top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

THỔ NHĨ KỲ - HÀNH TRÌNH DI SẢN


Đó là một bức tranh sử dụng những gam màu tương phản, dữ dội, có thể kéo căng cảm xúc của người xem về nhiều hướng khác nhau. Thổ Nhĩ Kỳ là một bức tranh như thế. Nó đẩy tôi về lịch sử sắc màu của 4 ngàn năm trước, rồi lại lôi tôi đi đến năng lượng trong suốt của tương lai. Tương phản, nhưng lại rất hài hoà. Một tác phẩm lạ kỳ, rất thân quen, đầy sáng tạo.


Ottoman – Đế chế hùng vĩ của lịch sử thế giới

Ở Việt nam mình ít học về lịch sử nhân loại và thế giới. Thế nhưng lịch sử chính là nền tảng của tương lai. Muốn hiểu về thế giới hôm nay, không thể nào tách rời lịch sử. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ không bao giờ cảm hết cái sâu sắc và nét đẹp tương phản lạ lùng của đất nước này nếu không ngược dòng thời gian, trở về với đế chế Ottoman hùng vĩ.



Ảnh: ngôi đền thờ Hồi giáo nổi tiếng mang tên “The Blue Mosque” (đền thờ xanh)


Ottoman hay đế chế Thổ Nhĩ Kỳ được hình thành từ những năm 1299. Họ hùng mạnh. Họ chinh phục. Và đến năm 1453, dưới thời quốc vương Mehmed – mệnh danh “Kẻ Chinh Phục”, đế chế Ottoman chiếm lĩnh Constantinople (Istanbul ngày nay). Thế kỷ 16 và 17 là những thế kỷ hùng vĩ nhất của đế chế Ottoman. Họ trị vì một thế giới trải rộng từ Đông nam châu Âu, Tây Á, khu vực Cáp-ca (khu vực nằm giữa biển Đen và biển Caspian), đến Bắc Phi và Horn of Africa (bán đảo Đông Bắc châu Phi). Ottoman trở thành trung tâm của mọi hoạt động và giao thương giữa Đông & Tây, giữa châu Á, Trung đông, và châu Âu hiện tại. Quả là một đế chế!



Ảnh: Cầu Bosphorous, cây cầu nối liền bên Á, bên Âu tại Istanbul.


Cấy râu

Đó là một trong những ngành đang thịnh hành nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, do ảnh hưởng của các diễn viên phim bộ. Cách làm là lấy lông từ những bộ phận khác và cấy dài lên mặt để nhìn bộ râu được dầy hơn. Một lần cấy là 5 ngàn đô la và phải mất 5 tiếng đồng hồ để cấy. Bác sỹ Selahattin Tulunay, người cấy khoảng 60 bộ râu mỗi tháng cho biết: “Râu bây giờ đang trở lại thành mốt. Nếu râu không mọc thì phải cấy để còn thể hiện cái tính đàn ông.”


Hồi xưa đàn ông Thổ là phải để râu. Sau này hiện đại rồi dần dần nhiều người không để nữa. Bây giờ quay lại thành mốt. Trở về quá khứ!


Mãi đến sau Chiến tranh thế giới thứ I, Ottoman mới suy yếu và tan rã, bị Anh, Pháp, Nga và Hy lạp xâm chiếm, rồi vùng lên giành lại độc lập tại lãnh thổ ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ chính thức khai sinh ngày 29/10/1923. Người có công lớn nhất, người được dân chúng đặt tên là Antaturk (Cha đẻ của Thổ Nhĩ Kỳ) là ông Mustafa Kemal, một trong những vị tướng dưới thời Ottoman. Nếu đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, bạn cần phải biết về Ottoman và Antaturk. Ottoman với sự hùng mạnh của một đế chế kéo dài trên 600 năm, một trong những đế chế dài nhất trong lịch sử thế giới, đã để lại cho Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay một kho tàng di sản khổng lồ.



Ảnh: đặc sản kẹo bánh của Thổ được biết đến dưới tên Turkish Delight (niềm khoái cảm Thổ Nhĩ Kỳ)


Điệu

Theo một nghiên cứu năm 2013, đàn ông Thổ dẫn đầu về cái khoản chăm sóc bề ngoài. Mỗi tuần họ bỏ ra đến 18.5 tiếng đồng hồ chỉ để chăm sóc bản thân. Nghiên cứu cũng cho thấy đàn ông Thổ coi trọng thời trang và phong cách ăn mặc nhất.


Cổ xưa trong hiện đại

Đó là cái cảm giác chung sống và chuyện trò cùng lịch sử. Kiến trúc của một đất nước đang vươn lên, mới mẻ, hiện đại, chen lẫn trên nền của những mái vòm Hồi giáo, những tường thành cũ kỹ, những lâu đài nguy nga. Thật cổ, thật mới, tương phản, hài hoà. Mãi cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa bao giờ bắt gặp một cảm xúc tương tự ở bất kỳ một nơi nào khác, cái cảm giác mượt mà, êm ả của hành trình từ quá khứ đến tương lai.


Rồi tôi bước đi, lang thang như một hành khách trên chuyến tàu thời gian không bến đỗ. Nép vào một góc hiện đại, ngắm nhìn quá khứ thăng hoa. Lên lên, xuống xuống, những con đường trải dài, cắt ngắn…. Và họ nhìn tôi. Hàng trăm cặp mắt đứng, ngồi, di chuyển, đổ vào tôi. Có một kẻ lạ mặt đi sâu vào từng con phố nhỏ. Quá khứ dõi theo.


Đàn ông & bóng đá

Theo văn hoá Thổ Nhĩ Kỳ, bạn không thể là đấng mày râu nếu không mê bóng đá. Nhờ hệ thống thuế khá ưu đãi, các cầu thủ đã qua thời rất thích về đây. Liên đoàn bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ thì ngược lại muốn phát triển cầu thủ nước nhà. Do đó, họ không cho phép câu lạc bộ bóng đá trong nước tuyển cầu thủ ngoại nếu chưa đón thuế hay trả lương đầy đủ cho cầu thủ nội.



Ảnh: kiến trúc pháo đài cổ Ottoman trong thành phố


Câu Lạc Bộ Triệu Triệu

Thị trường lớn thứ 16 của thế giới với dân số 76.7 triệu năm 2014.


Nền kinh tế lớn thứ 13 trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD* với tổng GDP 800 tỷ đô la (2014).


Mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới năm 2023, kỷ niệm 100 năm Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.


Một trong năm thị trường dự đoán sẽ khổng lồ của tương lai (viết tắt là NIMPTs – Nigeria, Indonesia, Mexico, the Phillipines, Turkey).


Tháng 5/2015 dự án phi trường lớn nhất thế giới khởi công tại Thổ Nhĩ Kỳ, dự tính có 6 đường băng và phục vụ 150 triệu hành khách mỗi năm.


Cầu nguyện trong lòng đất

Đền thờ Hồi giáo Sancaklar là đền thờ được xây dựng dưới lòng đất đầu tiên trên thế giới. Đền thờ có diện tích 1.200m2 và có sức chứa 650 người. Kiến trúc đền thờ là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Ottoman và kiến trúc Hồi giáo. Đền thờ mở cửa cuối tháng 1/2015. Thị trưởng quận Büyükçekmece, ông Hasan Akgün bày tỏ sự tự hào về việc có một đền thờ đạt giải kiến trúc tôn giáo độc đáo nhất thế giới trong khu vực do mình cai quản.



Ảnh: Đền thờ Hồi giáo Sancaklar – đền thờ trong lòng đất


Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang lao đi, lao nhanh về tương lai phía trước, trên cái nền quá khứ khoan thai, tĩnh lặng. Vươn lên cùng những nền kinh tế đang phát triển khổng lồ, họ gia nhập Câu Lạc Bộ Triệu Triệu (CLB Triệu Triệu). Nếu xét về giá trị GDP dự đoán cho năm 2030, ngoài Trung quốc, Ấn độ, Brazil, CLB Triệu Triệu đón mừng Nga, Mexico, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria, và Ả rập Xê Út, theo thứ tự như vậy về độ lớn. Tuy nhiên, nếu xét về mức độ tiêu xài trên mỗi đầu người của CLB chín thành viên này, Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu danh sách (gần 15 ngàn đô la). Và mặc dù bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khu vực châu Âu năm 2012 cùng cuộc nội chiến Syria làm cho mức tăng trưởng có phần chậm lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho GDP đầu người tăng gấp 3 lần trong vòng một thập kỷ, với số lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng đến gấp năm. Ấn tượng!


Vẫn cứ cổ cổ, lại vô cùng hiện đại, họ đã đi lên trên nền bản sắc. Không có một sự chối bỏ. Không có một chút lãng quên. Ôm chặt quá khứ vào lòng, họ vững chãi đi về phía trước. Di sản được trân trọng. Thế giới mãi ngắm nhìn.


Rô bốt hay khủng long?

Ngày 1/4/2015, một cái mô hình rô bốt kiểu Transformer khổng lồ được dựng lên tại Ankara với mục đích quảng bá cho một khu vui chơi sắp mở. Dân Thổ cho rằng con rô bốt này dựng lên kỷ niệm ngày Cá tháng tư. Nhiều người dân phàn nàn về việc dựng một thứ không có gì hay ho hết. Thị trưởng nghe được liền làm một cái nghiên cứu qua Twitter, hỏi người dân xem mong muốn thay tượng bằng mô hình gì khác. Chẳng lâu sau, con rô bốt bị thay bằng một mô hình khủng long T-Rex cao 3m và dài 10m.


Trích chương 8 - Cổ xưa trong hiện đại - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân


120 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page