top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

TÔI CÓ ĐANG CHỌN NGÀNH HỌC THEO VIỆC LÀM TỐT NHẤT CHO BẢN THÂN?



Đến nay, mình vẫn nhận rất nhiều câu hỏi của các bạn trẻ cấp 3 và đại học hỏi cô ơi em chọn ngành nào bây giờ, cô ơi em chọn ngành này được không, cô ơi chọn ngành này ra trường làm gì…. Những câu hỏi ngây thơ này đương nhiên không thể trả lời bằng 1 tin nhắn, vì nó liên quan đến quá nhiều thứ, từ khả năng của từng cá nhân đến xu hướng và tương lai nghề nghiệp. Ví dụ một em hỏi, cô ơi em học ngành AI được không. Mình hỏi lại em muốn làm gì mà học ngành AI. Bạn trả lời vì em muốn sau này startup đưa AI vào cho ngành marketing hiệu quả hơn. Mình hỏi vậy em có hiểu marketing là làm gì không? Em có biết tự động hoá trong marketing nhìn ra sao không? Em có biết AI giúp được gì cho ngành marketing không? Em có biết bản thân mình phù hợp với tech hay với marketing không, vì có thể em học tech cũng tham gia vào team này mà học marketing cũng có thể tham gia vào team này. Trong khi đó, 2 ngành này đòi hỏi tính cách, khả năng hoàn toàn khác nhau.


Thật ra chuyện hướng nghiệp, dạy nghề, hay tổ chức ngành học trong bất kỳ trường cấp 3, cao đẳng, đại học nào cũng nên bắt đầu từ xu hướng nghề nghiệp tương lai và khả năng của từng cá nhân. Vậy, nghĩa là việc hướng nghiệp cần bắt đầu từ trong trường phổ thông, và cần phải kết nối với hiện thực và tương lai của thế giới việc làm. Hiện thực và tương lai đó thì lại thay đổi đến chóng mặt từ ảnh hưởng của 4.0 đến sự thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức và đòi hỏi về năng lực nhân sự. Có thể nói, có những nghề mất đi, có những nghề hoàn toàn mới ra đời, có những nghề thay đổi bản chất và yêu cầu năng lực từ 20-80%, và còn rất ít nghề giữ cho thay đổi cực thấp dưới 20% (nhưng đương nhiên là vẫn thay đổi). Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là, những người hướng dẫn các em về nghề nghiệp và ngành học có cập nhật, hiểu đủ và hiểu đúng về những thay đổi này hay không? Khi người hướng dẫn còn chưa cập nhật thì làm sao các em chọn đúng ngành đúng nghề mà học?


Việc chọn học ngành gì, vì vậy cần phải bắt đầu từ việc các em được học về xu hướng nghề nghiệp tương lai, học cụ thể nghề đó là làm gì, yêu cầu đòi hỏi cụ thể thế nào, và yêu cầu đòi hỏi này có phù hợp với tính cách, thiên hướng, kiến thức, kỹ năng của các em hay không. Nếu những câu hỏi này mà không trả lời được thì không có cách nào chọn đúng ngành nghề để học. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta có quá nhiều thế hệ trẻ đang học và ra trường vẫn chưa hiểu tại sao mình học ngành đã học và học vậy thì ra trường làm được nghề gì. Sự bất cập này là do hệ thống giáo dục và chính việc tổ chức hướng nghiệp tại các trường đã quá lạc hậu. Nếu người hướng dẫn còn không cập nhật thì các em làm sao cập nhật? Hướng nghiệp, vì vậy, nên được đưa vào như 1 môn chính khoá, và nên có giáo trình cập nhật nhất về xu hướng chuyển động của thế giới, tương lai nghề nghiệp, tìm hiểu top các ngành nghề trên thế giới, cơ hội ngành nghề tại Việt Nam và nước ngoài, tìm hiểu bản thân, thiết kế cuộc đời và sự nghiệp, vv. Giáo trình hướng nghiệp phải là một cơ thể sống, được cập nhật phiên bản mới thường xuyên theo chuyển động của thị trường, và cần có người chuyên theo dõi xu hướng tương lai được giao cho nhiệm vụ quan trọng là cập nhận và triển khai phiên bàn mới. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể cho các em những định hướng mới nhất, hợp thời nhất, có giá trị cho tương lai nhất.

Chuyện quan trọng vậy mà nếu không làm một cách có hệ thống và cập nhật liên tục thì không có cách nào tạo ra những con người sẵn sàng cho thị trường lao động trong nước, nói chi đến tham gia thị trường lao động quốc tế. Bên cạnh đó, việc đưa các em đi thực tập tại các doanh nghiệp cũng thế, nếu không biết hướng về nghề nào thì đi thực tập gì? Trong khi đó, thực tập lại là quá trình thử nghiệm cực kỳ quan trọng trong thiết kế sự nghiệp để giúp cho các em hiểu lựa chọn của mình là nên hay không nên. Theo qui trình tư duy thiết kế thì bạn có thể chọn nhiều nghề nghiệp tương xứng với tính cách và khả năng của mình, nhưng bạn chỉ có thể à ha, chính là job này rồi sau khi đã thử nghiệm làm việc trong nghề nghiệp đó. Cho nên, nếu chưa làm bài tập thiết kế mà đã ùa ra đi thực tập thì chả có ích lợi gì, chẳng học được hay giúp cho quá trình đưa ra quyết định gì trong đời cả.


Đây là góc nhìn từ người sử dụng lao động, người chuyên nghiên cứu về xu hướng tương lai và đặc biệt là làm việc cùng các đội ngũ sáng tạo ra những mô hình tương lai. Đứng từ tương lai nhìn về hiện tại, góc nhìn của mình rất khác. Và việc chia sẻ góc nhìn này là để giúp cho những ai đang thiết kế chương trình cho các em nghĩ lại về cách tiếp cận. Giáo dục và hướng nghiệp cần bắt đầu từ nhu cầu tương lai và work backwards - thiết kế ngược lại thành chương trình hiện tại. Nếu không, chúng ta sẽ mãi mãi vẫn cứ tạo ra những thế hệ lạc hậu với thời cuộc. Khi đọc bài này - 50 best Jobs in America - 50 việc làm đang đứng top tại Mỹ năm 2022 trên báo Forbes chẳng hạn, mình nghĩ ngay đến việc các em có biết chuyện này không, người hướng dẫn các em có cập nhật việc này không, vì cập nhật mỗi ngày chính là chìa khoá quan trọng nhất để các em linh hoạt thay đổi và làm mới bản thân, sẵn sàng cho công việc mà mình sẽ chạm vào.


Mình share lại list 50 việc làm tốt nhất ở đây cho ai cần thì tham khảo nhé. Tốt nhất dựa vào mức độ hài lòng, lương và nhu cầu tuyển dụng của thị trường.







4.183 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Commentaires


bottom of page