top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

TƯ DUY TỔNG THỂ




“Em ơi, dừng lại ở đó, zoom out ra và nhìn vấn đề tổng thể theo những bước quan trọng đi.” Đây có lẽ là câu mà tôi sử dụng nhiều nhất khi trao đổi làm việc với các bạn trẻ. 


Rất nhiều bạn dù làm thuê hay kinh doanh đều hay bị rơi vào tình trạng lan man trong chi tiết. Có nhiều khi, cái sườn, bức tranh tổng thể ra sao hoàn toàn không biết nhưng lại dễ dàng đắm chìm trong một mớ chi tiết nào đó một cách hết sức say sưa. Ví dụ, bạn có thể miên man cà leo dưa muối là khi gặp người nào đó rồi mình sẽ nói những câu chuyện gì. Tuy nhiên, tại sao mình cần gặp người đó, tìm người đó ở đâu, liên hệ với họ như thế nào, làm cách nào để có thể tạo được cuộc hẹn với họ, vv thì lại hoàn toàn không có bất kỳ một suy tính chi chi. Khi mình còn không biết tại sao cần gặp họ, làm sao để gặp họ thì vẽ vời làm gì chi tiết về những gì mình sẽ nói? Mơ màng cho nhiều rồi không có cỡ nào gặp người ta thì mơ màng để làm gì?


Đó chỉ là một trong những ví dụ rất đơn giản để cho thấy con người rất dễ sa vào chi tiết mà quên tư duy về tổng thể. Đây là một trong những bệnh khá phổ biến tại Việt Nam , có lẽ một phần là do lỗi của việc giáo dục không dựa trên tư duy mà trên bài văn mẫu. Trong rất nhiều trường hợp, tôi phải chặn ngang chia sẻ lan man của người đối diện lại và yêu cầu phải lên khung sườn tổng thể của những gì bạn muốn trình bày trước khi đi vào chi tiết. Người bị mắc bệnh này không nhìn thấy tổng thể, không biết cách tư duy hoặc không tự tin về khả năng quản lý và diễn đạt tổng thể của mình. Do đó, họ tìm thấy vòng an toàn trong những chi tiết thông tin sẵn có hoặc quen thuộc. Đây cũng là lối mòn và cách thoát thân dễ dàng của những người không nắm chắc logic, thông tin hay giải pháp, đặc biệt là trong những cuộc họp quan trọng hoặc những cuộc họp cần báo cáo. Trong rất nhiều trường hợp, mặc dù đã yêu cầu các bạn thoát ra khỏi chi tiết và quay trở về với tổng thể, một số người vẫn loanh quanh, vòng vo rồi lại khoét vào chi tiết để tìm cách thoát khỏi những câu hỏi nền tảng, khó trả lời hoặc không có câu trả lời. 


Đây là chiếc bẫy cực kỳ nguy hiểm cho các bạn trẻ đang đi làm, đặc biệt là các bạn ở tầm trưởng đội nhóm, trưởng phòng, quản lý cấp trung. khi rơi vào thói quen không tư duy tổng thể mà sa đà vào chi tiết này, bạn thể hiện mình không có khả năng tổ chức, quản trị hay dẫn dắt bất kỳ đội ngũ hay dự án nào. Đối với những ai đang làm ở các vị trí quản lý cấp trung mà rơi vào bệnh này thì khó có thể thành công vì khiếm khuyết trong kỹ năng lãnh đạo. Làm gì có lãnh đạo nào chỉ lan man trong chi tiết mà không nhìn thấy bức tranh tổng thể? Ngược lại, họ nắm rất chắc tổng thể rồi mới triển khai vào chi tiết. Câu hỏi là, bạn có đang hoặc đôi khi rơi vào trạng thái này không? Nếu có, bạn cần phải tìm cách chữa. Sau đây là ba câu hỏi mà bạn có thể hỏi mình để giúp dẫn dắt tư duy tổng thể trong mọi vấn đề và trường hợp.


Mục tiêu, điểm đến mà chúng ta mong muốn là gì?

Làm gì cũng phải bắt đầu từ mục tiêu. nếu không, tất cả những gì chúng ta làm không đóng góp cho một thành tích chung nào cả. Như vậy, thì cực kỳ lãng phí thời gian và công sức. Cho dù chi tiết có hay ho và nên thơ đến thế nào đi chăng nữa, nếu chi tiết đó không đóng góp gì cho mục tiêu chung thì nó trở nên hết sức dư thừa. Có bỏ bao nhiêu thời gian và công sức để trau chuốt những chi tiết này rồi thì cũng trở thành cầu vồng để ngắm cho qua mấy cơn mưa. Cho nên, first thing first, làm gì cũng phải bắt đầu từ mục tiêu.


Các bước / yếu tố cơ bản, quan trọng để đạt được mục tiêu là gì?

Sau khi có điểm đến rồi thì người ta mới bắt đầu nghĩ về cách cấu trúc hành trình để đi đến đó. Để đạt được mục tiêu, cần bao nhiêu bước, phải xây dựng bao nhiêu lần tảng, cần làm xong xong bao nhiêu việc…. Xây nhà thì phải đổ móng. Biết mình cần bao nhiêu cây cột để xây dựng ngôi nhà vững chắc là yếu tố cực kỳ quan trọng trước khi tiến hành xây nhà. Do đó, cần dành thời gian phân tích, suy nghĩ, trao đổi cùng nhau để xây dựng nên sơ đồ kết cấu này Trước khi bước vào chi tiết.


Chi tiết triển khai từng bước như thế nào?

Sau khi có điểm đến, có bản đồ rồi thì người ta mới bắt đầu dấn thân và bước vào chi tiết. Tại đây, bạn mới dành thời gian để mơ màng và trau chuốt về những việc cụ thể mà mình sẽ triển khai. Các bạn thấy đấy, nếu bắt đầu từ đây mà thiếu đi hai bước đầu tiên thì làm sao biết được viên gạch mình đang trau chuốt sẽ được đặt vào đâu trong kết cấu ngôi nhà vững chắc và to lớn kia?


Làm gì cũng vậy, chi tiết là quan trọng nhưng chi tiết không làm nên giải pháp. Nếu học cách tư duy, nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách tổng thể, bạn mới có thể quản trị và dẫn dắt bất kỳ dự án nào mình tham gia đi đến thành công. Cho nên, lần sau đừng vội nhảy chầm vào chi tiết. Hãy tự hỏi mình ba câu hỏi trên đây và học cách tư duy tổng thể để thành công.

3.262 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page