3 điều dễ ợt bạn có thể làm để xây dựng sự tự tin
- Phi Van Nguyen
- 28 thg 7, 2021
- 5 phút đọc
Đã cập nhật: 16 thg 8, 2021

Trong khi dịch diễn biến phức tạp, và mình bị nhốt trong nhà, có lẽ đây là thời gian tốt nhất để tập trung vào bản thân, dành thời gian mà mình chưa bao giờ dành cho bản thân vì sự cuống cuồng của vòng quay học hành, công việc. Trong mọi hành trình mà tôi trải qua trong đời, phải nói hành trình khám phá bản thân là đỉnh nhất. Bạn nghĩ mình hiểu bản thân? Không có đâu. Con người khi ở trong môi trường khác, khi dấn thân làm những điều mới mẻ, khi chấp nhận một thử thách mới, sẽ có cơ hội để ngỡ ngàng hơn về khả năng của bản thân mình. Còn ai cứ vậy làm hoài, quanh đi quẩn lại, thì muôn đời sẽ mắc kẹt ở level đó, không bao giờ có cơ hội khám phá những tiềm năng vô hạn và hết hồn khác của bản thân mình.
Người thành công, vui vẻ, hạnh phúc là vậy. Họ không ngừng khám phá bản thân. Họ luôn chấp nhận thử thách mới. Họ luôn học cái mới, làm cái mới, dấn thân vào dự án mới, gặp những con người mới, vv. Chính vì phải đối diện và tham gia thực hiện, triển khai cái mới mỗi ngày, họ nhìn thấy những tiềm năng mới bộc lộ từ chính mình, hiểu hơn về thế giới và bản thân, dần dần trở nên tự tin hơn vì khả năng thực hiện nhiều việc mà trước đây cứ tưởng mình sẽ không bao giờ làm được. Đây là cả một quá trình cần được rèn luyện hàng ngày.
Không có thuốc bổ gia truyền nào uống vô trở nên tự tin. Cũng không có lời khuyên nào nghe xong thì hết tự ti. Muốn trở nên tự tin, phải hành động, rèn luyện mỗi ngày, và đừng ngồi đếm xem hết bao nhiêu ngày thì mình sẽ tự tin. Cứ làm, cứ làm, cứ hồn nhiên tận hưởng hành trình khám phá bản thân, rồi bạn sẽ tự tin lúc nào không biết. Đó là cách tôi rèn luyện sự tự tin cho chính mình, từ một người trẻ Việt Nam nhút nhát, thành người có thể đứng trên sân khấu hàng ngàn doanh nhân, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn, công ty ngoài thế giới, một cách rất là chính mình. Giờ, tôi chia sẻ với các bạn cách tôi rèn luyện sự tự tin cho mình nhé.
Luôn luôn đang học một cái gì đó mới
Học cái gì cũng được, miễn là mới. Tốt nhất là bắt đầu từ những thứ bạn cực thích trước giờ nhưng chưa bao giờ có cơ hội học. Và đừng suốt ngày cứ nghĩ đến chuyện công việc, kinh doanh, kỹ năng tương lai gì gì đó. Học cái gì cũng tốt hết, vì nó cho bạn một góc nhìn mới từ môn đó, vì nó giúp não tạo ra những kết nối neuron thần kinh mới khiến bạn thông minh hơn, sáng tạo hơn. Ví dụ, hồi nhỏ tôi rất thích học nghệ thuật nhưng không có điều kiện. Sau này khi có điều kiện hơn, tôi đi học vẽ tranh, vẽ trên vải batik, học piano, học đàn cổ cầm, học viết thư pháp, học cách thưởng thức tranh, học pha trà, vv và vv. Danh sách những thứ tôi còn muốn học nó dài dằng dặc. Và mỗi năm khi đi du lịch, tôi đều tìm thêm những khoá học ngắn hạn, về những đề tài mình yêu thích để học.
Phải nói là, những thứ tưởng chừng học vô bổ, không liên quan gì đến công việc đó mới chính là những thứ làm cho tôi đầu óc ngày càng mở mang, thành kiến ngày càng biến mất, góc nhìn ngày càng đa dạng, sáng tạo hơn, và cũng vì vậy ngày càng tự tin hơn vì mình có quá nhiều trải nghiệm hay ho để chia sẻ, nhiều góc nhìn khiến người khác giật mình, nhiều câu chuyện để tương tác sâu và thú vị hơn với người xung quanh. Học gì cũng được. Học thứ bạn thích càng tốt vì nó sẽ khiến bạn hào hứng hơn, không bỏ cuộc. Học ngắn hạn, dài hạn, tự học, có thầy, online, offline gì cũng được, tuỳ mình thôi, sao tiện và thích thì làm. Nhưng luôn luôn giữ cho bản thân trong trạng thái đang học. Rồi, hôm nay ngồi rà lại, nếu thấy đang không học gì thì start liền nha. Chứ ở nhà quá trời thời gian để làm gì?
Luôn luôn đang tham gia làm một cái gì đó mới
Cái gì cũng được, miễn là mới. Có thể là một dự án xã hội, cộng đồng, sự kiện, lớp học, startup, nghiên cứu, vv. Cái gì cũng được, liên quan không liên quan đến sự nghiệp hay công việc cũng được. Không liên quan công việc mà liên quan đến sở thích càng hay. Làm cái gì mới cũng kích thích não bộ hoạt động trong trạng thái hứng khởi, open với cái mới, với những con người mới, với những cách làm mới, có khi thay đổi được nhiều định kiến cũ. Cứ vậy hoài, bạn trở thành người open lúc nào không hay.
Khi tiếp xúc với cái mới, bạn phải tư duy, suy nghĩ khác đi, tìm cách làm khác đi, vận hành khác đi với những con người rất khác. Thế là bạn sẽ tự nhiên nhận ra mình có thể nghĩ khác, làm khác, và có khi do nguồn lực hạn chế lúc đó, làm được nhiều thứ mà trước giờ mình sợ chưa dám làm. Giờ bị đẩy vô thế nên làm đại. Xong, thấy ủa mình cũng OK lắm chứ hả. Sự tự tin nó lớn lên nhờ như thế. Nhờ ủa ủa kiểu vậy vài ngàn lần trong đời.
Có dự định, ý tưởng đang lưu kho gì cứ lấy ra làm hết
Nhiều bạn có quá trời ý tưởng trong đầu, xong nghĩ mãi nghĩ mãi, càng nghĩ càng sợ làm không được, xong sợ quá xếp lại. Cái này hại lắm. Khi não nhận biết là bạn muốn rất nhiều nhưng chẳng làm được cái gì, toàn ngồi mơ mộng viễn vông, thì nó ám ảnh bạn là mình chỉ nghĩ được thôi chớ không có khả năng thực hiện cái quái gì. Thế là càng ngày ta càng tự nhiên mất tự tin, càng ngày càng nghi ngờ bản thân, và đến một lúc nào đó thì sợ quá chạy trốn, không dám nói, không dám phát biểu, không dám xung phong làm chuyện gì dù rất nhỏ.
Giờ bạn ngồi viết ra đi, viết hết tất cả những gì mình muốn làm, giả sử như bắt đầu 1 cái podcast đi chẳng hạn. Rồi xông vào tìm cách làm. Chỉ có thực hiện nó mới ra vấn đề, ra bài học, ra cái biết, không biết, và ép mình phải suy nghĩ nhiều cách giải quyết, và tạo ra những khoảnh khắc à ha khi tìm ra hay làm được thứ gì. Cứ vậy, tự nhiên bạn bớt lười biếng, bớt sợ hãi, bớt nghi ngờ bản thân, bớt tự hù doạ mình, thấy cái gì cũng có cách giải quyết, cái gì cũng có thể làm được, và đương nhiên trở nên tự tin hơn.
Đó, 3 bí kíp cực kỳ đơn giản, cực kỳ dễ thực hiện cho bất kỳ ai, dù đang ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào. Cho nên, đừng có biện minh biện hộ thì là vì tại bị nha. Không có thuốc gia truyền 3 đời uống vô thành tự tin đâu. Tự mình xông ra khám phá bản thân mình đi các bạn.
Comments