top of page

TƯ DUY RÕ RÀNG - GIAO TIẾP RÕ RÀNG

Ảnh của tác giả: Phi Van NguyenPhi Van Nguyen



Số là mình làm việc với rất nhiều bạn trẻ và nhận thấy rất nhiều bạn không có kỹ năng giao tiếp rõ ràng, nghĩa là bạn nói quá trời xong mình vẫn chưa hiểu hoặc chưa đủ thông tin để hiểu rõ bạn muốn nói gì, điều bạn nói liên quan gì tới người nghe, hoặc nghe xong rồi sao nữa. Rất nhiều lần sau khi nghe xong mình phải hỏi đi hỏi lại, hỏi tới hỏi lui nhiều câu hỏi rồi thì mới vỡ ra ý bạn muốn nói là gì. 


Trong thế giới của sự chú ý ngắn hạn và trong thời đại mà người ta giành nhau từng giây để lôi kéo sự chú ý thì đây là một vấn đề gây khó khăn lớn nếu bạn mong muốn người khác chú ý và lắng nghe mình. Nếu thiếu đi kỹ năng này, bạn hầu như không có cơ hội để tiếp cận hoặc có tiếp cận được thì cũng không khiến cho người nghe cảm thấy quan tâm và giành thời gian để lắng nghe tiếp. Tôi là người tôi nghĩ cũng khá patient - kiên nhẫn. Nhưng nhiều khi kiên nhẫn đứng nghe gần 5 phút xong vẫn chưa hiểu ý muốn nói là gì thì chịu, không thể mất thời gian như vậy nữa. Tôi còn cho 5 phút chớ nhiều người khác có khi 30 giây là chia tay rồi.


Thành ra, dù đang đi học, đi làm hay khởi nghiệp, đây là kỹ năng quan trọng hàng đầu giúp bạn mở được những cánh cửa phía trước - giao tiếp rõ ràng. Vậy làm sao để có thể giao tiếp rõ ràng? Chia sẻ với các bạn 3 câu hỏi mà bạn phải trả lời được cho bản thân trước khi xách dép chạy đi tìm người để nói nha. Trả lời không xong thì hãy ngồi đó suy nghĩ cho đến khi có câu trả lời thì thôi. Đừng có vội vội vàng vàng đi kiếm người này người kia làm gì. Đi kiếm ai cũng khó. Thuyết phục người ta giành thời gian lắng nghe mình còn khó hơn. Xong vô nói blah blah một hồi người ta không hiểu mình muốn gì, tua cho qua luôn thì phí phạm 1 cơ hội. Cơ hội chỉ xài khi bản thân đã sẵn sàng thôi. Đừng có hấp tấp quơ quào cơ hội trong khi bản thân mình chưa sẵn sàng. Rồi, giờ tới 3 câu hỏi nè.


Câu hỏi 1: Mục tiêu rõ ràng của tôi khi giao tiếp là gì?

Chúng ta giao tiếp đều có mục tiêu, để người ta hiểu rõ và làm được, hiểu rõ và làm đúng, hiểu rõ và biết cần phải làm gì tiếp theo, hiểu rõ để đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ mình. Cho nên, giao tiếp không có nghĩa là nói. Giao tiếp là nói đúng cái thứ cần nói, cho đúng người nghe, với mục tiêu rất rõ ràng là để cho người ta action - hành động theo mục tiêu của mình. 


Vậy thì mục tiêu của bạn là gì? Cái này phải hết sức rõ ràng nhe. Hỏi 1 cái là phải trả lời được liền trong 1 nốt nhạc chứ đừng có ậm ờ. Ậm ờ là chưa rõ. Mà chưa rõ thì làm ơn im lặng. Tôi nói chuyện này với mục tiêu là…………. Điền vô chỗ trống đi. Tôi nói chuyện này với mục tiêu là nhờ cô Phi Vân cho một lời đánh giá về mô hình nhượng quyền của mình. Tôi nói chuyện này với mục tiêu là để ai đó nhắn ôi làm mentee, để họ hiểu tại sao dự án của tôi phù hợp với giá trị sống của họ và vì vậy sẽ đồng ý làm mentor cho tôi. Tôi nói chuyện này với mục tiêu là để sếp tôi đồng ý cho tôi thêm thời gian để hoàn thành việc lên kế hoạch, vv. Dù bạn đang muốn nói gì với ai, đây là câu hỏi đầu tiên mà bạn cần phải hỏi mình. Khi bạn rõ về mục tiêu thì bạn mới có thể truyền tải mục tiêu. Mà bạn truyền tải được mục tiêu thì người nghe mới hiểu bạn muốn gì. Chớ nói lòng vòng xứ Nghệ một hồi người ta vẫn không hiểu bạn nói để làm gì và người ta nghe để làm gì thì xong phim rồi. Phim chưa xem đã the end. 


Câu hỏi 2: Đối tượng rõ ràng tôi cần giao tiếp là ai? 

Khi bạn đi tìm ai đó để nói một việc gì đó, nghĩa là bạn đang muốn họ làm một việc gì đó cho mình. Đối tượng mục tiêu phải hết sức rõ ràng. Rất nhiều khi tôi đứng nghe một hồi rồi chỉ buông 1 câu, “Chuyện này em không nên tìm cô”. Vậy nghĩa là bạn chọn sai đối tượng để nói. Đến chuyện này cần nói cho ai mà cũng không rõ thì làm sao mà giao tiếp? Cho nên chuyện đầu tiên và cơ bản nhất là phải tìm đúng người cần nghe để mà nói. Mình không rảnh để đi nói lung tung. Người ta càng không rảnh để lắng nghe lao xao. Thời gian là thứ quý giá nhất trên đời. Bỏ bớt ba chuyện mất thời gian đi thì bạn sẽ trở nên hiệu quả hơn, có nhiều thời gian để làm những chuyện ý nghĩa hơn, ha. 


Rồi, giả sử mình đã tìm đúng người, chính xác là người mình cần nói rồi thì chuyện tiếp theo mình cần phải tìm hiểu là sử dụng ngôn ngữ gì và kênh tiếp cận nào để nói. Mỗi người đều có style tiếp cận khác nhau. Không phải ai mình cũng xông vào tranh thủ elevator pitch - trình bày nhanh trong vòng 1-2 phút. Có người thích thế, có người không. Có người OK chuyện đó nhưng chỉ cho bạn 1 phút. Nếu thấy không có gì đáng nghe thêm thì người ta cho qua ngay. Có người thì thích bạn phải gởi thông tin trước để xem, hiểu 1 phần rồi mới gặp. Có người thì quan trọng giá trị con người chứ không quan trọng thông tin bạn sắp nói nên họ muốn giành thời gian quan sát xem bạn có phải là người mà họ muốn tiếp xúc không, có giá trị tương đồng với họ không, rồi mới giành thời gian lắng nghe điều bạn nói. Có người thì nói gì cũng phải có logic, khoa học, có data - dữ liệu thông tin rõ ràng, vv. Có người thích sử dụng ngôn ngữ uyển chuyển, nhẹ nhàng bắt đầu câu chuyện. Nhưng củng có người phải direct - đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn súc tích và có căn cứ, vv. Mỗi người mỗi kiểu, mỗi nhà mỗi khác . Cho nên, câu hỏi tôi đang giao tiếp với ai là để bạn chuẩn bị cách tiếp cận, kênh tiếp cận, ngôn ngữ tiếp cận cho nó phù hợp với người ta thì người ta mới lắng nghe mình. Không phải cứ 1 cái content - nội dung đó mà nói, nói với ai cũng giống nhau. Cùng 1 nội dung, nói với 3 người khác nhau là phải nói 3 cách khác nhau. Mà lỡ phải nói với 10 người khác nhau thì phải có 10 cách nói khác nhau. 


Câu hỏi 3: Tôi cần nói rõ ràng chuyện gì?

Khi bạn hiểu mục tiêu giao tiếp là gì, và giao tiếp với ai rồi, thì lúc đó mới ngồi làm bài là mình sẽ nói gì. Bạn có cả kho dữ liệu, một lô thông tin, vài ba câu chuyện. Nhưng chọn trình bày thông tin nào, dữ liệu nào, kể chuyện gì là tuỳ thuộc vào đối tượng cần giao tiếp. Gặp người direct mà kể chuyện lòng vòng là out ngay. Gặp người thích hiểu về con người trước mà cứ đưa tới tấp dữ liệu thì hết phim. Cho nên nói gì, sắp xếp việc trình bày ra sao nó hoàn toàn phụ thuộc vào đối tượng mà bạn chia sẻ. Tôi gặp không biết bao nhiêu người cứ nhảy chồm chồm vào nói chuyện mình muốn nói, theo cách mình muốn nói. Kiểu này không những làm cho người ta không muốn nghe, có khi còn bị phản cảm nữa là khác, dù ý đồ của bạn là hoàn toàn tốt. Vì vậy, để đạt được mục tiêu khi giao tiếp, bạn phải siêng năng chuẩn bị bài khác nhau cho những đối tượng khác nhau. Củ khoai thì có khi nó là củ khoai sống, củ khoai nướng, miếng khoai chiên, khoanh khoai hấp, vv. Cuối cùng thì cũng là củ khoai thôi, nhưng cách bạn sử dụng thông tin gì về củ khoai để nói nó phải khác nhau tuỳ vào đối tượng và mức độ quan tâm của họ. 


Rồi, chỉ một chuyện là nói 1 thứ gì đó cho ai đó thôi cũng phải học, cũng phải chuẩn bị chứ không phải cứ xông vào là nói. Nhớ nhé! Tư duy rõ ràng đã rồi thì mình giao tiếp mới rõ ràng. Mà giao tiếp rõ ràng thì mới đạt được mục tiêu khi giao tiếp. 

1 Comment


tieungocpham3110
2 ngày trước

Con rất tâm đắc với bài viết này của cô Phi Vân, những gì cô chia sẻ rất thực tế và có tính ứng dụng cao. Con cảm ơn cô rất nhiều ạ!

Like

Bạn đã đăng ký thành công!

Nhập email để tự động nhận bài mới

©2021 by Nguyễn Phi Vân

bottom of page