, cả đám cùng quê tụ tập nấu nướng cho đỡ nhớ quê hương. Chiều nay mới tụ tập xong về, ngày mai lại đi giúp việc. Sao câu chuyện kể mà khoé mắt cứ tối sầm. Tôi hỏi bôn ba thế bao lâu rồi và sao không trở về Phillipines tìm việc, chị nói tính đến nay đi đã 15 năm trời, cũng muốn về nhưng về rồi chẳng biết sống làm sao. Phillipines khó tìm việc, mà nếu có việc thì lương thấp lắm, lo làm sao cho nổi chi phí gia đình. Chia tay lên tàu, đêm đổ xuống trong tâm hồn một người con xa xứ.
Ảnh: đảo Cebu, một trong top 5 những hòn đảo đẹp và thu hút du lịch tại Đông Nam Á.
Người thì nhỏ con mà cái giỏ to đùng, lại phan thêm đôi giày cao gót vào nữa chứ. Trời ạ, đi ra sân bay mà thiếu hiểu biết kiểu này thì có mà chết đi thôi. Đi nhiều quá rồi, tôi đã học cách đi đứng thật nhẹ nhàng và thoải mái. Có thế mình mới tận hưởng được cái thú của một chuyến đi. Chứ hành lý chất đống đống, hàng hàng, lo kéo, lo đẩy không còn gì là vui nữa. Nói vậy thôi chứ người ta lâu lâu về thăm quê một bữa, mua quà mang về cho cả làng cũng là chuyện phải thôi. Thấy coi bộ nhấc đồ lên băng chuyền không nổi nữa rồi, tôi bước lên đỡ giúp. Cô em nhoẻn miệng cười, hiền hiền, e thẹn và cám ơn người xa lạ. Nhìn chắc khoảng chừng hai mươi mấy tuổi, điệu bộ thì chắc qua Dubai làm nghề giúp việc nhà (domestic helper). Qua khỏi cổng an ninh rồi, cô lại cám ơn và thế là chúng tôi bắt chuyện. Hỏi ra mới biết qua Dubai đi bán hàng trong một cái shop. Làm 3 năm rồi hôm nay mới được nghỉ về quê. Hỏi làm có được không và cuộc sống thế nào, cô em bảo cuộc sống Dubai đắt đỏ nên sống cũng qua ngày nhưng làm hoài mà không dư được đồng nào cả. “Nhưng mà kệ nó. Có job còn hơn không có chuyện gì làm”. Nói vậy rồi cười, nhí nhảnh móc cái điện thoại ra gọi ai ơi ới.
Dù là y tá, hát hò trong ban nhạc giải trí, hay đi giúp việc nhà, có đến 10% tổng dân số Phillipines bôn ba ở nước ngoài làm việc. 10% là bao nhiêu người biết không? Là khoảng 10 triệu người đó, và họ có mặt khắp nơi ở 182 quốc gia trên thế giới. Nghe mà phát hoảng. Có người tốt nghiệp đại học đàng hoàng, có người có bằng cấp giáo viên, nhưng lại phải túa ra đi làm giúp việc cho nước người ta. Cái nghèo nó ác như thế đó. Nhưng tưởng tượng một ngày kia khi họ trở về và mang theo cái hiểu biết của thế giới về với Phillipines thì sao nhỉ?
Box: Các nước có thu nhập kiều hối nhiều nhất trên thế giới, cũng đồng nghĩa với việc có nhiều người dân sống ở nước ngoài
Trích chương 19 - Những mảnh đời lưu lạc - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân
Comments