Hôm qua gặp lại đứa em lâu ngày lắm rồi không gặp. Nếu 2003 là năm đại hạn về sức khoẻ của mình thì đó cũng là năm gập ghềnh nhất đời trong sự nghiệp và nhận thức của bạn. Con người chúng ta, một cách tự nhiên hay vô tình, rất nhiều khi bị dính chấp vào một cách nghĩ, tư tưởng, niềm tin hay hệ giá trị nào đó, và rồi lấy nó ra để làm cán cân công lý, tuyên xử người đời như nào là đúng, như nào là sai, như nào là không thể nào chấp nhận được.
Có điều, tên quan toà trong mỗi chúng ta đều tự mình soạn luật, tự mình tuyên luật, tự mình phán xét và cũng tự mình ra quyết định sẽ xử phạt người khác như nào theo phán quyết cá nhân. Ủa, ai cũng là quan toà, ai cũng thăng đường tự xử hết thì cuối cùng luật nào là đúng? 7 tỷ người 7 tỷ bộ luật, chơi vậy ai sống nổi? Muốn sống được, chắc chỉ còn cách kệ, kệ ai luật gì không quan tâm, không thấy không nghe không nói. Còn không nữa thì chắc tự mình phải ngộ ra, rằng thì sống trên đời này đừng trụ vô cái chi chi hết cho đỡ rắc rối. Đâu nhất thiết cứ phải khư khư ôm lấy cái hình tướng làm người tốt, người giỏi, người gương mẫu, người thành đạt, người đạo đức đồ này nọ rồi tự tạo cái sự khổ cho bản thân. Khổ xong, lại còn đi tìm con đường thoát khổ, xong lại va vào cái khổ trong cái sự đi tìm con đường thoát khổ…. Vậy là khổ mấy lần ta?
Nhiều người nghĩ, ôi đó là chuyện nhà người ta, còn mình thì là dân thoáng, tư duy mở, đầu óc sáng tạo cho nên mình khác người, làm những điều mình thích, kệ cha thiên hạ. Nhưng your way - cách của bạn, cách bạn định nghĩa thế nào là người thoáng hay như nào là người sáng tạo cũng chính là cái hình tướng bạn chấp vào, rồi lấy đó làm tiêu chuẩn để phán xét người khác. Nào là người ta tư duy lối mòn, nào là họ vô tri, thiếu hiểu biết, vô cùng lạc hậu, vv. Vậy thì cũng là mình lấy cái luật của mình ra phán xét người ta đó mà thôi, có khác chi đâu nà?
Ai sinh ra trong đời cũng bị cột bởi hệ giá trị có sẵn mà gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, quốc gia qui định. Một cách vô cùng tự nhiên, ta tiếp nhận trong quá trình lớn lên và trải nghiệm cuộc sống theo qui định xã hội. Nếu ta vô khuôn thì được gọi là công dân tốt, con ngoan, trò giỏi. Nếu ta lệch khuôn thì ta bị chỉ trích, trở thành outsider - kẻ bên lề. Dần dần, ta nhận thức được rằng, hoặc là ta vô khuôn, hoặc là ta tự nắn khuôn, hoặc là ta giỏi hơn thì đi kiến tạo một bộ khuôn cho bộ lạc riêng của mình mà ở đó ta trở thành thủ lĩnh. Kiểu nào, thì cũng có cái khuôn, chỉ là những chiếc khuôn to nhỏ, dày mỏng, màu sắc khác nhau mà thôi. Rồi ta lấy chiếc khuôn của mình ra so kè, chỉ trích, phê bình, phán xét khuôn kẻ khác. Ai cũng lăn ra cạn kiệt, mệt mỏi vì cuộc chiến bảo vệ chiếc khuôn này, vì ai cũng nghĩ khuôn nhà mình là tốt nhất. Chẳng phải vậy sao?
Với mình thì, ai khuôn nào cũng được, có khuôn không khuôn gì cũng được, hiểu hay không hiểu mình gì cũng được, đánh giá hay phán xét mình sao cũng được, thích hay anti mình gì cũng chẳng sao, vì tất cả những gì người khác nghĩ, nói hay làm đều xuất phát từ chiếc khuôn của họ. Rồi không lẽ suốt ngày mình cứ lao vào những cuộc chiến chứng tỏ chiếc khuôn nào là đúng, trong thị trường có 7 tỷ chiếc khuôn? Cỡ nào thì cũng phải có lệch pha. Làm gì có 2 con người với hệ giá trị và niềm tin giống hệt nhau? Làm gì có 2 trải nghiệm cuộc đời y sì như nhau? Làm gì có 2 nghệ nhân khuôn sáng tạo cùng một cách? Mà nếu đã vậy thì, sao mình phải chấp? Chỗ nào gặp nhau thì vui vẻ cộng tác. Đoạn nào đường ai nấy đi thì đường ai người ấy cứ đi. Có duyên thì va vào nhau. Hết duyên thì người lên tàu kẻ vương vấn ở sân ga. Đơn giản, nhẹ nhàng vậy thôi cho nó dễ.
Đời này vốn đã quá phức tạp rồi. Giờ mà còn giằng kéo nhau chuyện ai đúng ai sai, khuôn nào méo nào tròn thì chỉ có khổ chồng thêm khổ. Bản thân mình biết mình đang ở đâu, trạng thái thế nào là đủ, vì cuối cùng, cuộc đời này là hành trình bạn evolve - tiến hoá bản thân mà thôi, chớ có giành giật hay cào cấu được gì đâu. Đến tay trần mà ra đi cũng chân trần cơ mà. Trải nghiệm ở giữa là do mình kiến tạo nên. Mà cuộc đời của mình thì mình tự kiến tạo và tự chịu trách nhiệm chớ. Sao đi phán xét người khác làm gì? Rồi đi đấu đá với chiếc khuôn nhà người ta làm chi cho mất thời gian? Có khi mình nên focus vào chính bản thân mình kìa, vào chính tên quan toà trong nhà mình kìa, vào chiếc khuôn do chính mình nặn ra và khổ sở với nó kia kìa. Làm sao để từ có thành không, từ chấp vào khuôn thành vô khuôn, từ trụ thành vô trụ?
Nói vậy, nhưng chưa trải qua làm sao hiểu. Còn khi đã trải qua rồi thì mọi thứ bỗng trở nên trong veo, đơn giản, dễ dàng, nhẹ nhàng, sảng khoái. “Muốn cười ha ha sảng khoái không phải dễ”, một đứa em khác của mình sau khi trải qua biến động trong cuộc sống chia sẻ thế. Có đặt mọi thứ xuống nhẹ nhàng được không mà cười? Có bỏ qua được và nhìn thấy mọi sự chẳng là gì không mà cười? Có OK sao cũng được với những gì đang xảy đến với mình không mà cười? Có vượt qua được những lo lắng, sợ hãi về tương lai bất định không mà cười? Hoá ra, cười cũng mang màu sắc triết học phong phú vậy qua lăng kính của người vừa ngộ ra.
Có điều, chưa trải qua nhưng có nhận thức về sự to lớn của vũ trụ và sự hạn hẹp của cái tôi có khi là điểm khởi đầu. Câu hỏi rồi sẽ được đặt ra. Câu trả lời rồi từ từ rõ nét. Người hữu duyên đến để chỉ điểm hay dẫn dắt ta rồi sẽ xuất hiện. Vũ trụ rồi sẽ lên tiếng. Bằng không, nếu ta chỉ để mặc cho bản thân mình xoay vần trong sự cuống cuồng của cuộc sống và thế giới này, có khi ta vẫn chưa hiểu con game cuộc đời cho đến ngày nằm xuống. Khoác áo nhà tu vào có phải là người tu hành? Cởi áo nhà tu ra có phải là kẻ vô đạo hay không? Chiếc áo không làm nên thầy tu. Khi đã chấp vào, nghĩa là ta còn trụ. Còn trụ, là ta còn lăn tăn trong cái sự lu xu bu của trần gian này lắm. Những giá trị ta thuyết giảng và lấy ra phán xét, lại là một chiếc khuôn mang sắc thái tôn giáo theo cái hiểu của ta.
Có khi nào ta nghĩ, mình chẳng có chiếc áo nào không? Áo nào cũng được. Ai sao cũng được. Giúp được thì giúp. Chưa đủ sức giúp thì cũng chẳng sao. Khả năng mình tới đâu thì mình làm tới đó. Quan trọng là mình hiểu mình đang ở đâu và liên tục học hỏi, rèn luyện để tiến hoá. Vậy thôi! Còn hình tướng gì, có chi đâu là quan trọng?
Comments