top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

SOCIAL SKILLS - KỸ NĂNG XÃ HỘI



Hôm qua, tôi đã chia sẻ kỹ năng cơ bản nhất để có thể hội nhập vào môi trường làm việc. Tuy nhiên, ngoài các kỹ năng cơ bản, làm việc là môi trường xã hội với nhiều mối quan hệ trong ngoài khác nhau, đòi hỏi người đi làm cần có các kỹ năng xã hội cần thiết để biết cách tương tác và quản trị những mối quan hệ đó. Vì vậy, để có thể thành công nơi công sở, ngoài kiến thức chuyên môn, ngoài kỹ năng cơ bản, bạn cần rèn luyện các kỹ năng xã hội. Dưới đây là 6 kỹ năng xã hội mà ai và công việc nào cũng cần.


1. Coordination – Sắp xếp: đây là là khả năng thay đổi hiệu chỉnh những gì cần làm theo sự thay đổi về hành động của người khác. Tại nơi làm việc, cho dù là sắp xếp một việc sắp làm hay thay đổi một việc đang làm vì có tác động khác, khả năng có thể linh hoạt sắp xếp lại mọi việc theo hoàn cảnh mới là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi tương lai là bất định và hoàn cảnh thay đổi rất bất thường không lường trước. Người có kỹ năng này dễ thích nghi, chuyển mình kịp thời và phản ứng nhanh với thay đổi.


2. Instructing – Hướng dẫn: đây là kỹ năng dạy / hướng dẫn người khác làm một việc gì đó. Tất cả các công việc vào lúc này hay lúc khác đều sẽ có nhu cầu cần hướng dẫn một ai đó làm một điều gì đó, dù là huấn luyện nội bộ, huấn luyện đối tác, hay hướng dẫn nhà cung cấp, khách hàng, vv. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng hướng dẫn và không phải ai cũng hướng dẫn được. Đây là kỹ năng, và là kỹ năng học được. Kỹ năng này đòi hỏi sự luyện tập, theo dõi, đánh giá và nâng cao liên tục qua trải nghiệm thực tế. Tốt nhất là chủ động nghe feedback của người được hướng dẫn và mentor / sếp / đồng nghiệp sau mỗi lần huấn luyện / hướng dẫn để có thể rút kinh nghiệm và làm tốt hơn lần sau.


3. Negotiation – Đàm phán: đây là kỹ năng đưa mọi người vào một không gian bình đẳng để có thể bàn bạc, hoà giải, đạt được sự đồng thuận một cách hài hoà nhất cho các bên. Kỹ năng này quan trọng không chỉ trong đối ngoại mà còn trong đối nội, và cần thiết cho bất kỳ công việc nào. Ai không có kỹ năng này sẽ khó mà tồn tại được, huống chi là phát triển nơi công sở.


4. Persuasion – Thuyết phục: là khả năng thuyết phục người khác thay đổi suy nghĩ hay hành động bất kỳ. Trong đời, nhất là đời đi làm, có lẽ bạn sẽ gặp sự bất đồng nhiều hơn là đồng ý. Sự bất đồng có thể đến từ cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, và đặc biệt là từ các bên thứ 3, đối tác, khách hàng, vv. Khi quyết định được đưa ra, dù là quyết định của bạn hay của sếp, của tổ chức, là người triển khai, thực hành, bạn cần có khả năng thuyết phục để người liên quan thực hiện theo, tốt nhất là tâm phục khẩu phục. Do đó, thiếu kỹ năng này thì khó mà chèo chống được trong môi trường công việc.


5. Service Orientation – Tâm phục vụ: luôn chủ động tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ người khác. Dù bạn đang làm nghề gì, bạn luôn luôn đang hỗ trợ một ai đó khác, có thể là đồng nghiệp, phòng ban trong tổ chức, hay khách hàng. Dù là trong hay ngoài tổ chức, người có kỹ năng này là người luôn tiến xa trong sự nghiệp vì họ luôn chủ động tìm kiếm, sáng tạo, và thử nghiệm những cách hỗ trợ người khác tốt hơn, và vì vậy luôn được người khác biết ơn, nể trọng, chú ý hơn.


6. Social Perceptiveness – Nhận thức xã hội: đây là khả năng nhận thức phản ứng của người khác và hiểu tại sao họ lại phản ứng như vậy. Trong môi trường làm việc ngày càng đa văn hoá, với cách tiếp cận công việc theo dự án, cần sự kế hợp của nhiều chuyên ngành và cá tính khác nhau, kỹ năng này ngày càng trở nên hết sức quan trọng để giúp bạn có thể làm việc nhóm, lãnh đạo nhóm, và quản trị dự án. Tất cả mọi việc trên đời, cuối cùng là do con người thực hiện với máy hoặc với người khác. Khi đã có yếu tố con người, thì luôn có phản ứng rất cá nhân, tuỳ thuộc vào môi trường, vào background – bối cảnh riêng, vào hoàn cảnh gia đình xã hội, vào tâm cảnh của người đó tại thời điểm phản ứng, vv. Ai hiểu được nguồn gốc của những phản ứng này là người có EQ cao và giải quyết vấn đề cực kỳ giỏi.


Kỹ năng xã hội là thứ hầu như không được dạy trong trường học. Vì vậy, khi biết bản thân cần những kỹ năng này, chúng ta cần lưu ý, tìm hiểu và tự rèn luyện. Cách tốt nhất để học là học qua trải nghiệm. Lưu ý tìm người giỏi các kỹ năng này tại nơi mình đang làm việc rồi quan sát và học hỏi từ họ. Sau đó tự mình phản tư mỗi ngày về cách phản ứng của chính mình. Nếu có mentor, chủ động hỏi và xin feedback từ mentor. Trong rất nhiều trường hợp, sếp trực tiếp của bạn chính là người có thể mentor tốt nhất về kỹ năng. Tuy nhiên, trách nhiệm phát triển bản thân là trách nhiệm của chính ta. Nếu ta không chủ động sẽ khó mà tiến bộ.

381 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page